Ðâu chỉ cấm Trấn Thành

15:34 15/05/2017
Dư luận đồng tình với quyết định của Giám đốc Ðài Truyền hình Vĩnh Long, sẽ ngừng phát sóng chương trình có Trấn Thành biểu diễn. Một quyết định có tính tiên phong và bản chất của nó không phải là chuyện “cấm cửa” Trấn Thành, mà là ngăn chặn những chương trình có nội dung nhảm nhí, vô bổ, phản cảm vốn đang có nguy cơ ngày càng nhiều trên sóng truyền hình.


Coi thường khán giả

Trấn Thành có tài, hẳn nhiên rồi. Không có tài khó mà nổi tiếng. Nhưng nổi tiếng đến tai tiếng đôi khi chỉ là một bước chân mong manh. Không phải ai cũng giữ được danh tiếng mình có cho sạch, cho thơm tho, cho tăng phần quý giá lên, nếu như họ quên mất việc tự ý thức về lao động, cống hiến của mình. 

Được truyền thông dễ tính gọi là danh hài quá sớm, Trấn Thành sớm nghĩ mình là vua trong thiên hạ. Rằng tất tần tật những gì anh ta thể hiện trên sân khấu đều khiến khán giả vỗ tay. Anh ta cho phép cao hơn khán giả, không đoái hoài đến thái độ, mong muốn của khán giả. Và việc bị một đài truyền hình “cấm cửa” chính là hệ lụy sau rất nhiều hành động mang tính hệ thống của Trấn Thành về việc xem thường khán giả. 

Lình xình đầu tiên liên quan đến chuyện diễn hài làm méo mó vở cải lương Tô Ánh Nguyệt vốn đóng đinh trong lòng khán giả từ lâu về tính khúc thức, mẫu mực của nghệ thuật sân khấu. Ứng xử của Trấn Thành sau khi bị khán giả, truyền thông phê bình, góp ý cho thấy nghệ sĩ này vì nhăm nhăm bảo vệ cái tôi quá lớn của mình mà quên mất sự khiêm tốn cần có của người trót mang thân “làm dâu trăm họ”. 

Những lý luận của Trấn Thành trên báo chí báo hiệu rằng, nghệ sĩ nổi tiếng này sẽ còn làm tất cả những gì anh ta muốn, để nổi tiếng hơn nữa, cho dù sự nổi tiếng đó là đến từ tai tiếng. Cao trào là phát ngôn “tắt tivi” rất ngông cuồng của Trấn Thành, trong một cuộc họp báo, khi trả lời về ý kiến hài nhảm. Phát ngôn “tắt tivi” có thể khơi mào làm “tắt” sự nghiệp của Trấn Thành, và quả đắng anh nhận được hôm nay, khi một đài truyền hình từ chối phát sóng chương trình có Trấn Thành là hệ lụy tất yếu không tránh khỏi. 

Một khán giả trong một diễn đàn đã bình luận: “Chúng tôi bỏ tiền mua tivi, trả tiền cho các kênh truyền hình để được thưởng thức các chương trình chất lượng từ nhà cung cấp. Chúng tôi không việc gì phải tắt tivi. Trấn Thành là ai để có thể nói chúng tôi tắt tivi. Chúng tôi sẽ tẩy chay anh ta vì phát ngôn đó, và vì những gì nhảm nhí anh ta thể hiện”.

Tuy nhiên, chưa cần đợi khán giả tẩy chay, Trấn Thành đã tự “tẩy chay” mình. Đài truyền hình không phát sóng chương trình có Trấn Thành biểu diễn, vậy đất ở đâu để Trấn Thành dụng võ? 

Trấn Thành giống như một cầu thủ trên sân bóng. Anh ta phạm luật chơi và phải nhận thẻ đỏ, phải rời sân. Đừng mong có một sự nghiệp tốt, nếu anh là cầu thủ chơi xấu. Không có sân để đá bóng, chẳng có hoa hồng, chẳng có tiếng vỗ tay, chẳng có danh tiếng nào cho cầu thủ cả. Chỉ e rằng khi đã nhận ra điều này, việc lấy lại tình yêu từ khán giả là không dễ dàng với Trấn Thành.

Hài nhảm, đã đến lúc nói không

Tất nhiên trong đời sống showbiz hiện nay, không chỉ có mỗi mình Trấn Thành diễn hài nhảm. Chúng ta chỉ tập trung phê phán Trấn Thành là chưa công bằng. Nên mới nói, “cú đánh” vừa rồi của Đài Truyền hình Vĩnh Long không chỉ là “cú đánh” vào cá nhân Trấn Thành. Đó là “cú đánh” vào các chương trình nghệ thuật nhảm nhí đang lan tràn với tốc độ chóng mặt trên sóng truyền hình từ Nam ra Bắc. 

Kiên nhẫn ngồi bấm các kênh truyền hình trên cái remote nhà bạn, không khó để nhận ra sự tấn công của các chương trình hài nhảm. Cái nhảm hiện hữu khắp nơi, biến tấu trong mọi chương trình truyền hình thực tế. Các game show cho trẻ em, người lớn, chỗ nào cũng thấy thành phần ban giám khảo ngồi ghế nóng là các “danh hài”. 

Người ta nhẵn mặt các “danh hài” bởi lẽ hàng chục kênh phát sóng cùng thời điểm đều có các vị này ngồi ghế nóng. Các màn thể hiện của họ đều na ná như nhau, nhạt và vô vị. Đã thế còn dung tục, nhảm nhí, câu kéo khán giả bằng chiêu chọc cười nông cạn. Để mặc cho các nhà sản xuất chương trình tung hứng, nhiều đài truyền hình chấp nhận phát sóng những thứ mà còn lâu mới chạm gót nghệ thuật. Đó là những màn diễn có thể câu kéo khán giả bình dân, rẻ tiền, nhưng vô tình đã đẩy lùi giá trị nghệ thuật xuống hàng thứ yếu. 

