Thanh Hóa trụ hạng V.League 2019: Hành trình "cười ra nước mắt" của đội bóng xứ Thanh
Hai mảng màu đối lập
Có thể chia mùa giải của Thanh Hóa ra làm 2 mảng rõ rệt với sự đối lập khủng khiếp mà khó ai có thể đoán trước. Nửa đầu mùa, dưới sự dẫn dắt của HLV Đức Thắng, họ bất bại đến 10 trận liên tiếp từ vòng đấu thứ 6 đến vòng 15 (chuỗi bất bại dài nhất của một CLB tại V.League 2019) để leo một mạch lên vị trí thứ 4.
Nhưng sau khi chia tay HLV Đức Thắng, thảm họa ập đến khi Thanh Hóa để thua tới 9/11 trận còn lại của mùa giải. Chỉ nhờ trận hòa với Bình Dương ở vòng đấu cuối cùng trong khi Khánh Hòa thua Hoàng Anh Gia Lai, Thanh Hóa mới có tấm vé dự trận play-off với Phố Hiến FC.
Thanh Hóa trụ hạng thành công sau chiến thắng trước phố Hiến FC. |
Những con số thống kê chỉ ra Thanh Hóa đã chơi tệ như thế nào ở mùa giải này. Họ thủng lưới tới 52 bàn, nhiều nhất V.League và hơn 7 bàn so với đội bét bảng Khánh Hòa. Đội bóng xứ Thanh chỉ ghi được vỏn vẹn 3 bàn thắng trong 8 vòng đấu cuối cùng, khi đang phải nỗ lực hết mình trong cuộc đua trụ hạng.
Chuỗi trận thảm hại của Thanh Hóa khiến chính các CĐV của họ cũng cảm thấy nản. Trong trận đấu với Viettel ở vòng áp chót, trên khán đài SVĐ Thanh Hóa người ta còn nghe thấy cả tiếng… nhạc đám ma từ các CĐV chủ nhà.
Họ đã quá ngán ngẩm trước màn trình diễn bạc nhược của các cầu thủ. Đó là thất bại đẩy Thanh Hóa xuống bằng điểm với Khánh Hòa và chỉ hơn về đối đầu trước vòng đấu cuối cùng.
Ngược dòng thời gian về trước đó, khi mà cảm xúc vẫn chưa tụt xuống đáy của sự chán nản, cầu thủ Lê Văn Đại từng ôm mặt khóc nức nở khi đội bóng của anh thất bại 0-2 trước Sài Gòn FC.
Đó là những giọt nước mắt bất lực của một trong những thành viên đã chiến đấu mạnh mẽ nhất để cứu lấy chiếc xe tụt dốc không phanh. Văn Đại cũng là cầu thủ duy nhất của Thanh Hóa có tên trong danh sách triệu tập mới nhất của HLV Park Hang-seo.
Điều gì đã khiến Thanh Hóa từ nhà á quân V.League 2018 sa sút thảm hại như vậy? Câu trả lời nằm ở tính ổn định. Sự trở lại của bầu Đệ khiến cho HLV Đức Thắng nộp đơn từ chức bởi không chấp nhận một ông chủ can thiệp quá sâu vào nội bộ đội bóng.
Tài năng của HLV Đức Thắng đã được chứng minh, và khi ông rời đi, đội bóng giống như một con tàu không thuyền trưởng đứng trước giông bão. HLV Mai Xuân Hợp còn quá trẻ để tiếp quản một CLB đang chơi bóng tại V.League và những gì đã diễn ra là một hệ quả tất yếu không thể đảo ngược.
May cho Thanh Hóa là vẫn còn Khánh Hòa tệ hơn họ. May cho Thanh Hóa là các cầu thủ trụ cột đã thể hiện được kinh nghiệm và bản lĩnh đúng lúc trong trận play-off với Phố Hiến FC. Nhờ thế mà đội bóng xứ Thanh không phải xuống chơi ở giải Hạng Nhất. Thế nhưng một suất ở V.League 2020 không phải là phần thưởng mà là gánh nặng cho ban huấn luyện và các cầu thủ, bởi nếu cứ chơi như ở lượt về mùa vừa rồi, có lẽ nhiều người muốn thấy Thanh Hóa đá ở giải hạng Nhất hơn là tồn tại một cách vật vờ tại V.League.
Đội bóng của những vấn đề
Thanh Hóa chưa bao giờ là một tập thể ổn định. Họ có "truyền thống" thay HLV như thay áo. HLV Hoàng Thanh Tùng là một trong những người làm "thợ hàn" nhiều nhất lịch sử V-League. Từ năm 2010, ông Tùng đã bốn lần giữ ghế nóng tạm thời ở Thanh Hóa. Tầm cỡ như HLV Lê Thụy Hải có bốn lần làm HLV ở xứ Thanh thì ba lần bị sa thải. Ông Mai Đức Chung cũng hai lần rơi vào tình cảnh tương tự.
Đến như Ljupko Petrovic, từng vô địch Champions League với Sao Đỏ Belgrade sau một mùa giải làm việc ở Thanh Hóa cũng chủ động nói lời chia tay. Người thay ông ở mùa 2018 là cựu Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá Romania, Mihail Marian cũng chỉ trụ được bốn vòng rồi từ chức vì "không quản nổi cầu thủ".
Cầu thủ Thanh Hóa trong trận Play-off. |
Như đã nói ở trên, đấu V.League 2019 dù giúp đội bóng có được phong độ ấn tượng, HLV Nguyễn Đức Thắng cũng rời ghế. Thanh Hóa sau đó đưa ông Vũ Quang Bảo, người từng hai lần đến rồi đi trước đó, vào vị trí HLV tạm quyền nhưng nhà cầm quân này cũng sớm xách vali lên đường. Cuối cùng cây gậy tiếp sức được chuyền đến tay Mai Xuân Hợp, người chỉ có vốn kinh nghiệm ít ỏi với các đội trẻ.
