Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển:

Chương trình giáo dục phổ thông mới có sử dụng SGK cũ?

08:12 07/08/2015
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới ngay sau khi được công bố đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thay vì bắt buộc phải học nhiều môn như hiện nay, học sinh sẽ phải học ít môn hơn nhờ tích hợp một số môn thành một môn và ngoài những môn học bắt buộc, các em sẽ được học tự chọn. CT GDPT mới được thiết kế chi tiết và khá bài bản

Tuy nhiên, còn nhiều băn khoăn xung quanh bản dự thảo này liên quan đến việc dạy học tích hợp và phân hóa, tự chọn và bắt buộc trong điều kiện đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất còn hạn chế. PV Báo CAND đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Vinh Hiển xung quanh dự thảo vừa công bố.

PV: Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết sự thay đổi về mục tiêu giáo dục phổ thông nêu trong CT GDPT mới so với chương trình hiện hành?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: CT mới cố gắng khắc phục tối đa những nhược điểm của CT hiện hành. Đó là nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, chưa coi trọng hướng nghiệp. CT mới chuyển từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học, chú trọng học đi đôi với hành. CT đưa ra những yêu cầu về phẩm chất chủ yếu đối với học sinh như: sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm; các năng lực chung về: tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, thẩm mỹ, thể chất, giao tiếp, hợp tác, tính toán, công nghệ thông tin và truyền thông. Theo đó CT mới đặt ra mục tiêu cho từng cấp học cụ thể hơn để định hướng cho việc thiết kế nội dung, lựa chọn phương pháp và đánh giá chất lượng giáo dục.

PV: Tích hợp và phân hóa là hai “cụm từ” đang được các nhà khoa học tranh luận và lo ngại rằng, tích hợp không khéo sẽ trở thành “phép cộng cơ học” của những kiến thức đã có sẵn, không có sự nhuần nhị và như vậy cũng không đảm bảo tính liên thông, học sinh vẫn bị quá tải?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi chia sẻ những lo ngại đó. CT cũ của chúng ta chưa quán triệt tốt quan điểm tích hợp nên có nhiều môn học và các môn học khó tránh khỏi trùng lặp về nội dung, không thuận lợi cho việc  hướng dẫn học sinh vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống.

Người dân kỳ vọng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giúp giảm áp lực với học sinh.

Trong CT mới, các kiến thức liên quan với nhau sẽ được lồng ghép hoặc bố trí gần nhau nên sẽ tránh được sự trùng lặp không cần thiết về nội dung giữa các môn học, đồng thời số lượng môn học và thời lượng học tập sẽ giảm bớt. Tinh thần chung là tích hợp mạnh ở lớp học dưới và phân hóa dần ở lớp học trên. Cấp tiểu học sẽ có môn tích hợp như: Cuộc sống quanh ta (được phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội ở các lớp 1, 2, 3 hiện hành), Tìm hiểu xã hội và Tìm hiểu tự nhiên (được phát triển từ các môn Khoa học, Lịch sử, Địa lý ở các lớp 4, 5 trong CT hiện hành).

Còn ở cấp THCS, xây dựng hai môn học tích hợp mới là Khoa học tự nhiên (được hình thành chủ yếu từ các môn Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (được hình thành chủ yếu từ Lịch sử, Địa lý). Cấp THPT được xây dựng ba môn tích hợp mới là Công dân với Tổ quốc (tích hợp từ Giáo dục công dân, Quốc phòng – An ninh và một số nội dung trong Lịch sử, Địa lý hiện hành); Khoa học tự nhiên là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 (dành cho học sinh định hướng Khoa học xã hội, không học các môn Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (dành cho học sinh định hướng Khoa học tự nhiên, không học Lịch sử, Địa lý).

Nhà trường sẽ bố trí giáo viên phù hợp nhất với từng chuyên đề, phân môn. Giáo viên chỉ cần bồi dưỡng thêm là có thể dạy được và cũng không cần phải thay đổi về số lượng giáo viên, không phải như một số người cho rằng khi dạy học tích hợp thì sẽ giảm số lượng giáo viên đi.

PV: Nhưng hiện nay đội ngũ giáo viên trong các nhà trường phổ thông phần lớn chưa quen với việc dạy tích hợp, trình độ không đồng đều và phân hóa. Vậy giải pháp nào để CT, SGK mới sau khi ban hành là giáo viên sẽ bắt tay vào dạy được ngay theo xu thế tích hợp hiện đại, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi muốn nói là dạy học tích hợp không phải là vấn đề xa lạ trong giáo dục phổ thông. Giáo viên đã ít nhiều dạy học tích hợp rồi. Khó khăn, thách thức khi thực hiện chủ trương dạy học tích hợp chính là do chúng ta còn hạn chế về kinh nghiệm xây dựng chương trình, biên soạn SGK và hướng dẫn dạy học theo hướng tích hợp, đặc biệt là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu tích hợp.

Tôi nghĩ là cần có sự thay đổi nhận thức của giáo viên, cán bộ quản lý về ý nghĩa của việc dạy tích hợp, vận dụng một số kỹ thuật và phương pháp dạy học để đảm bảo yêu cầu của dạy học tích hợp. Về phía Bộ GD & ĐT, sẽ tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý hiện nay, đào tạo giáo viên mới đáp ứng yêu cầu. Và như trên đã nói, chúng ta chưa thể tích hợp quá sâu các nội dung dạy học như một số nước phát triển đã làm; tiếp thu kinh nghiệm của những nước có điều kiện tương tự Việt Nam nhưng đã thành công trong việc này, chúng ta chỉ tích hợp ở mức độ vừa phải, phù hợp với năng lực thực tế của đội ngũ giáo viên.

