"Chất xám" từ trường công "chảy" về trường tư

08:32 23/10/2018
TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách ưu đãi cho giáo viên (GV) trong những năm gần đây. Thế nhưng, do đặc thù nghề nghiệp, nhiều GV Mầm non (MN), Tiểu học (TH) và các bậc học khác đã nghỉ, bỏ việc. Đặc biệt một số GV, cán bộ quản lý giỏi cũng lần lượt lặng lẽ rời bỏ công việc tại trường công để chuyển sang trường tư. Việc này đã diễn ra nhiều năm nay và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.


Thiếu nhưng khó tuyển dụng

Trao đổi với PV Báo CAND, TS. Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thừa nhận sự phát triển của GD&ĐT thành phố thời gian qua đã có nhiều bước phát triển rất cơ bản, quy mô trường lớp, chất lượng dạy và học tăng lên, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu xã hội. 

Nhưng rõ ràng, ngành Giáo dục thành phố vẫn chưa đảm bảo thầy cô giáo sống được bằng lương. Muốn giáo dục phát triển bền vững, muốn giữ được những thầy cô giáo giỏi, yên tâm với nghề thì không gì khác hơn việc cần làm là phải có chế độ, chính sách tiền lương hợp lý.

Được biết, đầu năm học 2018-2019, lần đầu tiên thành phố cho phép tuyển dụng GV không bắt buộc phải có hộ khẩu thành phố. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng GV cũng nới rộng hơn về các điều kiện phỏng vấn, thi công chức, thành phố cũng giao quyền tự chủ tuyển dụng nhân sự cho một số đơn vị. Tuy nhiên, nhiều quận, huyện vẫn đang thiếu GV, việc tuyển dụng là vô cùng khó khăn. 

Thực trạng giáo viên trường công "dịch chuyển" sang trường tư ngày càng gia tăng không chỉ là vấn đề thu nhập.

Đơn cử, tại Trường THCS Minh Đức (quận 1) ban đầu thông báo tuyển 4 GV cho các môn Ngữ văn, Địa lý, Tin học và Âm nhạc nhưng sau khi điều chỉnh thì không có nhu cầu tuyển dụng. Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) ngưng tuyển GV Thể dục, dù trước đó đã đăng ký chỉ tiêu. 

Tại quận 3, kết quả xét tuyển viên chức đợt 1 năm học 2018-2019 ở bậc MN có 13/19 ứng viên trúng tuyển viên chức (đạt tỷ lệ 68,4%); bậc TH có 16/34 ứng viên và THCS có 17/60 ứng viên trúng tuyển. Những con số vô cùng ít ỏi so với nhu cầu thực cần của các địa phương. Do không đủ chỉ tiêu, quận buộc phải tổ chức xét tuyển thêm đợt 2.

Trong khi việc tuyển dụng khó khăn thì trong hoạt động của ngành, từ lâu GV khối phổ thông bỏ trường công đầu quân về trường tư đã âm thầm diễn ra. Nhiều cán bộ quản lý, GV giỏi của các trường công được các trường quốc tế, trường tư “săn đón”. Năm học 2016 - 2017, cô H, GV Trường THPT T.K.N (quận 5) xin nghỉ dạy để “đầu quân” về Trường Tư thục THPT Đinh Thiện Lý (quận 7). 

Trước khi rời môi trường công lập, cô H từng đoạt giải nhất GV sáng tạo cấp quốc gia, tham gia các cuộc thi sáng tạo của Microsoft, là một trong những GV tiên phong cho hoạt động dạy học sáng tạo. Nhiều học trò do GV này hướng dẫn nghiên cứu khoa học khi đi tranh tài đều giành giải quốc gia.

Tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1), đầu năm học 2017 – 2018 vừa qua cũng có 2 phó hiệu trưởng, 4 GV là khối trưởng (khối 1, 2, 3, 5) và 2 nhân viên của trường xin nghỉ để chuyển sang một  trường tư thục gần đó. Cùng năm học, cô L, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đ.T (quận 1), một chuyên gia giáo dục được Microsoft công nhận, cũng nói lời “chia tay” trường công để về với một trường quốc tế. 

Hay ngay đầu năm học 2018-2019, ngành Giáo dục thành phố "rộ" lên thông tin về chuyện hệ thống trường dân lập quốc tế V ngay khi đi vào hoạt động, cùng một lúc tuyển được 8 cán bộ quản lý, GV, nhân viên của Trường TH Lê Ngọc Hân với mức lương hấp dẫn từ 20 đến 40 triệu/người/tháng.

Năng lực phải được ghi nhận

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, năm học 2007 - 2008, thành phố có 1.286 GV bỏ và thôi việc. Năm học 2016-2017, thống kê tại quận "điểm" về số lượng GV nghỉ việc (quận Bình Tân) có 98 GV nghỉ dạy, trong đó chỉ có 22 GV về hưu, còn lại là nghỉ giữa chừng, hoặc chuyển sang trường tư thục.

Đáng báo động là bậc học MN. Trên địa bàn thành phố hiện có 1.100 trường MN; 1.703 nhóm, lớp với gần 370.000 trẻ. Tỷ lệ GV MN, GVMN/nhóm, lớp là 1,5. So với yêu cầu, số GVMN thành phố đang thiếu là 7.695 GV so với quy định. Nếu kết hợp cả việc đáp ứng được qui định số trẻ/nhóm, lớp trong Điều lệ trường MN thì số GV MN thiếu đến 11.014 người.

