Cần sự tinh tế và trải nghiệm để tìm ra "hồn cốt" của bộ sách

07:51 22/09/2019
Câu chuyện làm thế nào để chọn được các bộ SGK tốt, phù hợp mới mục tiêu phát triển năng lực của người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đang là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm.


Từ năm 1981 đến nay, Việt Nam đã trải qua hai lần đổi mới sách giáo khoa (SGK). Lần đổi mới thứ nhất vào năm 1981, lần thứ 2 vào đầu những năm 2000 và đang bước vào đổi mới chương trình, SGK lần thứ 3 dự kiến sẽ áp dụng đối với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021. Hiện Bộ GD&ĐT đang thực hiện quy trình thẩm định các bộ SGK lớp 1 để áp dụng cho chương trình mới, mở đầu cho việc đổi mới SGK giáo dục phổ thông.

Câu chuyện làm thế nào để chọn được các bộ SGK tốt, phù hợp mới mục tiêu phát triển năng lực của người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đang là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm. Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này sẽ là cuộc trao đổi của PV Báo CAND với TS Giáp Văn Dương, chuyên gia giáo dục, người đồng sáng lập hệ thống giáo dục Vietschool xung quanh vấn đề này.

PV: Từ câu chuyện bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị loại khỏi vòng thẩm định, có ý kiến lo ngại rằng, việc thẩm định SGK mới theo tiêu chí quá cứng nhắc sẽ khó chọn được những bộ SGK được soạn theo hướng mở, có cách tiếp cận khác biệt. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Giáp Văn Dương: Thẩm định một bộ sách, trước hết là thẩm định tinh thần, triết lý, giá trị và phương pháp giáo dục được mã hóa trong bộ sách này. Đây là những thứ rất trừu tượng, nhưng lại tạo ra hồn cốt của một bộ sách, một chương trình.

Sau đó mới đến thẩm định những nội dung cụ thể, có thể cân đo đong đếm được. Vì thế, nếu dùng một bộ tiêu chí quá cứng nhắc thì có thể sẽ chỉ có được bộ bộ sách đáp ứng các tiêu chí đó, nhưng không chắc đã tìm ra được một bộ sách có tính giáo dục và có sức sống.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những nội dung cụ thể, những vấn đề kỹ thuật, hoặc các hình minh họa trong các bộ sách… không quan trọng. Chúng rất quan trọng, nhưng chỉ là một phần của câu chuyện. Phần lớn hơn và quan trọng hơn, là tinh thần và hồn cốt của bộ sách, thì cần phải có sự thẩm định tinh tế và có trải nghiệm thực tế thì mới có thể thẩm định được.

PV: Mục đích cuối cùng của việc thẩm định SGK là lựa chọn được bộ sách chất lượng nhất cho học sinh và giáo viên.

Ông có cho rằng bên cạnh sự độc lập của Hội đồng thẩm định SGK, cần thêm đánh giá của thực tiễn về các bộ sách để đảm bảo sự khách quan, công bằng?

TS Giáp Văn Dương: Nếu thẩm định chỉ để thẩm định thì việc thẩm định đó không có nhiều ý nghĩa. Thẩm định là để chọn ra được những bộ sách phù hợp cho từng nhóm đối tượng học sinh cụ thể. Vậy làm sao để biết sách có phù hợp hay không, khi người thẩm định không phải là học sinh, và nhiều khả năng cũng không phải là người trực tiếp đứng lớp?

Chỉ có một cách để xác định, đó là dùng thí điểm trên thực tế, để xem thầy cô có thể sử dụng để dạy và học sinh có thể tiếp thu, giúp đạt được các mục tiêu giáo dục của bậc học hay không. Vì thế, mọi bộ SGK, mọi chương trình giáo dục, đều phải được thí điểm trên thực tế trước khi đưa vào sử dụng chính thức. Yếu tố thực tế vì thế là yếu tố quan trọng cần lưu ý trong quá trình thẩm định.

PV: Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, việc biên soạn, thẩm định SGK được tiến hành như thế nào, thưa ông?

TS Giáp Văn Dương: Theo tìm hiểu của tôi thì cách làm của một số nước mà tôi biết cũng tương tự như của chúng ta. Cụ thể, Bộ Giáo dục ban hành chương trình giáo dục quốc gia, trong đó mô tả rõ các kết quả kỳ vọng đối với học sinh ở từng bậc học.

