Vở diễn đặc biệt của các nghệ sĩ Công an chào mừng ngày 22-12

13:10 17/12/2019
Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2019), hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND (19-8-1945 – 19-8-2020) và kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ (1995-2020), Nhà hát CAND đã phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại Tuệ Việt thực hiện thành công vở kịch “Duyên định”.


Đây là vở diễn đầu tiên được Nhà hát CAND thực hiện theo hình thức xã hội hóa, nội dung nói về quân đội, được người trong nghề đánh giá cao bởi giàu cảm xúc, dồi dào tư liệu, giàu chi tiết đắt giá.

“Duyên định” do NSND Lê Hùng dàn dựng theo kịch bản văn học của Tiến sĩ sử học Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam cố vấn lịch sử; NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền chỉ đạo nghệ thuật.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chúc mừng các nghệ sĩ sau đêm diễn đầu tiên.

Vở diễn khai thác đề tài chiến tranh cách mạng, ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng chống đế quốc Mỹ của quân, dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đề cao tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Đại tá, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an cho biết, đây là vở diễn xã hội hóa đầu tiên nhưng không phải là vở diễn đầu tiên của các nghệ sĩ Công an nói về đề tài quân đội.

Lâu nay, tại nhiều kỳ cuộc liên hoan, hội diễn, các dịp đặc biệt như ngày truyền thống của CAND hay ngày truyền thống Quân đội nhân dân, việc các nhà hát, đơn vị nghệ thuật của lực lượng CAND dựng chương trình, vở diễn về lực lượng Quân đội và các nhà hát, đơn vị của Quân đội dựng về lực lượng CAND không hẳn là quá hiếm hoi.

Tuy nhiên, việc huy động xã hội hóa giúp “Duyên định” có nguồn đầu tư dàn dựng dồi dào hơn và là một trong số không nhiều các vở diễn của Nhà hát CAND ra mắt tại “thánh đường” nghệ thuật của cả nước – Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đạo diễn, NSND Lê Hùng và tác giả kịch bản văn học của vở diễn - Tiến sĩ sử học Chu Đức Tính từng là những người lính lăn lộn nơi chiến trường. Nói như cách chia sẻ của hai ông thì những gì họ viết, đưa vào tác phẩm đều là câu chuyện của chính đồng đội và của chính mình.

Khán giả, đặc biệt là những người đã từng trải qua chiến tranh, am hiểu về chiến tranh dễ dàng nhận thấy những câu chuyện rất thật, rất quen mà bản thân đã thấy, đã gặp ở đâu đó trong cuộc sống hay trên những trang sách.

Có khác chăng là lần này, chúng được “kể” bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu. Sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật hiện đại, sự tích hợp của nhiều loại hình nghệ thuật giúp lịch sử đất nước được phục dựng một cách chi tiết, chân thực, sống động hơn.

Đạo diễn Lê Hùng đã phát huy hiệu quả việc tích hợp giữa nghệ thuật điện ảnh với sân khấu thông qua sự tận dụng tối đa của màn hình led lớn. Vẫn là hình ảnh bệnh viện, nhóm bác sĩ cùng bệnh nhân chiến đấu với tử thần, nhưng hiệu ứng hình ảnh về bức tượng Nữ thần Tự do choán toàn bộ màn hình, giúp người xem nhận ngay ra sự khác biệt của không gian, thời gian, nhân vật, câu chuyện.

Đó là bệnh viện ở nước Mỹ xa xôi. Ký ức dữ dội của người bệnh hiện diện qua dàn máy bay chiến đấu, mang đầy đạn bom quần thảo trên bầu trời. Bên dưới, chiếc mũ sắt gắn liền với người lính Mỹ trên chiến trường xưa nằm gọn lỏn trên giường bệnh cùng Joe Louis - người cựu chiến binh đang hấp hối. Trước phút lâm chung, ông vẫn kịp trao lại những kỷ vật đặc biệt cùng di nguyện cho người con trai về Việt Nam, tìm lại những con người đặc biệt ở một vùng đất đặc biệt, nơi ông đã gửi lại một phần trái tim và tuổi thanh xuân của mình…

Cùng với việc đầu tư thiết kế sân khấu, xử lý di chuyển bục bệ linh hoạt phục dựng không gian chiến trường xưa thật đến không thể thật hơn, các đoạn phim tư liệu được kỳ công thu thập, phóng chiếu trên màn hình lớn khiến không khí căng thẳng của chiến tranh bao trùm sân khấu. Giữa lúc chiến sự ác liệt nhất, bệnh xá dã chiến K20 tại Tân Biên – Tây Ninh thêm nháo nhào bởi sự hiện diện của một bệnh nhân đặc biệt – Joe Louis, một phi công Mỹ ném bom đánh phá Việt Nam bị bắt và bị thương.

Cảnh y tá Bình cất tiếng hò Huế lấy nhiều nước mắt của người xem “Duyên định”.

Thuốc men khan hiếm, thương binh la liệt nhưng vẫn phải chạy chữa cho kẻ thù khiến những con người hừng hực lòng căm phẫn phản đối, muốn trút giận lên viên phi công Mỹ. Chủ trương đối xử nhân đạo với tù binh, lòng trắc ẩn của con người đối với con người, đặc biệt là của Bình - nữ y tá trẻ người gốc Hà Nội tại bệnh xá đã khiến những thương binh, đồng đội của họ miễn cưỡng chấp nhận kẻ từng gieo rắc đau thương cho chính mình trước đó.

