Vận động viên bóng bàn Trần Tuấn Quỳnh: Tài năng đi cùng khổ luyện
- Tuấn Quỳnh thừa nhận dùng chiêu trò trong trận chung kết bóng bàn
- Hanoi Open 2016 tranh Cup Báo CAND: Ấn tượng về một giải đấu quy mô, tầm cỡ
Trần Tuấn Quỳnh, tay vợt trụ cột của Đội tuyển Bóng bàn Việt Nam một thời với hàng loạt danh hiệu lớn nhỏ từ trong nước đến quốc tế bộc bạch với tôi như thế bên lề giải Bóng bàn Hanoi Open 2016 tranh Cup Báo Công an nhân dân tại Nhà thi đấu Quần Ngựa, Hà Nội.
Đây là giải đấu tranh Cup Báo CAND lần thứ 2 Trần Tuấn Quỳnh tham gia, và với Quỳnh, tham gia không phải là đặt nặng về thành tích, điều quý nhất với một VĐV như Quỳnh là lại được cháy hết mình với môn thể thao yêu thích.
Trái bóng bàn và duyên nghiệp
20 năm là VĐV chuyên nghiệp, chẳng nói thì ai cũng hiểu quãng thời gian ấy Trần Tuấn Quỳnh cũng đã phải trải qua biết bao thăng trầm với môn thể thao này.
Với mỗi danh hiệu lớn nhỏ có được đi cùng với nó là niềm vui sướng, nhưng trong đó cũng bao hàm rất nhiều sự khổ luyện. Trần Tuấn Quỳnh bộc bạch rằng, trái bóng bàn đến với anh một cách rất tự nhiên như là "duyên nghiệp" vậy
Những năm 90 của thế kỷ trước, trong một con ngõ nhỏ nằm trên phố Lý Thường Kiệt có đặt một chiếc bàn bóng bàn để bà con lối xóm chiều đến chơi thể dục. Thế nhưng với cậu bé Trần Tuấn Quỳnh ngày ấy, thời gian lê la quanh chiếc bàn bóng bàn ấy chính là con đường để đến với VĐV chuyên nghiệp.
Quanh quẩn bên cạnh bàn bóng bàn trong xóm, rồi Quỳnh cũng biết cầm vợt, học được từ các đàn anh "quả đập", "quả ve". Thế nhưng với khả năng thiên phú, Quỳnh học rất nhanh và dần trở thành đối thủ "cứng" của nhiều anh lớn trong xóm.
"Một hôm, một anh lớn trong xóm rủ ra CLB bóng bàn Trưng Vương ở ngay gần nhà chơi. Chơi một vài buổi ở đó, các thầy cô nhận ra khả năng và hướng dẫn cho luyện tập. Con đường đến với bóng bàn chuyên nghiệp của mình bắt đầu từ đó", Trần Tuấn Quỳnh nhớ lại.
Hơn 20 năm đã qua, những cái tên ở CLB bóng bàn Trưng Vương xưa như: cô Loan, chú Tiến Hùng, thầy Thọ Hạnh là những người Quỳnh chưa bao giờ quên được. Nhờ sự dìu dắt của những con người ấy, Trần Tuấn Quỳnh mới chính thức bước vào cuộc đời của một VĐV bóng bàn chuyên nghiệp.
Trần Tuấn Quỳnh trong một trận đấu tại Giải Hanoi Open 2016 tranh Cup Báo Công an nhân dân. |
"Năm 1995, lúc ấy vừa tròn 8 tuổi, mình đã chính thức bắt đầu con đường chuyên nghiệp. Thế nhưng để trở thành một VĐV chuyên nghiệp ngoài tài năng thì còn rất cần sự khổ luyện", Quỳnh bộc bạch.
Năm 1995, nằm trong thành phần đội tuyển Hà Nội được sang Trung Quốc tập huấn, Quỳnh đã tận dụng tối đa khoảng thời gian này để học hỏi và phát triển.
"Hồi đó được đội tuyển Hà Nội cử đi cùng với anh Hải. Hai anh em miệt mài luyện tập. Sáng từ 6 giờ đến 7 giờ, sau đó về ăn sáng. 8 rưỡi lại tiếp tục tập đến 12 giờ, có hôm đến tận 1 giờ trưa mới nghỉ. Nghỉ trưa xong 3 giờ lại tiếp tục tập đến tối mịt. Ăn tối xong 8 giờ, 8 rưỡi tối lại tập. Nếu không khổ luyện thì khó mà phát triển được dù anh có tài năng", Quỳnh nhớ lại.
