Khách du lịch đổ xô tới dịch vụ "homestay" dịp nghỉ lễ
Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 5 ngày là cơ hội để ngành du lịch tạo thêm sức hút, tăng trưởng mạnh mẽ. Năm nay, ngoài các lễ hội, du lịch biển, dịch vụ homestay cũng đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều du khách.
- Đảo Bé-Lý Sơn đổi thay nhờ loại hình dịch vụ du lịch homestay
- Du lịch homestay ở Sa Pa hấp dẫn du khách
- Người làm dịch vụ du lịch homestay đầu tiên ở đảo Phú Quý
- Lên Sin Súi Hồ ngủ Homestay
Trên thực tế, homestay không phải là loại hình lưu trú du lịch mới tại Việt Nam. Nó đã xuất hiện vài năm trở lại đây và đang phát triển khá nóng từ các đô thị lớn cho đến các tỉnh/thành trên cả nước. Đây là loại hình du lịch mà khách sẽ được ở chung, ăn chung cùng với các thành viên trong gia đình người dân bản địa. Đồng thời, khách du lịch cũng sẽ được hoạt động tập thể cùng gia đình để trải nghiệm cũng như tìm hiểu về văn hóa, con người tại vùng đất đó.
Rất nhiều du khách nước ngoài thích trải nghiệm homestay trên những căn nhà sàn kiểu này. |
Chị Lê Lan ở Hà Nội thì kể đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, chị chọn nghỉ homestay Urban Gateway và thực sự hài lòng với loại hình này. Vì thế, trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, gia đình chị lại tiếp tục trải nghiệm một dịch vụ nghỉ dưỡng homestay khác ở Hoà Bình cùng 4 gia đình khác. Đoàn nhà chị Lan đã thuê một biệt thự tại Sunny Garden và đăng ký tham gia các hoạt động cộng đồng ở đó…
Mô hình homestay ở Hội An với các chương trình ra đồng cùng nông dân thu hút được đông đảo du khách nước ngoài. |
Theo thống kê, nhiều tỉnh/thành phố phát triển khá nhanh loại hình dịch vụ du lịch kiểu này, như ở Quảng Nam hiện có khoảng hơn 400 homestay cung ứng 1.200 phòng (chủ yếu ở thành phố Hội An), thành phố Đà Lạt hiện cũng có khoảng 250 homestay…
Anh Nguyễn Hiếu, nhân viên du lịch Công ty Zen Việt Nam chia sẻ: “Dịch vụ homestay là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, chứ không phải đơn thuần là dịch vụ lưu trú. Bởi khi khách đến sẽ được trải nghiệm các hoạt động của gia đình. Ví dụ, nếu làm ruộng thì sáng thức dậy sẽ gọi khách cùng đi và hướng dẫn khách làm các hoạt động trên thửa ruộng đó. Sau đó sẽ trở về nhà làm công việc gia đình: chuẩn bị bữa cơm, dọn dẹp nhà cửa, nghỉ ngơi và tiếp tục công việc của buổi chiều".
Các khu vực dịch vụ homestay luôn được thiết kế để khách du lịch có thể hoà mình trong thiên nhiên và các dịch vụ địa phương. |
Tuy nhiên, điều rủi ro của khách du lịch đó là chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú tư nhân này không đồng đều, ngay cả với cùng một cơ sở, cũng có lúc tốt, lúc không tốt. Hoặc có nơi, sự gắn kết và giao thoa văn hóa giữa du khách và các thành viên trong gia đình có dịch vụ homestay là chưa có khiến du khách hoàn toàn tách biệt, không có cảm nhận được mình là một phần (cùng ăn, cùng ở, cùng làm,…) trong ngôi nhà đó.
Vì thế, để phát triển du lịch homestay, tạo thành bức tranh đa sắc màu cho du lịch Việt Nam, các ngành, cấp quản lý cần phát huy tối đa nguồn lực đồng bộ của tổ chức và cá nhân.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc công ty CP phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô, đánh giá, phần lớn homestay hiện nay mới chỉ mang tính tự phát chứ chưa có sự quản lý tập trung và theo hướng chuyên nghiệp, giá phòng rẻ nhưng không có chất lượng dịch vụ tốt cho khách du lịch.
Để tận dụng tốt quỹ cơ sở lưu trú đơn lẻ nhưng vẫn đáp ứng tốt chất lượng dịch vụ, rất cần những đơn vị quản lý chuyên nghiệp cùng hợp tác quản lý có lợi cho nhiều bên: đơn vị quản lý có quỹ phòng lớn để vận hành, chủ nhà có cơ sở vật chất được tư vấn và tham gia quản lý chuyên nghiệp, khách du lịch có phòng nghỉ giá tốt với chất lượng dịch vụ tốt...
“Điều quan trọng và cần thiết lúc này là quản lý thế nào để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp cho hoạt động lưu trú”, ông Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.