Ngày cuối cùng của đợt xét tuyển Đại học, Cao đẳng đợt 1 năm 2015:

Thí sinh bấn loạn phó mặc cho may rủi

12:19 20/08/2015
Sau 20 ngày chạy đua kiệt sức với việc rút-nộp hồ sơ, nhiều thí sinh dường như đã rơi vào tâm thế phó mặc cho may rủi vào phút chót.


* Tại Hà Nội: Bấn loạn, nháo nhào rút - nộp

Hôm nay 20/8, ngày cuối cùng của tuyển sinh ĐH-CĐ đợt 1, số lượng thí sinh kéo đến các trường ĐH, CĐ rút, nộp hồ sơ tiếp tục tăng mạnh khiến cho cuộc đua càng trở nên gay cấn vào phút chót.

Sáng ngày 20/8, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đã có hàng trăm thí sinh xếp hàng đến nộp hồ sơ. Dù nhà trường đã huy động tới hàng chục bàn tiếp nhận nhưng số lượng quá đông nên thí sinh vẫn phải xếp hàng.

Thí sinh gục xuống bàn vì mệt mỏi sau 20 ngày quay cuồng với quyết định rút-nộp hồ sơ.

Bế con gái chưa đầy 1 tuổi ngồi đợi em gái vào rút hồ sơ, chị Bùi Thị Hoa quê ở Thái Bình cho biết: Em gái chị thi được 22 điểm và nộp hồ sơ vào ĐH Thương mại ngay từ những ngày đầu. Tuy nhiên, do Khoa Kế toán của ĐH Thương mại năm nay điểm chuẩn cao nên em đã rút hồ sơ nộp vào Học viện Bưu chính Viễn thông. Tối hôm qua, thấy điểm chuẩn của Khoa này đang tăng lên, lo lắng sẽ bị bật ra ngoài danh sách an toàn nên sáng nay 2 chị em đã phải dậy sớm đến trường xin rút hồ sơ để nộp sang trường ĐH Công đoàn vì điểm chuẩn dự kiến trường này thấp hơn. “Hai mươi ngày mòn mỏi chờ chực mệt mỏi lắm rồi, giờ đỗ, hay trượt hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi”-chị Hoa cho biết.

Ngồi bệt ở ngay cồng trường chờ con trai xếp hàng vào nộp hồ sơ, chị Nguyễn Minh Hà ở Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết: Con trai chị thi được 24,5 điểm và đã đăng ký vào Học viện Hậu cần. Tuy nhiên, đến ngày hôm qua, điểm số của cháu đã không còn nằm trong diện an toàn nên hai mẹ con đã phải dậy từ sáng sớm tinh mơ để đến trường nộp hồ sơ.

“Với số điểm này, chiều hôm qua vẫn đang nằm trong mức an toàn. Nhưng hôm nay nhiều bạn nộp hồ sơ nên chẳng biết kết quả ra sao nữa. Giờ hai mẹ con cũng chỉ còn biết nín thở ngồi chờ bởi tính toán, căn chỉnh điểm số chỉ là một phần nào đó, phần còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi vì điểm chuẩn đang biến động từng giờ”- chị Hà cho biết.

Tại trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ trong ngày cuối cùng áp đảo so với các thí sinh đến rút. Trong số này có rất nhiều phụ huynh và thí sinh ở Hà Nội. Anh Bùi Minh Anh ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Hôm nay anh mới đưa con đến nộp hồ sơ vì ngại cái cảnh nộp vào rút ra mất công mất sức. Tuy nhiên, cũng chẳng biết cháu có đạt được nguyện vọng hay không vì số lượng thí sinh nộp vào - rút ra biến động liên tục từng giờ, điểm chuẩn cũng trồi, sụt hàng ngày. Cái kiểu xét tuyển như năm nay, người nộp sớm hay nộp muộn đều có chung một tâm trạng là bất an vì khoảng cách từ đỗ đến trượt là vô cùng mong manh và khó đoán”- anh An bức xúc.