Với quy mô trẻ/nhóm, lớp và nhu cầu 2 GV MN/nhóm, lớp hiện tại, sau khi tuyển thêm, hằng năm thành phố vẫn thiếu khoảng 500 GV MN. Còn tính theo thống kê 3 năm học gần đây, bình quân mỗi năm có gần 1.050 GV MN rời trường công bao gồm: về hưu; chuyển việc; nghỉ việc và bỏ việc.

Những người ra đi khỏi trường công thừa nhận, ngoài chuyện thu nhập còn nhiều vấn đề khác nữa khiến họ đầu quân về trường tư. Một GV TH cho biết, thu nhập ở trường công rất thấp, chưa kể lương còn cào bằng, thiếu sự khích lệ đối với GV giỏi. “Nhiều năm nay, lương chính thức của tôi chỉ hơn 4 triệu đồng và thêm 2 triệu đồng tiền dạy chéo buổi. Dạy thêm nữa thì được khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Nhưng đồng nghiệp của tôi, cũng môn chính nhưng không có tiết dạy chéo buổi thì thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập đó, dù nhu cầu chi tiêu không cao cũng không thể xoay xở được với cuộc sống chứ chưa dám bàn đến việc cống hiến cho nghề nghiệp. Tại một số trường công - trường điểm, GV thường phải giảng dạy áp lực do tình trạng quá tải và sĩ số HS thì quá đông”, GV này cho biết.

Để giữ chân GV giỏi, TP Hồ Chí Minh cũng từng đề xuất về việc thí điểm chế độ đãi ngộ gắn liền với năng lực, trách nhiệm của nhà giáo, không cào bằng. Tuy nhiên, đây cũng là chỉ mới là đề xuất…

Về việc GV rời trường công sang trường tư, một cán bộ từng công tác ở Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho rằng, GV dạy ở đâu họ cũng cống hiến cho giáo dục, cho học trò. Không phải ở trường công thì mới là tâm huyết, mới là yêu nghề. 

Song, phải thừa nhận rằng, đã đến lúc hệ thống các trường công phải tìm cách đẩy mạnh cải thiện về thu nhập, môi trường làm việc… như mô hình trường tự chủ về tài chính đang thực hiện tại 7 trường THPT trên địa bàn thành phố để tăng tính cạnh tranh; nếu không, có lo lắng thì cũng chẳng làm gì được với thực trạng trường công “chảy chất xám” ra trường tư.

Bàn về vấn đề này theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ thành phố, thực trạng đang diễn ra cho thấy phải chấp nhận để tạo điều kiện cho sự cạnh tranh công bằng giữa trường công và trường tư. Đồng thời, cái gì cũng phải có những bước thí điểm, ngoài những cơ chế, chính sách đã tham mưu cho UBND thành phố và được thành phố thông qua thì phải tiếp tục có những mô hình thí điểm và có những kiến nghị thí điểm… Cách làm đó để rút ra những bài học kinh nghiệm. Rồi từ những mô hình thí điểm mới đưa ra được cơ chế và mới trả lương, thu nhập xứng đáng cho những thầy cô giáo mà có chuyên môn, năng lực, có sự đánh giá về chất lượng trong hoạt động nghề nghiệp.
H. Nga

Sau gần 1 tháng xét xử và nghị án, sáng 21/4, HĐXX phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên giảm mức án cho bị cáo Trương Mỹ Lan từ chung thân xuống 30 năm tù, giữ nguyên  hình phạt 12 năm tù về tội “Rửa tiền” và 8 năm tù tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Sáng 21/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Quốc Vượng (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) cùng 11 bị cáo khác về tội tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan Công ty Trung Nam Thuận Nam. Bị cáo Hoàng Quốc Vượng chịu cáo buộc làm trái nghị quyết của Chính phủ, giúp các Công ty Trung Nam Thuận Nam và Công ty Solar Farm Nhơn Hải hưởng lợi bất chính hơn 1.043 tỷ đồng. Đổi lại, cựu Thứ trưởng được “lót tay” 1,5 tỷ đồng.

Chúng tôi đến với Lạng Sơn những ngày đầu tháng 4, dọc đường hoa gạo vẫn chưa hết rực đỏ. Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ trên đường cao tốc từ Hà Nội tới thành phố Lạng Sơn, đi tiếp chừng 30 cây số nữa, chúng tôi đến với địa bàn xã biên giới Tân Thanh, huyện Văn Lãng - nơi mà trong ký ức của chúng tôi chục năm về trước, Tân Thanh luôn tấp nập, nhộn nhịp bởi những khu chợ biên giới sầm uất, mà bất cứ ai khi ghé thăm Lạng Sơn, dù đường đi có vất vả đến mấy cũng vẫn muốn được đến chợ cửa khẩu Tân Thanh để tranh thủ mua sắm.

Ngày 21/4, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản là Bentonite tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và khai khoáng Bảo Nguyên.

Với chiều dài hơn 60km, tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng, dự án đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay còn vướng mắc ở nhiều đoạn, tuyến do vướng khâu mặt bằng, buộc nhà thầu phải thi công “nhảy cóc”. Mặc dù chính quyền đã quyết liệt vào cuộc, song nhiều hộ gia đình vẫn cố thủ, không chấp thuận các phương án đền bù dẫn đến dự án chậm tiến độ.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (20/4), khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên, Tây Nguyên và Nam Bộ đã có nắng nóng, có nơi nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ như: Phù Yên (Sơn La) 39.4 đô, Hòa Bình 39.5 độ, Cao Bằng 39.1 độ, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 38.2 độ, Ayunpa (Gia Lai) 38.3 độ… Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-55%.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.