Xung quanh chuyện cấp phép biểu diễn cho mỗi vở diễn sân khấu

20:04 21/05/2017
Thông tin thời hạn hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình sân khấu chỉ tối đa trong vòng 1 năm khiến nhiều nghệ sỹ lên tiếng bày tỏ sự bức xúc. Hầu hết mọi người đều cho đây là một quyết định “chơi khó nhau”!


Cụ thể, Điều 6, Nghị định 15/2016/NĐ-CP quy định thời hạn hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa là 12 tháng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2016. Tất cả những vở diễn được phúc khảo từ thời điểm này về sau chỉ được cấp phép đúng một năm. Trước khi có Nghị định này, vở diễn chỉ cần duyệt một lần, nếu được cấp phép thì đó là giấy phép không thời hạn. 

NSƯT Trịnh Kim Chi bày tỏ sự lo lắng: “Em phải làm sao?”. Nghệ sỹ Huỳnh Đông đặt ra vấn đề khó khăn của sân khấu hiện nay: “Gì nữa vậy trời? Chưa thấy chúng tôi đủ khó khăn hả? Chỗ diễn thì phải đi thuê mượn, trong khi có cả chục cái sân khấu tiêu chuẩn quốc tế nằm không lẻ ngoài kia… Bây giờ thêm vụ này nữa…”.

Một cảnh trong vở kịch “Giấc mơ” của Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, TP Hồ Chí Minh.

Còn nghệ sỹ Hồng Trang lại liên hệ tới câu chuyện “vi hành” của các bậc minh quân ngày xưa: “Vua muốn biết thì cứ vi hành coi cái thực tế rồi cấm lưu hành cũng không muộn mà, cớ đâu mần khó nhau vậy?”.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đây là một quyết định… “chơi khó nhau”. Có nhiều người lo ngại, cứ đà này, sân khấu đang trong tình trạng chết yểu sớm đóng cửa hơn.

Cho đến giờ, vì sao giấy phép biểu diễn cấp cho một vở diễn chỉ có hiệu lực trong vòng một năm và thời hạn một năm này được đưa ra dựa trên cơ sở và đánh giá nào thì chẳng ai hiểu nổi.

Thông thường, một tác phẩm sân khấu dựng rất mất thời gian, công sức, tâm huyết của nghệ sỹ. Có những tác phẩm được dựng mấy tháng đến một năm trời ròng rã. Và tác phẩm sân khấu ấy đã được hội đồng nghệ thuật thẩm định nội dung, chủ đề tư tưởng và cho phép biểu diễn rồi; nghĩa là nó không thể có vấn đề về nội dung, tư tưởng được.

Vậy tại sao lại “đẻ” ra một nội dung vô lí như thế? Và thay vì để khán giả quyết định tuổi thọ của tác phẩm thì giờ đây, Nghị định này sẽ làm công việc đó. Theo nhiều nghệ sỹ, việc đóng phí gia hạn giấy phép này chỉ gây thêm phiền toái, tốn kém cho họ.

Chưa kể, quy định gia hạn giấy phép chỉ áp dụng với những vở được cấp phép từ sau ngày 1/5/2016. Vậy những vở đã được cấp phép trước đó thì thế nào? Tác phẩm sân khấu trước hay sau thời điểm nói trên đều bình đẳng về giá trị nhưng lại không được đối xử một cách công bằng, thuyết phục. Gia hạn như vậy là cách làm nửa vời, kiểu không kiểm soát được thì cấm cho chắc. Công tác kiểm tra sau khi cấp phép lại bị bỏ ngỏ trong nhiều năm qua. 

