Điện ảnh Việt trước thách thức của cách mạng 4.0
- Điện ảnh Việt và sự tiếp nối của các thế hệ
- Điện ảnh Việt Nam: Thấy gì qua những "kỷ lục" Việt hóa?
- Cơ hội và thách thức cho Điện ảnh Việt
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho hay, sự phát triển của công nghệ số với tốc độ rất nhanh chóng thời gian gần đây đã làm thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh. Trong khi đó,phim “bom tấn” nước ngoài đã được nhập về và phát hành tại Việt Nam song song với phim của nước sở tại.
Tháng 1- 2016, Netflix, nhà cung cấp phim trực tuyến lớn nhất thế giới đã chính thức có mặt tại Việt Nam.
Qua dịch vụ này, người dùng Việt Nam có thể tiếp cận tới kho phim được đánh giá là một trong những kho phim điện ảnh lớn nhất thế giới, có thể linh hoạt trong việc chọn lựa thiết bị xem, từ máy tính, ứng dụng di động đến Apple TV, Google TV, hay cả các máy chơi game như Xbox, Play Station.
Thạc sĩ Lý Phương Dung, Cục phó Cục Điện ảnh cũng chia sẻ rằng, cách mạng 4.0 đang tác động nhiều mặt đến điện ảnh Việt. Cụ thể, nhiều năm trở lại đây, các nhà sản xuất và phổ biến, phát hành phim ở Việt Nam đã tiếp cận và sử dụng các phương tiện kỹ thuật số để duy trì hoạt động điện ảnh, đáp ứng được những yêu cầu căn bản của công nghệ sản xuất và phổ biến phim số chiếu rạp chung trên thế giới.
Việc phát hành sớm các phim “bom tấn” nước ngoài tại Việt Nam giúp khán giả có nhiều lựa chọn nhưng người làm phim Việt sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn. |
Thống kê sơ bộ, cả nước có 157 cụm rạp, rạp chiếu phim đạt chuẩn số của điện ảnh, trong đó, số lượng phòng chiếu phim là 757 phòng, vượt chỉ tiêu của “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (theo Chiến lược phát triển điện ảnh, đến năm 2015, số phòng chiếu phim đạt 350 phòng chiếu).
Điện ảnh và Truyền hình Việt Nam đang ảnh hưởng tích cực từ những thành tựu của công nghệ. Tuy nhiên, thành tựu cách mạng 4.0 cũng khiến điện ảnh Việt phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất kinh doanh, dư thừa lao động trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, mất an ninh an toàn thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao…
Ở nhiều địa phương trên cả nước, các rạp chiếu phim sở hữu nhà nước chưa đáp ứng được điều kiện số hóa các thiết bị phổ biến phim. Tình trạng này khiến cho việc phổ biến phim định dạng số chuẩn công nghệ tiên tiến (DCP 2k) không thể thực hiện được ở rất nhiều rạp của Nhà nước tại địa phương.
Các rạp muốn chiếu phim thường phải chiếu sau các rạp lớn và đã phải hạ chuẩn kỹ thuật gần như ở dạng thấp nhất nên không đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ của khán giả.
Hoạt động chiếu phim lưu động càng gặp khó khăn hơn, dù rằng, đây là hệ thống chiếu phân phối phim hiệu quả nhất tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và đã được Nhà nước có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ hoạt động.
Hiện tại, Việt Nam đã có một số các nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim cập nhật được trình độ phát triển của điện ảnh thế giới, song nguồn nhân lực chất lượng cao của điện ảnh Việt Nam còn rất ít và không đồng bộ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thời kỳ làm phim theo công nghệ hiện đại.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cũng cho biết, hiện ở Việt Nam, khán giả có thể theo dõi các bộ phim ngay khi nó đang được phát sóng trên truyền hình mà không cần đến tivi, họ cũng có thể xem lại các bộ phim đã phát sóng bất cứ khi nào mà họ muốn qua ứng dụng của YouTube, Netflix, Danet, FPT play, My TV net, Clip TV…
Công nghệ đang thay đổi nhiều mảng trong lĩnh vực điện ảnh, từ việc bán vé, đặt chỗ qua các dịch vụ trực truyến, các hoạt động quảng bá phim, thu thập, phân tích dữ liệu công chúng, cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến cho đến cách đạo diễn giao tiếp, cách xây dựng kịch bản, đối tượng chọn làm phim, và thậm chí là cảcách quay phim.
Về vấn đề này, bà Lý Phương Dung nhận định, để vượt qua các khó khăn này, chắc chắn, người làm điện ảnh cần nghiên cứu bài bản hơn về sự thay đổi nhu cầu giải trí của khán giả Việt Nam dưới sự tác động của quá trình toàn cầu hóa và hiểu hơn về khán giả hôm nay.
Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, phát triển thị trường đầu ra của điện ảnh, phát hiện, hỗ trợ tài năng trẻ và đầu tư trọng điểm những tác phẩm mang ý nghĩa là dòng chủ lưu của điện ảnh dân tộc.
Tuy nhiên, đây là những hạng mục không những cần kinh phí rất lớn mà còn cần phải đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển vĩ mô nền kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.