Phim truyền hình Việt về hôn nhân gia đình lên ngôi: Vẫn là kịch bản nước ngoài!
- Kiểm duyệt phim truyền hình: Giới hạn thế nào là vừa đủ?
- Lạm dụng quảng cáo trên phim truyền hình: Thô thiển và phản cảm
Thế nhưng, hầu hết những bộ phim ăn khách đó đều chuyển thể từ kịch bản nước ngoài. Việt Nam vẫn đang thực sự thiếu nguồn kịch bản hay, mang đậm bản sắc văn hoá Việt.
Bước chuyển mình của phim truyền hình Việt?
Chỉ mới đi được 1/3 chặng đường, nhưng bộ phim truyền hình “Gạo nếp gạo tẻ” phát sóng từ thứ 2 đến thứ 4 trong khung giờ vàng của Đài Truyền hình Tp. Hồ Chí Minh (HTV2) đang khiến khán giả phát sốt. Nếu so với “Sống chung với mẹ chồng” của Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng cách đây 1 năm thì “Gạo nếp gạo tẻ” có lẽ còn có sức hút hơn rất nhiều lần. Ngay tập phát sóng đầu tiên từ đầu tháng 5 đến nay đã đạt 7,5 triệu view cùng với hơn 2.000 lượt bình luận.
“Gạo nếp gạo tẻ” đang là bộ phim truyền hình ăn khách nhất hiện nay. |
“Gạo nếp gạo tẻ” khai thác câu chuyện xoay quanh gia đình bà Mai (NSND Hồng Vân) và ông Vương (nghệ sĩ Mai Huỳnh). Bà Mai trải qua cuộc sống khó khăn khi vừa làm dâu, vừa phải quán xuyến nhà cửa, chăm sóc con cái, chiều lòng mẹ chồng và nuôi luôn cả em chồng “vô công rỗi nghề”, nên bà luôn mong muốn được sống trong cuộc sống giàu sang, sung túc do các con mình mang lại.
Trong gia đình, cùng là 2 đứa con gái nhưng nếu bà Mai ghét con gái lớn của mình là Hương (diễn viên Lê Phương) bao nhiêu thì lại yêu thương, chiều chuộng Hân (diễn viên Thúy Ngân) bấy nhiêu. Nguyên nhân của việc đối xử có phần phân biệt bởi Hương trót mang thai ngoài ý muốn với Công (diễn viên Hoàng Anh), một chàng trai nghèo khổ trong khi Hân lại lấy người chồng giàu có, mang đến cho bà nhiều của cải, vật chất.
Thế nhưng cuộc sống gia đình bà Mai bỗng chốc bị đảo lộn khi Kiệt (diễn viên Trung Dũng) - chồng Hân đột ngột bị phá sản, khiến cho Hân đang sống cuộc sống vương giả bỗng rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau.
Kể từ khi dọn về nhà vợ ở rể, Kiệt luôn phải cam chịu, nhẫn nhịn trước thái độ khinh miệt của mẹ vợ và thói ích kỷ cố hữu của vợ. Còn Hân vì tham vọng vật chất đã lạnh lùng rũ bỏ chồng con để đến với đại gia khác…
Trong khi đó, gia đình nhỏ của Hương và Công đang hạnh phúc cũng gặp phải sóng gió. Trong cuộc chạy đua tìm kiếm tiền bạc để giúp vợ con được tận hưởng cuộc sống giàu sang và khẳng định vị thế với gia đình vợ, Công đã dấn thân vào mối quan hệ sai trái với một phụ nữ giàu có.
“Sống chung với mẹ chồng” từng làm mưa làm gió trên sóng truyền hình. |
Thêm vào đó, cô con gái thứ 3 là Minh không chỉ làm trái ý mẹ: bỏ nghề y danh giá để làm biên kịch, mà còn nảy sinh tình cảm với một anh chàng học vấn thấp, từng có tiền án, tiền sự khiến bà Mai phiền lòng...
Bộ phim tạo được sức hút lớn với khán giả khi khai thác mâu thuẫn giữa mẹ vợ và chàng rể, mối quan hệ ít khi được đưa lên phim, bởi thông thường các bộ phim về đề tài hôn nhân gia đình chủ yếu khai thác mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, mâu thuẫn vợ chồng – vốn là đề tài muôn thuở diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.
Thông thường quan hệ mẹ vợ - chàng rể sẽ rất ít được đề cập đến bởi theo quan niệm của dân gian thì “dâu con, rể khách”, chàng rể bao giờ cũng được bố mẹ vợ thương chiều hết mực hơn là con dâu.
Thế nhưng “Gạo nếp gạo tẻ” lại hoàn toàn ngược lại, thậm chí còn có nhiều chi tiết, tình huống khai thác hơi quá so với ngoài đời thực như chàng rể Kiệt luôn bị mẹ vợ miệt thị, moi móc, nói xấu thẳng thừng kể từ khi bị phá sản, bị vợ coi thường khiến anh trở thành một người đàn ông quá nhu nhược, để mặc mẹ vợ và vợ muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm.
Những chi tiết lạ đó lại là những chi tiết hấp dẫn khiến người xem dù bực mình đến mấy cũng phải tiếp tục theo dõi cho kỳ được diễn biến, hành động của các nhân vật ở các tập tiếp theo.
Bên cạnh đó, sức hút của “Gạo nếp gạo tẻ” chính là từ dàn diễn viên có thực lực. Dù kịch bản xây dựng có hơi quá so với đời thực nhưng chính cách diễn chân thật, sống động của các nhân vật đã tạo nên sức hút lớn cho bộ phim.