Nực cười nhất, nhiều chương trình mời ca sĩ nổi tiếng ngồi ghế nóng. Rồi có lẽ vì một hợp đồng tiền thù lao ngất ngưởng, mà ca sĩ nổi tiếng đã chấp nhận với yêu cầu của nhà tổ chức, tự biến mình thành một loại “danh hài rởm” trên sân khấu. Họ buộc phải chơi theo luật của nhà tổ chức, khoe ra cái “sở đoản” của mình, để rồi nhận tiền và mất đi một ít sự kính trọng, yêu mến của công chúng. 

Nên dễ hiểu vì sao những nghệ sĩ thật, những người giàu tự trọng với nghề, thà chấp nhận đi xe bớt sang, ở nhà bớt rộng, đồ hiệu ít đi, chứ nhất định không ngồi ghế nóng các game show. Hoặc giả có nhận lời một chương trình nào đó, họ phải nâng lên đặt xuống, ở những chương trình thật phù hợp, với những điều kiện thương thảo hợp lý với nhà tổ chức. Chỉ những người làm nghệ thuật trong tư chất nghệ sĩ thực sự mới hiểu được điều này, phải tôn trọng nghệ thuật trên hết thì mới xứng đáng nhận được sự tôn trọng dài lâu của khán giả. 

Chân lý là, nếu phải bán mình, hãy bán mình cho nghệ thuật đích thực, đừng bán mình cho cái danh hão, cho tham vọng kiếm tiền. Nói không với cái nhảm nhí, cái phi nghệ thuật là tư chất của một người nghệ sĩ vì nghệ thuật.

Về phía các đơn vị truyền hình, nếu ở đâu cũng quyết liệt như Đài Vĩnh Long, thì không khó để quét sạch rác rưởi trong môi trường truyền hình. Khâu kiểm duyệt các game show chỉ cần đừng coi nhẹ. Đừng để nhà sản xuất muốn làm gì thì làm. Đưa ra những tiêu chí về văn hóa, nghệ thuật, cảnh báo các ranh giới là cần thiết để nhà sản xuất cũng như nghệ sĩ tham gia các sân chơi phải tự soi lại mình, nắn chỉnh mình cho phù hợp. 

Gốc rễ của câu chuyện hài nhảm tràn lan hiện nay là các đơn vị phát sóng cũng như nhiều nghệ sĩ chưa xem trọng khán giả. Cổ xúy cho những nghệ sĩ nhảm nhí, làm ô nhiễm môi trường văn hóa, cũng là hành động hạn chế những lao động của các nghệ sĩ đích thực. 

Nếu chúng ta có một luật chơi sạch sẽ, nghiêm túc và đẳng cấp nữa, là chỉ những nghệ sĩ nghiêm túc thực sự với nghề mới được xuất hiện trong các chương trình, dù đó là chương trình giải trí, thì hài nhảm và vô số cái nhảm khác sẽ tự khắc biến mất. Chúng ta không mang yếu tố giải trí ra làm “ngáo ộp” để dọa nữa thì tốt. Không phải cứ bị chê, bị mắng, bị tẩy chay, thì nói là “phù hợp tiêu chí giải trí”. 

Ai nói hài nghiêm túc, và những danh hài thực sự diễn những tiểu phẩm hài tạo ra tiếng cười sâu sắc cho khán giả thì không “giải trí”? Đôi khi chỉ cần yêu cầu khắt khe hơn với nghệ sĩ tham gia chương trình, thì xu hướng “nhảm hóa” từ một nghệ sĩ giỏi sẽ mất đi. Dễ dãi chấp nhận là cách nhanh nhất để một chương trình biến một diễn viên hài đẳng cấp thành một diễn viên hài nhảm. 

Chẳng hạn, người diễn hài có duyên và hay nhất nhì làng hài Hoài Linh cũng không ít lần bị biến thành diễn viên hài nhảm. Bên cạnh việc nghệ sĩ tự dễ với mình, thì còn là việc nhà sản xuất, nhà đài tự dễ dãi khi phát sóng.

Nghệ sĩ, hãy tự nâng mình lên

Thời đại bùng nổ các phương tiện truyền thông, công nghệ hôm nay, nổi tiếng rất dễ. Nhưng nổi tiếng dễ thì đấy là cũng là cái bẫy đối với những ai làm nghệ thuật. Khi được công chúng chú ý, căn bệnh ảo tưởng của họ dễ phình to lên. Họ cho phép mình hành xử với nghệ thuật, với công chúng thoải mái đến mức mà quên đi sự khiêm tốn, lễ phép. Họ cũng quên luôn cả sự học hỏi vốn luôn cần thiết mọi lúc mọi nơi với người nghệ sĩ. Những phát ngôn thiếu cẩn trọng, lộ ra những hạn chế về văn hóa và hiểu biết nghệ thuật đã khiến cho họ phải trả giá đắt, là sự quay lưng của công chúng. 

Câu chuyện về Trấn Thành là một ví dụ, một bài học đối với các nghệ sĩ. Rằng nếu chính bản thân mỗi người không tự nâng mình cao lên, tương xứng với chữ nghệ thuật đích thực vốn khắt khe, thì tức là họ đang tự đào thải mình.  Danh tiếng kiếm được nếu dễ thì mất đi cũng không khó. Bởi vì danh tiếng của người nghệ sĩ phụ thuộc rất nhiều vào công chúng.

Vũ Quỳnh Trang

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文