Phó tổng thư ký phụ trách chuyên môn VFF: "Ghế nóng" cần người bản lĩnh

22:05 13/07/2019
Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 3 (khóa VIII) của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã bầu ra một số vị trí mới trong bộ máy điều hành bóng đá Việt Nam. Trong đó, chức danh Phó Tổng thư ký phụ trách chuyên môn của ông Nguyễn Minh Ngọc khiến nhiều người băn khoăn khi ở chức vụ trước đó, ông đã không thể hiện được năng lực lẫn sự quyết đoán cần có.


"Tổng quản" của VFF

Vị trí Tổng thư ký được xem là "tổng quản" của VFF khi tất cả những vấn đề chuyên môn lẫn hành chính đều đến tay. Khối lượng công việc khổng lồ cần quán xuyến khiến vị Tổng thư ký cần những cộng sự dưới quyền đủ khả năng san sẻ gánh nặng.

Phó Tổng thư ký phụ trách chuyên môn là người có thể tham vấn các vấn đề về luật lệ, hỗ trợ điều hành toàn bộ các hoạt động tổ chức thi đấu và hệ thống các đội tuyển, cũng như hoạt động bóng đá phong trào, vạch ra các kế hoạch và lộ trình thực hiện phát triển nguồn lực tương lai, tư vấn xử lý các vấn đề nhạy cảm về chuyên môn cho VFF.

Giới chuyên môn hy vọng ông Nguyễn Minh Ngọc sẽ quyết đoán hơn trong vai trò Phó tổng thư ký phụ trách chuyên môn.

Trong quá khứ, Ban Tổng thư ký của VFF luôn có các chuyên gia giỏi chuyên môn, có uy tín trong làng bóng đá Việt như ông Lê Thế Thọ (nhiệm kỳ I), Phạm Ngọc Viễn (nhiệm kì III, IV) và gần đây là ông Trần Quốc Tuấn, người đã có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam suốt giai đoạn giữ chức danh Tổng thư ký VFF.

Khi ông Dương Nghiệp Khôi, cũng được đánh giá là người có năng lực tốt, thôi giữ chức vụ Phó Tổng thư ký phụ trách chuyên môn, vị trí này cũng bị bỏ trống trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên với khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian trước mắt, Tổng thư ký Lê Hoài Anh thực sự cần có thêm một vị phó đủ năng lực để giúp đỡ.

Cho đến trước khi bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Ngọc vào vị trí Phó Tổng thư ký phụ trách chuyên môn, những người trực tiếp hỗ trợ cho Tổng thư ký Lê Hoài Anh chỉ có ông Nguyễn Minh Châu lo việc tài trợ và bà Đinh Thị Thu Trang, Kế toán trưởng. Dĩ nhiên, họ đều không mạnh về mảng chuyên môn bóng đá.

Nhắc lại như vậy để thấy rõ một điều rằng việc tìm người "chia lửa" với ông Lê Hoài Anh là rất hợp lý. Có điều, lựa chọn ai lại không phải chuyện dễ dàng. Phát hiện và đề cử người có năng lực đủ tốt để ngồi vào vị trí Phó tổng thư ký phụ trách chuyên môn được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của bóng đá Việt Nam thời gian tới.

Ông Nguyễn Minh Ngọc sinh năm 1974, có 2 bằng cử nhân chuyên ngành bóng đá (Đại học Thể dục thể thao) và kinh tế (Đại học Kinh tế quốc dân). Ông có 1 bằng thạc sĩ chuyên ngành thể dục thể thao tại Học viện TDTT Thượng Hải. Ông từng làm trợ lý cho ông Dương Nghiệp Khôi thời làm Trưởng phòng Tổ chức thi đấu.

Sau đó ông Ngọc chuyển sang làm Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) kiêm Trưởng ban tổ chức V.League và giải hạng Nhất quốc gia. Tính đến thời điểm này ông Ngọc đã có 15 năm làm việc tại VFF và VPF. Trước đó, ông có 8 năm nghiên cứu tại Viện Khoa học Thể dục thể thao (1996- 2004).

Xét trên hồ sơ, ông Ngọc hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu của vị trí Phó tổng thư ký phụ trách chuyên môn của VFF. Thế nhưng trên thực tế, quãng thời gian mà ông Ngọc giữ chức Trưởng ban tổ chức V.League và giải hạng Nhất khi thuộc biên chế của VPF cho thấy khá nhiều vấn đề.

