Chọn sách giáo khoa lớp 1: Thời gian gấp, chất lượng có đảm bảo?

11:09 03/03/2020
Hiện 45 cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của 9 môn học theo chương trình mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phê duyệt xong và chuẩn bị bước vào thẩm định SGK lớp 2. Tuy nhiên, đến 30/4, các cơ sở giáo dục phải kết thúc việc chọn SGK lớp 1, liệu có vội vã?


Các trường đã vào cuộc như thế nào để việc chọn SGK đạt chất lượng và đảm bảo tiến độ? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) về vấn đề này.

PV: Thưa ông, việc chọn SGK chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc, tiến độ các nhà trường nghiên cứu, chọn SGK ra sao? Thời gian đó có đủ để việc lựa chọn SGK được kỹ càng, thận trọng?

Tiến sĩ Thái Văn Tài: Trong tháng 12/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các nhà xuất bản (NXB) phối hợp với các địa phương có phương án phù hợp và kịp thời để cung cấp SGK cho GV bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể là chế bản điện tử hoặc bản cứng để các nhà trường nghiên cứu. Qua theo dõi, giám sát, tất cả các SGK được phê duyệt đã được các NXB đưa lên mạng Internet. 
Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học.

Thời gian vừa rồi các tỉnh, thành phải nghỉ học do dịch COVID-19 nên địa phương đã chỉ đạo các trường ưu tiên thời gian này nghiên cứu sâu về SGK lớp 1, để ngày 15/3, khi Thông tư 01 hướng dẫn lựa chọn SGK có hiệu lực thì các hội đồng lựa chọn SGK sẽ làm việc được ngay. 

Vừa qua có ý kiến băn khoăn, thời gian chọn SGK sợ không đảm bảo, nhưng chúng ta cần hiểu rõ, tháng 11/2019, Bộ đã phê duyệt 38 cuốn sách. Tháng 2/2020, Bộ phê duyệt tiếp 7 cuốn sách, như vậy việc thẩm định, phê duyệt SGK diễn ra liên tục. Nếu các địa phương, các nhà trường tiến hành các bước theo đúng hướng dẫn của Bộ thì chúng ta có đủ thời gian, vì đến 30/4 việc lựa chọn SGK mới kết thúc. 

Như thế nếu tính từ tháng 11/2019 (là khi Bộ hoàn thành phê duyệt SGK lần 1) thì chúng ta có ít nhất 5 tháng để nghiên cứu, lựa chọn SGK. Tôi khẳng định đủ thời gian để các trường chọn SGK.

PV: Thưa ông, đấy là kỳ vọng của cơ quan quản lý. Vậy công tác chọn SGK tại các địa phương, ông đánh giá như thế nào, có điều gì phải lo ngại băn khoăn không?

Tiến sĩ Thái Văn Tài: Với các NXB, như NXB Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, chúng tôi đánh giá rất cao họ đã cộng đồng trách nhiệm, thể hiện ở việc chủ động công bố bản SGK điện tử để chia sẻ với xã hội. 

Chúng tôi cũng đánh giá cao các địa phương đã phối hợp với các NXB tổ chức các hội thảo nghiên cứu về bộ SGK mới, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID - 19, nhiều địa phương đã trích ngân sách để mua SGK cung cấp đủ đầu sách đến các nhà trường, hướng dẫn các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn với yêu cầu 100% GV dạy lớp 1 năm học tới phải đọc chương trình lớp 1, đọc SGK lớp 1 và có nhận xét kỹ lưỡng đối với từng bản SGK, có bình chọn các bộ SGK xếp theo thứ tự từ thấp đến cao. 

Vừa qua, chúng tôi đi kiểm tra 10 địa phương như Đồng Tháp, Tiền Giang, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Giang, xuống từng trường, kiểm tra từng GV, kiểm tra sản phẩm sinh hoạt chuyên môn thì thấy các thầy cô rất chủ động vào cuộc. Chúng tôi đôn đốc các địa phương phải tăng cường kiểm tra các trường để 15/3, khi Thông tư 01 có hiệu lực thì 100% các nhà trường phải thành lập hội đồng tuyển chọn. 

Hội đồng sẽ tiếp nhận ngay kết quả sinh hoạt chuyên môn của các GV lớp 1 qua thời gian vừa rồi, đây là một kênh như “đề xuất” về chuyên môn, và hội đồng sẽ hướng dẫn bỏ phiếu theo chọn SGK. Sau đó, hội đồng phải báo cáo kết quả lựa chọn sách cho hiệu trưởng trước 30/4; Các cơ sở giáo dục công bố các bộ SGK được lựa chọn và chịu trách nhiệm giải trình vì sao chọn SGK này. 

Bước tiếp theo, các trường sẽ phối hợp với các NXB tiến hành tập huấn cho GV, từ 1/5 đến 30/7. Trong thời gian này, các NXB sẽ tiếp nhận kết quả chọn SGK của các địa phương để thống kê số lượng SGK phục vụ cho in ấn, phát hành trước 15/8, đảm bảo 100% SGK phải đến được với các em học sinh trong năm học mới.

PV: Theo Nghị quyết 88, việc lựa chọn SGK là do cơ sở giáo dục, nhưng từ 1/7/2020, khi Luật Giáo dục có hiệu lực thì việc lựa chọn SGK sẽ do UBND tỉnh lựa chọn. Điều này có gây khó khăn gì trong việc chọn sách hiện tại không, thưa ông?

