Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã:

Phim Việt thiếu sự ám ảnh về số phận con người

10:46 25/10/2016
Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội đang đến gần, đây cũng là cơ hội để điện ảnh Việt Nam cọ xát với điện ảnh khu vực và thế giới. Nhưng Liên hoan cũng khiến những ai tâm huyết với điện ảnh Việt giật mình nhìn lại, chúng ta đang ở đâu trên bản đồ điện ảnh khu vực. 


Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã có cuộc trò chuyện rất thẳng thắn với phóng viên chuyên đề CSTC về vấn đề này.

- Theo chị, điện ảnh Việt Nam đang có những dấu hiệu khởi sắc hay không khi nhìn vào số lượng phim ra rạp khá phong phú trong thời gian qua?

+ Nếu nhìn ở bình diện rộng, tính cả phim xã hội hóa thì nền điện ảnh của chúng ta không đến nỗi èo uột lắm, có một số phim nổi trội. Tuy nhiên, chất lượng vẫn là điều đáng bàn. Người ta làm phim mà không hướng tới sự chuẩn mực, chuyên nghiệp.

Sự chuẩn mực của thể loại, của nghiệp vụ sẽ níu giữ khán giả nhưng không phải nhà sản xuất nào cũng hiểu điều đó. Thực tế, chúng ta có nhiều phim giải trí người ta quên ngay lập tức, tôi ngồi ở hội đồng duyệt và tự hỏi không hiểu sao lại bỏ tiền ra làm những bộ phim như thế.

Có thể nó vẫn thu hồi được vốn, nhưng nó không góp phần gì vào diện mạo của điện ảnh cả. Việc làm của họ chỉ hướng đến tiền, nếu họ không nghĩ sâu, không thận trọng, họ sẽ mất rất nhiều khán giả, bởi nếu làm phim tử tế, dù bất cứ là thể loại phim gì, giải trí, kinh dị, họ cũng sẽ có số khán giả đến xem rộng hơn.

Một người nghiêm chỉnh, khó tính có thể vẫn thích giải trí. Nhưng hầu như bây giờ phim Việt chỉ nhăm nhăm hướng tới cười thôi, chúng tôi gọi là phim không có calo.

- Nhưng liệu công luận có quá khắt khe không khi thời gian qua, phim Việt rõ ràng đã có những tín hiệu tốt khi ra rạp?

+ Đúng là công luận và có phần hơi cực đoan. Với những phim nghiêm chỉnh do nhà nước bỏ tiền, họ quá khắt khe, săm soi nó, phim này có mang lại điều gì không. Nhà nước hướng tới mục tiêu nào thì mục tiêu đó phải nổi trội, mục tiêu tuyên truyền đặt lên hàng đầu, thì khó ra rạp để thu hồi vốn.

Chúng ta đã có những đánh giá thiếu công bằng với người trẻ. Như phim "Người trở về", một nỗ lực rất mạnh mẽ và quyết liệt của đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền. Tất nhiên có những phần yếu của nghiệp vụ, chưa tới.

Nhưng phủ nhận nó một cách phũ phàng là không được. Cũng như thế với "Cuộc đời của Yến", của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ. Cậu ta đang nghĩ đến một điều rất tử tế, tôn vinh một đạo lý truyền thống, lại xúm vào chê, thậm chí có ý nghĩ cho rằng, không phải cậu ấy làm.

Điều đó rất dở, thiếu tin tưởng vào người trẻ. Cách nhìn của giới làm nghề, của các nhà báo vào một sản phẩm nghệ thuật như vậy là phiến diện, bằng những yêu ghét riêng tư, nên điện ảnh Việt khó mà phát triển được.

- Cứ hai năm lại một mùa Liên hoan phim Quốc tế, đây cũng là một cơ hội để chúng ta được cọ xát với nhiều nhà làm phim nổi tiếng, để thấy điện ảnh Việt đang nằm ở đâu trên bản đồ khu vực. Theo chị, chúng ta đang ở đâu?

+ Tôi may mắn được xem một số phim chuẩn bị đưa ra công chiếu tại Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội và thấy một điều rằng, thế giới đã đi cách xa mình về tư duy điện ảnh, kể cả phim tài liệu.

Liên hoan phim Quốc tế là cơ hội cho những người trẻ.

Có những phim tài liệu rất hay, số phận con người rõ ràng. Còn phim tài liệu của mình phần lớn đưa ra một định đề và cả bộ phim đi chứng minh cho định đề đó, chứ không phải đi vào số phận con người và tự số phận sẽ nói lên. Phim nước ngoài họ giải mã một số phận, một hiện tượng và cùng khán giả tò mò đi vào thế giới đó.

