Cần đồng thuận trong giáo dục học sinh

07:08 30/09/2017
Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết của một phụ huynh đã từng có con học tại lớp 10A1.1 trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) với tiêu đề “Bên trong cánh cửa trường Lương Thế Vinh, chưa vơi nụ cười đã rơi nước mắt”, cho rằng việc giáo dục tại ngôi trường nổi tiếng này quá hà khắc đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Trước vấn đề này, Báo CAND ghi nhận một số ý kiến với mong muốn sáng tỏ phương pháp giáo dục học sinh đạt mục tiêu đề ra.


Cựu học sinh trường Lương Thế Vinh Hoàng Kim Lan (niên khóa 2010-2013) chia sẻ: “Đồng ý rằng, trường nào cũng có kỷ luật nhưng với trường Lương Thế Vinh thì kỷ luật khá khắt khe, đặc biệt là những quy định liên quan đến ăn mặc, giờ giấc. Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh rất nhiều.Vì kỷ luật khắt khe nên khi học sinh có ý kiến cá nhân thì không dám nói vì cũng sợ lại bị đuổi học. Thầy cô cũng không thấu được nỗi lòng của học sinh"... 

Còn cựu học sinh Nguyễn Khánh Trung (niên khóa 2006 -2009) lại cho rằng: “Mình đã từng trải qua cảm giác bị mời phụ huynh đến trường nói chuyện vì không làm bài tập, vi phạm đồng phục, đi học muộn... nhưng những lúc như thế, bố mẹ mình chưa hé nửa câu đổ lỗi cho cô giáo lúc bị kiểm điểm. Mình có cảm giác bây giờ phụ huynh lẫn học sinh đều quá nhạy cảm. Nội quy nhà trường có thể coi như một bản thỏa thuận có sự đồng tình của cả 2 bên nhà trường và gia đình học sinh, ấy thế mà khi một bên vi phạm, bị khiển trách thì lại tố bên kia, liệu có hợp lý không?”.

Cựu học sinh này cũng nêu quan điểm, đã chọn vào trường thì phải hiểu trường, tôn trọng quy định của nhà trường, đừng để đến lúc “cơm không lành, canh không ngọt” rồi quay ra phán xét.

Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa

Trước thông tin phụ huynh cho rằng cách giáo dục của trường Lương Thế Vinh quá hà khắc, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh cho biết: “Điều này là không đúng, hà khắc là khắt khe, nghiệt ngã. Chúng tôi chỉ nghiêm khắc, trong đó có sự bao dung đi kèm. Một số nhà giáo dục có quan niệm học sinh luôn đúng, 100% các em đúng. Tôi cho rằng điều đó sai.

Chúng tôi chủ trương trẻ con không phải luôn đúng và cần sự giáo dục, ảnh hưởng của giáo dục mới trở nên đúng. Vì vậy, chúng tôi quan niệm, giáo dục học sinh là điều quan trọng nhất, chứ không thể để các em tự làm nhiệm vụ giáo dục của mình. Trước khi tham gia học tập tại trường Lương Thế Vinh, phụ huynh và nhà trường đã thống nhất, đồng thuận trong cách giáo dục. Trường đưa ra các nội quy rõ ràng về việc không đi học muộn, phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, chấp hành luật lệ an toàn giao thông, thân thiện với bạn, tôn trọng thầy cô.

Là phụ huynh, nếu thấy con mình có vi phạm, nhà trường có ý kiến và dạy bảo, nhiều cha mẹ thấy mừng và cảm ơn điều đó. Còn lại, nếu phụ huynh và nhà trường có quan điểm khác nhau, nhìn nhận vấn đề khác nhau, họ có quyền hoàn toàn tự do trong việc chọn trường cho con”.

PGS Văn Như Cương cũng cho rằng: Việc kỷ luật hay đuổi học hoàn toàn được nhà trường thực hiện theo đúng quy trình. Cụ thể, học sinh vi phạm với khuyết điểm vừa phải sẽ được cô giáo chủ nhiệm cho viết bản kiểm điểm. Học sinh vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng sẽ được họp hội đồng kỷ luật, đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên để xét mức độ và đưa ra cách giải quyết.

“Trong quá trình giải quyết, chúng tôi sẽ xét đến các vấn đề như học sinh đó có lặp lại những sai lầm cũ không? Có chịu sửa chữa không? Nếu học sinh từ chối sự giúp đỡ của giáo viên, mãi không tiếp thu, nghĩa là nhà trường không thể dạy dỗ được. Học sinh sẽ được chọn môi trường khác mà ở đó được tự do làm gì cũng được và sẽ không bị kỷ luật.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ xem xét việc phụ huynh có biết tình hình kỷ luật của con mình hay không? Có can thiệp sửa chữa hay không? Có nhận lỗi, dạy bảo con không hay đồng thuận và bao che cho con? Như vậy, chúng tôi dựa vào đối tượng là học sinh - người đang được nhà trường trực tiếp giáo dục - và người thân của đối tượng, sau đó sẽ xem xét việc có nên giữ học sinh đó ở lại hay không”- thầy Cương nhấn mạnh.

Bàn về phương pháp giáo dục học sinh trong nhà trường nói chung, TS Lê Thục Nhi, Khoa Tâm lý trường ĐH Sư phạm Vinh (Nghệ An) nêu quan điểm: Việc giáo dục học sinh cần sử dụng hài hòa nhiều phương pháp để tăng hiệu quả. Nếu chỉ áp dụng một phương pháp nghiêm khắc và cứng rắn quá sẽ khiến học sinh sợ nhưng có thể sẽ không hoàn toàn phục, dẫn đến tâm lý đối phó.

Ngoài tính kỷ luật, thầy cô giáo cũng cần phải cảm thông, thấu hiểu học trò, chấp nhận cả ưu điểm và nhược điểm để tìm cách “gạn đục khơi trong”. Đặc biệt, việc kỷ luật hay đuổi học chỉ nên áp dụng với những trường hợp cá biệt, không nên quá lạm dụng hình thức này.

Tuy vậy, TS Lê Thục Nhi cũng cho rằng: “Trường học tư có sự tự chủ và triết lý giáo dục riêng của họ. Nội quy của trường nếu không trái luật, phụ huynh đưa con vào mà có sự thảo luận và đồng ý với nội quy đó thì phụ huynh và học sinh phải tuân thủ. Nếu bất đồng thì kháng nghị hoặc từ bỏ học ở trường đó. Nói chung, việc lựa chọn môi trường giáo dục nào hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm giáo dục của phụ huynh và những mong muốn mà họ kỳ vọng con mình sẽ có được trong tương lai”.

Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) lại cho rằng: “Kỷ luật nghiêm là đúng, nhưng trước khi kỷ luật phải thấu hiểu. Đôi khi, điều quan trọng không phải đúng hay sai mà ở sự cảm thông giữa con người.

Ở đâu con người không được nói, ở đó là nhà tù. Dù tự nguyện hay bị ép buộc rời khỏi cộng đồng, đó là xử tử một tâm hồn. Thành quả của giáo dục không chỉ là thành tích học tập mà rộng lớn hơn là con người. Nếu trong nhà trường mà học sinh không cảm nhận được mình hạnh phúc thì mọi kết quả giáo dục chỉ là giả tạo”.

Huyền Thanh

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文