Áp lực thi cử, gia tăng stress trong học sinh
Trẻ học giỏi cũng bị stress
Tôi từng tiếp xúc với một phụ huynh có con gái luôn đứng đầu lớp chọn của một trường THCS trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội). Cô bé là niềm ngưỡng mộ của nhiều học sinh và phụ huynh khi điểm tổng kết trung bình ở các lớp 6, 7, 8 luôn trong khoảng 9,2 đến 9,8. Không ai nghĩ, lên lớp 9, tính cách cháu đã có nhiều thay đổi. Áp lực và nỗi lo thi vào trường chuyên đã khiến cháu có biểu hiện stress, hay lo âu, hồi hộp, tim đập nhanh, cảm giác khó thở...
Cháu được gia đình đưa đi khám chuyên khoa tâm thần, may mắn được phát hiện sớm, biểu hiện rối loạn lo âu ở thể nhẹ, nên sau một thời gian trị liệu, sức khỏe cháu đã tiến triển rất tốt.
Gần đến kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp và thi đại học, lại có tình trạng học sinh do căng thẳng và lo lắng học đã phải tới viện khám và điều trị. TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, áp lực học và thi cử khiến học sinh căng thẳng và ngày càng bị stress nhiều hơn. TS Tâm đã từng gặp và điều trị cho những cháu học sinh giỏi, học trường chuyên, trường top trên và các cháu này hay mắc nhất là chứng rối loạn lo âu. Các cháu tâm sự, cháu không biết học để làm gì, không biết học cái gì.
Bác sĩ hỏi tại sao lại thế, cháu trả lời: “Con thấy nhà trường dạy quá nhiều thứ nhưng không biết gì là quan trọng, cha mẹ bắt con học rất nhiều… nhưng con thấy người lớn ít sử dụng các những thứ học trong trường… Chính vì thế con không tìm thấy ý nghĩa trong việc học”.
TS Tâm phải tư vấn cho các con, phải giải thích để trưởng thành, mỗi người đều phải trải qua quá trình học tập, phát triển nghề nghiệp và phải đi theo từng nấc thang một. TS Tâm cũng cho biết, nếu bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng tới việc học, giảm khả năng làm việc, giảm chất lượng cuộc sống, cũng như tăng tỉ lệ mắc các bệnh cơ thể khác…
Áp lực học tập và thi cử khiến học sinh căng thẳng. Ảnh: minh họa. |
Độ tuổi học sinh bị stress ngày càng thấp
Theo TS.BS Dương Minh Tâm, trước đây viện hay điều trị cho học sinh bị stress trước kỳ thi đại học và sau đại học do rối loạn phân ly, sợ trượt, xấu hổ do không thi đỗ. Nhưng nay đã khác, độ tuổi bị stress đã sớm hơn, nhiều cháu cấp 2 đã mắc, hoặc lớp 10, lớp 11. Trường hợp hay gặp nhất là các cháu than phiền mất phương hướng. Cha mẹ cũng như bác sĩ phải tìm hiểu ngọn nguồn tại sao các con lại có biểu hiện như vậy. Trẻ ngày nay bị động nhiều, chạy theo kế hoạch của bố mẹ, nhà trường đặt ra. Điều này đã vô tình gây áp lực tâm lý cho trẻ.
Theo TS Tâm, giai đoạn định hướng nghề nghiệp, lựa chọn trường để học cũng dễ gây stress cho trẻ. Thậm chí, quan hệ mâu thuẫn với bạn bè, nhà trường, cha mẹ dẫn tới xung đột cá nhân, gây ra rối loạn cảm xúc, hành vi, dẫn tới trẻ bị trầm cảm. Đã có nhiều bệnh nhân bị rối loạn liên quan đến stress quay sang nghiện game, lên mạng xã hội, nghiện một số chất kích thích… và những trường hợp này rất khó điều trị.
Để phòng ngừa stress đối với trẻ em, TS.BS Dương Minh Tâm khuyến cáo, phụ huynh không phải cứ “nhét” vào đầu con nhiều thứ là đã tốt, mà cần nhất là tạo cho con tự tin để con có thể có kỹ năng xử lý trong các tình huống khác nhau. Ví dụ có con đi lạc đường nhưng không biết xử lý như thế nào, hoặc trước một yêu cầu của thầy cô, của nhà trường con cũng không biết cách xử lý… Phụ huynh đặc biệt quan tâm và chú ý đến các biểu hiện tâm lý khác lạ của con để kịp thời thăm khám và điều trị sớm.
Theo TS Nguyễn Văn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần: Các rối loạn liên quan đến stress ngày một gia tăng, nhưng đáng tiếc nhiều người bệnh đến viện trong tình trạng quá muộn. Tại Viện Sức khỏe Tâm thần mỗi ngày khám từ 200-300 bệnh nhân. Nhiều người trong quá trình tìm đường chữa bệnh, đa phần không biết mình bị bệnh gì, nên đã đi khám nhiều chuyên khoa như Tim mạch, Thần kinh, không đến chuyên khoa Tâm thần nên tìm mãi không ra bệnh. Do vậy, khi xuất hiện triệu chứng lo lắng, hoảng hốt, hồi hộp, bồn chồn, tim đập mạnh, khó chịu trong cổ, đầu, chuếch choáng nhiều tuần, nhiều tháng… thì nên đến chuyên khoa Tâm thần thăm khám để chẩn đoán và điều trị bệnh sớm. |