Trẻ em bây giờ nghe gì?

13:08 15/06/2017
Thị trường nhạc thiếu nhi là một sân chơi khá rộng, nhất là những năm gần đây, nở rộ các cuộc thi tài năng nhí trong địa hạt âm nhạc, sự phổ cập âm nhạc đến tận thôn cùng ngõ hẻm. Nhưng những bài hát cho thiếu nhi vẫn là một khoảng trống lớn của âm nhạc Việt. Và nhiều năm nay, chúng ta vẫn loay hoay với câu hỏi, trẻ em bây giờ nghe gì?


Một mùa Idol kid nữa lại lên sóng, bên cạnh những chương trình “Giọng hát Việt nhí”, “Đồ rê mí”... các cuộc thi tài năng âm nhạc nhí ngày càng nở rộ trên sóng truyền hình.

Nhưng chúng ta thử lắng nghe, những bài hát mà các thí sinh sử dụng trong các cuộc thi đó chủ yếu là bài người lớn, gần như hoàn toàn vắng bóng các bài hát dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

Đơn giản vì một lý do, nền âm nhạc chúng ta đang bỏ quên một địa hạt quan trọng, âm nhạc dành cho thiếu nhi. Nếu có, cũng chỉ là những bài hát dành cho lứa tuổi mầm non và tiểu học và nghe đã mòn tai từ bao thế hệ nay.

Còn học sinh từ cấp 2 gần như không có bài hát. Các em thậm chí không hát nhạc Việt. Các em nghe nhạc Hàn, nhạc Mỹ, ngâm nga Sơn Tùng M-TP, hay Ronbin Hoàng Sơn... Nhiều người cởi mở cho rằng, hãy để bọn trẻ tự chọn lựa và sàng lọc những gì mình thích nghe.

Những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí càng cho thấy khoảng trống âm nhạc thiếu nhi Việt.

Nhưng với một thị trường âm nhạc lộn xộn, thiếu định hướng như hiện nay, thì việc để cho các em tự do chưa chắc đã là một giải pháp khôn ngoan. Người lớn chúng ta vẫn phải chứng kiến cảnh trẻ em gân cổ gào thét một bài hát người lớn nào đó trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí như “Đồ rê mí”, “Giọng hát Việt nhí”.

Lỗi có tại trẻ em? Chắc chắn là không. Nhạc sĩ Phạm Tuyên, vẫn còn một nỗi đau đáu về âm nhạc cho trẻ em. Ông đã có lần đề đạt lên Hội Nhạc sĩ để khuyến khích, động viên các nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi, nhưng tiếng nói của ông đường như cũng rơi vào thinh không. Vì sao các em hát nhạc người lớn, mê nhạc nước ngoài, vì không có bài hát dành cho các em, các nhạc sĩ gần như không sáng tác cho thiếu nhi.

Còn từ phía các nhạc sĩ, họ phản hồi, “sáng tác cho thiếu nhi không bán được”, “không có người mua để dàn dựng”. Nhiều nhạc sĩ tâm huyết với nhạc thiếu nhi như Hoàng Long, Hoàng Lân cũng tâm sự rằng: “Có một thực tế đau buồn là những bài hát họ viết vẫn để trong cặp, không ai dựng, cũng không ai hỏi mua. Điều đó làm chúng tôi nản”.

 Một đứa trẻ 6-7 tuổi “quằn quại” trên sân khấu với Thị Mầu, với những bài hát về đất nước, tình yêu, ở một mặt nào đó, đôi khi lại là sự phản cảm. Nhưng thực tế, trẻ em, đặc biệt lứa tuổi thiếu niên, không có nhiều bài hát để lựa chọn.

Không thể hô hào suông, cũng không thể bắt lứa tuổi thiếu niên phải hát mãi những bài “Con cò be bé”, hay “Hạt gạo làng ta”... Chúng ta cần hơn những cơ chế từ phía nhà quản lý để khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi, đưa những bài hát thiếu nhi đi vào đời sống.

Thêm một mùa Idol Kid và nhạc Việt sẽ ở đâu trong những cuộc thi như thế này.

“Từ phía Nhà nước, cần có sự định hướng của Hội Nhạc sĩ, khuyến khích sáng tác dành cho thiếu nhi, chủ động dàn dựng để phổ biến rộng rãi những bài hát đến cho các em. Chúng ta đang bỏ trống địa hạt này, từ phía nhà quản lý không quan tâm, còn từ phía nhạc sĩ không còn ai tâm huyết”, Nhạc sĩ Phạm Tuyên ngậm ngùi.

Tôi nhớ, ca sĩ Tóc Tiên từng tuyên bố hùng hồn rằng, chị và nhạc sĩ Thanh Bùi sẽ khởi động lại một dự án âm nhạc cho thiếu nhi. Sẽ rất buồn nếu các thế hệ bây giờ chỉ có một lựa chọn duy nhất là Xuân Mai. Đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.

Nhưng chúng ta cần nhiều hơn những người như Tóc Tiên, Thanh Bùi để góp phần lấp đầy khoảng trống âm nhạc dành cho thiếu nhi, đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên. Bởi âm nhạc, nếu được trả về những giá trị nguyên khiết của nó, sẽ có tác động tích cực đến đời sống, tình cảm của trẻ em. 

Còn không, ngược lại, nó cũng là “ma túy” gây nghiện, khiến suy nghĩ và tình cảm của các em trở nên lệch lạc. Và trẻ em, có quyền được hưởng những gì đẹp đẽ, sơ khởi nhất từ âm nhạc.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Viết nhạc cho thiếu nhi  bây giờ không “bán” được

Đến bây giờ tôi vẫn trăn trở đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với đời sống.