Đặc biệt, trong vở diễn lần này, xuất hiện giữa dàn diễn viên chuyện nghiệp còn có một “diễn viên” tay ngang là Phạm Việt. Hơn thế, đây còn là lần đầu tiên anh tham gia diễn xuất trên sân khấu. Phạm Việt vốn là cán bộ được đào tạo bài bản trong trường Công an và từng trực tiếp công tác ở đơn vị chiến đấu.

Nhưng vì yêu thích nghệ thuật, anh chuyển về gắn bó với Nhà hát CAND làm công tác hành chính. Một lần anh đi ngang qua sân khấu, nơi đạo diễn Lê Hùng đang cùng các diễn viên dàn dựng vở “Duyên định” thì được đạo diễn gọi lại, kêu diễn thử. Tin cậy vào tài năng, sự chỉ bảo của đạo diễn, sự hỗ trợ của các diễn viên chuyên nghiệp tham gia vở diễn, Phạm Việt mạnh dạn diễn luôn.

Vai của anh là một chiến sĩ giải phóng, bị địch bắt trong một trận càn, bị tra tấn dã man nhưng quyết không khai nơi đồng đội ẩn náu. Không khai thác được thông tin gì từ người lính quả cảm, giặc tước đi mạng sống của anh.

Vai diễn của Phạm Việt chỉ được đạo diễn thoại đúng một câu. Ít phút trên sân khấu, chủ yếu diễn cảnh vật lộn nhưng Phạm Việt diễn tròn vai đến mức, khán giả khó nhận ra anh là “lính mới”. Không những thế, nhiều động tác, tư thế mà chỉ người trong nghề, kinh qua thực tế được Phạm Việt phát huy tối đa, tạo hiệu ứng tích cực cho vai diễn.

Trong vở diễn này, cảnh người lính trong phút hấp hối, muốn được mọi người giúp đưa ra bên ngoài để được nhìn thấy ánh sáng lần cuối, muốn được trở về đất Huế thân thương, tiếng hò Huế ngọt ngào của y tá Bình như mênh mang giữa dòng sông Hương đang được phóng chiếu trên màn hình led lớn, bên cạnh là viên phi công Mỹ dày vò bởi sự ân hận không nguôi… đã  khiến cả khán phòng lặng đi, nghẹn ngào.

Như nhận định của PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, thì giữa thời điểm hiện nay, khi chiến tranh không còn là đề tài được quá nhiều người quan tâm thì việc lấy được cảm xúc của người xem là thành công của NSND Lê Hùng.

Chi tiết đặc tả nhờ công nghệ phóng chiếu qua màn hình, giúp người xem thấy rõ mồn một cử chỉ run run của nữ y tá Bình với nước mắt lã chã rơi, nắn nót từng nét chữ ghi họ tên, quê quán, cẩn trọng gấp tờ giấy, nhét vào lọ penicilin, để trong túi áo ngực người đồng đội mới hy sinh trước khi chôn cất anh cũng là một trong những chi tiết đắt giá mà chỉ những người thực sự hiểu về chiến tranh Việt Nam mới khai thác, chuyển tải thành công như trong “Duyên định”.

Cảnh trong vở “Duyên định”.

Chiến tranh kết thúc, những con người từng ở hai chiến tuyến đều trở lại với cuộc sống đời thường nhưng nỗi đau, hậu quả chiến tranh vẫn hiện hiện qua những cơ thể không còn lành lặn, qua những đứa trẻ không bình thường vì nhiễm chất độc hóa học…

Hố sâu ngăn cách bởi chiến tranh vẫn hiện diện trong thế hệ sau bởi nỗi oán hận kẻ mang đến bất hạnh cho mình.

Làm sao để vượt qua nó, hóa giải hận thù và chuyển tải được thông điệp ấy một cách hợp lý, thuyết phục nhất chỉ với một thời lượng ngắn cuối cùng trên sân khấu là thách thức lớn. NSND Lê Hùng và ê kíp tham gia vở diễn đã làm được, dù rằng, nói như lời nhắc nhở của Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an ngay sau khi vở diễn kết thúc là vẫn còn những điểm chưa thật trọn vẹn, cần tiếp tục điều chỉnh trong lần diễn tiếp theo.

Minh Hà

Trong bối cảnh cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ ba, hôm 26/12 (giờ địa phương), cả Nga và Ukraine đã đưa ra các tuyên bố quan trọng về khả năng chấm dứt cuộc chiến. Những quan điểm này được xem là kim chỉ nam cho các nỗ lực đàm phán, nếu cơ hội chín muồi.

Sáng nay, ngày 28/12/2024, Công an tỉnh Lai Châu đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả đấu tranh Chuyên án 0924L, triệt phá một đường dây lừa đảo xuyên biên giới sử dụng công nghệ cao với các thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, các đối tượng đã xây dựng kịch bản lừa đảo bài bản, với sự chỉ đạo của nhóm người nước ngoài từ Campuchia.

Sau khi phát hiện gần 1 tấn thành phẩm và nguyên liệu tại cơ sở sản xuất chả Phạm Xu Tý (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) có chất hàn the, chiều tối 27/12, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (gọi tắt Phòng Cảnh sát kinh tế) Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với chủ cơ sở này.

Sau 5 tháng phát động, Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 năm 2024 đã thu hút được khá nhiều tác giả từ 18 đến 35 tuổi, mang đến những tiếng nói mới cho mỹ thuật đương đại. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định: “Những người trẻ năng động đã nỗ lực tìm kiếm cho mình các hình thức nghệ thuật ở mọi chất liệu, kiểu dáng, chủ đề, cách thể hiện".

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm nay (28/12), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và hầu hết phía Tây Bắc Bộ. Ở Vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8-9.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文