Nhà nước định giá SGK không cản trở xã hội hóa mà còn tạo sự cạnh tranh lành mạnh

17:36 05/04/2024

Đó là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm "Định giá để kiểm soát giá sách giáo khoa như thế nào" do Báo Người đại biểu nhân dân tổ chức chiều 5/4.

Theo quy định tại Luật Giá năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) quy định giá tối đa SGK, các tổ chức sản xuất kinh doanh SGK định giá không cao hơn mức giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. 

Tại tọa đàm, ông Trần Thanh Đạm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD & ĐT cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay sau khi UBTVQH ban hành Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15, Bộ GD&ĐT đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan để nghiên cứu, cụ thể hóa các quy định trong Nghị quyết 686 để xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số: 32/NQ-CP.

Nghị quyết số 32 được ban hành đã thể hiện đầy đủ, toàn diện các nghĩa vụ mà Nghị quyết 686 đề ra, trong đó cụ thể hóa trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời, với quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 686.

Các đại biểu, chuyên gia tham gia tọa đàm về SGK.

Đến nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện cơ bản và dự kiến ban hành nội dung này trong một hoặc hai tuần tới. Về vấn đề SGK, trong Nghị quyết 32 của Chính phủ cũng đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trong Nghị quyết 686. Với nội dung này, Bộ GD&ĐT chia thành 3 nhóm vấn đề mà trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT là đơn vị chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện. 

Nhóm thứ nhất là tổng kết đánh giá đổi mới chương trình SGK phổ thông, tổng kết đánh giá xã hội hóa SGK. Từ đó, Bộ sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ về việc sử dụng ngân sách theo yêu cầu nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng được đánh giá trong thông tư này. 

Nhóm thứ hai là hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in phát hành SGK tiếng dân tộc thiểu số và SGK cho người khiếm thị, đồng thời hướng dẫn in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương, SGK điện tử theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Nhóm thứ ba là ban hành quy định về giá tối đa SGK, Bộ GD & ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các  quy định về phương pháp định giá đối với hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Giá, trong đó có quy định có thể áp dụng cho SGK, hay quy định giá trần SGK. 

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thì cho rằng, nhiệm vụ của Bộ GD & ĐT là sẽ xây dựng một hướng dẫn thực hiện quy định về định giá của Bộ để hướng dẫn cho đơn vị xuất bản, trên cơ sở đó định ra giá SGK của mình, nhưng đồng thời cũng đưa ra mức tối đa của mỗi một loại SGK đó.

Đây là một nhiệm vụ nặng nề bởi việc phải làm thế nào để kiểm soát được giá SGK phải hướng đến đa mục tiêu, để vẫn bảo đảm nhu cầu cho người học và phù hợp với khả năng thanh toán của người dùng, đồng thời cũng khuyến khích được các đơn vị xuất bản ra SGK có chất lượng tốt nhất, thực hiện đúng chủ trương thực hiện đa dạng hóa một chương trình nhưng nhiều SGK.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Thực hiện chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, quản lý, đồng thời xác định trách nhiệm của một nhà xuất bản có quy mô hàng đầu quốc gia, một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xác định việc hỗ trợ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những mục tiêu hàng đầu và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thực hiện việc giảm giá SGK trong năm nay.

Trong những chi phí Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã rà soát để giảm giá sách, có hai chi phí quan trọng. Thứ nhất là chi phí tổ chức bản thảo. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cập nhật sản lượng phát hành thực tế (sản lượng phát hành thực tế này lớn hơn sản lượng dự kiến), nên chi phí tổ chức bản thảo phân bổ trên từng bản sách giảm xuống.

Thứ hai là chi phí khâu lưu thông tiếp tục được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiết giảm theo hướng giảm chi phí bán hàng và chi phí phát hành thêm 2,5%. Đó là hai khoản mục giúp Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thể giảm giá SGK trong năm nay.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ: SGK là mặt hàng tác động đến đông đảo người học, phụ huynh, xã hội. Với 17,6 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, rõ ràng việc điều chỉnh, điều tiết giá SGK là khoản kinh phí rất lớn và tác động diện rộng. Thay đổi giá một cuốn SGK không nhiều nhưng tổng chung của kinh phí toàn xã hội bỏ ra là con số rất lớn. Các NXB là đơn vị chịu tác động trực tiếp trong các quy định của Luật Giá.

Theo bà Hoa, việc định giá SGK không cản trở xã hội hóa mà còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, thực hiện chủ trương xã hội hóa một cách đúng hướng và bảo đảm mục tiêu định giá SGK nhưng đồng thời vẫn khuyến khích, tạo động lực để các NXB tham gia xuất bản SGK. Do đó, việc trao quyền cho Bộ GD & ĐT phối hợp cùng với Bộ Tài chính định giá SGK là Bộ GD & ĐT đang được thực hiện quyền, trách nhiệm của mình đối với người học. Khi có giá GSK hợp lý, chắc chắn ngành Giáo dục không phải đối mặt với tác động từ dư luận xã hội về giá SGK.

H. Thanh

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文