Các tác giả, hoặc nhà xuất bản sẽ tổ chức biên soạn SGK dựa trên chương trình giáo dục quốc gia này. Bộ Giáo dục hàng năm sẽ tổ chức thẩm định và công bố danh mục SGK được phép lưu hành và sử dụng trong năm học mới. Các trường, thậm chí giáo viên, dựa trên danh mục này mà chọn sách cho trường hoặc lớp của mình.

PV: Theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 thì việc chọn SGK để giảng dạy chương trình mới là UBND các tỉnh, thành phố quyết định.

Điều khoản này thay đổi so với Nghị quyết 88/2014/QH13 là: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”.

Theo ông, việc chọn SGK nên giao cho các tỉnh, thành phố hay trả về cho các nhà trường, giáo viên?

TS Giáp Văn Dương: Tất nhiên là tôi ủng hộ giao việc chọn sách này cho các trường và nếu được, cho các giáo viên thì càng tốt. Đơn vị nào chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, đơn vị đó được quyền chọn sách để dạy.

Mà tốt hơn hết, là ai dạy học thì người đó được chọn sách để dạy. Tuy nhiên, với đặc thù Việt Nam, khi trình độ giáo viên chưa đồng đều, và chất lượng đào tạo giáo viên cũng chưa được tốt, thì giao việc chọn sách cho tổ chuyên môn của các trường là phù hợp hơn cả.

TS Giáp Văn Dương, chuyên gia giáo dục, người đồng sáng lập hệ thống giáo dục Vietshool.

PV: Để lựa chọn được những bộ SGK mới có chất lượng tốt nhất cho học sinh, theo ông, cần những điều kiện gì?

TS Giáp Văn Dương: Trước khi nói về việc chọn sách, tôi muốn lật lại một vài vấn đề trong hoạt động dạy và học.

Thực tế cho thấy, điều kiện đầu tiên, và quan trọng nhất, là người dạy phải biết dạy để làm gì, và người học phải biết học để làm gì. Nếu người dạy và người học vì lý do nào đó, ví dụ như chưa đủ chín chắn, để trả lời các câu hỏi này, thì người chọn sách, phải hiểu rõ và hình dung rõ câu trả lời cho các câu hỏi cơ bản này.

Nếu dạy mà không biết dạy để làm gì thì sách nào mà chẳng được, học mà không biết học để làm gì thì sách nào mà chẳng xong.

Chỉ tiếc là hiện giờ, mục đích của việc học chủ yếu là học để thi. Việc dạy cũng tập trung vào việc giúp học sinh thi sao cho được điểm cao. Vì thế, những bộ sách hay nhưng không giúp học sinh thi được điểm cao thì chưa chắc đã được chọn.

PV: Từ năm 1981 đến nay, Việt Nam đã trải qua hai lần đổi mới SGK, và hiện đang bước vào lần đổi mới thứ 3, dự kiến sẽ áp dụng đối với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021.

Ông có cho rằng, đổi mới chương trình, SGK lần này sẽ tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục không?

TS Giáp Văn Dương: Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó SGK chỉ là một phần. Tuy quan trọng, nhưng không phải là quan trọng nhất.

Có nhiều yếu tố quan trọng hơn cả SGK, như tinh thần giáo dục chủ đạo, thể hiện trong triết lý và hệ giá trị, và đặc biệt là chất lượng của người thầy. Những điều này quan trọng hơn một bộ SGK cụ thể rất nhiều. Nếu có thầy giỏi, thì chỉ cần một viên phấn, cũng vẫn có được những tiết học có chất lượng.

Còn nếu thầy kém, thì dù có những bộ sách hay nhất bày ra trước mắt, vẫn chỉ thu được những giờ kém chất lượng. Vì lẽ đó, tôi không thể kết luận ngay rằng, chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ đi lên với bộ SGK mới.

Tuy nhiên, nhìn vào chương trình giáo dục phổ thông mới, thấy rất nhiều điểm tiến bộ so với chương trình cũ. Nếu SGK hiện thực hóa được những điểm tiến bộ này, cộng với việc nâng cao chất lượng giáo viên thông qua đào tạo, thì chất lượng giáo dục nhiều khả năng sẽ được cải thiện.

PV: Theo kinh nghiệm của ông, việc đổi mới chương trình SGK tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến thường được thực hiện theo quy luật nào, phụ thuộc vào các điều kiện nào?

Chúng ta cần phải làm gì để việc đổi mới chương trình SGK có kết quả thực sự và không bị chệch hướng, gây lãng phí?

