Số phận các đơn vị nghệ thuật nhà nước trong nền kinh tế thị trường
- Đề nghị dừng bán đấu giá tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam
- Có nên dừng cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam?
Các nghệ sĩ và cán bộ công nhân viên của Hãng Phim truyện Việt Nam đã có những phản ứng khi công ty thắng thầu bắt đầu triển khai một số công việc cụ thể.
Một cơ sở văn hóa hàng đầu của đất nước, có bề dày truyền thống, nơi làm ra biết bao nhiêu bộ phim lớn, từng được khán giả rộng rãi yêu mến, giành nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, bỗng bàng hoàng, khi người chủ mới, nói thẳng, giá trị của thương hiệu bằng không. Hơn thế, về con số tuyệt đối, thì họ phải trả thay cho hãng một món nợ hàng chục tỷ đồng.
Trước phản ứng của các nghệ sĩ, công tác thanh tra về kinh tế đang được tiến hành. Nhưng dù kết quả thanh tra có thế nào, thì sự kiện cụ thể này vẫn gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, đặc biệt về mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của các thiết chế và tổ chức của văn hóa trong nền kinh tế thị trường.
Thời gian gần đây, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước đang được ráo riết xúc tiến cổ phần hóa. Nhưng trong văn hóa, thì hình như Hãng Phim truyện Việt Nam là đơn vị đầu tiên.
Vậy thì đâu là những đặc điểm cần chú ý khi áp dụng việc cổ phần hóa vào các đơn vị trong ngành văn hóa, trong đó có các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật? Có những giới hạn nào trong vấn đề này không? Sau Hãng Phim truyện, các đơn vị Nghệ thuật sân khấu, Ca múa nhạc Trung ương và địa phương, các nhà xuất bản và báo chí Nhà nước và các đoàn thể, các trường đào tạo về văn hóa và nghệ thuật, các hãng phim Nhà nước còn lại… có nhất loạt cổ phần hóa hay không?
Nói đúng ra, từ ngày đổi mới, nhiều lần đã có sự thay đổi về tổ chức các đơn vị hoạt động văn hóa. Chỉ riêng trong lĩnh vực sân khấu, nhất là ở các địa phương, nhiều đơn vị có truyền thống lâu đời, từng có nhiều hoạt động đóng góp phục vụ trong những năm chiến tranh đã bị giải thể, hoặc sáp nhập thành một đơn vị nghệ thuật tổng hợp.
Khá nhiều nghệ sĩ không có khả năng chuyển thể loại đã ngậm ngùi chia tay nghệ thuật khi tuổi đời chưa tới lúc được nghỉ hưu. Nhưng ngay các đoàn còn tồn tại hoạt động cũng rất khó khăn, đặc biệt là các đơn vị sân khấu truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, kịch dân ca, rối và cả xiếc.
Một thời, văn hóa nghệ thuật là nơi thu hút nhiều tài năng tuổi trẻ. Nhưng thực tế, đời sống khốn khó triền miên của các nghệ sĩ sân khấu truyền thống dân tộc những năm qua đã làm cho nhiều gia đình hướng con cái đi vào những ngành đào tạo mới nhiều khả năng để có cuộc sống khấm khá hơn.
Đời sống thực tế cung cấp cho tuổi trẻ những định hướng lựa chọn thuyết phục hơn mọi sự tuyên truyền chỉ dựa vào lý thuyết được hình thành từ kinh nghiệm quá khứ về vai trò quan trọng của văn hóa và văn học nghệ thuật.
Lâu nay, để duy trì các đơn vị văn hóa, với mục đích, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Nhà nước vẫn duy trì các đơn vị bằng cách cấp cho họ những suất biên chế nhất định, còn lại là một số kinh phí hoạt động, một phần để ký các hợp đồng dài ngắn hạn khác nhau.
Và để hy vọng có ngày được lọt vào vòng đó, hầu như đơn vị nào cũng có một số lượng những người làm không có lương với danh nghĩa học việc. Các đơn vị sân khấu, ca nhạc, các đơn vị báo chí, xuất bản và cả các đài truyền hình đều nhan nhản loại lao động tự do này.
Trong nền kinh tế thị trường, các đơn vị kinh tế chỉ sản xuất ra các sản phẩm mà người tiêu dùng cần, nghĩa là xã hội đặt hàng. Sản xuất mà không tiêu thụ được thì cầm chắc phá sản.
Những năm gần đây, các đơn vị xã hội hóa trong văn hóa (nhà sách, công ty sách, hãng phim tư nhân, các đoàn nghệ thuật, các công ty trong ngành truyền thông…) sống được, thậm chí sống khỏe, thì hầu hết các đơn vị Nhà nước hoạt động khó khăn, vì có một điều cơ bản, khối xã hội hóa chỉ sản xuất ra các sản phẩm mà họ nghĩ là công chúng tiếp nhận. Tất nhiên, tỉ lệ đáp ứng yêu cầu giải trí chiếm thị phần lớn hơn.
