“Thư viện sách sống” - Có một câu chuyện trong mỗi chúng ta
Bằng cách tạo ra một thư viện mà ở đó những cuốn sách là những con người thật, thuộc nhóm thiểu số và còn chịu nhiều định kiến, Human Library Việt Nam muốn người đọc được lắng nghe những trải nghiệm, câu chuyện thật.
Người đọc có thể trao đổi trực tiếp với đầu sách để thấu hiểu và có cái nhìn không định kiến với những người khác biệt trong xã hội, để tạo ra một không gian trao đổi cởi mở, bình đẳng, không kỳ thị, để những nhóm người chịu nhiều định kiến có cơ hội được cất tiếng chia sẻ và được lắng nghe.
Hương Giang Idol là một đầu sách trong dự án. |
Năm nay, dự án The Human Library mở rộng quy mô với nhiều phương tiện, hình thức với hi vọng có thể tiếp cận nhiều người tham gia hơn và cung cấp một góc nhìn đa chiều đối với các vấn đề trong xã hội Việt Nam hiện nay. Số lượng đầu sách đã tăng lên tới con số 36 cùng những chủ đề mới, chưa xuất hiện trong hai lần tổ chức trước đó như “Người khiếm thính”, “Bắt nạt học đường” hay “Đa ái”.
Điều thú vị là các đầu sách - nhân vật ngồi trong một phòng lớn, mỗi bàn sẽ có biển ghi chủ đề như “Trầm cảm”, “Nữ quyền”, “Chuyển giới”, “Song tính”... Độc giả (từ 1 -7 người) sẽ ngồi vào bàn có chủ đề họ quan tâm và bắt đầu đọc cuốn sách sống trong 15 phút. Bạn có thể chia sẻ, đặt câu hỏi, bình luận trực tiếp với cuốn sách sống mà bạn chọn.
Điều thú vị là bạn đọc không biết trước đầu sách là ai, tên gì? Nhưng ở đó, người đọc được đối thoại trực tiếp với những cuốn sách sống, là những cuộc đời, những số phận đặc biệt, họ muốn sẻ chia câu chuyện của mình với cộng đồng.
Đó là đầu sách Hương Giang Idol, lần đầu tiên chia sẻ với độc giả hành trình đi tìm kiếm bản thân của cô. Còn nhớ, trên sân khấu chương trình Việt Nam Idol 2012, thí sinh Nguyễn Hương Giang là tâm điểm của sự chú ý không chỉ vì tài năng mà cả nghị lực phi thường của một người chuyển giới nữ.
Ban tổ chức là những người trẻ đang du học ở nước ngoài. |
Hương Giang nhận được rất nhiều lời đăng ký đọc sách, câu chuyện về một con người tìm lại chính mình và được công chúng chấp nhận và có cuộc sống hạnh phúc. Nói về chặng đường đã qua, Hương Giang chia sẻ, cô cảm giác như mình đã “chết đi sống lại”, không chỉ là nỗi đau thể xác mà cả tinh thần, khi một mình cô chống lại định kiến của gia đình, bạn bè, xã hội.
Trưởng ban Nội dung, Nguyễn Mỹ Linh - du học sinh ở Mỹ về tham gia dự án lần thứ 2 nhân dịp nghỉ hè. Năm ngoái Linh tham gia Ban Nội dung đồng thời chính Linh là đầu sách “Song tính”. Nhìn cô gái dịu dàng nữ tính này, nhiều người khá bất ngờ khi cô dám công khai giới tính của mình.
Từ Linh kết nối Plaaaastic, một hiện tượng thời trang đang gây sốt trong giới trẻ. Cô trải qua tuổi thơ không hạnh phúc, chịu căn bệnh rối loạn ăn uống và chứng trầm cảm, không ít lần tự sát và vào bệnh viện tâm thần.
Giữa cuộc sống u ám, chán chường đó, năm 20 tuổi cô trở thành một hiện tượng thời trang trên mạng và một trong những người mẫu Việt có sức ảnh hưởng toàn châu Á và thế giới với phong cách riêng. Người đọc có thể chọn đầu sách “Trầm cảm” để trò chuyện với cô gái trẻ này. Plaaaastic kể về những thăng trầm trong cuộc sống để giúp mọi người xóa bỏ những định kiến, mang lại cái nhìn khác về những lối sống khác biệt.
Sự thành công của dự án là năm nay có hai nhân vật nổi tiếng tham gia với tư cách là đầu sách. Chính câu chuyện và sự ảnh hưởng của họ đã thu hút đông đảo quan tâm của giới trẻ Hà Nội.
Nhưng tâm điểm mà dự án hướng tới không phải là những người nổi tiếng. Đó còn là những con người bình dị trong đời sống. Một “Chuyển giới nam” (Phạm Hoàng Nguyên), Nguyên nhận ra mình không phải là con gái từ rất sớm và năm lớp 10, cậu quyết định đi chuyển giới. Nguyên phải đối diện với sự kỳ thị, định kiến của bố mẹ, bạn bè. Tiếng nói của người chuyển giới còn quá yếu ớt trong xã hội.
Để mẹ cậu tiếp nhận việc con mình chuyển giới là sự thừa nhận chứ không phải chấp nhận, Nguyên đã trải qua rất nhiều sự trầm cảm, cô đơn... Nhưng thái độ sống của cậu khá điềm tĩnh, bởi điều quan trọng nhất là cậu đang được sống đúng là mình.
