Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được giảm tải thế nào?

21:12 27/12/2018
Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. 

Một trong những điểm mà dư luận xã hội trông chờ nhất từ chương trình GDPT mới là sẽ giảm tải như thế nào khi mà chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đang được xem là “quá tải” về kiến thức, gây áp lực cho học sinh.

Tổng thời lượng học tập theo Chương trình GDPT mới ở cả 3 cấp học là 8.172 giờ (60 phút/giờ), trong đó, thời lượng học tập ở cấp tiểu học là 2.817,5 giờ; thời lượng học tập ở cấp THCS là 3.070,5 giờ; thời lượng học tập ở cấp THPT là 2.284 giờ. 

Theo chương trình hiện hành, học sinh tiểu học học 2.353 giờ, trong khi đó chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học. Với thời lượng tăng, học sinh tiểu học sẽ có điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. 

Ở THCS, theo Chương trình GDPT hiện hành, học sinh học 3.124 giờ. Như vậy, thời lượng học ở THCS giảm 53,5 giờ. Ở THPT, theo Chương trình GDPT hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ; điều này cũng đồng nghĩa với việc, so với chương trình hiện hành, chương trình mới giảm khoảng hơn 200 giờ. 

Các đại biểu tham dự họp báo công bố chương trình GDPT mới.

“Mục tiêu tăng thời lượng ở cấp tiểu học theo hướng dạy 2 buổi 1 ngày trong chương trình GDPT mới là để học sinh có thời gian tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa trong nhà trường; tăng cường giáo dục kỹ năng, an toàn cho trẻ em đang ở độ tuổi mong manh, hiếu động. Còn đối với bậc THCS, việc thời lượng tiết học được giảm tải là do đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp liên môn; ở cấp THPT, giảm tiết học nhờ phân hóa theo hướng tăng cường các môn tự chọn”- GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cho biết.

Chương trình GDPT mới cũng giảm mạnh số lượng môn học so với chương trình hiện hành.  Ở cấp tiểu học, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học.

Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học. Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học trong khi chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học. Chương trình mới của các lớp THPT đều có 12 môn học trong khi chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học. Đặc biệt, kiến thức kinh viện, hàn lâm trong chương trình hiện hành cũng đã được giảm tải trong chương trình GDPT mới. 

Nếu như chương trình GDPT hiện hành thiên về trang bị kiến thức cho học sinh, do đó chứa đựng nhiều kiến thức kinh viện, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh thì chương trình GDPT mới lại lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu. 

Xuất phát từ yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở từng giai đoạn học tập để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp nên chương trình mới đã giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới, do tăng cường đổi mới cách tiếp cận theo hướng tăng cường dạy tích hợp và phân hóa, có độ mở cao nên chương trình GDPT mới cũng tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp THPT) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn. 

Chương trình GDPT mới cũng triệt để thực hiện phương pháp dạy học tích cực;  học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kĩ năng và vận dụng vào đời sống, còn thầy cô không thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh. 

Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình.

Ngoài các yếu tố trên, điểm nổi bật của chương trình mới là đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục. Chương trình GDPT mới xác định mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục. 

Sẽ giảm tải lượng kiến thức hàn lâm, tăng trải nghiệm sáng tạo trong chương trình GDPT mới.

Từ phương thức đánh giá đến nội dung đánh giá, hình thức công bố kết quả đánh giá sẽ có những cải tiến nhằm bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí tại buổi họp báo về các điều kiện đảm bảo để thực hiện chương trình GDPT mới, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết:Về đội ngũ giáo viên, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng các năng lực cốt lõi về tổ chức hoạt động trải nghiệm, phương pháp dạy tích hợp liên môn để giáo viên có thể bắt nhịp và đáp ứng được với những thay đổi của chương trình mới. 

Về điều kiện cơ sở vật chất khi triển khai chương trình mới, Bộ GD&ĐT cho rằng: Đối với bậc THCS, điều kiện cơ sở vật chất hiện tại đáp ứng được yêu cầu song cấp tiểu học, vẫn còn khó khăn. Do đó, Bộ GD&ĐT đã đề xuất với Chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp nhằm đảm bảo đủ lớp học để học sinh học 2 buổi/ngày.

Sẽ áp dụng chương trình GDPT mới từ năm 2021-2022

Căn cứ vào các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD&ĐT dự kiến áp dụng chương trình GDPT mới theo lộ trình: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Chương trình GDPT mới được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12. 

Nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4 và 5); Tự nhiên xã hội (lớp 1, 2 và lớp 3); Lịch sử và Địa lý (lớp 4 và lớp 5); Khoa học (lớp 4 và 5); Tin học và công nghệ (lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm và 2 môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ (lớp 1 và lớp 2). 

Nội dung giáo dục THCS gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương và 2 môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày; mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học, mỗi tiết học không quá 45 (có hướng dẫn các trường đủ điều kiện thực hiện dạy 2 buổi/ngày). Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thế chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương; 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc và Ngoại ngữ 2); 5 môn học tự chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm ít nhất 1 môn học) Nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Mỹ thuật (Công nghệ, Tin học, Mỹ thuật).

Huyền Thanh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文