Chạy trường tạo nên tiêu cực trong môi trường giáo dục

08:41 03/07/2016
Tháng 7 là tháng tuyển sinh đầu cấp và câu chuyện “chạy” trường lại nóng bỏng, đặc biệt ở các thành phố lớn. “Chạy” trường để lại nhiều hệ lụy mà hậu quả lớn nhất là tạo nên sự tiêu cực trong môi trường giáo dục, gây nên bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục của người dân, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, niềm tin của cả phụ huynh và học sinh...

PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh Hà Nội về vấn đề này.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường dân lập Lương Thế Vinh Hà Nội.

PV: Cứ vào trước mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, ngành giáo dục lại chấn chỉnh việc chạy trường. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn âm thầm tiếp diễn, tạo thành những đợt sóng ngầm tiêu cực. Điều gì đã dẫn đến thực trạng này, thưa ông?

PGS Văn Như Cương: Nguyên nhân đầu tiên chính là do sự “phân biệt đối xử” của ngành giáo dục đối với hệ thống các trường công lập hiện nay. Trong đó có chủ trương tổ chức các lớp chọn, trường điểm, trường chất lượng cao, tạo ra tâm lý “sùng bái” quá mức các loại trường này trong một bộ phận phụ huynh. 

Đồng thời, việc đầu tư giữa các trường công không đồng bộ làm cho độ chênh lệch giữa các trường quá lớn. Không nói đâu xa, ngay tại Hà Nội hiện nay, tại một số quận vẫn mọc lên những ngôi trường “siêu to” có kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Ngay cả trong một quận, hai trường công gần nhau nhưng có cơ sở vật chất hoàn toàn khác nhau. 

Chính điều này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề. Một là gây áp lực cho trường tư thục, thậm chí "bóp chết" trường tư thục vì cơ sở vật chất trường công tốt hơn mà khoản thu thấp hơn. Mặt khác, còn gây ra sự bất bình đẳng giữa các trường công bởi để được hưởng những lợi thế về điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo, các phụ huynh đều có tâm lý muốn vào các trường “siêu to” này, khiến nạn chạy trường ngày càng trở nên nhức nhối. 

Nguyên nhân thứ hai là do thiếu thông tin, không có sự hướng dẫn cho phụ huynh về vấn đề chọn trường nào cho hợp lý bởi hiện nay ngành giáo dục vẫn chưa có qui trình để kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo của các trường. Mức độ xã hội hoá giáo dục vẫn đang còn yếu, còn ít các trường dân lập và tư thục cũng là một nguyên nhân dẫn đến “chạy” trường. Điều này khiến cho cơ hội lựa chọn trường phù hợp và tốt nhất cho học sinh vẫn còn rất thấp trong khi nhu cầu của người dân trong lĩnh vực này luôn ở mức cao. 

Một nguyên nhân khác nữa là cách thức tổ chức quản lý việc tuyển sinh, đào tạo còn thiếu chặt chẽ, công tác thanh tra, quản lý ngành còn nhiều yếu kém nên các vụ chạy trường không bị ngăn chặn ngay từ đầu mà còn diễn ra trong khoảng thời gian dài khiến cho vấn nạn này ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí không ít người còn xem đó là chuyện bình thường...

PV: Có một điều bất bình thường là có một bộ phận phụ huynh đang tìm đủ cách chạy cho con vào được công lập, dù đó là trường bình thường, không mấy tiếng tăm kiểu như “trường làng trong phố”. Vì sao vậy, thưa ông?

PGS Văn Như Cương: Hiện nay hầu hết các đô thị lớn đều đang đứng trước áp lực tăng dân số cơ học rất lớn và điều này đã tạo nên nhiều áp lực lên hệ thống giáo dục. Do nhiều khu vực cung không đủ cầu nên ngành giáo dục đã phải đưa ra những tiêu chí chặt chẽ như phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ít nhất 3 năm thì mới đủ điều kiện được dự tuyển vào học ở các trường công lập trên cùng địa bàn. 

Chính vì có những quy định này nên phần lớn các trường cương quyết không nhận những học sinh khác địa bàn và những học sinh không có hộ khẩu thường trú theo đúng quy định. Từ đó, bắt đầu dẫn đến tình trạng tiêu cực là “chạy” trường. 

Trong cuộc chạy đua này, người có vị thế xã hội, có quan hệ thì nhờ vả bằng nhiều cách, còn người lao động bình thường bắt buộc phải tìm đến các đối tượng trung gian để “chạy” cho con. 

Bởi lẽ, với điều kiện kinh tế hạn hẹp của một bộ phận công- viên chức nhà nước hay những người làm công nhân ở các khu công nghiệp thì chuyện đưa con vào học tại các trường quốc tế hay tư thục là không thể. Trong khi đó, vào các trường công lập, dù có những khó khăn và tốn kém bước đầu song học phí và các chi phí khác ở các trường này nhẹ hơn rất nhiều so với các trường ngoài công lập. Vì lẽ đó mà trường bình thường hay trường “làng trong phố” các phụ huynh cũng phải “chạy” để tìm cho con một chỗ học ổn định lâu dài.