PV: Phụ huynh, học sinh đang băn khoăn không biết CTGDPT mới này có giảm tải hay không? Vì nhìn vào CT tổng thể, thấy có cả giáo dục đạo đức - công dân, thể chất, nghệ thuật, có cả nghiên cứu về khoa học kỹ thuật. Chỉ riêng về thể chất có cả bơi, lặn, võ, vật, hoạt động thể thao cổ truyền, khiêu vũ thể thao, phương pháp phòng chống chấn thương trong hoạt động thể thao… Trong khi điều kiện học tập ở các thành phố lớn còn khó đáp ứng, chưa nói đến trường học ở vùng sâu, xa còn nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Khi thiết kế dạy học tích hợp, phân hóa hay tự chọn, bắt buộc, là CT đã hướng tới việc giảm tải nội dung rồi. Không bắt buộc các em phải cùng lúc học tất cả nội dung ấy. Các em sẽ tự chọn học theo sở thích, năng khiếu và định hướng nghề nghiệp cá nhân; có em chọn môn này, có em chọn môn kia, tuy nhiên còn phụ thuộc vào năng lực của nhà trường có đáp ứng được hay không? Mỗi môn, kể cả bắt buộc hay tự chọn thì kiến thức cũng thiết thực hơn, nội dung không chồng chéo, mà tinh giản.

Quan trọng nữa là cách dạy, dạy ít mà gợi mở, khơi lên học sinh tinh thần tự học, tự giải quyết vấn đề. Các trường có điều kiện khác nhau có thể thực hiện các giải pháp dạy học tự chọn khác nhau theo hướng đáp ứng tốt nhất và ngày càng đáp ứng tốt hơn đối với các nguyện vọng khác nhau của học sinh.

PV: Thưa Thứ trưởng, để thực hiện thành công CT GDPT mới thì đội ngũ nhà giáo là một trong những nhân tố quyết định. Vậy hiện nay chúng ta đã chuẩn bị gì cho đội ngũ này, các trường sư phạm đã vào cuộc chưa vì từ nay đến năm 2018, thời gian không còn nhiều?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Rõ ràng CT, SGK thay đổi thì hoạt động sư phạm cũng phải đổi mới. Hiện nay các trường sư phạm đã bàn đến vấn đề đào tạo sinh viên giỏi cả về tri thức tổng hợp và năng lực giáo dục để có thể đáp ứng được nhiệm vụ trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhiều trường sư phạm sẽ phải xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên theo đúng tinh thần của chương trình mới và xây dựng chương trình đào tạo mới cho chính mình, từ giáo trình, thực hành, tổ chức lại một số khoa, phòng, bộ môn và điều chỉnh các mối quan hệ liên kết trong đào tạo giữa các đơn vị của trường…

Thực hiện một CT, nhiều bộ SGK sẽ là cơ hội để giáo viên chủ động, linh hoạt, lựa chọn nguồn tài liệu phong phú, phù hợp với đặc điểm học sinh, điều kiện nhà trường; nhưng điều đó cũng đặt ra nhiệm vụ đổi mới đào tạo sư phạm để có được những sinh viên ra trường có năng lực chủ động, sáng tạo, không phải những giáo viên dạy học theo phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều, thụ động.

PV: CT GDPT mới sẽ thay đổi, ảnh hưởng đến cách đánh giá, thi cử như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: So với các giải pháp đổi mới khác thì đổi mới kiểm tra, đánh giá là ít tốn kém nhất và trong tương lai, chắc chắn các nhà trường sẽ đa dạng hóa các hình thức, công cụ kiểm tra, đánh giá; hiện đã có sự thay đổi trong kỹ thuật viết câu hỏi và thiết kế đề thi, đã áp dụng phương pháp đánh giá các dự án học tập, nghiên cứu khoa học, đánh giá hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Việc đó có tác dụng hạn chế đánh giá kết quả học thuộc và ghi nhớ máy móc, học tủ, học đối phó. Các kỳ thi cũng đang đổi mới theo hướng nghiêm túc, bảo đảm phản ánh đúng trình độ và kết quả học tập của thí sinh theo yêu cầu đánh giá năng lực người học.

PV: Hiện nay tiến độ viết SGK đang thực hiện ra sao, thưa ông? Đội ngũ viết SGK cần bảo đảm những tiêu chí nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội thì Bộ GD & ĐT sẽ tổ chức việc viết một bộ SGK, Bộ huy động các nhà khoa học thuộc các hiệp hội cùng tham gia viết sách. Khi CT hoàn thiện và ban hành chắc chắn sẽ có thêm một vài bộ SGK hoặc những quyển SGK của các tổ chức và cá nhân biên soạn. Tôi biết một số nơi cũng đã bắt đầu viết sách, trên tinh thần chủ động, không bị động. Có người hỏi, CT mới thì có thể sử dụng SGK cũ được không? Tôi nghĩ là được, nhưng giáo viên phải rất giỏi.

Chương trình là “phần cứng”, còn SGK chỉ là tài liệu dạy học và nguyên tắc là có thể sử dụng nhiều tài liệu khác nhau trong giảng dạy. Về yêu cầu đối với người viết sách, sẽ có “tiêu chí cứng” như phẩm chất đạo đức, tốt nghiệp đại học sư phạm, am hiểu giáo dục phổ thông và họ đều là những người giỏi cả khoa học chuyên ngành và khoa học giáo dục, am hiểu rộng, trong đó có cả giáo viên phổ thông giỏi và giàu kinh nghiệm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng

Thu Phương (thực hiện)

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文