Ấn bản đặc biệt về dòng tranh Hàng Trống
- Tranh Hàng Trống - Những điều xưa cũ hồi sinh trong một không gian mới
- Trình diễn tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống nhân dịp Tết Nguyên đán 2014
- Tranh Hàng Trống: Phận mỏng cánh chuồn
Đây là công trình được xuất bản tiếp nối cuốn “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” và “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hòa (Chủ biên), Trịnh Sinh, Lê Bích đã ra mắt năm 2019. Hai cuốn sách này vừa được trao giải B Giải Sách Quốc gia lần thứ 3/2020.
Cuốn sách "Dòng tranh dân gian Hàng Trống" được in màu rất đẹp mắt |
Mặc dù có ảnh hưởng từ tranh dân gian do các nghệ nhân Trung Quốc thời trước, song các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống đã có nhiều cải tiến, cải biên, và sáng tạo mới, tạo nên dấu ấn riêng của từng thời kỳ. Tranh Hàng Trống có những bức nổi tiếng như: Lý ngư vọng nguyệt, Thất đồng, Ngũ hổ, Tố nữ; bộ tranh truyện: Hoa Tiêu, Kiều…; bộ tranh về cảnh dạy học, cảnh nhà nông hay các kiểu khác: canh, tiều, ngư, mục (nhà nông, tiều phu, đánh cá, chăn trâu); các tranh thờ: Tam toà Thánh Mẫu, Phật, Tứ phủ, Ngọc hoàng… Nhờ những sáng tạo bền bỉ của các thế hệ nghệ nhân, tranh dân gian Hàng Trống có thể sánh ngang với bất cứ dòng tranh đồ họa danh tiếng nào.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa tặng cuốn sách cho ông Lê Đình Nghiên - nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống. |
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: "Ngày trước, tranh Hàng Trống phát triển ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón và từng được bày bán tại nhiều nơi ở Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành ở Bắc Bộ. Có nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm ra đời của dòng tranh dân gian Hàng Trống, cũng như sự chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hoá, tôn giáo của các vùng miền, các dân tộc của dòng tranh này".
Trải qua nhiều biến cố thời gian, đến nay dòng tranh dân gian Hàng Trống chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên giữ lửa nghề. Đó là điều thật sự đáng mừng nhưng đồng thời là tín hiệu cảnh báo trước câu chuyện “thất truyền” như đã từng xảy ra ở nhiều dòng tranh dân gian khác, hoặc các nghề truyền thống khác.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa tại buổi ra mắt cuốn sách tại đình Nam Hương - Phường Hàng Trống, Hà Nội |
Để viết cuốn sách này, tác giả đã trực tiếp đến gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên và con trai ông là anh Lê Hoàn, để ghi chép lại nhiều câu chuyện. Những chia sẻ thẳng thắn, chân tình của ông và con trai cũng như các thành viên trong gia đình giúp cho cuốn sách có nhiều tư liệu bổ ích.
Một trong những điểm nhấn của cuốn sách là gần 400 bức tranh, ảnh, trong đó có nhiều tranh, ảnh tư liệu quý được sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau. Đặc biệt, hàng trăm bức ảnh được chụp nghệ nhân ưu tú Lê Đình Nghiên cùng con trai là Lê Hoàn để mô tả, minh họa các công đoạn làm tranh. Một số ảnh, trang có giá trị tư liệu cao được chính gia đình nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên cung cấp.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa gửi gắm: “Bằng việc xuất bản cuốn sách này, chúng tôi mong muốn bắc thêm một một cây cầu để nối tranh dân gian Hàng Trống với hiện đại. Và hơn thế, mong có sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ những cơ quan văn hóa của Thủ đô, để một ngày không xa, người dân và du khách gần xa có thể gặp những quầy tranh, hiệu tranh dân gian Hàng Trống trên chính con phố Hàng Trống thân yêu, như đã từng…”.