Còn mình vẫn giữ tư duy, tôi có một chủ đề và tôi chứng minh cho chủ đề đó. Kiểu làm phim chứng minh làm cho bộ phim khô cứng. Còn phim truyện, đâu cứ phải nhiều tiền, bom tấn mới có phim hay. Tôi xem một bộ phim của Singapore mà tôi chết lặng người bởi sự ám ảnh của nó.

Trong một ngôi nhà, một căn hộ, chỉ có hai diễn viên thôi, nói về vấn đề lạm dụng tình dục, về nỗi đau của người lớn và đứa trẻ. Chúng ta rất cần tác giả nghĩ thấu đáo, nghĩ chính xác về điều mình làm sẽ ra vấn đề, cái thiếu của chúng ta là bất cứ thể loại phim gì, chúng ta cũng chỉ nhăm nhăm đi chứng minh vấn đề nọ kia mà không để câu chuyện phát triển tự nhiên.

Phim của mình triết lý đều ra miệng hết, cả phim giải trí, xã hội hóa cũng thế, không diễn đạt bằng tình huống kịch. Tình huống kịch trong điện ảnh là ngôn ngữ toàn cầu, có thể nói, có thể không nói, nhưng người không cùng ngôn ngữ có thể hiểu được.

Phim Việt thiếu ngôn ngữ toàn cầu khiến nó cứ ở trong vòng cương tỏa của biên giới, kể cả phim vượt ra được cũng không đạt tới một cấp cao nào đó. Làm liên hoan để thấy nền điện ảnh chúng ta lép vế để thấy, chỗ đứng của điện ảnh Việt ở đâu trong bản đồ khu vực.

Campuchia cũng đã có giải quốc tế, Philippines cũng có, trong khi chúng ta, một nền điện ảnh lâu đời hơn họ, không tạo nên truyền thống được. Nhiều người nói rằng, không cải tiến, cách tân mà cứ kể đúng câu chuyện thôi. Ta cố nhồi nhét nhiều thứ quá vào một câu chuyện, quá nhiều ý nghĩa đè lấp lên nhau.

Chúng ta làm phim trong trạng thái ngập ngừng, không tới, nếu vượt ra khỏi trạng thái trung bình thì dễ bị lố, thiếu thẩm mỹ. Chất mỹ cảm, thẩm mỹ cao đang thiếu, nhiều phim quá mải mê theo đuổi những cái đặc biệt nhưng lại thiếu chất mỹ cảm. Như "Vĩnh cửu" của Trần Anh Hùng, cốt truyện không có gì nhưng đẹp vô cùng, diễn viên đẹp, bối cảnh đẹp, âm nhạc đẹp.

Nó mang lại xúc cảm cho người xem và xem xong, người ta thấy cuộc đời rất đẹp dù có nhiều biến cố. Nó tạo cảm giác cho mình bước vào một thế giới đẹp đẽ. Đó chính là những giá trị mà bộ phim mang lại.

- Chúng ta nói mãi về sự trì trệ, lạc hậu của phim Việt. Nhưng, không hiểu căn nguyên của nó từ đâu khi nền điện ảnh chúng ta đã từng có một quá khứ rực rỡ và lịch sử lâu đời, hơn cả những nền điện ảnh trong khu vực?

+ Trạng thái làm phim kiếm tiền, làm nhanh, ra rạp đúng mùa, còn những người làm chỉn chu cũng không lật đi lật lại vấn đề để nhìn cho thấu đáo. Bản chất nghệ sĩ là cực đoan nhưng tôi có làm phim cho tôi xem đâu.

Tôi làm phim cho đại chúng và tôi phải nhìn nó bằng con mắt của nhân quần. Nghệ sĩ phải đánh giá mọi thứ một cách công bằng thì người xem sẽ cảm nhận được tình thương của nghệ sĩ với mọi kiếp người. Như thế tốt hơn nhiều.

Phim của mình hoặc trắng đen rõ ràng, hoặc tuyên truyền lố quá, luôn ở mức độ lệch lạc, thiếu cái nhìn công bằng với cuộc sống trong mọi trạng thái. Một điều nữa là do cách giáo dục của mình theo một lối mòn, các giá trị cá nhân không được khẳng định. Đây là một điểm yếu khiến phim truyện khó bật lên được.

Trong khi sự sắc sảo của cá nhân nghệ sĩ nằm ở đó. Chân dung cá nhân không có. Vai trò cá nhân đã được để ý đến, nhưng rất mờ nhạt, dấu vết cá nhân trong tác phẩm rất nhạt nhòa, vì thế phim Việt thiếu sự ám ảnh về số phận con người. Chủ nghĩa cá nhân không đủ lớn để tạo nên số phận cá nhân của nhân vật.

