Tranh luận về Bolero: Thụt lùi hay phát triển?
Trả lời phỏng vấn một tờ báo mới đây, nam ca sỹ Tùng Dương cho rằng: “Bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với Bolero thì đúng là một sự thụt lùi. Chúng ta đồng ý rằng, Bolero là kỷ niệm, là dòng nhạc có sức sống bền bỉ, không ai được phép bài bác hay khinh bỏ.
Thực tế âm nhạc cho thấy nhiều khi giá trị mới lại không có sức hút bằng những điều cũ, cái đó chúng ta phải công nhận. Nhưng thử hỏi xem nếu tất cả ca sĩ nhạc nhẹ đều chuyển sang hát Bolero để đắt show, để dễ kiếm tiền thì âm nhạc sẽ như thế nào”.
Phát ngôn của Tùng Dương về Bolero đang gây bão dư luận. |
Song, do nhiều người không đọc đầy đủ nội dung trả lời phỏng vấn của ca sỹ Tùng Dương mà chỉ mới nhìn cái tít “Già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc Bolero đúng là sự thụt lùi” mà tờ báo nọ giật ra nên nhiều ca sỹ, nhạc sỹ của Bolero cũng như một bộ phận lớn khán giả hâm mộ dòng nhạc này phản ứng. Nhiều người cho rằng Tùng Dương là một “kẻ ngạo mạn, ngông cuồng”, “ảo tưởng về mình” và không hiểu như thế nào là Bolero.
Nếu trước đây, dòng nhạc Bolero bị chê là “sến”, “không sang” thì trong mấy năm qua, dòng nhạc này lại được xem là “mốt”. Chỉ trong vài ba năm trở lại đây, sản sinh rất nhiều cuộc thi riêng biệt về Bolero như “Solo cùng Bolero”, “Tình Bolero”, “Kịch cùng Bolero”, “Thần tượng Bolero”, “Người hát tình ca”, “Tuyệt đỉnh song ca”…
Chưa kể, nhiều game show khác cũng sử dụng phần lớn các ca khúc nổi tiếng của Bolero như Ban nhạc quyền năng”, “Thần tượng tương lai”, “Hát mãi ước mơ”, “Hãy nghe tôi hát”… Không bùng nổ trên truyền hình, nhiều đêm nhạc Bolero cũng nở rộ ở khắp các thành phố lớn nhỏ.
Nhiều ca sỹ trước đây không hát dòng nhạc này cũng quay sang hát. Ngoài ra, có không ít giọng ca nhí cũng vô tình trở thành những cái “máy hát” Bolero trong cuộc chiến rating, “vợt” quảng cáo giữa nhà sản xuất, nhà đài.
Bolero đang bị biến dạng và làm cho nhiều người không hiểu đúng về nó, kể cả những người tham gia biểu diễn, hát nó. Những điều mà Tùng Dương nói, không hẳn là không có cơ sở.
Nhìn lại, có thể thấy rằng, nhạc Việt tới nay đã đi qua một chặng đường dài với nhiều dòng nhạc, thể loại, hành trình âm nhạc khác nhau. Không ai phủ nhận Bolero hay những dòng nhạc được xem là “vàng son” của một thời. Nhưng có những câu chuyện, chúng ta có lẽ cần phải sòng phẳng.
Việc yêu thích, hâm mộ một dòng nhạc nào đó, không có nghĩa dòng nhạc đó là một bước phát triển khi mà trên thế giới, âm nhạc đã đi được một chặng “đường xa vạn dặm” như thế nào mà mình vẫn còn đang trong một cơn “nhập đồng” cũ?
Âm nhạc phải luôn chuyển động, phát triển và sản sinh ra một lớp nhạc sỹ, ca sỹ mới, nói về câu chuyện của thế hệ mình. Nếu không, e rằng, âm nhạc Việt Nam sẽ mãi dừng lại với những chiếc bóng quá lớn không thể thay thế được trong quá khứ.
Để câu chuyện này có nhiều góc nhìn, chúng tôi mở ra các “cửa sổ” để người đọc có thể nhìn nhận đầy đủ hơn.
Nhạc sỹ Vinh Sử: Bolero cho tới bây giờ vẫn có sức sống bền bỉ
Tôi biết Tùng Dương là ca sỹ ngoài Bắc, có nổi tiếng gì trong Nam này đâu. Cũng ít ai biết lắm. Tùng Dương là ai? Nếu Tùng Dương chưa phải là một người nổi tiếng vào tận miền Nam thì không phát biểu những câu như vậy được? Tại sao hát Bolero lại là thụt lùi? Thụt lùi cái gì? Bây giờ tôi hỏi lại, những cái mà theo “đại ca sỹ” ấy nói là sáng tạo, ai chứng nhận rằng anh ta đúng, và như thế là sáng tạo?
Nhạc sỹ Vinh Sử. |
Còn nói tới tính hoài niệm thì tới nay người ta vẫn ca. Hoài niệm gì mà hoài niệm ở đây? Trong âm nhạc không có thụt lùi. Chỉ có con người thụt lùi mà thôi. Mà con người thụt lùi thì chính Tùng Dương thụt lùi. Không biết gì về nhạc Bolero mới nói Bolero thụt lùi.
Tùng Dương phát biểu như thế là rất ngông cuồng. Phát biểu một cách thiếu suy nghĩ như vậy là gây xúc phạm không chỉ với các nhạc sĩ mà còn xúc phạm đến một thể loại âm nhạc đang rất được nhiều người yêu thích.
Chẳng lẽ Tùng Dương không hiểu rằng nhạc Bolero đang bùng nổ và phổ biến như hiện nay là bởi những thể loại âm nhạc khác không đủ sức để cạnh tranh với nó?
