Phim Việt trở về với những giá trị truyền thống
Trong một cuộc trò chuyện với tôi, đạo diễn Lưu Trọng Ninh nhấn mạnh rằng, phim Việt cần trở về với văn hóa Việt và người Việt rất thích xem những câu chuyện của văn hóa mình. Lúc đó, ông đang chuẩn bị cho kịch bản “Kiều”.
Trở về với văn hóa dân gian, tìm kiếm chất liệu từ những câu chuyên dân gian, từ văn hóa vùng miền, đó là lựa chọn của các nhà làm phim trong xu hướng năm nay. Hướng đi này cho thấy, các nghệ sĩ có ý thức sâu sắc hơn về những giá trị truyền thống.
1.Trong cuộc hội thảo cuối năm 2019, trước thềm Liên hoan phim Việt Nam 2019, vấn đề bản sắc trong phim Việt đã được nhiều đạo diễn và giới phê bình đặt ra. Lâu nay, phim Việt mải mê chạy theo cuộc đua doanh thu, làm thế nào để chinh phục khán giả, vì thế, các nhà làm phim dường như chỉ chọn các đề tài ăn khách để chiều lòng khán giả thay vì đau đáu với những đề tài truyền thống.
Hai năm gần đây, không còn cơ chế bao cấp, nguồn kinh phí nhà nước hạn chế, phim tư nhân chiếm lĩnh thị trường, nên các bộ phim về đề tài này càng ít được lựa chọn.
PGS- TS Trần Luân Kim đánh giá: "Hiện nay, kịch bản quá yếu, đường dây cốt truyện đứt khúc, thiếu logic. Nhà sản xuất chỉ chú trọng gây hài, chiều theo thị hiếu khán giả, cười giải trí xong là hết chứ chưa tạo được tiếng cười trí tuệ, châm biếm để phê phán tiêu cực, thói hư tật xấu trong xã hội. Những gì đọng lại cho người xem về con người, văn hóa Việt Nam chưa có hoặc có mà rất mỏng.
Văn hóa dân tộc, tâm hồn dân tộc ít được chú trọng”. Nhưng nếu một nền điện ảnh chỉ chăm chăm câu chuyện doanh thu mà quên đi các giá trị cốt lõi của điện ảnh thì đến bao giờ chúng ta mới xây dựng được một nền điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc như chúng ta vẫn mong mỏi trong nhiều năm qua.
Cảnh trong phim “Trạng Tí”. |
Năm 2019, sự ra đời của “Song Lang” là một tín hiệu tốt cho thấy các nhà làm phim đang nỗ lực đi tìm vẻ đẹp Việt. Bỏ qua câu chuyện doanh thu, thì “Song Lang” đã khơi dậy trong tâm thức chúng ta một vẻ đẹp gần bị lãng quên của cải lương. Một câu chuyện đẹp và xúc động. “Song Lang” đã dành giải thưởng danh giá của Liên hoan phim Việt Nam 2019, Bông sen Vàng và nhiều giải thưởng quốc tế giá trị.
Trước đó, cũng xoay quanh đề tài này, có một vài phim như “Cô Ba Sài Gòn”, “Tấm Cám- Chuyện chưa kể” cũng lấy đề tài văn hóa Việt. Tuy nhiên, “Cô Ba Sài Gòn”, với nội dung tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống vẫn bị chới với giữa phim nghệ thuật và giải trí, còn khá nhiều sạn.
“Tấm Cám- Chuyện chưa kể” cũng là một dấu ấn của Ngô Thanh Vân khi chị dũng cảm đi vào địa hạt này. Phim có những cảnh quay đẹp, trang phục thuần Việt được chăm chút kỹ lưỡng và ít nhiều cũng kéo được khán giả đến rạp.
Tuy nhiên, có lẽ, phải đến năm 2020, với nhiều dự án ra mắt, cho thấy, vẻ đẹp văn hóa dân gian đang trở thành lựa chọn của nhiều nhà làm phim. Trong series phim Tết 2020, “Gái già lắm chiêu” có sức hút hơn cả. Có lẽ, sức hút một phần nằm ở việc, phim mang đến cho khán giả những nét đẹp đặc sắc của vùng đất và con người xứ Huế.
Từ những hình ảnh quen thuộc của cầu Trường Tiền, Phu Văn Lâu đến những món ăn cầu kỳ, nem công chả phượng, bún bò Huế, trở thành điểm hút khán giả. Nỗ lực tìm kiếm, lồng ghép, giới thiệu những đặc sắc vùng miền để tạo nét riêng cho phim đang là xu hướng được nhìn thấy ở những phim đã, đang hoặc sắp thực hiện trong năm nay.
“Song lang” là một dấu ấn đậm nét về đề tài truyền thống. |
Hình tượng anh hùng, các nhân vật lịch sử, dân gian, tác phẩm văn học cũng được nhiều đạo diễn trẻ lựa chọn. Lần đầu tiên khán giả sẽ thấy những nhân vật quen thuộc như “Kiều”, “Trạng Tý” trong “Thần đồng Đất Việt”, Hai Bà Trưng, và cậu Vàng trong truyện ngắn “Lão Hạc” xuất hiện trên màn ảnh rộng. “Kiều” đang ở giai đoạn tiền kỳ. “Trưng Vương” mới chỉ là dự án.
Còn “Trạng Tí” đã có trích đoạn trailer và dự kiến ra rạp vào ngày 1-5 tới. Qua những thước phim đầu tiên trong đoạn trailer cho thấy những hình ảnh Việt Nam ngập tràn trong phim như hình ảnh đàn cò trắng, cầu tre, thuyền nan, mái đình… Hy vọng, đây sẽ là một bộ phim thành công.
