76.000 thí sinh Hà Nội thi giành suất vào lớp 10 công lập

08:01 09/06/2017

Sáng 9-6, kỳ tuyển sinh quan trọng bậc nhất trong đời học sinh mở màn với môn Văn, thời gian 120 phút.


Hơn 6h, trục đường từ Nguyễn Xiển đến điểm thi trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) rất đông học sinh được phụ huynh chở đi thi. Tranh thủ thời gian ngồi sau xe bố mẹ, các sĩ tử đọc lại tài liệu trước giờ thi Văn.

Phía trong sân trường Phan Huy Chú, từng nhóm thí sinh túm tụm trao đổi bài. "Văn là môn em lo lắng", Nguyễn Hoàng My (THCS Hoàng Liệt) chia sẻ. My đăng ký nguyện vọng một vào THPT Lê Quý Đôn, nguyện vọng hai vào THPT Trần Hưng Đạo. Học lực trung bình, suốt nhiều tháng qua, em đã cố gắng ôn tập, hy vọng đỗ vào một trường cấp ba công lập như mong muốn của bố mẹ.

Phía ngoài cổng, nhiều phụ huynh nán lại, cố gắng dặn với con làm bài cẩn thận.

Thí sinh tranh thủ trao đổi bài trước khi vào phòng thi. Ảnh: Quỳnh Trang.

Tại điểm thi THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy), từ 6h rất đông thí sinh, phụ huynh có mặt. Nhiều em ăn vội bữa sáng, tranh thủ ôn bài trước giờ gọi vào phòng thi. "Em lo lắng vì không biết đề sẽ thế nào. Nếu đề khó, em sợ không qua được, nhất là môn Toán", một thí sinh đến từ THCS Trưng Vương nói. 

Đăng ký nguyện vọng một vào THPT Việt Đức, nữ sinh không dám xem tỷ lệ chọi vào trường top đầu của Hà Nội này vì sợ lo lắng hơn. Trước đây, vì quá áp lực, em từng dự tính dùng nguyện vọng hai hiện nay là THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng, để đăng ký nguyện vọng một. 

"Sáng em học trên lớp, chiều ở nhà làm hết bài tập được thầy cô giáo giao, tối tập trung ôn tiếng Anh. Có những ngày em học đến 3-4 giờ sáng. Khoảng một tháng nay, mẹ yêu cầu em ngủ sớm thì thời gian học kéo dài đến 23h", nữ sinh chia sẻ và giải thích phải nỗ lực thức khuya ôn bài như thế mới không thua kém kiến thức so với các bạn đi học thêm nhiều ở trung tâm luyện thi. 

Áp lực lớn nhất của nữ sinh học lực giỏi trường THCS Trưng Vương hiện nay là thi đỗ trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trước đó, em tham gia kỳ thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). 

Thi vào lớp 10 là cuộc thi căng thẳng nhất suốt 9 năm qua của phần lớn học sinh lớp 9. Ảnh: Quỳnh Trang.

Có mặt ở điểm thi THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy, Hà Nội) lúc 6h30, anh Phạm Tiến Duy (quận Đống Đa) lo cho em trai tên Tiến Du sẽ thi vào THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đây là lần thứ 3 trong vòng 10 ngày, Du đi thi vào lớp 10. Hai lần trước, sĩ tử này thử sức với THPT chuyên Đại học Sư phạm và THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Đây là trường có đầu vào còn khó hơn đại học, với tỷ lệ chọi ngất ngưởng, lần lượt là 1:10 và 1:5,4.

"Hai lần trước em tôi làm bài khá tốt nên lần thi này tinh thần thoải mái hơn. Du học Toán rất tốt nhưng yếu ở môn Văn. Nếu sáng nay làm bài thuận lợi, tôi tin gánh nặng tâm lý của em sẽ được xóa bỏ", anh Duy nói.

Xác định mục tiêu đỗ vào trường chuyên, sĩ tử Tiến Du đã phải ôn luyện vất vả suốt một năm qua. Thời gian nước rút, ngoài lịch học thêm dày đặc cả tuần, em tự ôn bài từ tối đến 1h sáng, thậm chí bỏ bữa vì làm dở đề. Ngoài đăng ký thi THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Tiến Du còn đăng ký 2 nguyện vọng dự phòng vào trường THPT công lập Lê Quý Đôn và THPT Đống Đa.

Kỳ thi vào lớp 10 công lập được xem là quan trọng bậc nhất trong đời học sinh, cũng là kỳ sát hạch căng thẳng nhất trong 9 năm từ tiểu học đến THCS. Nếu trượt, học sinh sẽ phải học dân lập, trường nghề, hoặc giáo dục thường xuyên với chi phí cao hơn, môi trường học tập không tốt bằng (với giáo dục thường xuyên).

Năm học tới, chỉ tiêu của các trường công lập Hà Nội gần 57.000, trong khi có tới 76.000 học sinh đăng ký. Cuộc đua vào lớp 10 do đó trở nên căng thẳng. Một số trường THPT công lập không chuyên, tỷ lệ chọi rất cao. Trường Chu Văn An chỉ tuyển 240 học sinh nhưng có đến 730 hồ sơ đăng ký nguyện vọng một, tỷ lệ chọi là 1:3. THPT Kim Liên một đấu 2,3. THPT Thăng Long có 1.237 hồ sơ nguyện vọng một nhưng chỉ tiêu tuyển thấp hơn gấp 2,5 lần...

Theo vne

Ngày 20/5 vừa qua, Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Dự thảo luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh, hướng tới hệ thống pháp luật hình sự nhân đạo hơn, phù hợp với truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam và bảo đảm công bằng trong chính sách hình sự...

Ngày 22/5, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, mở rộng điều tra đường dây ma túy do đối tượng Ngân Mun cầm đầu (đã thu giữ 37kg ma túy hồi tháng 3/2025), đến nay Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá thành công đường dây mua bán, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy khủng, thu giữ khoảng 140 kg ma túy các loại, khởi tố và đưa về làm rõ khoảng 40 đối tượng…

Ngày 22/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và “Tham ô tài sản sản” ra tại Trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh Bến Tre

Sau nhiều năm, nhiều lần kiến nghị và mòn mỏi chờ được gỡ vướng, ngày 29/4 vừa qua 6 doanh nghiệp là các chủ đầu tư dự án thành phần của dự án khu dân cư 154 ha Bình Trưng Đông - Cát Lái ở TP Thủ Đức đã đồng loạt ký tên, đóng dấu tập thể vào văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng đề nghị được tháo gỡ pháp lý dự án nhằm đưa đất vào sử dụng…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.