Vị Trưởng giải thiếu quyết đoán

Ông Ngọc được đánh giá là một người kín tiếng, ngại va chạm và thiếu quyết đoán. Trong giai đoạn làm Trưởng giải V.League và giải hạng Nhất, đã có nhiều scandal trên sân cỏ gây chấn động dư luận xảy ra nhưng cách ông Ngọc xử lý không được đánh giá cao về nghiệp vụ.

Vụ việc trên sân Thống Nhất giữa CLB TP Hồ Chí Minh và Long An là một ví dụ. Những gì diễn ra trên sân cỏ là nỗi xấu hổ của bóng đá Việt Nam khi thủ thành Minh Nhựt của Long An không thèm chơi bóng, thậm chí quay lưng để mặc đối thủ sút vào gôn trống.

Ông Ngọc có mặt trên khán đài trận đấu đó nhưng không hề có một sự can thiệp nào ngay cả khi ban huấn luyện và các cầu thủ của Long An có hành xử rất thiếu chuyên nghiệp. Hình ảnh đó đã khiến ông mất điểm khá nhiều.

Dưới sự điều hành của ông Ngọc, V.League trải qua một giai đoạn hỗn loạn khi liên tục có sự cố xảy ra. Từ công tác trọng tài, lộn xộn trên khán đài, nghi vấn dàn xếp tỷ số, cầu thủ có hành vi bạo lực cho đến cách sắp xếp lịch thi đấu không khoa học… tất cả tạo nên một bức tranh u ám cho bóng đá Việt Nam khi khán giả không còn mặn mà đến sân vận động, thậm chí quay lưng với các giải đấu. Mọi chuyện chỉ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp dần lên khi U23 Việt Nam làm nên câu chuyện thần kỳ ở giải U23 Châu Á ở Thường Châu.

Với "thành tích" như thế, ông Ngọc mất dần tín nhiệm ở VPF. Sau Đại hội VPF nhiệm kỳ 2017-2020, ông Trần Anh Tú lên giữ chức Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty, ông Ngọc bị "hạ cấp" xuống làm Phó ban điều hành V.League 2018 và chia tay VPF tháng 5- 2018 để trở về VFF.

Lật lại quá khứ để thấy rằng, xét về chuyên môn thì không ai có thể phủ nhận việc ông Ngọc đáp ứng được yêu cầu của vị trí Phó tổng thư ký phụ trách chuyên môn của VFF. Tuy nhiên nếu như ông Ngọc vẫn giữ cách làm việc "ngại va chạm" như thời còn làm Trưởng giải, e rằng ông khó có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách suôn sẻ.

Ông Ngọc ngồi trên khán đài sân Thống Nhất trong trận CLB TP Hồ Chí Minh - Long An.

Bởi vị trí Phó Tổng thư ký phụ trách chuyên môn cần đưa ra rất nhiều ý kiến tham vấn cho các lãnh đạo cấp trên về mọi vấn đề phát sinh trong công tác tổ chức thi đấu, công tác trọng tài và những quyết định dàn xếp tranh cãi, thi hành kỷ luật… ngoài ra, chức danh này cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với VPF để điều hành V.League và giải hạng Nhất.

Chính VPF, cơ quan cũ của ông Ngọc, cũng rất cần Ban Tổng thư ký VFF có một người tham vấn chuyên môn hỗ trợ cho họ khi V.League chắc chắn ngày càng "lắm chuyện". Sẽ thật vô nghĩa nếu một người cần phải có ý kiến khi cần lại… không có ý kiến gì. Cần lưu ý trong những tháng đầu quay lại VFF từ VPF vào năm 2018, ông Ngọc là Trưởng phòng của một phòng… không có tên, cho tới khi trở thành cánh tay phải của Tổng thư ký.

Tất nhiên thời gian sẽ là câu trả lời chính xác nhất. Ông Ngọc có đủ kinh nghiệm lẫn khả năng chuyên môn để làm tốt công việc của mình, quan trọng hơn, ông được chính "sếp" trực tiếp của mình là Tổng thư ký Lê Hoài Anh đề cử.

