Thể thao Việt Nam đang loay hoay với đầu tư trọng điểm
Nghịch lý ngành thể thao
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 28 hiệp hội và liên đoàn thể thao thường xuyên hoạt động nhưng chỉ một trong số đó có khả năng tự chủ tài chính là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Tuy nhiên cũng chỉ đến những năm gần đây, VFF mới dám nhận là "tự chủ tài chính" khi tạo ra các nguồn đóng góp xã hội hóa hợp đồng quảng cáo, tài trợ với doanh nghiệp. Hằng năm, VFF có thể huy động con số không dưới 150 tỷ và với những kết quả khả quan hai năm qua, con số này dự báo sẽ không ngừng tăng lên.
VFF là đơn vị thể thao "độc lập" nhất về mặt tài chính nhưng oái oăm ở chỗ, họ lại là tổ chức thể thao nhận nhiều hỗ trợ nhất từ ngân sách toàn ngành với khoản tiền xấp xỉ 1 triệu USD/ năm, tương đương gần 24 tỷ đồng.
Đã đến lúc, thể thao Việt Nam cần hoạch định rõ ràng mục tiêu ở SEA Games, Asiad hay Olympic mới là quan trọng hơn. |
Điều đó cũng có nghĩa phần còn lại của thể thao Việt Nam mất đi "miếng" lớn trong chiếc bánh ngân sách rót cho thể thao hằng năm. Càng khó hơn cho những môn thể thao khác khi thực tế, mục tiêu họ được giao cho không chỉ ở trong phạm vi vô địch Đông Nam Á, mà còn vươn ra đấu trường châu Á và Olympic. Với bóng đá, chưa bao giờ chúng ta dám đặt tham vọng lớn lao ở đấu trường châu Á chứ đừng nói là vươn ra tầm cỡ World Cup.
Câu chuyện về nữ VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo là minh chứng rõ nhất cho việc thiếu kinh phí đầu tư vào các hạt nhân trọng điểm của thể thao đỉnh cao. Thời mới được triệu tập lên đội tuyển quốc gia (ĐTQG), thay vì tập trung rèn luyện ở trung tâm, Thảo bỏ ra ngoài làm… công nhân xách vữa tại các công trình xây dựng xung quanh sân Mỹ Đình. Đến khi có thành tích ở đấu trường SEA Games và nằm trong nhóm VĐV trọng điểm chuẩn bị cho ASIAD, những gì Thảo nhận được vẫn vô cùng khiêm tốn.
Theo tiêu chuẩn, một VĐV nhắm đến huy chương tại ASIAD như Thảo sẽ được đầu tư số tiền không nhỏ, có thể lên tới hàng trăm ngàn USD/ năm. Con số trên bao gồm tiền ăn, tập, cũng như kinh phí tập huấn, du đấu ở nước ngoài. Đó chính là trường hợp dành cho kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, người từng được kỳ vọng mang về huy chương Olympic ở bộ môn bơi lội cho thể thao Việt Nam trong tương lai.
Điều đáng tiếc là trong khi Ánh Viên sau nhiều năm vẫn chỉ có thể vùng vẫy ở SEA Games, những VĐV thực sự có tiềm năng cạnh tranh huy chương ở sân chơi châu lục như Thảo lại đang bị bỏ quên. Cô chỉ được tập huấn ở trong nước với khoản kinh phí eo hẹp khoảng 200 triệu đồng. Khó khăn là thế nhưng Thảo vẫn giành được huy chương Vàng ASIAD, một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.
Thế nào là đầu tư trọng điểm?
Trên lý thuyết, bắt đầu từ năm 2017, khái niệm "đầu tư trọng điểm" bắt đầu xuất hiện với đề án đầu tư vào những VĐV có khả năng tranh huy chương cấp quốc tế. Mỗi năm, có khoảng 60 "mũi nhọn" được lựa chọn, nhận mức tài trợ 15-20 tỷ từ ngân sách.
Chiến lược này ở một góc độ nào đó là sáng kiến giúp cải thiện đời sống của những VĐV vốn được gắn mác "đỉnh cao" nhưng luôn khó khăn về thu nhập. Thông thường, chế độ dành cho VĐV được tập trung ĐTQG là 200.000 đồng tiền ăn và khoảng 15.0000 đồng tiền công tập luyện/ ngày.
