Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giảm tải mạnh ở bậc tiểu học

10:00 29/07/2017
Chiều 28-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể hay còn gọi là chương trình GDPT mới.

Đây là chương trình vừa được Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa GDPT thông qua trên cơ sở đã bổ sung những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục và Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình. Chương trình GDPT mới lần này đã có nhiều điều chỉnh so với dự thảo công bố hồi tháng 4-2017. Trong đó, điểm thay đổi đáng chú ý là giảm thời lượng các tiết học ở bậc tiểu học và hướng nghiệp sớm cho học sinh ngay từ năm lớp 10.

Theo chương trình GDPT mới vừa được thông qua, sự thay đổi dễ dàng nhận thấy nhất ở bậc tiểu học chính là thời lượng các tiết học giảm xuống rõ rệt trong từng lớp. Cụ thể, lớp 1, 2 giảm từ 1.147 tiết xuống còn 1.015 tiết; lớp 3 giảm từ 1.147 tiết xuống 1.085 tiết; lớp 4, 5 giảm từ 1.184 xuống còn 1.120 tiết. 

Về nội dung, các môn học chỉ còn phân chia thành 2 loại: Môn học hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn chứ không phân thành nhiều loại như trước đây gồm môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn, nội dung giáo dục của địa phương. 

Riêng số tiết môn Toán lớp 5 giảm từ 210 tiết xuống 175 tiết. Môn Giáo dục lối sống trong dự thảo cũ được đổi tên thành môn Đạo đức, đồng thời giảm thời lượng từ 70 tiết ở các lớp 1, 2, 3 xuống còn 35 tiết. Môn Cuộc sống quanh ta (ở các lớp 1, 2, 3) được gộp chung thành một môn Tự nhiên và Xã hội. 

Ở các lớp 4, 5, môn Tìm hiểu Tự nhiên được đổi thành môn Khoa học. Còn môn Tìm hiểu Xã hội được đổi thành môn Lịch sử và Địa lý. Môn Thế giới Công nghệ dự kiến dạy ở lớp 1 đến lớp 3 trong dự thảo cũ thì trong chương trình lần này đã bị bỏ.

Thay đổi lớn nhất trong chương trình GDPT mới tập trung chủ yếu vào bậc tiểu học và THPT. (Ảnh minh họa)

Hai môn Tìm hiểu Công nghệ và Tìm hiểu Tin học ở lớp 4 và lớp 5 được thay thế bằng môn học Tin học và Công nghệ với thời lượng bằng thời lượng của 2 môn (70 tiết/năm). Các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật vẫn giữ nguyên như dự thảo. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được đổi tên thành Hoạt động trải nghiệm nhưng thời lượng không thay đổi và được tách riêng thành hoạt động giáo dục bắt buộc chứ không nằm trong các môn học bắt buộc như trước đây...

Chương trình GDPT mới cũng nêu rõ, ở cấp tiểu học, thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Mỗi tiết học từ 35 phút đến 40 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Cơ sở giáo dục chỉ có điều kiện tổ chức dạy học 5 buổi/tuần thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Ở cấp trung học cơ sở (THCS), chương trình GDPT mới về cơ bản giữ ổn định so với dự thảo trước đó. Điểm thay đổi đáng chú ý nhất ở cấp học này là nội dung hướng nghiệp được đưa vào từ cấp THCS. 

Cụ thể, trong dự thảo mới quy định rõ, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8 và lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp. 

Với cách tổ chức kế hoạch giáo dục mới, thời lượng giáo dục của cấp THCS giảm từ 58-78 tiết/năm so với dự thảo cũ.

Cấp THPT được gọi là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp có sự thay đổi khá lớn so với dự thảo trước đó. Nổi bật nhất là chương trình GDPT mới không tách cấp học này thành 2 giai đoạn với 2 tính chất là dự hướng và định hướng nghề nghiệp như dự thảo trước mà dồn chung thành một giai đoạn chung, thông suốt từ lớp 10 đến lớp 12. 

Cụ thể, giai đoạn này bao gồm các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, Nội dung giáo dục địa phương. 

Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn: Nhóm môn Khoa học xã hội gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Nhóm môn Khoa học tự nhiên gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật gồm các môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật. 

Nội dung mỗi môn học thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.

Các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. 

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập từ 10 đến 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn là 35 tiết. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Huyền Thanh

Ngày 20/12, Cơ quan CSĐT Công an  Đà Nẵng cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Huỳnh Thị Thanh Hiền (SN 1977, trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiền được nhiều người biết như một “đại gia”, từng thành lập nhiều doanh nghiệp bất động sản và đầu tư một số dự án.

Trưa 20/11, Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phong tỏa hiện trường vụ cháy tại căn nhà 4 tầng vừa là nơi kinh doanh ăn uống vừa ngăn phòng cho thuê trên đường Xuân Hồng, phường 12, quận Tân Bình để làm rõ nguyên nhân. Vụ cháy khiến nhiều người bị ngạt khói phải chuyển vào bệnh viện cấp cứu, thông tin ban đầu có 2 người tử vong.

Nghe quảng cáo căng chỉ để nâng cao sống mũi, tạo dáng mũi thẳng và cao hơn, cô gái 25 tuổi, ở Hà Nội bị biến dạng thủng mũi sau 3 tháng làm đẹp ở cơ sở "chui". Gần đến Tết, nhu cầu làm đẹp gia tăng và nhiều người gặp biến chứng hoại tử khi thực hiện ở những cơ sở "chui".

Thông qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh Thái Nguyên) phát hiện 1 đối tượng thường xuyên sử dụng nhiều tài khoản Facebook khác nhau tham gia vào các hội, nhóm Review, đặt tour du lịch, phòng nghỉ để đăng bài quảng cáo, giới thiệu các địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文