3 năm trời luyện tập với cường độ "căng hơn dây đàn" với một cậu bé chừng 10 tuổi quả là gian khổ. Thế nhưng đây chính là bệ đỡ để Trần Tuấn Quỳnh phát triển lên một tầm cao mới mà như chính Quỳnh chia sẻ là "số vốn" tích lũy được thời gian đó đến bây giờ vẫn chưa dùng hết.
Những dấu son trong cuộc đời chuyên nghiệp
Kể từ khi bước chân vào con đường VĐV chuyên nghiệp, Trần Tuấn Quỳnh đã giành được rất nhiều danh hiệu lớn nhỏ.
Từng đánh rất nhiều trận chung kết nhưng trận chung kết Sea games 22 năm 2003 đánh tại nhà thi đấu Hải Dương là một kỷ niệm không thể nào quên đối với Trần Tuấn Quỳnh.
Năm 2001, Quỳnh đã được triệu tập vào đội tuyển quốc gia Việt Nam và được thi đấu ở Sea games 21, nhưng phải đến Sea games 22, Việt Nam là nước chủ nhà, Quỳnh mới được thi đấu ở nội dung đơn nam. Sau trận chung kết nghẹt thở là cảm xúc vỡ òa.
HCV ở nội dung đơn nam bóng bàn là thành tích mà ngay cả khi đã chiến thắng Quỳnh cũng không thể tin mình đã làm được.
"Bước vào giải, bản thân mình không đặt nặng thành tích, đội tuyển cũng thế. Có lẽ chính vì tâm lý thoải mái nên mình dễ dàng cháy hết mình. Ở cái tuổi 20 bồng bột nên vào giải mình cứ thi đấu hết sức. Chính vì không đặt nặng thành tích nên gặp đối thủ nào cũng vậy. Trận chung hết năm đó có thời điểm bị dẫn trước, tâm lý căng cứng tưởng không vượt qua được nhưng rồi mình cũng đã vượt lên được chính mình", Trần Xuân Quỳnh tâm sự.
HCV Sea games 22 và là trụ cột của đội tuyển Việt Nam giành nhiều huy chương ở các kỳ Sea game sau này cũng như các giải đấu khác nhưng theo Trần Tuấn Quỳnh, thành tích ấn tượng nhất đối với anh lại là chiếc HCĐ Olympic thanh thiếu niên thế giới năm 1998. Theo Quỳnh thì đây mới chính là thành tích cao nhất trong sự nghiệp VĐV chuyên nghiệp của mình.
Năm 1998, Quỳnh thuộc biên chế của đội tuyển Hà Nội và thời điểm đó đoàn Hà Nội được đại diện cho Việt Nam tham dự Olympic thanh thiếu niên thế giới được tổ chức tại Nga.
Được chọn vào thành phần đội tuyển tham gia giải ở nội dung thi đấu đôi nam thực sự là sự ngỡ ngàng với cậu bé Trần Tuấn Quỳnh lúc đó.
Chính vì được tham gia ở một sự kiện lớn tầm cỡ thế giới ở thời điểm đó mà như lời Quỳnh tâm sự, nhận được thông tin mấy đêm liền cậu bé đã không thể ngủ được vì sung sướng.
Tại Olympic thanh thiếu niên thế giới năm 1998, từ vòng bảng cho đến vòng bán kết, cặp đôi của Quỳnh đều gặp các đối thủ mạnh ở khu vực châu Âu.
Thành tích toàn thắng để đặt chân vào bán kết là thành tích ngoài sức tưởng tượng của cả đoàn tham dự lúc đó. Cặp đôi của Quỳnh chỉ chịu dừng bước ở bán kết trước cặp đôi rất mạnh của đội tuyển Hàn Quốc.
Trong trận tranh HCĐ, cặp đôi của Quỳnh đã xuất sắc giành chiến thắng. Thành tích quốc tế đầu tiên và theo Quỳnh cũng chính là thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của anh.
Trần Tuấn Quỳnh trải lòng bên lề Giải đấu Hanoi Open 2016 tranh Cup Báo Công an nhân dân. |
Và nhiều trăn trở
Niềm vui đối Trần Tuấn Quỳnh là đứa con thứ 2 sắp chào đời. Gia đình nhỏ chuẩn bị đón thêm thành viên mới với nhiều lo toan, tất bật. Thế nhưng niềm đam mê với bóng bàn trong Trần Tuấn Quỳnh lúc nào cũng như ngọn lửa luôn bùng cháy.