PV: Hiện có không ít phụ huynh từng chạy cho con vào trường “điểm” than phiền rằng, ở lớp con họ, có những em diện trái tuyến luôn bị cô giáo dọa “trả về địa phương”. Phụ huynh “chăm sóc” cô chưa chu đáo thì con mình gần như bị bỏ quên. Nói cách khác, học “trường điểm” tức là đang bước vào cuộc chạy đua ngầm, trong đó cha mẹ nào chăm sóc tốt thầy cô thì con mình mới được giáo viên chú ý. Mệt mỏi như thế song nhiều phụ huynh vẫn không từ bỏ ý định chạy trường. Phải chăng trong câu chuyện này còn có cả yếu tố tâm lý đám đông, thưa ông?

PGS Văn Như Cương:  Một trong những nguyên nhân của tình trạng chạy trường là do nhiều phụ huynh lo lắng thái quá đến việc học của con, quá kỳ vọng vào khả năng và kết quả học tập của con với suy nghĩ ít nhiều có phần áp đặt là con mình phải là số 1, phải được học tập ở trường mà họ cho là tốt nhất. Họ quên mất rằng, điều quan trọng nhất không phải là con mình vào được trường tốt mà là môi trường đó có phù hợp năng lực của trẻ hay không. 

Chính điều này mà trên thực tế đã xuất hiện những hiệu ứng ngược. Nhiều học sinh lẽ ra chỉ gánh được 30kg thì bị bố mẹ buộc gánh tới 40-45kg, dẫn đến quá tải, không thể trụ lại được đến cùng, dẫn đến tâm lý chán nản, tự ti. Thậm chí, một số trường hợp phải chuyển trường. Trong khi đó, ở nông thôn, miền núi tuy không có việc “chạy” trường nhưng vẫn có nhiều học sinh giỏi, thậm chí trong các kỳ thi gần đây, số lượng thủ khoa trong các kỳ thi là học sinh nông thôn luôn áp đảo.

PV: Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để hạn chế nạn chạy trường để không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục hiện nay?

PGS Văn Như Cương: Vấn nạn chạy trường  là một bài toán phức tạp mà để giải quyết nó cần phải có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, chứ không thể làm trong ngày một, ngày hai. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là ngành giáo dục, cần quy hoạch lại hệ thống các trường công lập hiện nay theo cả hai hướng phát triển mũi nhọn và đại trà. 

Trong đó, đối với giáo dục mũi nhọn nên chọn lọc và đầu tư bài bản hơn cho hệ thống các trường chuyên từ cấp THCS, THPT, thậm chí là cả bậc đại học vì đây là nơi đào tạo tinh hoa. Còn đối với giáo dục đại trà, nhiệm vụ chính là phổ cập giáo dục nên không cần thiết phải có những trường “điểm” hay chất lượng cao. Thay vào đó, tất cả các trường cần được đầu tư cơ sở vật chất, được quan tâm như nhau vì người dân đều phải đóng thuế giống nhau nên quyền tiếp cận với giáo dục của họ cũng phải được bình đẳng, ngang bằng nhau. 

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng cần tính toán xem lại chương trình theo hướng cắt giảm bớt những môn học không cần thiết, tăng cường giáo dục kỹ năng bởi theo tôi được biết có nhiều phụ huynh chạy cho con vào các trường quốc tế với học phí ngàn đô mỗi tháng chủ yếu là do chương trình học ở các trường này khác biệt theo hướng tiệm cận với quốc tế hơn.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Cảnh sát Thái Lan đang tiến hành điều tra vụ việc 41 thi thể được phát hiện bên trong một tu viện ở tỉnh Phichit nước này, được cho là có liên quan đến hoạt động thiền định.

Một nhóm người hoạt động khai thác vàng từ 6h sáng hôm trước đến sáng ngày hôm sau trong vườn điều của một người dân tại xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Sau khi sàng lọc quặng vàng được bỏ vào bao tải rồi vận chuyển đi nơi khác.

Sáng 25/11, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Lê Văn Điền (SN 1972, HKTT: tổ 14, ấp Tân Thành, xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang); Lê Thị Ngọc Nhan (SN 1971, vợ Điền); Lê Phước Sang (SN 1991) và Lê Phước Hoàng (SN 1999, con Điền); Lê Công Triết (SN 1983) và Nguyễn Văn Lộc (SN 1982, cháu Điền) để điều tra về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 25/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Leo Minh Hiếu, SN 1999, thường trú thôn 6, xã Long Bình, huyện Phú Riềng; nơi ở thôn Phước Tân, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng. Leo Minh Hiếu bị khởi tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Do mưa lớn kéo dài những ngày qua đến sáng nay, nhiều huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam đã xảy ra sạt lở đất, nhiều khu vực giao thông bị chia cắt. Lực lượng Công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai khắc phục sạt lở đất để đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文