Đừng coi thường khán giả yêu nhạc Bolero, những người sáng tác Bolero và gọi họ là những người “thùi lùi”. Bản thân dòng nhạc này đủ sức tồn tại một cách bền bỉ thì rõ nó đang tiến lên chứ không hề thụt lùi. Tôi nghĩ tư tưởng của Tùng Dương đang thụt lùi và không bắt kịp sự phát triển của âm nhạc Việt Nam nên “cả gan” nói vậy thôi.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Kẻ sáng tạo nên im lặng làm công việc của mình
Tôi nghĩ, một nền âm nhạc sẽ có nhiều màu sắc khác nhau, thính phòng cổ điển, dân gian, Bolero, nhạc trẻ, pop… Quan trọng nhất là mình thích cái gì thôi. Tôi thì hướng đến âm nhạc cổ điển vì nó ngấm vào máu mình rồi, còn khán giả đại chúng, họ thích Bolero cũng là lẽ thường tình.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn. |
Âm nhạc là một bức tranh đẹp nhiều màu sắc, khi bạn thưởng thức những loại hình như thế nào, nó cũng thể hiện văn hóa, trí tuệ của con người bạn. Còn nếu nói rằng, sự lên ngôi của Bolero sẽ làm cho nền âm nhạc của chúng ta thụt lùi cũng hơi quá. Bởi hiện tại, về mặt kinh tế, sự bùng nổ của bolero giúp các ca sĩ kiếm tiền, cũng tốt thôi, nhu cầu của thị dân mà.
Còn sự ồn ào và tràn lan của nó chẳng làm ảnh hưởng gì đến những người làm nghệ thuật chân chính cả, bởi họ có con đường riêng của mình. Tôi chỉ nghĩ rằng, truyền thông có lỗi trong chuyện này, đẩy mọi thứ lên quá đà, điều này cũng có phần ảnh hưởng đển thẩm mỹ nghe nhạc của công chúng, vì người Việt vẫn thường nghe theo thói quen, theo đám đông.
Sự sáng tạo luôn phải chấp nhận độc hành, kẻ sáng tạo cứ im lặng mà làm việc của mình thôi, đừng bận tâm đến xung quanh như thế nào. Không vì sự lên ngôi của Bolero mà nền âm nhạc của chúng ta thụt lùi được, quan trọng là những kẻ sáng tạo có đủ tài giỏi và kiên định với con đường của mình để tạo ra những giá trị mới và dẫn dắt công chúng hay không?
Ca sĩ Tuấn Hiệp: Ca sĩ trẻ đổ xô hát Bolero là một sự lãng phí
Trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là Bolero và vì sao nó lại trở lại mạnh mẽ trong đời sống đến thế. Bolero từng bị cấm trong quá khứ, nhiều ca khúc mới được cấp phép trở lại, trong khi đó nền âm nhạc Việt Nam hiện tại không đủ các ca khúc hay để phục vụ thị hiếu người nghe.
Ca sĩ Tuấn Hiệp. |
Họ phải tìm đến các bài hát quen thuộc, dễ nghe, dễ đi vào lòng người. Đối với người miền Nam, dòng nhạc này nằm lòng trong họ rồi. Và tất cả các ca sĩ ai cũng có thể hát Bolero. Âm nhạc là hơi thở, là hoài niệm, chính người nghe đang quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của một dòng nhạc.
Bolero bùng nổ có lý do của nó. Đó là những bài hát thuộc thập niên những năm 1960-1975, thời đó nó còn phát triển rực rỡ hơn cả bây giờ và người ta gọi Bolero là “thời trang đại chúng”.
Để nói sáng tạo thể loại Bolero thì rất khó vì đơn giản nó có một tiết tấu duy nhất là Rumbabolero thì muốn sáng tạo khác đi cũng khó, ít chất liệu... Có làm mới thì chỉ là hát Bolero theo trường phái nào cho phù hợp với giọng hát mình thôi, như trường phái của Chế Linh, Duy Khánh...
Nhưng nếu nói “không sáng tạo” thì cũng không hẳn, với Bolero chỉ cần hát đúng, hát cho ra chất Bolero đã là thành công rồi. Mỗi ca sĩ ngoài hát cho ra chất Bolero, mỗi người còn có nét riêng, ví như trường phái của ca sĩ Chế Linh hát Bolero có phong cách riêng và Lệ Quyên cũng thế có cái lạ và riêng.
Đối tượng nghe của Bolero cũng khác hẳn không thể đem ra so sánh với ai, không thể đem ra so sánh với đối tượng của dòng nhạc tiền chiến, trữ tình được, điển hình là các sáng tác của Văn Cao, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Từ Công Phụng...
Tuy nhiên, nếu một nền âm nhạc mà tất cả mọi người đều chỉ hát Bolero thì nền âm nhạc đó cũng không phát triển được, chúng ta cần khuyến khích những giá trị mới, những sáng tạo mới tồn tại song hành.
Bây giờ, có một thực tế, nhiều ca sĩ trẻ chuyển sang hát Bolero vì dễ kiếm tiền, nhưng lâu dần họ trở thành những “cái xác không hồn” vì đã trót đi theo dòng nhạc này, trong khi họ có tiềm năng ở những dòng nhạc mới hơn. Điều đó là một sự lãng phí.
Vì sao mọi người như đang “lên đồng” khi động chạm đến vấn đề không hề mới này, vì thực tế không phải ai cũng hiểu và họ đang bảo vệ dòng nhạc này một cách “cực đoan” nên có những cái sai của số đông lại thành... đúng.