Chương trình đầu tư trọng điểm của ngành thể thao Việt Nam còn dàn trải, chưa đồng bộ và thiếu chiều sâu. |
Nhưng với chương trình "trọng điểm", con số này đều tăng lên 400.000 đồng. Nghĩa là mỗi tháng, VĐV "nhà nòi" sẽ được 12 triệu đồng tiền ăn và trên dưới 10 triệu đồng tiền công, cao gấp đôi so với thông thường. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận của ngành thể thao nhưng vấn đề nằm ở chỗ, những nỗ lực đó chưa giải quyết những yêu cầu gốc rễ của một nền thể thao muốn vươn ra biển lớn.
Hiện tại, danh sách môn thi đấu có VĐV trọng điểm lên tới 20, tức quá nửa trong số các môn thể thao chính ngạch xuất hiện trong hệ thống thi đấu quốc gia hằng năm. Với tiềm lực kinh tế và thực lực con người, Việt Nam bao năm qua chỉ có thể cạnh tranh ở những môn Olympic cơ bản như bắn súng, điền kinh, cử tạ, bơi lội.
Đứng đâu ở Đông Nam Á?
Khi ngành thể thao luôn hô hào khẩu hiệu bước ra thế giới, cần phải biết rõ vị trí và chỗ đứng của thể thao Việt Nam trong chính khu vực Đông Nam Á. Xét tới chuyện này, thể thao Việt Nam chỉ đứng ở "nửa dưới BXH" xét theo mức độ đầu tư tại ASEAN.
Theo dự toán chi ngân sách của Bộ Tài chính, hằng năm thể thao Việt Nam được rót nguồn ngân sách ở mức 750 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 con số 2.500 tỷ đồng của Thái Lan, đối thủ trực tiếp trong lĩnh vực này.
Đừng quên, con số 2.500 tỷ đồng đang đề cập này tới từ nguồn xã hội hóa chứ chưa tính tới đầu tư của chính phủ. Tại Thái, vai trò của doanh nghiệp trong thể thao là vô cùng lớn khi thậm chí một môn chơi lạ lùng như bi sắt, Thái Lan cũng có giải VĐQG.
Với 750 tỷ đồng, thể thao Việt Nam chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu tập luyện, thi đấu đỉnh cao của VĐV. Nếu so với thời điểm trước năm 2003, nguồn kinh phí cho thể thao nước ta còn đang đi thụt lùi khi những chương trình trọng điểm kéo dài trị giá 150 tỷ đồng đã không còn tồn tại.
Năm 2021 là năm Việt Nam đăng cai SEA Games. Có lẽ đã đến lúc ngành thể thao cần xác định rõ mục tiêu, tránh ôm đồm, cái gì cũng muốn nhưng không cái gì đến nơi đến chốn.
Lại chạnh lòng chuyện Taekwondo Khó khăn của Taekwondo, niềm tự hào một thời của thể thao Việt Nam, không còn là chủ đề mới mẻ nhưng vẫn cần phân tích chi tiết khi đặt cạnh bối cảnh của người hàng xóm Thái Lan. Trong quá khứ, Taekwondo là bộ môn mang tới tấm HCB Olympic lịch sử và cũng là môn võ giúp Việt Nam giành HCV đầu tiên tại một kỳ Asiad. Nhưng tình cảnh của Taekwondo Việt Nam bây giờ chẳng lấy gì làm sáng sủa. Hơn 10 năm nay, nguồn thu của cả ngành Taekwondo vỏn vẹn ở hạn mức 100.000 USD, tức khoảng xấp xỉ 2,4 tỷ đồng. Tất nhiên, số tiền này tới từ ngân sách còn Liên đoàn Taekwondo Việt Nam gần như không có bất kỳ thu nhập nào khác. Năm 2015, Taekwondo Việt Nam tạo ra tiền lệ xấu khi là nước chủ nhà bị tước quyền đăng cai giải VĐTG do không lo nổi khoản lệ phí 100.000 usd đăng ký. |