Ngoài ra, điểm nhấn của năm nay là phim “Cậu Vàng” cũng được truyền thông chú ý. Tuy không phải lần đầu tác phẩm “Lão Hạc” lên màn ảnh rộng, nhưng nhân vật chính lần này là một chú chó khiến nhiều khán giả tò mò.
Một dự án khác chuyển thể từ tác phẩm văn học là “Đất rừng phương Nam”, được xem như phiên bản điện ảnh của phim truyền hình ăn khách “Đất phương Nam”. Những bộ phim lấy đề tài truyền thống này đều do các nhà làm phim thế hệ 7X như Mai Thu Huyền (phim “Kiều”), Trương Ngọc Ánh (phim “Trưng Vương”), Ngô Thanh Vân (phim “Trạng Tí”) sản xuất.
Ngô Thanh Vân là một đạo diễn/ nhà sản xuất tiên phong trong địa hạt này khi chị thử nghiệm với “Cô Ba Sài Gòn” “Tấm Cám - chuyện chưa kể” và bây giờ là “Trạng Tí”. Nhưng có lẽ, chúng ta cần nhiều đạo diễn, nhà sản xuất dũng cảm dấn thân vào đề tài này hơn nữa.
Phim võ thuật năm ngoái ghi dấu ấn thành công của “Hai Phượng”. Năm nay, “Võ sinh đại chiến” dự kiến ra mắt vào tháng 9 nói về cuộc so tài của hai trường phái võ cổ truyền và võ hiện đại. Võ Bình Định được lấy làm chất liệu chính để quảng bá vẻ đẹp của võ Việt Nam.
Đạo diễn “Võ sinh đại chiến” Bá Cường cho rằng: “Việc sử dụng chất liệu dân tộc để làm phim cũng có thuận lợi là việc tôn vinh những giá trị truyền thống luôn được khán giả ủng hộ. Phim Việt làm về đề tài võ thuật nhiều, nhưng không nhiều phim khai thác vẻ đẹp của võ thuật truyền thống”.
Nếu “Võ sinh đại chiến” lồng ghép quảng bá võ cổ truyền, thì phim “Lật mặt 5” chú trọng giới thiệu những đặc sản của vùng sông nước miền Tây với hình ảnh những chiếc xe lôi, những chiếc xuồng gắn máy, phà, chợ nổi... để tạo nên nét mới mẻ cho một tác phẩm hành động Việt.
Ở mảng phim hoạt hình, năm nay cũng có những khởi sắc khi các đạo diễn trẻ hào hứng với việc khai thác các chất liệu dân tộc. “Hành trình nhân quả” là một ví dụ. Phim được làm kỹ lưỡng trên nền chất liệu là ngôi nhà của bé Gạo, chiếc xe cub quen thuộc, ruộng bậc thang Tây Bắc, vịnh Hạ Long...
Đạo diễn 9x Đinh Kiều Anh Tuấn tâm sự: “Tôi thích chất liệu dân gian, truyền thống Việt Nam. Khán giả Việt từng nghe nhiều về câu chuyện, thế giới tâm linh, nhưng hiếm khi được thưởng thức bằng hình ảnh một cách trọn vẹn, ý nghĩa”.
Poster phim “Kiều”. |
2. Đề tài dân tộc, bản sắc dân tộc vẫn luôn là nỗi trăn trở của những người yêu phim Việt. Trong xu thế xâm nhập của phim ngoại, và trào lưu chạy theo bài toán doanh thu càng khiến phim Việt xa rời bản sắc, hơi thở Việt.
Chính đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng: “Rất nhiều bộ phim Việt được khán giả trong nước đón nhận nhưng ra nước ngoài, khán giả khá thờ ơ, vì câu chuyện chung chung quá. Họ cần những bộ phim mang đậm văn hóa Việt, giúp họ có những trải nghiệm văn hóa ở một xứ sở giàu bản sắc như Việt Nam. Đó cũng là cách chúng ta quảng bá văn hóa Việt ra nước ngoài.”.
Cảnh trong phim “Gái già lắm chiêu 3”. |
Tuy nhiên, bài toán cân đối giữa doanh thu và nghệ thuật vẫn luôn là bài toán khó khăn. “Song Lang”, bộ phim nghệ thuật tôn vinh giá trị truyền thống được đánh giá cao trong và ngoài nước, nhưng câu chuyện doanh thu thì thật đáng buồn, nếu không nói là lỗ nặng. Vậy, động lực, cú hích nào giúp các nhà làm phim mạnh dạn dấn thân vào địa hạt khó khăn này?
“Chúng ta cần một quỹ hỗ trợ điện ảnh cho những dự án phim có chất lượng. Đây là câu chuyện chúng tôi lên tiếng nhiều năm nay, bởi sản xuất phim tốn kém. Nhất là những đề tài văn hóa, lịch sử dân tộc, chắc chắn sẽ khó ăn khách được, các đạo diễn khó đi đường dài nếu không có sự hỗ trợ của các quỹ điện ảnh.
Điều này, ở các nước phát triển đều có. Chính các đạo diễn trẻ của chúng ta cũng đang vươn ra nước ngoài để tìm kiểm các nguồn tài trợ, nhưng nhiều khi may rủi. Quan trọng nhất vẫn là chiến lược phát triển điện ảnh của nhà nước khi điện ảnh đang nằm trong tay các nhà sản xuất phim tư nhân và những người làm phim độc lập”, Đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.
Theo anh, chúng ta cần nhiều hơn nữa những bộ phim về đề tài văn hóa dân tộc, năm 2020 đã có những dấu hiệu khởi sắc nhưng cần một con đường dài cho mảng đề tài này, bởi vì ai cũng hiểu, bản sắc văn hóa là chìa khóa giúp một nền điện ảnh vươn xa.