"Bộ mặt" của bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ của ban lãnh đạo mới sẽ có phần đóng góp lớn của vị Phó tổng thư ký phụ trách chuyên môn. Ông Ngọc từng không thành công trong vai trò cũ nhưng ở chức danh mới, mọi người đều chờ đợi ông sẽ phát huy được năng lực của mình ở mức độ cao nhất, tất là vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

VFF cần chuẩn bị nhân sự

Nói về tân Phó tổng thư ký phụ trách chuyên môn, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông VFF Cao Văn Chóng cho biết: "Tôi cũng phải thừa nhận trước đây anh Ngọc không có được những xử lý nhanh nhạy khéo léo, chưa theo kịp tình huống nóng ở một số thời điểm nhất định. Nhưng thời gian làm Phó tổng giám đốc VPF, anh Ngọc cũng có những đóng góp đáng được ghi nhận. Sắp tới đây khi làm cấp phó giúp việc cho Tổng thư ký, anh Ngọc được hy vọng sẽ quán xuyến tốt. Chính tổng thư ký đã đề xuất anh Ngọc và Thường trực VFF đồng ý 100%".

Ông Trần Huy Đức, hiện đang giữ chức Trưởng phòng Thi đấu có được sự tín nhiệm rất cao về chuyên môn và tổ chức thi đấu từ các đội bóng cũng như giới chuyên môn, tuy nhiên trong sắp xếp mới của VFF, ông sẽ quản lý thêm Phòng Trọng tài (được chuyển về Phòng Thi đấu).

Sự khan hiếm nhân lực chủ chốt đặt ra một vấn đề mới cho VFF, đó là phải phát hiện và bồi dưỡng những cá nhân có năng lực từ sớm để khi họ có đủ kinh nghiệm sẽ tạo ra nhiều lựa chọn khả dĩ cho từng vị trí. Với khối lượng công việc đồ sộ của VFF, việc chuẩn bị sẵn một đội ngũ kế cận không chỉ là chuyện của "những chiếc ghế" mà nó còn mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Mỗi ban lãnh đạo đều có nhiệm kỳ, nhưng sự phát triển của một nền bóng đá là không ngừng nghỉ. Việc chọn lựa những vị trí lãnh đạo chủ chốt, cả ê kíp đi cùng lẫn những người kế cận đủ tâm, đủ tầm đảm bảo cho những kế hoạch dài hơi không bị "đứt gánh giữa đường", không bị đe dọa bởi "tư duy nhiệm kỳ" và những câu chuyện rắc rối nơi hậu trường. Chỉ có như vậy, bóng đá Việt mới có thể hiện thực hóa những giấc mơ lớn.

Đơn Ca

Những năm trở lại đây, song song với sự phát triển, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam cũng trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các đối tượng sử dụng công nghệ cao lợi dụng, trục lợi từ các hành vi buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về thương mại điện tử… với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Từ thực tiễn tình hình cho thấy, ngoài việc tạo môi trường thuận lợi để thương mại điện tử phát triển cũng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên không gian mạng.

Căn cứ hợp đồng của dự án đã ký giữa UBND thành phố và doanh nghiệp dự án là Công ty Trung Nam, thì lịch thu hồi nợ vay của BIDV với Công ty Trung Nam và lịch thu hồi nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với BIDV được xác định tương ứng theo lịch thanh toán của UBND thành phố theo quy định tại hợp đồng BT của dự án. Thực chất đây là khoản cho vay ứng trước cho nhà đầu tư khi ngân sách thành phố chưa bố trí được nguồn vốn thanh toán cho nhà đầu tư.

Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ ngày 9/5 (giờ địa phương) cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bổ sung 37 thực thể Trung Quốc vào danh sách hạn chế thương mại do có những hành động được cho là “gây phương hại an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có đầm phá nước lợ Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài hơn 70km, rộng trên 22.000ha. Nhiều năm qua, người dân tỉnh Thừa Thiên Huế sống ven vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đã tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn này để nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế. Để đảm bảo ANTT vùng đầm phá, Công an các xã ven đầm phá đã tăng cường tuần tra, thực hiện nhiều biện pháp giúp ngư dân chống nạn khai thác, đánh bắt tận diệt và trộm cắp thủy sản.

Thông qua việc thường xuyên đi lễ chùa, Bùi Thị Ninh đã tạo mối quan hệ thân thiết với nhiều người ở trong và ngoài tỉnh rồi kêu gọi họ góp vốn để đầu tư kinh doanh. Sau khi nhận tiền, Ninh không sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận mà dùng cho mục đích cá nhân, chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023- 2024. Năm nay, Trường THPT Yên Hòa có tỷ lệ "chọi" cao nhất với 1/3,11, tức trung bình trên 3 thí sinh dự thi mới có 1 em đỗ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文