Quyền lực của các nhà cầm quân luôn là vấn đề ở Thanh Hóa. Khi một HLV không phải là người đưa ra những quyết định quan trọng nhất, việc họ không nhận được sự tôn trọng của các cầu thủ là điều dễ hiểu. Nội bộ Thanh Hóa luôn lục đục vì những vân đề ngoài chuyên môn.
Năm ngoái, HLV Đức Thắng tiếp quản đội bóng từ Hoàng Thanh Tùng, người giữ ghế tạm quyền đội bóng sau khi chiến lược gia Marian Mihail người Romania rời đội bóng xứ Thanh.
Lý do HLV Marian Mihail đưa ra là ông đã bị một nhóm cầu thủ gồm Hoàng Văn Bình, Nguyễn Trọng Hoàng, Đinh Tiến Thành, Nguyễn Xuân Thành và Danny Van Bakel "làm phản". Trong 5 tháng làm việc ở Thanh Hóa, HLV Mihail cũng thường xuyên xung đột với học trò.
Chia tay HLV Đức Thắng là bước ngoặt khiến đội bóng xứ Thanh sa sút. |
Ở mùa giải này, một trong những vụ việc cho thấy sự bất ổn của Thanh Hóa là việc cắt hợp đồng với trung vệ Đinh Tiến Thành. Cựu tuyển thủ quốc gia Tiến Thành là một trụ cột trong màu áo Thanh Hóa, người rất quan trọng trong hàng thủ đội bóng nhiều mùa giải qua, nhưng cuối cùng đã phải chia tay CLB một cách đầy ấm ức. Trong những phát ngôn sau đó của Tiến Thành, người ta thấy rõ sư bất phục của một công thần bị tống ra ngoài đường vì mâu thuẫn nội bộ.
Kết quả của những cuộc tranh đấu nội bộ là việc Thanh Hóa liên tục để chảy máu nhân tài. Các cầu thủ trẻ chưa xây dựng được vị thế buộc phải ra đi để tìm cơ hội. Những Lê Văn Thắng, Hoàng Đình Tùng đều từng phải chấp nhận "ra đi để trở về". Chỉ khi bị cắt đi "bầu sữa" FLC, Thanh Hóa mới trọng dụng các nhân tài từ lò đào tạo và trường hợp của Trọng Hùng ở mùa giải này là một ví dụ.
HLV Mai Xuân Hợp sẽ còn rất nhiều việc phải làm để củng cố sức mạnh của đội bóng trước khi bước vào V.League 2020. Nhà cầm quân mới 33 tuổi cần tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để giúp Thanh Hóa có được sự chuẩn bị tốt nhất. Nhưng chính HLV Mai Xuân Hợp có lẽ cũng không chắc chắn được tương lai của mình. Chỉ cần một vài trận thua, biết đâu chiếc ghế nóng lại thêm một lần đổi chủ?
“Mượn” lại Bùi Tiến Dũng, chia tay Rimario? Tương lai của thủ môn Bùi Tiến Dũng tại CLB Hà Nội đang bị đặt dấu hỏi lớn khi mới đây đội bóng thủ đô đã ký gia hạn hợp đồng với thủ môn Phí Minh Long. Trong trận bán kết Cúp Quốc gia giữa Hà Nội và CLB TP.HCM mới đây, dù thủ môn chính thức Nguyễn Văn Công đang gặp chấn thương, Bùi Tiến Dũng cũng không được bắt chính mà chỉ ngồi dự bị cho Minh Long. Không được thi đấu nhiều là nguyên nhân khiến thủ thành "quốc dân" có dấu hiệu chững lại. Hiện tại ở đội U22 Việt Nam thì Tiến Dũng cũng không chắc có được vị trí chính thức trước sự tiến bộ vượt bậc của Văn Toản (CLB Hải Phòng). Để cứu vãn sự nghiệp của mình, Tiến Dũng có khả năng sẽ trở lại Thanh Hóa theo một bản hợp đồng cho mượn. HLV Mai Xuân Hợp không phủ nhận thông tin này và khẳng định sự có mặt của thủ môn sinh năm 1997 sẽ tăng cường sức mạnh đội bóng. HLV Mai Xuân Hợp cũng cho biết lãnh đạo sẽ làm việc với từng cầu thủ và việc đi hay ở của mỗi cá nhân phụ thuộc vào chính người đó. Thanh Hóa cần giữ chân nhiều cầu thủ ngôi sao, đặc biệt là những ngoại binh chất lượng như Rimario cho mùa giải tới. Theo nhiều nguồn tin, Rimario có thể sẽ chuyển đến CLB Hà Nội ở mùa giải tới. Rimario còn có mối quan hệ rất thân thiết với tiền đạo Pape Omar Faye của đội bóng thủ đô - người đã giành danh hiệu Vua phá lưới V.League 2019 với 15 bàn thắng. Nếu đúng như vậy đây sẽ là tổn thất rất lớn cho đội bóng xứ Thanh bởi cầu thủ Jamaica là cái tên sáng giá nhất lúc này. Mùa vừa rồi, Rimario đã đóng góp 12 bàn cho Thanh Hóa. Mặc dù vậy, có vẻ như chiến lược gia trẻ tuổi của đội bóng xứ Thanh hầu như không có thông tin nào về các kế hoạch nhân sự của đội bóng, mọi thứ hoàn toàn phụ thuộc vào lãnh đạo! |