Tôi nghĩ, chúng ta rất cần đào tạo một thế hệ nhạc sĩ quan tâm đến sáng tác cho trẻ con. Các nhạc sĩ bây giờ được đào tạo bài bản, giỏi giang, cập nhật các xu thế của thế giới hiện đại nhưng giờ không ai viết nhạc cho trẻ con.

Tôi gặp một số nghệ sĩ và hỏi họ rằng, trẻ con thiếu bài hát, sao mọi người không viết đi, được học hành, đào tạo cơ bản thế. Các em cười, nhạc thiếu nhi khó bán lắm, không ai chuộng cả. Vì ngày xưa, thời của tôi, Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương rất quan tâm đến vấn đề này, tổ chức cho nhạc sĩ đi với trẻ con để viết, rồi giao cho nhà hát dàn dựng.

Ngay cả nhận thức của nhạc sĩ cũng khác nhau. Hồi còn ở Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ, tôi có đề nghị thành lập Ban sáng tác cho trẻ em. Nhưng từ khi tôi thôi không làm thì ban đó cũng giải tán. Cho nên, điều tôi trăn trở là thiếu các ca khúc hay cho thiếu nhi.

Tôi rất phản đối chuyện các chương trình game show đang dùng trẻ con mua vui cho người lớn. Nhiều trẻ em quằn quại hát những bài người lớn, tôi thấy phản cảm. Tôi từng phản đối việc này, gặp trực tiếp lãnh đạo Đài truyền hình để nói rằng, chúng ta đang dùng trẻ con làm trò đùa cho người lớn.

 Ví dụ một đứa trẻ 7 tuổi hát “Thị Mầu lên chùa”, thử hỏi cô bé có thể hiểu gì về bài hát. Thế nhưng, ở dưới, giám khảo vỗ tay khen. Tôi đã góp ý nhưng họ cho đó là ý kiến lạc hậu rồi. Nhiều người hỏi tôi về âm nhạc thiếu nhi, tôi cho rằng phải thay đổi tư duy của những người làm văn hóa văn nghệ và đoàn thanh niên.

Trong cơ chế thị trường hiện nay, nhạc thiếu nhi không ai dựng, không ai mua. Tôi đã từng nói với các nhạc sĩ in lại những bài hát thiếu nhi vượt qua thời gian, hàng nghìn bài, anh An Thuyên khi còn sống ủng hộ nhiệt tình, in được 2 tập rồi. Nhưng in xong rồi phải làm việc với các cơ quan truyền thông, âm nhạc phải nghe chứ in xong để đó thì cũng không có ý nghĩa gì.

Tôi già rồi, chỉ làm được chừng ấy thôi. Tôi sợ trong thời gian tới, khó có thể tìm được bài hát thuần Việt; bắt chước Hàn Quốc, bắt chước Mỹ một tí, tôi sợ sẽ hỏng hết thị hiếu âm nhạc, hỏng từ thế hệ thiếu niên nhi đồng thì làm sao chúng ta mong chờ thế hệ trẻ có thái độ nghe nhạc tích cực được. 

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: Tôi không cổ súy cho trẻ em hát nhạc người lớn

Có thể thấy hiện nay trẻ em có xu hướng thích nhạc ngoại hơn nhạc nội. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta nên hiểu theo hướng tích cực khi nhìn nhận vấn đề này. Nếu đặt vào thời điểm hiện tại thì đây cũng là lẽ tất nhiên.

Cần phải nói rằng, nếu so với âm nhạc Việt Nam thì nước ngoài có nhiều thể loại nhạc để nghe và hát hơn, nhất là ở lứa tuổi của các em, thị trường âm nhạc trong nước hoàn toàn bị bỏ ngỏ.

Các em không thể nào nghe và hát những bài kiểu như “Bé bé bằng bông” hay “Hạt gạo làng ta”- những bài hát từ thuở vỡ lòng được. Những sáng tác dành cho lứa tuổi này đang thiếu, bản thân các nhạc sĩ cũng chưa chú ý đến mảng đề tài này.

Lý do vì độ tuổi này qua quá nhanh, tâm sinh lý khá bất ổn, không dễ nắm bắt cảm xúc, suy nghĩ để có những sáng tác phù hợp. Chúng ta lo rằng, nếu các em cứ hát mãi những bài hát quá già so với tuổi sẽ gần đến sự phát triển lệch lạc về tâm hồn, thị hiếu.

Nhưng tôi cho rằng, không có chuyện đó xảy ra. Tôi cũng không bao giờ cổ súy cho việc đó. Nhưng những đứa trẻ có năng khiếu và được dìu dắt, định hướng tốt sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định bản thân trong thời gian tới.

Trong chương trình “Giọng hát Việt nhí”, xu hướng chọn bài hát Tiếng Anh tương đối nhiều, bởi thực tế trẻ nghe nhiều, thích những thể loại nhạc này nên phải chấp nhận. Dù sao đây cũng là sự thể hiện đúng khả năng của các em.

Nhưng vào vòng đối đầu, mọi người sẽ thấy những bài hát Tiếng Việt xuất hiện nhiều hơn, đó cũng là chủ ý của chúng tôi. Dù hiện tại chúng ta đang bỏ ngỏ sân âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, xã hội và bố mẹ cũng cần có cái nhìn cởi mở hơn về lứa tuổi này, bắt đầu những tình cảm yêu ghét ẩm ương.

Không thể đóng khung các em vào tuổi thơ của bố mẹ ngày xưa được. Âm nhạc, cũng cần một tư duy cởi mở hơn. Chính sự cởi mở đó từ phía bố mẹ, xã hội sẽ góp phần xóa bỏ những định kiến hạn hẹp về âm nhạc, nhất là âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu niên, khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác. 

Lan Tường

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文