Một đầu sách về đồng tính đang chia sẻ. |
“Đến bây giờ bố tôi vẫn không chấp nhận chuyện đó và có phản ứng tiêu cực. Bản thân tôi phải hứng chịu nhiều định kiến của xã hội nhưng mình phải chấp nhận nó. Cuộc sống do mình tự quyết định”. Nguyên đang dành dụm tiền để tiêm hóc môn, hoàn thiện bên ngoài của mình trước khi đi làm ở một tiệm bánh.
Rất nhiều những câu chuyện đã được kể như thế. Những câu chuyện được kể một cách chân thành, cởi mở, giúp ta nhận ra rằng không nên nhìn người qua danh tính của họ, bởi, chuyển giới, trầm cảm, đồng tính và rất nhiều danh tính dễ bị ác cảm khác cũng chỉ là một phần trong họ, bởi họ vẫn là những con người hoàn chỉnh.
Mỗi người trong chúng ta đều là một đầu sách, với những câu chuyện của mình. Những câu chuyện đó cần có sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng. Có lẽ vì thông điệp tích cực đó mà càng ngày “Thư viện sách sống” càng thu hút được nhiều người vốn ẩn mình, sợ - ngại đám đông tham gia.
Trong hai ngày “Ngày đọc sách” diễn ra, dự án đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ và phụ huynh Hà Nội, tạo một không gian lành mạnh, thoải mái không chỉ cho “sách sống” mà còn cho cả người đọc, họ hiểu hơn, bao dung hơn và sống nhân ái hơn.
Lê Anh Thư, Giám đốc dự án là sinh viên năm thứ hai trường Oberlin College, đã đem bản quyền dự án này về Việt Nam. Năm ngoái, Anh Thư đứng tên đầu sách “Trầm cảm”. Chị kể với độc giả rằng, ai cũng có thể bị trầm cảm và chị từng cắt tay tự tử khi giọt nước tràn ly nhưng may mắn tôi được cứu và giờ là Trưởng ban dự án. Thông điệp mà Thư muốn gửi cho cộng đồng là hãy quan tâm và để ý mọi người xung quanh, mỗi hành động dù nhỏ nhất cũng có thể làm người khác tổn thương.
Lê Anh Thư - Trưởng ban tổ chức dự án. |
Hỏi Anh Thư vì sao chị tổ chức dự án này ở Việt Nam, Thư nói: “Tôi muốn xóa bỏ mọi định kiến, phân biệt, kỳ thị liên quan đến những vấn đề nhạy cảm của xã hội như ma túy, tự hoại, đồng tính, chuyển giới, bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức của con người về quyền tự do, công bằng, sự cảm thông trong cuộc sống”.
Trong tương lai, Ban tổ chức Human Library có tham vọng sẽ đưa mô hình sách sống đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước, để nhân rộng tình yêu thương, lòng nhân ái, sự cảm thông và chia sẻ. Bởi theo Thư, luôn “có một câu chuyện trong mỗi chúng ta”. Những câu chuyện khuất lấp cần được “đọc”, được thấu hiểu và sẻ chia của cộng đồng.
*The Human Library “Thư viện sách sống” được tổ chức lần đầu tại Đan Mạch vào năm 2000 và cho đến nay đã có mặt ở hơn 70 quốc gia trên thế giới. Tháng 7 năm 2016, Lê Anh Thư đã đem bản quyền dự án này về Việt Nam. Đó là nơi mỗi cuốn sách là một con người chịu định kiến tham gia chia sẻ trực tiếp về cuộc sống của họ. Trong quá trình phát triển và hội nhập, bên cạnh những đổi mới về tư tưởng xã hội, tại Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít những suy nghĩ bảo thủ về những người được coi là “khác biệt”, đi ngược lại quan điểm của số đông. Chính điều đó đã khiến họ bị kỳ thị, phân biệt và ngăn cản được sống là chính mình. Thông qua Thư viện Sách sống, bản ngã “khác biệt” của họ có cơ hội được cất tiếng và được đồng cảm, đồng thời, “số đông” chúng ta sẽ lắng nghe và thấu hiểu họ hơn để dần xóa bỏ những định kiến vẫn còn tồn tại.
*Trước khi diễn ra “Ngày đọc sách”, The Human Library Vietnam có một loạt các hoạt động bên lề, như triển lãm “Các ngành nghề nhiều định kiến” giới thiệu 10 nhân vật với danh tính như xạ thủ, tướng quân đội, bác sĩ, thầy đồng, ca sĩ, bảo mẫu... được tái hiện qua những bức ảnh giúp người xem tiếp cận một cách trực quan đến công việc của họ. Do không có điều kiện tiếp xúc với những ngành nghề còn xa lạ với công chúng, chúng ta không thể hiểu hết được những ngành nghề ấy, đôi khi còn có những suy nghĩ có phần không chính xác so với sự thực, khiến những con người trong nghề càng ít được thấu hiểu. Đây cũng chính là lý do mà The Human Library muốn tổ chức một triển lãm về nghề nghiệp định kiến trong chuỗi tiền sự kiện của mình. Nó giúp mọi người nào đó xóa bỏ những định kiến lâu nay, và đưa ra cái nhìn chân thực hơn, sâu hơn về các ngành nghề đặc biệt trong xã hội. Bên cạnh triển lãm còn có buổi chiếu phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” và “Đàm thơ và biểu diễn nghệ thuật”. Những hoạt động thiết thực này giúp cho người đọc tiếp cận với việc đọc “sách sống” một cách cởi mở và nhân văn hơn. |