Phía sau chức vô địch Roland Garros 204 của Sharapova: Liệu còn... "mất hút"?
Vô địch một giải Grand Slam đã khó, nhưng vô địch Roland Garros - giải đấu diễn ra mặt sân đất nện lại càng khó hơn bởi tính chất đặc thù của loại đất màu đỏ. Vậy nhưng, Maria Sharapova, "búp bê" của làng banh nỉ thế giới đã làm được điều này tới 2 lần, sau chiến thắng 6-4, 6-7, 6-4 trước Simona Halep vào tối ngày 7 tháng 6 vừa qua.
Masha vượt qua chính mình
Không một nhà vô địch Grand Slam nào phải trải qua hành trình vất vả như Sharapova. Kể từ vòng 4, trận nào Sharapova cũng đánh đến 3 set mới giành được chiến thắng. Trong quá khứ, chưa từng có một tay vợt nào tốn nhiều sức như vậy để vô địch Roland Garros.
Nếu nhìn vào thống kê giữa Sharapova và Halep, chắc hẳn nhiều người sẽ giật mình bởi số lỗi giao bóng kép của Masha lên tới… 12, cao nhất trong lịch sử các trận chung kết đơn nữ Roland Garros. Khởi đầu trận đấu, Sharapova để mất break ngay ở giơ giao bóng đầu tiên và bị dẫn trước 0-2.
Phát biểu trong lễ đăng quang, Sharapova chia sẻ: "Đây là trận đấu khó khăn nhất trong sự nghiệp của tôi. Bằng ý chí và cả may mắn, tôi đã vượt qua chính mình. Với Halep, ở trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, cô ấy đã chơi rất xuất sắc." Trên BXH mới nhất của WTA, Sharapova leo lên vị trí thứ 5, còn Halep tịnh tiến tới vị trí số 3.
Còn đó những nỗi lo
Đây không phải lần đầu Sharapova vô địch Grand Slam. Thậm chí, cô đã vô địch tới 5 lần. Tuy nhiên, sau mỗi chức vô địch ấy, Sharapova gần như"mất hút". Theo thống kê của trang Coretennis thì 7 năm qua, vị trí trên BXH WTA của Sharapova dao động khoảng… 50 lần. Ngay trước thềm Roland Garros 2014, Sharapova còn bị loại ở vòng 1/8 Rome Master dù trước đó đúngmột tuần, tay vợt sinh năm 1987 còn lên ngôi ở Madrid. Rõ ràng, sự thiếu ổn định khiến Sharapova chưa thể sánh ngang với các đàn chị Serena Williams, Justin Henin hay Gabriela Sabatini. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có 3 yếu tố chính tác động lên phong độ của Sharapova.
Thứ nhất, điểm yếu giao bóng luôn là vấn đề nan giải với các HLV hướng dẫn Sharapova. Sở hữu chiều cao 1m88 nhưng Sharapova gặp khó khăn trong động tác duỗi cổ tay, khiến trái bóng hay rúc lưới hoặc bay ra ngoài.
Thứ hai, khả năng di chuyển của Sharapova còn nhiều hạn chế. Theo nhận xét của giới mộ điệu, so với 10 năm trước, thời điểm Sharapova vô địch Wimbledon ở tuổi 17, những bước chạy của cô vẫn khá nặng nề và dồn quá nhiều trọng tâm vào đầu gối. Đây là lý do chính dẫn đến việc Sharapova không thể đánh trả dọc dây chính xác (cú passing) ở những tình huống bị ép góc. Trong trận chung kết Roland Garros 2014 gặp Halep, Sharapova có 52 lỗi đánh bóng hỏng.
Cuối cùng, vẻ đẹp thiên phú vô tình khiến sự nghiệp của Sharapova gặp trắc trở. Nhờ bề ngoài quyến rũ nên Sharapova nhận vô số hợp đồng quảng cáo của các hãng mỹ phẩm, đồ uống, đồ lót mỗi năm. Hệ quả là chuyện chuyên môn bị Sharapova lơ là. Theo công bố của tạp chí Forbes, tổng thu nhập của Sharapova năm 2013 là 29 triệu usd, 2/3 trong số đó đến từ… ngoài sân quần vợt.
Grand Slam, sân chơi của "nhà giàu"
16 trận chung kết Grand Slam nội dung đơn nữ gần đây đều diễn ra theo kịch bản: "cửa trên" thắng "cửa dưới", ngoại trừ trường hợp của Samantha Stosur đánh bại Serena Willams tại US Open 2011 và Kvitova khuất phục Sharapova tại Wimbledon cùng năm. Nghiên cứu mới đây của đài BBC cho thấy, đa phần các tay vợt nữ có điều kiện ăn ở, thu nhập, mức độ nổi tiếng vượt trội đều nắm ưu thế những trận đánh lớn.
Halep cũng chẳng thể thoát khỏi định mệnh khắc nghiệt đó. Không để thua một set nào trên đường vào chung kết, thi đấu có phần trên cơ nhưng tay vợt người Romania vẫn ngậm ngùi nhìn Sharapova lên ngôi. Tất nhiên, với bản thân Halep thì về nhì tại Roland Garros là thành công ngoài mong đợi. Nhưng không vì thế mà con đường đợi Halep phía trước trải đầy hoa hồng.
Petra Kvitova từng tạo nên cơn sốt khi vô địch Wimbledon 2011, nhưng đó cũng là tất cả những gì tay vợt người CH Séc làm được. Kvitova tiết lộ, sự nghiệp tennis của cô không có bước đột phá lớn vì số tiền kiếm được từ tennis chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, chi phí di chuyển từ giải đấu này sang giải đấu khác. Nếu không có hỗ trợ của các hợp đồng quảng cáo hay công việc kinh doanh riêng, mỗi tay vợt chỉ đủ sức kiếm tối đa 800.000 usd/năm. Con số này, trong giới quần vợt là quá ít ỏi để tồn tại