Thời gian qua, chúng ta chứng kiến không ít trường hợp được nới lỏng nên “làm tới”. Có những trường hợp nội dung xin cấp phép một kiểu, ra diễn lại một kiểu. Cũng có trường hợp xin giấy phép chỉ để cho có và cho đầy đủ về mặt thủ tục. Có thể kể ra đây 2 ví dụ tiêu biểu, để thấy bức tranh có phần hỗn loạn của sân khấu nước ta hiện nay. Danh hài Trấn Thành từng làm nhiều người bức xúc khi biến tấu phản cảm và “bôi bẩn” tác phẩm cải lương “Tô Nguyệt Ánh” kinh điển của cố soạn giả Trần Hữu Trang. Vở “Mùi da người” của sân khấu Sao Minh Béo trước được giới thiệu là nhằm giáo dục giới tính cho khán giả 16+ đã làm khán giả người lớn cũng phải đỏ mặt vì những màn yêu đương dung tục và phản cảm…

Rõ ràng, gia hạn giấy phép được xem là cách quản lý hiệu quả để không tiếp tục cấp giấy phép cho những vở diễn bị dư luận phản ứng, bị những người thực hiện tự ý sửa chữa trong quá trình biểu diễn nhằm câu khách, tạo ra sự khác biệt so với bản dựng phúc khảo. Nhưng cách làm như thế nào cho hợp lý, vẹn cả đôi đường thì hiện tại, Nghị định 15 đang có nhiều điểm cần đưa ra bàn lại.

NSND Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Nên giãn thời gian cấp phép từ 3- 5 năm

NSND Anh Tú.

Tôi cho rằng, quy định của Cục Nghệ thuật biểu diễn về hạn cấp giấy phép cho một tác phẩm sân khấu tối đa 12 tháng là bất hợp lý, bởi ai cũng hiểu sức sống của một tác phẩm sân khấu rất lâu bền, có những tác phẩm vượt thời gian. 

Hạn định 12 tháng khiến cho những người làm sân khấu rất mệt mỏi khi muốn diễn lại phải tổ chức duyệt lại, tốn kém, trong thời buổi sân khấu đang khó khăn, chỉ mong có cơ hội được diễn. 

Việc kiểm duyệt là cần thiết nhưng nên kéo dãn thời gian ra từ 3-5 năm duyệt lại một lần, vì nhiều tác phẩm sân khấu thay đổi kịch bản, làm cho tác phẩm gốc méo mó, dị hợm so với ban đầu. 

Thực tế đã có những tác phẩm sân khấu không cấp phép lại, sau 3- 4 năm diễn lại có những thay đổi biến tướng, ví dụ như nhân danh làm mới, hay đưa các yếu tố đương đại, các thử nghiệm sân khấu vào nhưng không phù hợp, thậm chí làm méo mó tác phẩm. 

Vì thế, tôi nghĩ chúng ta vẫn cần một quy định chặt chẽ về việc này, 3-5 năm cũng là quãng thời gian vừa đủ để đạo diễn và ê-kíp nhìn lại tác phẩm của mình, có những chỉnh sửa để tác phẩm phù hợp với đời sống đương thời và không bị lạc hậu. Đây cũng là điều quan trọng làm nên sức sống của một tác phẩm sân khấu. 

Nếu ta cứ mặc định tác phẩm duyệt rồi là cấp phép mãi mãi sẽ tạo ra sự dễ dãi cho những người làm nghề. Điều quan trọng nhất chính là các đạo diễn, các nhà hát tự ý thức về giá trị tác phẩm của mình, sức sống của một tác phẩm chắc chắn sẽ không phụ thuộc vào những công việc sự vụ như kiểm duyệt hay cấp phép.

NSƯT Thanh Ngoan,  Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam: Với sân khấu truyền thống, thời hạn cấp phép là mãi mãi

NSƯT Thanh Ngoan.

Tôi cho rằng những tác phẩm sân khấu khi đến được với công chúng đã qua rất nhiều khâu kiểm duyệt, từ kịch bản, đến nội dung, thậm chí hội đồng duyệt cũng đã xem đi xem lại kỹ càng, vì thế, tác phẩm đã được cấp giấy phép nên cấp vĩnh viễn. Việc cứ một năm lại đi xin cấp phép rất phiền phức, tốn kém, trong khi đời sống của sân khấu đang chật vật như thế. 