"Ngày nào mình cũng phải duy trì luyện tập 5 tiếng, ngoài ra lúc rảnh rỗi thì hướng dẫn các em ở đội trẻ T&T Hà Nội nơi mình đàn đầu quân. Mục tiêu lớn nhất của mình không phải là thành tích mà luôn vươn lên để vượt lên chính mình, tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng và nâng cao thể lực để chuẩn bị cho Giải cây vợt xuất sắc toàn quốc và Đại hội thể dục thể thao toàn quốc sang năm", Quỳnh bật mí những dự định tới đây.
Là một VĐV chuyên nghiệp theo đuổi nghiệp bóng bàn, Trần Tuấn Quỳnh cũng có không ít trăn trở đối với môn thể thao là niềm đam mê này. Quỳnh cho rằng cái khó nhất để bóng bàn Việt Nam hiện nay phát triển vẫn chính là yếu tố con người. Hiện tại số lượng VĐV bóng bàn Việt Nam đang còn quá ít.
"Chúng ta hiện tại đang có rất nhiều CLB bóng bàn nhưng mới chỉ ở mức độ nghiệp dư, những con người có tốt chất để phát triển lên lại không có. Chúng ta chưa phát hiện thêm được những tài năng thực sự để nuôi dưỡng.
Cho dù có tài năng nuôi dưỡng đi chăng nữa thì cũng ít được đầu tư quá. Đầu tư nửa vời, đầu tư một vài năm không có thành tích là thôi lại không đầu tư nữa thì đó chính là cái bất cập khiến cho bóng bàn Việt Nam khó phát triển, các VĐV thành tích cao khó đạt được những thành tích mà đáng ra chúng ta có khả năng để đạt được. Những người như anh Đoàn Kiến Quốc là của quá hiếm. Có khi vài chục năm nữa chúng ta cũng khó có lại được những tay vợt như thế", Trần Tuấn Quỳnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, bất cập của bóng bàn Việt Nam hiện nay còn nằm ở nhiều điểm khác như: về mặt chuyên môn không được đi thi đấu nhiều, tập trung đội tuyển thì ngắn hạn, VĐV địa phương gọi thì không lên tuyển… chính vì thế bóng bàn Việt Nam khó phát triển mạnh lên được.
"Với hàng loạt bất cập như thế thì bóng bàn Việt Nam muốn vươn lên được đẳng cấp của châu Á thì còn nhiều vấn đề lắm", Trần Ngọc Quỳnh nói.
Chính vì "duyên nợ" với bóng bàn và mong muốn bóng bàn Việt Nam phát triển hơn nữa. Trần Tuấn Quỳnh cho biết sau khi kết thúc sự nghiệp VĐV, Quỳnh sẽ chuyển sang công tác huấn luyện với mong muốn được đào tạo những VĐV trẻ có đam mê bóng bàn để đóng góp cho nền thể thao nước nhà.
"Bóng bàn đã cho mình rất nhiều thứ do đó không thể nói bỏ là bỏ được. Với mình bóng bàn nó cũng là cái nghiệp rồi. Dự định của mình là sau khi không thi đấu nữa sẽ tiếp tục đào tạo các VĐV trẻ, không chỉ thế mình sẽ đi dạy cả bóng bàn bên ngoài để bộ môn bóng bàn sẽ được phổ biến rộng rãi hơn nữa", Quỳnh chia sẻ.
Đây lần thứ 2 Trần Tuấn Quỳnh tham giai Giải bóng bàn tranh Cup Báo CAND. Là một VĐV chuyên nghiệp tham gia giải đấu ở cấp độ VĐV cao nhất, Trần Tuấn Quỳnh khẳng định, quy mô của giải bóng bàn tranh Cup Báo CAND là rất tốt. "Giải đấu đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến đến bóng bàn. Giải cũng đã chuyển tại được thông điệp về bóng bàn đến mọi người làm cho ngày càng nhiều người hơn nữa biết đến bóng bàn. Đây là điều đáng quý. Bên cạnh đó, các VĐV bóng bàn cũng rất cần đến những người tổ chức có tâm như vậy để phát triển bóng bàn đến những người chơi bình thường, phổ biến hơn. Khi được nhiều người quan tâm, bóng bàn Việt Nam sẽ phát triển hơn, được đầu tư mạnh mẽ hơn", Trần Tuấn Quỳnh nói. |