Dư luận cung quanh việc thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3
- Dạy ngoại ngữ nào là tùy thuộc các địa phương
- Bộ Giáo dục chính thức lên tiếng về việc thí điểm dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc đang gây tranh cãi
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đặt ra những điều kiện cần và một lộ trình cụ thể mà Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị trước khi áp dụng vào thực tế.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Theo thống kê sơ bộ, hiện nay nhu cầu học tiếng Anh của các thế hệ trẻ tại Việt Nam chiếm khoảng 96%. Điều này cho thấy, vẫn còn một tỷ lệ khoảng 4% người học nhất định có nhu cầu muốn học ngoại ngữ khác.
Một nền giáo dục tốt phải đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, trong đó có nhu cầu học các ngoại ngữ khác nhau. Do vậy, việc đưa thêm một số ngoại ngữ của một số nước lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga vào thí điểm để tăng sự lựa chọn cho người học, ở đây chủ yếu là học sinh cũng là phù hợp.
Thực tế cho thấy, do tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, quá cấp thiết nên thời gian vừa qua chúng ta đã tập trung nguồn lực cho ngoại ngữ này. Nay theo kế hoạch, ta cũng phải chú trọng đến các ngoại ngữ khác nữa.
Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, điều khiến ông cảm thấy băn khoăn là việc triển khai như thế nào khi mà mọi nguồn lực cho việc này chưa có sự chuẩn bị, thậm chí là còn rất yếu. Nhu cầu đối với việc học các ngôn ngữ này ở mức nào, chúng ta cũng chưa biết rõ?
Đề án dạy ngoại ngữ vừa qua chủ yếu là đầu tư cho tiếng Anh, đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nhưng hiệu quả thì rất khiêm tốn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là chúng ta còn thiếu giáo viên giỏi, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn còn chưa nhiều. Sắp tới đưa tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật… vào giảng dạy thí điểm thì không biết sẽ ra sao, hiệu quả sẽ thế nào?
Khảo sát sơ bộ cho thấy, nhu cầu học tiếng Anh của các thế hệ trẻ tại Việt Nam chiếm tới 96%. Ảnh: CTV. |
Cũng theo đề xuất của TS Lê Viết Khuyến, trước khi đưa các ngoại ngữ này vào thí điểm, ngành giáo dục cần có sự khảo sát nhu cầu của người học và nhu cầu của thị trường lao động đối với từng ngoại ngữ. Từ đó, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể theo thứ tự ưu tiên cũng như lên kế hoạch đào tạo giáo viên phù hợp.
Đồng quan điểm trên, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Việc thí điểm dạy thêm một số ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nga ở một số nơi không bắt buộc, tùy theo nhu cầu của người học là hoàn toàn hợp lý. Tùy vào điều kiện, vị trí địa lý mà nhu cầu giảng dạy ngoại ngữ cũng cần phải chú tâm.
Những vùng có thế mạnh về du lịch, vùng biên giới dài như Sa Pa hay Quảng Ninh… thì việc dạy ngoại ngữ như tiếng Trung hay tiếng Nga nhằm phục vụ thế mạnh vùng để phát triển kinh tế là điều rất nên chú trọng.
Tuy vậy, PGS Trần Xuân Nhĩ cũng lưu ý: “Để thực hiện được những mục tiêu nói trên cần phải có lộ trình cụ thể, phương án rõ ràng và phù hợp với thực tế. Trong đó, phải xác định rõ nên đưa tiếng nào vào dạy trước, tiếng nào dạy sau và quy hoạch thế nào để việc học thực sự có hiệu quả đó mới là điều quan trọng.
Khi xây dựng được lộ trình, yêu cầu đầu tiên là phải xây dựng kế hoạch nâng cao trình độ của giáo viên bởi dạy ngoại ngữ giáo viên phải đạt chuẩn trước mới có thể giảng dạy và đào tạo ra một thế hệ có thể sử dụng ngoại ngữ vào công việc được. Nếu giáo viên không đạt chuẩn, học sinh không hứng thú thì sẽ gây ra lãng phí cho xã hội và chính người học”.
GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thì cho rằng, UNESCO cũng khuyến khích các nước không nên có sự "độc trị" của một ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh nên học thêm các thứ tiếng khác, bởi mỗi ngoại ngữ như một cửa sổ giúp nhìn ra vườn hoa nhiều hương sắc. Tuy nhiên, cần có sự phân định rõ đâu là ngoại ngữ cần tập trung, chú trọng và ưu tiên số 1 để trở thành chiến lược quốc gia, tránh tình trạng học tràn lan, nguồn lực bị phân tán, gây lãng phí.
Cách đây hơn một năm, GS Trần Văn Nhung đã từng viết tâm thư gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đề nghị cần đưa việc dạy và học tiếng Anh thành "quốc sách", biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt, chứ không đơn thuần chỉ là một ngoại ngữ.
Cũng theo GS Trần Văn Nhung, với xu thế hiện nay, tiếng Anh cần được coi trọng hơn nữa, phổ cập ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh, nơi nào có điều kiện thì cố gắng từng bước dạy các môn học bằng tiếng Anh. Đồng thời, GS Nhung cũng đề xuất, Việt Nam nên học tập Singapore về chiến lược dạy và học tiếng Anh, từng bước biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 sau tiếng Việt.