Trong khi đó các đơn vị Nhà nước, với danh nghĩa làm nhiệm vụ chính trị, theo nếp cũ, chỉ sản xuất ra những tác phẩm phục vụ yêu cầu chính trị, bằng tiền của Nhà nước. Và với nhiều đơn vị, việc làm ra sản phẩm là những bộ phim, những vở diễn, những cuốn sách là hoàn thành nhiệm vụ, điều mà những tác giả đó quan tâm là sẽ được tham gia các sự kiện, dự xét các giải thưởng mà năm nào cũng có. Họ hầu như không mấy quan tâm tới khâu đưa các tác phẩm vào đời sống xã hội.
Nếu thử lập một bản thống kê, trong thập kỷ qua, số bộ phim, vở diễn sân khấu các thể loại đã từng được giải thưởng cao hàng năm, liệu có bao nhiêu vở diễn được 50 suất diễn? Vở diễn sáng đèn 100 suất chắc là của hiếm.
Vẫn biết, với các đơn vị Nhà nước, ngoài chỉ tiêu số chương trình hàng năm, còn được giao chỉ tiêu số buổi diễn, nhưng không có nghĩa là đã đến được với công chúng rộng rãi. Vậy thì những thông điệp chính trị nghiêm túc kia liệu truyền tải được tới bao nhiêu người? Có xứng chăng với đồng tiền Nhà nước đầu tư và công sức của bao nhiêu nghệ sĩ luyện tập để hoàn thành tác phẩm?
Việc hàng loạt xuất bản phẩm được Nhà nước đầu tư rồi phân phối, chất đầy trong các thư viện mà không có người đọc, thậm chí chuyển ra vỉa hè bán giấy lộn, là một thí dụ về sự sản xuất mà không quan tâm tới nhu cầu sử dụng trong văn hóa hiện nay, trong tình hình các phương tiện truyền thông phát triển đa dạng, báo mạng, kênh truyền hình được phủ sóng rộng rãi.
Liệu Nhà nước, thông qua các cơ quan chủ quản có đủ nguồn lực kinh tế mạnh để bao cấp đường dài cho cỗ máy tiêu tiền như nước cho thời gian phát sóng, mà không biết có bao nhiêu người mở máy để xem?
Ảo giác về thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác tư tưởng mà không biết lời hay ý đẹp mình đưa qua sóng, qua sách, qua vỡ diễn có tới được những địa chỉ cần thiết không rất dễ hợp thức hóa một sự lãng phí về kinh tế không hề nhỏ, và có nguy cơ làm vô hiệu hóa hoạt động của một bộ phận những người thật sự có tài, có tâm với văn hóa nghệ thuật.
Trước thực tiễn đó, việc tổ chức lại đội hình các đơn vị hoạt động công lập trong văn hóa nghệ thuật thời kinh tế thị trường là việc cần được sự quan tâm của các cấp chiến lược. Ở đây, các đặc điểm, các quy luật sáng tạo văn học nghệ thuật cần được quan tâm đầy đủ. Trong kinh tế thị trường, thiếu tiền, thì không thể làm gì được. Nhưng nhiều tiền, cũng không chắc đã đồng nghĩa với việc có ngay những tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao.
Đấy là chưa kể, có tác phẩm rồi thì phải làm sao để đưa tác phẩm đó vào đời sống, nghĩa là những thông điệp mang tính nhân văn và lẽ sống được thấm vào lòng công chúng, là một quy trình không hề đơn giản. Một khi đạt được điều đó thì tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ có giá trị về mặt tinh thần mà trở thành một giá trị kinh tế, đong đếm được bằng tiền.
Những cuốn sách được in hàng chục vạn bản, những bộ phim có doanh thu gấp hàng chục, hàng trăm lần giá thành sản xuất, thì ngay ở thị trường trong nước, của các nghệ sĩ trong nước chưa nhiều, nhưng đã có. Chưa kể là những doanh thu từ các sản phẩm phái sinh (ăn theo), có lúc còn cao hơn cả nguồn thu trực tiếp từ tác phẩm.
Nghĩa là, hoạt động văn học nghệ thuật không nhất thiết trông chờ vào nguồn tài trợ từ đâu đó, mà nếu được tổ chức tốt, thì không chỉ có khả năng làm ra tác phẩm, mà còn có khả năng làm giàu cho chính nó, vừa quảng bá hình ảnh đất nước, vừa làm giàu cho quốc dân.
Chỉ cần nhìn ra Trung Quốc, Hàn Quốc, mới chuyển hướng trong khoảng vài chục năm, mà điện ảnh và văn hóa của họ đã làm nên những kỳ tích gì, để hôm nay, tuổi trẻ, không chỉ nước ta, mà nhiều nơi trên thế giới mê mẩn các ngôi sao của họ.
Nhân chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, giao một đơn vị nghệ thuật Nhà nước cho một công ty kinh tế đơn thuần, chợt nhớ câu nói gây ấn tượng của một vị lãnh đạo đã nghỉ hưu, về các đơn vị nghệ thuật Nhà nước, đại ý, mất đi các đơn vị này nếu ai không thương tiếc thì không có trái tim, nhưng nếu ai muốn nó sống mãi thì không có trí óc.
Lịch sử muốn tiến lên, thì phải thay đổi. Nhưng các nghệ sĩ, làm gì thì làm, cố gắng đừng gieo vừng ra ngô. Hy vọng, sau cổ phần hóa, các nghệ sĩ Hãng Phim truyện Việt Nam sẽ không trở thành những người đi sản xuất vật liệu xây dựng, chỉ với mục đích có lương để sống.