Tôi thấy không có lý do gì phải cấp phép lại cho các tác phẩm sân khấu đã được duyệt, các tác phẩm đó ngoài hội đồng duyệt còn tham dự các cuộc thi liên hoan trong và ngoài nước nữa, nghĩa là giá trị đã được khẳng định rồi. Tác phẩm sân khấu gắn liền với thương hiệu của từng nhà hát, tự nhà hát đó phải biết được tác phẩm của mình có thay đổi gì hay không. Nếu có thay đổi nhiều về nội dung thì nhà hát chủ động đề xuất Hội đồng duyệt lại, còn không thì thôi. 

Mọi người cứ cho rằng, 12 tháng là dài lắm, nhưng với tuổi đời của một tác phẩm nghệ thuật là quá ngắn ngủi. Quy định hạn chế 1 năm phải cấp phép lại sẽ gây khó dễ cho nhiều tác phẩm, chẳng hạn, nhà hát tôi có một tác phẩm đã được duyệt nhưng chưa diễn ở đâu, muốn tham dự liên hoan sân khấu lại vướng giấy phép hết hạn thì sẽ xử lý thế nào. Lại lập ra Hội đồng xem xét và cấp phép à, nhiêu khê quá. 

Giá trị của một tác phẩm sân khấu gắn liền với cả một ê kíp làm việc và thương hiệu của từng nhà hát, nên các nhà hát sẽ có trách nhiệm với tác phẩm của mình. Chỉ duyệt lại những tác phẩm nào có thay đổi về nội dung hoặc có những chi tiết không còn phù hợp với đời sống trong thời điểm đó mà thôi.

Còn trong lĩnh vực sân khấu truyền thống, theo tôi việc cấp phép là mãi mãi. Bởi những giá trị của sân khấu truyền thống thuộc về di sản rồi, phải tạo mọi điều kiện thông thoáng nhất để tác phẩm có cơ hội đến rộng rãi với công chúng. Chúng tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là được giới thiệu tác phẩm của mình nhưng có phải lúc nào cũng có cơ hội đâu.

NSƯT Trịnh Kim Chi: Quy định làm phiền nhà quản lý

Sau khi nhiều nghệ sỹ, trong đó có tôi, lên tiếng về những bất cập và vô lý của Nghị định 15/2016/NĐ-CP quy định thời hạn hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa là 12 tháng – tôi đã được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh thông báo rằng, vấn đề này đã được Sở gửi ra Trung ương, đang chờ Trung ương phản hồi. Họ có nói với tôi, đúng là có quá nhiều bất cập trong câu chuyện này. Họ nói, trong câu chuyện này có một sự “truyền đạt nhầm” giữa cấp trên và cấp dưới xoay quanh câu chuyện đóng phí gia hạn giấy phép. Cấp dưới đã hiểu không rõ về Nghị định khi truyền đạt. Không có chuyện kiểm duyệt lại nội dung mà chỉ là cấp giấy phép gia hạn. Với giấy này, chỉ gia hạn thôi, chứ không phải đóng phí.
NSƯT Trịnh Kim Chi.

Quy định này rõ ràng đang làm phiền tới nhà quản lí, anh chị em nghệ sỹ. Một tác phẩm cho diễn một năm rồi, bây giờ lại cấp phép biểu diễn để làm gì nữa. Quá mất thời gian, mỗi lần lên xin giấy phép lại phải làm lại từ đầu. Họ đang xem xét lại có nên để quyết định đó hay không. Đáng ra, trong thời buổi này, sân khấu là lĩnh vực nên nhận được nhiều sự hỗ trợ thì tự nhiên lại làm phiền và đánh vào kinh phí như vậy cũng hơi kì. Hầu hết ai cũng bức xúc nên họ đang điều chỉnh và xem xét lại rồi. Chúng ta chờ đợi xem sao?!

Đậu Dung – Việt Hà

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文