Tiến sĩ Thái Văn Tài: Bộ GD & ĐT đã ban hành Thông tư 01 hướng dẫn các trường chọn sách, đồng thời, Bộ đang chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn các địa phương chọn SGK. Như vậy, từ SGK lớp 2 sẽ do địa phương chọn. Nhưng vấn đề này cũng không phải quá lo lắng vì SGK là do Hội đồng quốc gia thẩm định, vai trò của hội đồng lựa chọn SGK rất quan trọng, sẽ nghiên cứu các dữ liệu sao cho phù hợp với điều kiện văn hóa, địa lý, kinh tế xã hội của từng địa phương. Địa phương sẽ ban hành tiêu chí lựa chọn SGK.

PV: Cụ thể là tiêu chí gì, thưa ông?

Tiến sĩ Thái Văn Tài: Như tôi đã nói, đó là các tiêu chí về điều kiện địa lý kinh tế văn hóa xã hội của địa phương và điều kiện thực tiễn người học, người dạy, thiết bị cơ sở vật chất… Ví dụ Hà Nội điều kiện sẽ khác Bắc Kạn nên tiêu chí cũng sẽ khác. Hiện nhiều tỉnh đã công bố tiêu chí chọn sách.

PV: Vậy giữa các bộ SGK có sự chênh lệch hay khác biệt không?

Tiến sĩ Thái Văn Tài: SGK theo chuẩn chương trình, ví dụ bộ sách Tiếng Việt có 5 cuốn, tùy theo từng nhóm tác giả nghiên cứu chương trình mà người ta đặt vấn đề ở các góc độ khác nhau. Những nhóm tác giả nào quan tâm đến vùng thuận lợi thì sẽ tiếp cận ban đầu ở mức cao hơn chút; nhưng với học sinh miền núi, nhóm tác giả chia thời lượng tiếp cận ban đầu sẽ khác nhau. 

Chương trình khung hiện nay là chương trình mở, kèm theo SGK có nhiều nguồn học liệu khác bổ trợ. Giữa các cuốn sách có sự đa dạng rất lớn, chứ không phải là những bộ SGK “đồng phục” với nhau. Nếu hiểu sâu sắc như thế thì học sách nào cũng phải đạt chuẩn đầu ra. Khi kiểm tra đánh giá, GV không phải đánh giá theo SGK mà đánh giá theo chuẩn đầu ra của chương trình. 

Khi đi kiểm tra các trường tôi nhận thấy ban đầu GV rất băn khoăn, nhưng khi đọc chương trình, đọc SGK rồi họ đều phấn khởi. Việc lựa chọn SGK có nhiều cách, có thể môn tiếng Việt thì chọn sách của NXB này, môn Toán lại chọn sách của NXB khác, miễn sao có 9 cuốn đủ cho 9 môn học. 

Đối với những địa phương có sự đa dạng về văn hóa có thể có nhiều SGK với cùng một môn học. Nhưng những địa phương có điều kiện khá đồng nhất thì cả tỉnh chọn 1 cuốn sách cũng không vấn đề gì. Ưu tiên tối ưu cho sự phù hợp của người học.

PV: Vậy đến thời điểm này, 100% GV Tiểu học đã tiếp cận được với các bản SGK hay chưa, thưa ông?

Tiến sĩ Thái Văn Tài: Hiện 100% địa phương đã thống kê được sang năm lớp 1 có bao nhiêu học sinh, dự kiến có bao nhiêu GV sẽ tham gia dạy SGK lớp 1 mới. 

Cụ thể sẽ có 63.000 học sinh lớp 1 và 70.000 GV được phân công dạy lớp 1 – số GV này từ đầu năm học 2019 – 2020 đã được nhà trường yêu cầu nghiên cứu chương trình môn học; từ tháng 12, họ đã đọc SGK theo chương trình mới. 

Thời gian này, các thầy cô càng tăng cường đọc, phải xếp được danh mục chọn SGK phù hợp nhất theo thứ tự 1, 2, 3. Sau khi hội đồng công bố chọn SGK xong thì các nhà trường tiếp tục tổ chức dạy thử nghiệm...

PV: Trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!

Với bộ SGK lớp 2, giải pháp nào để tránh xảy ra hiểu lầm và tranh cãi? 

Tiến sĩ Thái Văn Tài cho rằng, với SGK lớp 1, Bộ GD&ĐT đã làm đúng lộ trình với sự tham gia tích cực của các địa phương. 

Theo kế hoạch thì tháng 5/2020, Bộ sẽ tiến hành tiếp nhận bản thảo SGK lớp 2, tháng 6 sẽ thẩm định, việc thẩm định sẽ hoàn thành trước tháng 12/2020. 

Rút kinh nghiệm từ việc thẩm định SGK lớp 1, Bộ thành lập ban soạn thảo sửa đổi các nội dung theo Thông tư 33 “Ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; Tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK”, liên quan chủ yếu đến thẩm quyền của các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Dự kiến trong tháng 3 hoặc tháng 4/2020, Bộ sẽ tổ chức hội thảo mời đội ngũ viết SGK lớp 2 tham dự…

Thu Phương (thực hiện)

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文