Điều tra sự bất thường về điểm thi ở Hà Giang
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng cho hay, quan điểm của Bộ là làm thật nghiêm, xử lý nghiêm nếu phát hiện tỉnh này có gian lận trong kỳ thi. Theo PGS Mai Văn Trinh, mỗi khâu sẽ có giải pháp khác nhau, nhưng “cuối cùng là phải đến đích”.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ, ngay sau khi nhận được phản ánh, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn gửi Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tại Hà Giang. Sai phạm trong thi cử có thể được phát hiện khi chúng ta tiến hành rà soát quy trình, từ tổ chức thi, coi thi và chấm thi có chặt chẽ không. Quy chế thi cũng có nêu rõ, nếu phát hiện bất thường, Bộ GD&ĐT có thể chấm thẩm định ở địa phương để phát hiện sai sót.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm: Theo quy định, việc thành lập hội đồng chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi do Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng làm Chủ tịch.
Với trường hợp ở Hà Giang, sự việc xảy ra ở địa phương, trước hết địa phương phải giải quyết. Trường hợp địa phương giải quyết không thỏa đáng và còn nhiều ý kiến khác, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập đoàn thanh tra để xác minh và làm rõ.
Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội – một chuyên gia tuyển sinh giàu kinh nghiệm cho hay, “đề năm nay khó như vậy nhưng số điểm 8, 9, trên 9 của Hà Giang cao hẳn lên thì bất thường so với cả nước và bất thường so với từng tỉnh .
Về đề thi, theo PGS Tớp, năm nay khâu ra đề rất chặt chẽ, chỉ có ý kiến về “độ khó” của đề thi, do đó, kết quả điểm thi bất thường tại Hà Giang, nếu có thì liên quan đến khâu coi thi hoặc chấm thi; mà coi thi, theo PGS.TS Trần Văn Tớp cũng rất khó xảy ra gian lận vì khi thi trắc nghiệm, mỗi em có một mã đề riêng, các câu hỏi trong đề thi đã bị xáo trộn, thời gian thi lại ngắn, trừ khi “có trường hợp ngồi cạnh nhau, am hiểu đề của nhau thì mới nhắc được bài, nhưng trường hợp này cũng rất khó để trót lọt”. Như vậy, còn khâu chấm thi.
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, ông đánh giá rất cao những giải pháp kỹ thuật của Bộ GD & ĐT trong việc yêu cầu các điểm thi niêm phong túi đựng bài thi bằng tem chuyên dụng, mỏng, dễ rách, ngoài chữ ký của cán bộ coi thi, trên tem niêm phong còn có có chữ ký, họ tên của trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi đến từ các trường ĐH, CĐ. Đây sẽ là giải pháp hiệu quả bảo đảm túi bài thi được bảo mật, được niêm phong trước khi đưa vào chấm.
Theo PGS. TS Trần Văn Tớp, theo quy trình của Cục Quản lí chất lượng, dữ liệu sẽ lưu thành 2 đĩa, một đĩa lưu ở địa phương, một đĩa chuyển về Bộ, trong trường hợp cần thiết sẽ làm đối chứng. Khi rà soát lại các khâu, mà vẫn chưa nghi ngờ thì lấy các bài thi đó ra chấm lại, chấm bằng tay, việc này thực hiện vô cùng đơn giản » - PGS Tớp nêu quan điểm.
Trước đó, trên mạng xã hội đã phản ánh một số bất thường liên quan đến điểm thi của địa phương này. Cụ thể, phổ điểm thi thể hiện rõ số bài thi điểm trên 9 lại nhiều hơn hẳn số bài thi có điểm từ 8 đến dưới 9.
Khi cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 (Toán, Lý, Anh) từ 27 điểm trở lên thì riêng Hà Giang đã có 36 em, chiếm 47,37% cả nước. Về môn Vật lý, có đến 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi chỉ có 28 thí sinh đạt mức điểm 8 từ đến dưới 9. Môn Toán có số thí sinh có mức điểm 8-8,75 chỉ có 50 thí sinh, nhưng có tới 57 thí sinh có điểm từ 9 trở lên…