Không kể đến dàn diễn viên gạo cội như NSND Hồng Vân, Lê Phương, Hoàng Anh, Trung Dũng... những gương mặt mới như Thúy Ngân, Băng Di, Quốc Trường, Thùy Trang… cũng mang đến nhiều bất ngờ bởi nét diễn xuất tự nhiên.
Điều đó cho thấy, đề tài hôn nhân gia đình luôn là một đề tài không bao giờ cũ, luôn tạo được những sức hút riêng khi tác giả, đạo diễn khai thác triệt để những mâu thuẫn trong gia đình, đẩy lên cao trào rồi từ từ mở nút. Trong vài năm trở lại đây, khán giả có thể thấy khá nhiều bộ phim truyền hình về đề tài gia đình trở thành những bộ phim hot được khán giả nhiệt tình đón nhận.
Trước đó, “Sống chung với mẹ chồng” của Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã từng làm mưa làm gió trên sóng truyền hình. Ngay sau khi phát sóng, “Sống chung với mẹ chồng” đã trở thành một hiện tượng của làng phim Việt Nam. Bằng việc lựa chọn chất liệu rất đời là mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, bộ phim như một cú huých vào truyền hình Việt Nam sau thời gian dài bị cho là nhàm chán.
Nhờ “Sống chung với mẹ chồng”, trên mạng xã hội có một thời gian đã tràn lan những tâm thư của các mẹ chồng gửi con dâu tương lai. Những câu nói của các nhân vật trong phim đã trở thành những câu nói kinh điển của giới trẻ và khán giả có thể bắt gặp được một phần tính cách của mình, hoàn cảnh của chính mình qua từng tình huống diễn biến trong phim.
Bộ phim thu được hơn 6 triệu lượt xem trong 3 ngày cho trailer phim. Ngay sau đó, nhà đài quyết định tăng sóng thành 3 tuần/tập trước khi phát sóng vì nhu cầu khán giả quá lớn. Nhà nhà, người người đều nói về “Sống chung với mẹ chồng” như một hiện tượng thực sự suốt mùa hè trên truyền hình.
Bộ phim truyền hình “Cả một đời ân oán” hiện đang phát sóng trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam cũng tạo được ấn tượng lớn với khán giả Việt với dàn diễn viên tên tuổi như NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Mỹ Uyên, Minh Vượng, Hồng Đăng, Hồng Diễm, Mạnh Trường, Lan Phương…
Bình cũ rượu mới
Phim truyền hình Việt Nam đang tạo được bước chuyển mình lớn trong lòng khán giả Việt với những bộ phim “hot” khai thác đề tài hôn nhân gia đình. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam khi thu hút được tỉ suất người xem lớn, khiến khán giả ngày càng có thiện cảm hơn với phim Việt, nhất là ở những khung giờ vàng.
Thế nhưng khán giả vẫn băn khoăn một điều rằng, hầu hết các bộ phim hay đều được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài. Một thực trạng đang diễn ra phổ biến không chỉ với phim truyền hình mà với cả các thể loại phim khác.
Dàn diễn viên tài năng của “Cả một đời ân oán”. |
Như phim “Gạo nếp gạo tẻ” được mua bản quyền bộ phim truyền hình đề tài gia đình ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2013 - Gia tộc họ Wang (Wangs Family). Còn phim “Sống chung với mẹ chồng” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc, mang hết những mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu lên phim để khiến ai cũng phải thấy mình trong đó, rồi bàn tán, mổ xẻ. “Cả một đời ân oán” cũng lấy nguyên tác từ Trung Quốc.
Gần đây nhất là bộ phim tâm lý điều tra “Người phán xử” được đánh giá là xuất sắc của điện ảnh Việt cũng là bộ phim được mua kịch bản chuyển thể từ The Abitrator- tác phẩm của Israel đạt 6 tỷ lượt xem trong suốt 3 phần phim (tổng 4 phần), phá vỡ mọi kỷ lục về phim truyền hình ở nước này.
Điều này một lần nữa khẳng định, vấn đề muôn thuở của phim Việt Nam vẫn là thiếu nguồn kịch bản hay. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải của Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã từng thừa nhận, VFC luôn thiếu kịch bản hay và năm 2017, 40% phim truyền hình của đơn vị này là kịch bản mua bản quyền của nước ngoài.
Với các nhà sản xuất phim, đôi khi việc lựa chọn kịch bản phim nước ngoài để Việt hóa là sự mạo hiểm, nhất là những bộ phim đã từng làm mưa làm gió trên thị trường của nước đó, bởi khán giả, giới chuyên môn sẽ săm soi, mổ xẻ, phân tích, so sánh với phiên bản gốc.
Thế nhưng không thể phủ nhận, những bộ phim được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài hay giới chuyên môn quen gọi là phim remake đang là một giải pháp cứu cánh cho hiện tại bởi nền điện ảnh Việt hiện nay chưa có nhiều kịch bản nguyên gốc chất lượng trong khi số phim mỗi năm tăng khoảng 30%.
Một khi rạp chiếu phim tăng, lượng khán giả cũng tăng thì lượng phim cũng phải tăng như một nhu cầu thiết yếu. Nhưng cầu thì có mà cung thì chưa. Số lượng biên kịch không tăng kịp so với nhu cầu hiện có mà các nhà làm phim thì không thể bỏ lỡ cơ hội khi thị trường đang phát triển. Remake chính là chìa khoá để giải quyết sự thiếu cân bằng này.
Tất nhiên, không thể lấy đó làm cái cớ để rồi đây phim Việt chỉ có những bộ phim remake là thu hút được người xem. Đây chỉ là giải pháp tạm thời để lôi kéo khán giả trở lại với phim Việt. Khán giả vẫn đang trông đợi rất nhiều vào những kịch bản phim thuần Việt, do chính những nhà biên kịch tài năng của Việt Nam sáng tạo ra trong một tương lai không xa.