Phim “Cuộc đời của Yến” từng giành giải thưởng tại Liên hoan phim ở Philippines.

Tôi cũng phải rất lâu mới nhận ra điều đó, sau bao nhiêu thất bại, tôi tự hỏi, tại sao mình đổ tâm đổ sức ra như thế mà phim vẫn chưa hay, vì tôi chưa đi tới đầy đủ số phận cá nhân của con người. Kể cả những phim chính tôi được giải bây giờ nhìn lại vẫn thấy không ổn, đó là những mô hình di động, các nhân vật là các modul lắp ráp, đi như những ma-nơ-canh, không có khí sắc riêng.

Rõ ràng, nếu ta nghĩ về con người như một cá nhân, một thực thể độc lập, ta mới thể hiện họ một cách đầy đủ. Điều đó phải ở trong chính nghệ sĩ, bản thân họ phải là một thực thể độc lập trước đã.

- Và chính điều đó dẫn đến một lối tư duy cũ, một ngôn ngữ điện ảnh rất cũ trong phim Việt?

+ Đúng thế. Bản chất cách nhìn của chúng ta vẫn bị cũ. Như phim "Tấm Cám, chuyện chưa kể" cũng thế. Trong khi thế giới, phiên bản "Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn" rất khác nhau.

Còn chúng ta vẫn làm phim theo kiểu an toàn, truyền thống. Một vấn đề tôi rất muốn nói ở đây, thời gian qua, tôi tiếc nhất câu chuyện mà nó không được tiếp tục, đó là cách làm phim của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".

Tôi không bàn đến chuyện phim hay hay dở, cái quan trọng nhất, lần đầu tiên và tôi e sợ là lần duy nhất đồng tiền của tư nhân và nhà nước hợp tác với nhau cùng tạo nên một hiện tượng và sau đó không tiếp tục nữa. Cục Điện ảnh rất mong muốn như thế, nhưng Cục phải có vốn đã.

Nhưng cả năm nay không có tiền thì lấy tư thế nào kêu gọi sự hợp tác. Phần tiền đó của nhà nước sẽ góp phần tạo ra dòng chủ lưu của điện ảnh. Hiện nay, nhà nước không chi tiền cho điện ảnh.

Vậy làm thế nào để tiếp tục được? Đây là trò chơi của tiền bạc, rất tốn tiền. Tôi đang nghĩ, sắp tới liên hoan phim sẽ có gì để liên hoan với nhau đây, và dòng chủ lưu của điện ảnh nằm ở đâu. Rất nhiều công mới có một loạt phim khởi sắc nhưng lại lặng đi rồi.

- Nhưng tôi vẫn thấy khởi sắc không từ phía phim nhà nước đặt hàng, mà từ những nhà làm phim độc lập, từ một thế hệ trẻ của điện ảnh Việt. Theo chị, chúng ta có quyền tin vào họ không?

+ Đúng là Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội dành cho những người trẻ, vì họ tiếp cận với cái mới dễ dàng hơn, họ có ngoại ngữ và cái nhìn mở. Như thế hệ chúng tôi khó thay đổi lắm, tôi có thể nhìn ra điểm yếu của mình và đồng nghiệp, nhưng để thay đổi nó lúc này thì khó. Nền điện ảnh chúng ta cần thay đổi để tạo nên một thế hệ điện ảnh mới.

Nếu chúng ta có một lộ trình bài bản hơn, tạo cơ hội cho những người trẻ sang nước ngoài như Hàn Quốc chẳng hạn, thì làn sóng điện ảnh mới sẽ mạnh mẽ hơn. Ở đây chúng ta vẫn chỉ là bột phát, thử nghiệm nho nhỏ chứ không tạo nên làn sóng được.

Không phải ai cũng sẵn sàng cuộc chơi bởi thể nghiệm đầy hiểm họa, không thể thu hồi vốn. Liên hoan này đánh thức khát vọng của người trẻ, có thể con đường của họ trúc trắc nhưng rồi họ sẽ tìm được đường đi.

Như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, tôi tin cô có một nguyên tắc làm phim gần giống Trần Anh Hùng, làm phim sẽ làm tử tế, làm cái mình muốn, không thì thôi, nên cô không tham gia vào những dự án kiếm tiền.

Đây là một tín hiệu mừng vì họ vẫn say đắm với điện ảnh chứ không coi đó là một phương tiện kiếm tiền. Những cái trong trẻo nhất, mãnh liệt nhất họ vẫn giữ được. Hy vọng cứ như thế, chúng ta sẽ có làn sóng đổi mới điện ảnh, thôi cứ chờ đợi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Việt Hà (thực hiện)

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文