TS Giáp Văn Dương: Ở những nước tôi có điều kiện trải nghiệm và quan sát trực tiếp, thì việc đổi mới chương trình giáo dục bao giờ cũng gắn liền với tầm nhìn và chiến lược phát triển của quốc gia, chiến lược phát triển con người trong trung và dài hạn.

Muốn làm được điều đó, chính phủ các nước phải có những nghiên cứu sâu sắc về sự phát triển khoa học - kỹ thuật, kinh tế - xã hội, phẩm tính con người… để nhận biết và dự báo các trào lưu phát triển trong tương lai, nhất là ở những khúc quanh quan trọng, những bước chuyển mình của thời đại.

Khi đó, giáo dục mới vào cuộc, để tạo ra những con người nắm bắt và làm chủ được các trào lưu phát triển đó, làm chủ được những khúc quanh hay bước chuyển mình đó, mà vẫn bảo tồn được những giá trị tốt đẹp của nhân tính và văn hóa, tức không đánh mất mình và bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Giáo dục, suy cho cùng, chỉ là một bộ phận của quốc gia, của xã hội. Nếu không gắn với tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển quốc gia, phát triển con người, thì giáo dục sẽ luôn chuệch choạc.

Khi đó, cải cách hay đổi mới giáo dục nhiều khả năng sẽ chệch hướng và không mang lại kết quả như mong đợi. Vì lẽ đó, trước khi đổi mới chương trình giáo dục, ngoài các vấn đề về chuyên môn giáo dục cần phải xử lý sao cho thấu đáo, thì vấn đề quan trọng hơn, là triết lý phát triển của quốc gia, hệ giá trị cốt lõi mà quốc gia muốn xây dựng, tầm nhìn về vị thế quốc gia trên thế giới, chiến lược phát triển quốc gia và phát triển con người trong trung và dài hạn… cần phải được xử lý trước. Tiếc rằng, những nội dung này hầu như không được thảo luận trong đợt đổi mới chương trình giáo dục lần này.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)

Sáng nay 4/12, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Phú Yên về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng và bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) năm 2024. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Cục nghiệp vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ Công an.

Chiều 4/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết, đã chuyển hồ sơ vụ việc và đối tượng Đặng Thanh Tùng (SN 1982), trú tại tổ 5, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình thụ lý theo thẩm quyền.

Sáng 26/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận về các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, khi có đại biểu Quốc hội nêu vấn đề xử lý những đối tượng đang lẩn trốn ra nước ngoài, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết:  

Sáng 4/12, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội TTGT quận Cầu Giấy; Đội CSGT-TT Công an quận Cầu Giấy cùng Công an phường Trung Hòa triển khai lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực nút giao thông Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, trong đó tập trung công tác chỉ huy, điều tiết phân luồng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Ngày 4/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Trần Quốc Hưng (SN 1965, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi “Vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Nói về sự cần thiết, bắt buộc phải sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều đảng viên, cán bộ, nhân dân đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ trương này, coi đây là một “cuộc cách mạng” quan trọng và cấp thiết, không thể trì hoãn…

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, vay vốn làm ăn của người dân tăng cao. Đây cũng là thời cơ mà tội phạm “tín dụng đen” triệt để lợi dụng, tung các chiêu trò dụ dỗ người dân vay tiền. Đáng chú ý, loại tội phạm này có sự biến tướng trong phạm vi, phương thức hoạt động từ môi trường thực tế lên không gian ảo, khiến không ít người rơi vào ma trận trực chờ sập bẫy.

Lầu Năm Góc xác nhận rằng Mỹ đã thực hiện một cuộc tấn công vào các tài sản quân sự ở miền Đông Syria sau một cuộc tấn công bằng tên lửa gần một trong các căn cứ của họ.

Vào ngày 31/12/2024, sau hơn 3 năm áp dụng, Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ sẽ chính thức dừng lại. Thay vào đó, từ 1/1/2025, Thông tư số 34/2024/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ sẽ bắt đầu có hiệu lực với hàng loạt các điểm mới phù hợp hơn với thực tế.

Yonhap đưa tin, rạng sáng 4/12 theo giờ địa phương, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật. Trước đó, 190 nghị sĩ có mặt tại phiên họp khẩn quốc hội Hàn Quốc lúc 0h47 (giờ địa phương), đều nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật mà tổng thống ban bố. 

Sáng 4/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết, đang tạm giữ hình sự đối tượng Đặng Thanh Tùng (SN 1982), trú tại tổ 5, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình về hành vi "Giết người".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文