Rơi lệ vì 'văn hóa Lệ Rơi'
Với danh tiếng có được bằng cách ấy, Lệ Rơi lột xác lập công ty giải trí, bỏ chiếc mũ cối thường đội trên đầu ra, dựng mái tóc lên bảnh chọe như siêu sao, đóng bộ veston vào cho ra hình ảnh một giám đốc. Nhiều người cười lăn khi nhìn điệu bộ của anh chàng nhà quê, trong giấc mơ vẫn còn đầy ắp vải thiều với ổi trong chiếc áo mới gò bó, chẳng có gì là phù hợp.
Chưa hết, mới đây Lệ Rơi tiếp tục mở quán bún chả lấy tên "Ba thằng khùng" giữa Sài Gòn, thu hút những trang báo mạng đang thiếu cái gì bất thường, lập dị để câu view. Và hình ảnh chàng trai tóc dựng như đám mạ trên đầu đứng quạt chả và quán bún chả kỳ quái của anh ta tràn ngập trên truyền thông
Khá khen cho Lệ Rơi biết tận dụng thói giật gân câu khách lá cải của một bộ phận truyền thông, chủ yếu là các trang mạng, để quảng cáo cho quán ăn lạ đời của mình mà không mất một xu. Ừ thì Lệ Rơi quạt bún chả, xem ra còn hợp hơn Lệ Rơi làm giám đốc.
Mà hợp hay không hợp thì cũng kệ Lệ Rơi thôi, miễn anh ta có đủ các điều kiện mở công ty theo quy định của pháp luật. Mở quán bán cái gì thì cũng là quyền của Lệ Rơi nốt. Vấn đề nằm ở mấy trang lá cải, họ hình như đang cổ súy cho những thứ rất phản văn hóa, rất phi văn hóa khi đăng những hình ảnh quán bún chả của Lệ Rơi.
Hình ảnh Lệ Rơi trước đây...và bây giờ. |
Quán "Ba thằng khùng", nghe tò mò đấy, nhưng cũng đã có chút nghi ngại về văn hóa của chủ nhân rồi. Nhưng mà đến những chữ quái dị ghi trên cửa kính hay biển hiệu của quán thì đích thị những người yêu Tiếng Việt, yêu văn hóa Việt, những người tử tế đàng hoàng chả dám đến ăn bún ở đây. Để cho khác đời, lạ lùng dị biệt, không ra điên không ra khùng, cửa kính của quán bún chả ghi dòng chữ: "Ciếng, đạp cửa xông vào, không dùng tay đẩy". (Ciếng là gì thì chịu không biết nhé). Đi kèm đó là hình ảnh bàn chân.
Ý nói khách vào quán thì dùng chân mà đạp cửa, không dùng tay. Sợ quá, bao nhiêu văn hóa nơi đông người ông bà ta giữ gìn bấy lâu, dạy cho con cái bấy lâu, cái anh trồng ổi đi bán bún chả này anh ta lật nhào hết. Thử tưởng tượng các bạn trẻ vào ăn bún chả “quán khùng” của anh Lệ Rơi rồi cứ bê nguyên cái hành động đầy vẻ bạo lực ấy về nhà, thay vì nhẹ nhàng mở cửa phòng cha mẹ thì "đạp cửa xông vào", rồi ở trường cũng cứ "đạp cửa" liều mình vào lớp học, thì các bậc thầy, cô phụ huynh nghĩ sao? Rồi cái biển trước quán anh chàng Lệ Rơi xanh đỏ cố tình viết sai lỗi chính tả, xiên xẹo Tiếng Việt nữa: "Bún chả Hà "Lội".
Thách có một người yêu Hà Nội nào, mang trong lòng văn hóa Hà Nội giữa Sài Gòn tấp nập lại có cảm tình khi đọc những chữ như vậy trước cửa một cái quán bún chả - món ăn được yêu thích của người Bắc. Có bài báo viết về quán bún chả của Lệ Rơi giật tít: "Lệ Rơi mở quán bún chả gây choáng Sài Gòn". Đúng là choáng thật!
Truyền thông không mắc bẫy, nhưng truyền thông rẻ tiền nên danh tiếng của Lệ Rơi ngày càng như cồn. Lệ Rơi càng nổi tiếng, những người tử tế, có văn hóa càng buồn, vì xã hội ít nhiều tôn vinh một thứ văn hóa tên là Lệ Rơi. Nó kệch cỡm, buồn cười, và có phần chế nhạo những người lao động nghiêm túc, làm việc bằng công sức và năng lực thật của mình.
Còn nhớ, sau khi Lệ Rơi nổi danh trên mạng xã hội, có đơn vị tổ chức định mời anh này lên một sân khấu lớn, đứng chung với các ca sĩ tên tuổi khác. Một vài ca sĩ đã phản đối, nói rằng, mời Lệ Rơi đi biểu diễn chính là tát vào mặt họ- những người khổ công bao năm để có được tình yêu và chỗ đứng trong lòng khán giả.
Đáng ngại là những gì Lệ Rơi phô diễn có nguy cơ ảnh hưởng đến giới trẻ, làm sai lệch ứng xử của giới trẻ với gia đình và xã hội. Thiết nghĩ, không thể để mặc những hiện tượng như vậy làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa. Sự cổ súy của cộng đồng mạng, của truyền thông là cực kỳ nguy hại. Những người hiểu biết, trân trọng văn hóa liệu có đang rơi lệ vì sự phản văn hóa của Lệ Rơi?