Dưới đây là một số hình ảnh PV Báo CAND ghi lại được trong những giờ cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và ĐH Kiến trúc Hà Nội:

Thí sinh chờ đợi nộp hồ sơ vào Học viện Bưu chính Viễn thông.
Chị Hoa (Thái Bình) và con gái gần 1 tuổi ngồi trước cổng trường đợi dì đi rút hồ sơ.
Thí sinh căng thẳng đưa ra quyết định trước phòng Đào tạo của trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.

* Tại Thừa Thiên - Huế: Thí sinh “chạy đua” để rút, nộp hồ sơ

         Ghi nhận tại Đại học Huế vào sáng ngày 20/8, mặc dù Ban Giám đốc ĐH Huế đã bố trí nhiều cán bộ, nhân viên túc trực để giải quyết thủ tục song vẫn không xuể bởi lượng thí sinh đổ về rút và nộp hồ sơ quá đông.

Bà Phạm Thị Hiền (45 tuổi, trú ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cùng con trai trong bộ dạng mệt mỏi ngồi trước hàng ghế để đợi đến lượt gọi tên cho biết: “Con trai tôi thi được 26 điểm nên nộp vào ngành Y đa khoa của trường ĐH Y dược Huế từ mấy hôm trước. Tối qua, xem danh sách cập nhật trên mạng thì thấy tên con không còn nằm trong danh sách 600 chỉ tiêu nên sáng nay phải bắt chuyến xe đò từ sớm để ra Huế kịp rút hồ sơ để điều chỉnh”.

Hàng trăm thí sinh và phụ huynh tập trung trước ĐH Huế để theo dõi rút và nộp hồ sơ trong ngày 20/8.

Theo số liệu ĐH Huế công bố, trong khi nhiều ngành của một số trường có điểm xét tuyển tạm thời thấp nhất bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT (15 điểm) thì điểm xét tuyển tạm thời của ĐH Y dược Huế thấp nhất là 21,75 điểm.

Qua ghi nhận, dù hôm nay là ngày cuối cùng để nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 nhưng nhiều phụ huynh và thí sinh chực chờ tại ĐH Huế vẫn đứng ngồi không yên bởi điểm xét tuyển tạm thời của nhiều ngành có sự giao động liên tục.

Hướng dẫn thí sinh làm thủ tục rút hồ sơ.

Cầm hồ sơ trong tay, em Nguyễn Thị Lệ Mỹ (ở tỉnh Quảng Bình) lo lắng cho biết: “Em thi được 31 điểm (đã nhân hệ số) nên nộp vào ngành Sư phạm Hóa, trường ĐH Sư phạm Huế. Trong khi ngành có 79 chỉ tiêu nhưng hôm qua có thông báo điểm xét tuyển tạm thời của ngành là 30,83 điểm với số hồ sơ đăng ký trên 400 hồ sơ nên giờ em phải rút hồ sơ nộp sang trường khác vì sợ không đỗ”.

PGS.TS Hoàng Hữu Hòa, Trưởng Ban khảo thí, đảm bảo chất lượng ĐH Huế cho biết, ĐH Huế có khoảng 17.000 hồ sơ đăng ký vào các trường và khoa trực thuộc nhưng đến sáng nay đã có 3.000 hồ sơ được rút ra để điều chỉnh nguyện vọng. “Dự kiến ngày cuối cùng hôm nay có khoảng 500 hồ sơ được tiếp tục rút ra để điều chỉnh”, ông Hòa cho hay.

Nhiều thí sinh ngồi chờ đợi với vẻ mệt mỏi.

Được biết, mặc dù nhiều ngành của các trường như ĐH Y dược Huế; ĐH Sư phạm Huế; ĐH Kinh tế Huế có số thí sinh nộp hồ sơ rất đông nhưng ngược lại, Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị lại có số hồ sơ đăng ký rất ít với tổng cộng 24 hồ sơ/380 chỉ tiêu của 15 ngành. Một số ngành của ĐH Nghệ thuật Huế như Điêu khắc, hội họa cũng chỉ có vài ba hồ sơ đăng ký...

Huyền Thanh - Anh Khoa

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文