Olympic PyeongChang với "vấn nạn thịt chó"
"Chúng tôi muốn chấm dứt thói quen ăn thịt chó ở Hàn Quốc. Chó là người bạn tốt nhất của con người và chúng ta không nên ăn chúng. Có người nói rằng, có 2 loại chó khác nhau - chó nuôi làm thú cưng và chó thịt. Nhưng qua nhiều năm điều tra, chúng tôi thấy biện luận này chẳng qua là một sự lấp liếm", bà Lola Webber, quản lý chiến dịch của tổ chức cứu trợ Humane Society International nói với tờ Korea Herald.
Tờ Time cũng cho biết, Hiệp hội Bảo vệ động vật Hàn Quốc đã đưa ra lời kêu gọi vì cho rằng, du khách quốc tế có thể phẫn nộ trước thói quen ăn thịt chó của người Hàn Quốc khi tới tham dự Thế vận hội Mùa đông 2018 (Olympic PyeongChang).
Và các nhà hoạt động về quyền động vật ở Hàn Quốc đang kêu gọi Chính phủ ban hành lệnh cấm bán và ăn thịt chó trước và trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông 2018.
Theo thống kê của tổ chức Trợ giúp Quốc tế cho động vật Hàn Quốc (IAKA), chỉ trong tháng 7-2017 đã có 149 con chó được tổ chức cứu trợ Human Society International giải cứu trước lễ hội Bok Nal - lễ hội ăn thịt chó diễn ra thường niên theo truyền thống của người Hàn Quốc.
Thế vận hội Mùa đông 2018 sắp diễn ra ở PyeongChang (Hàn Quốc). |
Tuy người dân xứ sở kim chi không thường xuyên ăn thịt chó, nhưng "mộc tồn" lại là món phổ biến trong thực đơn của nhà hàng và là một thành phần quan trọng trong một số công thức nấu ăn truyền thống và các ứng dụng y học ở Hàn Quốc.
Động thái kể trên diễn ra trong bối cảnh Seoul sẽ cung cấp những cơ sở và tiện nghi cần thiết cho Bình Nhưỡng, khi vận động viên và quan chức Triều Tiên tới dự Olympic PyeongChang, sẽ diễn ra từ 9-2 đến 25-2-2018.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 8-1, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thông báo, sẽ cho Triều Tiên thêm thời gian để quyết định việc cử đoàn tham dự Olympic PyeongChang.
Về phần mình, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Moon Jae-in đã nhất trí không tiến hành cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn trong thời gian diễn ra Olympic PyeongChang.
Cùng ngày 8-1, hãng Yonhap dẫn kết quả thăm dò cho thấy, hơn 50% người dân Hàn Quốc nhất trí hỗ trợ trả chi phí cho đoàn vận động viên và cổ động viên Triều Tiên nếu họ tham dự Olympic PyeongChang.
Ban tổ chức Olympic PyeongChang cũng cho biết, đã chuẩn bị một du thuyền cho đoàn Triều Tiên dùng làm phương tiện đi lại và lưu trú. "Chúng tôi đang chuẩn bị cho trường hợp Triều Tiên không những cử vận động viên, mà cả đội ngũ hỗ trợ và nhóm hoạt náo tham gia.
IOC đã nhiều lần ủng hộ sự góp mặt của Bình Nhưỡng", ông Lee Hee beom, Chủ tịch ban tổ chức khẳng định. Ông Choi Moon-soon, Thống đốc tỉnh Gangwon, nơi diễn ra Olympic PyeongChang cũng thông báo, họ sẵn sàng dùng một du thuyền để đưa đoàn Triều Tiên đến cảng Sokcho gần với những điểm thi đấu và đã trao đổi vấn đề này với quan chức Bình Nhưỡng.
Theo giới truyền thông, Hàn Quốc đã khai trương tuyến đường sắt cao tốc mới nối Thủ đô Seoul với các điểm thi đấu của Olympic PyeongChang. Và tuyến đường sắt này sẽ có 51 chuyến chạy mỗi ngày với sức chở tối đa gần 21.000 hành khách.
Được biết, Hàn Quốc đã triển khai 85 robot trong dịp diễn ra Olympic PyeongChang để phục vụ công tác tổ chức - từ rước đuốc, hướng dẫn, hỗ trợ, tới phiên dịch (nói thành thạo 4 thứ tiếng Hàn, Trung, Nhật và Anh) và nhiều nhiệm vụ khác.
Hàn Quốc cũng đã triển khai một loạt phương tiện hiện đại nhằm phục vụ Olympic PyeongChang như sử dụng xe bus chạy bằng nguyên liệu hydro có thể di chuyển quãng đường 300km chỉ với một lần sạc, hay xe tự lái vận hành trên tuyến đường nối giữa Thủ đô Seoul và thành phố PyeongChang.
Và để đảm bảo an toàn cho Olympic PyeongChang, Chính phủ Hàn Quốc đã trục xuất nhiều thành viên của các nhóm khủng bố quốc tế hoặc nằm trong danh sách đen của một số quốc gia nhằm ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố.
Theo tờ Korea Times, Seoul đã trục xuất 17 người nước ngoài (đến từ 5 quốc gia, trong đó chủ yếu từ khu vực Trung Á và Đông Nam Á) với cáo buộc là thành phần nguy hiểm.
Hàn Quốc đã công bố thiết kế của các bục trao giải, trang phục chính thức, âm nhạc và quà tặng cho vận động viên giành huy chương. Theo đó, các buổi lễ đều được tổ chức trang trọng tại khu Medal Plaza trong tổ hợp Olympic Plaza ở thành phố PyeongChang, cách Thủ đô Seoul 180km về phía Đông. Tuy không có hoa tặng cho người nhận giải, nhưng Ban tổ chức đã chuẩn bị những linh vật phiên bản nhỏ có gắn "Usahwa", một loại hoa giấy truyền thống thường được trao cho những sỹ tử đỗ đạt tại các kỳ thi quốc gia dưới thời Vương triều Joseon. Quà tặng cho vận động viên giành huy chương sẽ là hình chú hổ trắng Soohorang, linh vật của Olympic PyeongChang và chú gấu mặt trăng Bandapi, linh vật của Paralympic 2018 cùng một món quà là tác phẩm tạo bằng gỗ. |