Đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục

12:48 15/05/2021
Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa diễn ra, các chuyên gia cho rằng, công tác đảm bảo an toàn cho trẻ cần phải khắc phục bằng những giải pháp tích cực và hiệu quả hơn.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống trường lớp mầm non tư thục đã phát triển nhanh chóng, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều này đáp ứng yêu cầu phát triển nhưng cũng đặt ra yêu cầu về quản lý nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.

Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa diễn ra với chủ đề "Giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục", các chuyên gia cho rằng, công tác đảm bảo an toàn cho trẻ cần phải khắc phục bằng những giải pháp tích cực và hiệu quả hơn.

Dành sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục mầm non

Trao đổi về hoạt động quản lý các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Thời gian qua, bạo hành trẻ mầm non chủ yếu xảy ra tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. 

Khi các khu công nghiệp có nhiều trẻ em, trường mầm non công lập không đủ năng lực tiếp nhận. Con em người lao động chủ yếu được gửi vào các nhóm lớp độc lập tư thục. Tuy nhiên, điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn ở một số cơ sở còn hạn chế. Tình trạng bạo hành, mất an toàn cho trẻ từ năm 2013 đến nay xuất hiện nhiều.

Theo ông Nguyễn Bá Minh, sự tồn tại của các lớp nhóm trẻ mầm non tư thục là tất yếu khách quan, trách nhiệm của Nhà nước là hỗ trợ để các nhóm lớp này phát triển. 

Xác định việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non là một nhiệm vụ quan trọng quyết định đến chất lượng giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện việc đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất, tinh thần cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Từ kinh nghiệm trong quản lý, xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho trẻ trong các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần phải tăng cường quản lý nhà nước đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục theo phân cấp quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhóm, lớp độc lập tư thục ít nhất 2 lần/năm học. 

Đồng thời, cần đưa nội dung, tiêu chí xây dựng trường học an toàn; phòng, chống tai nạn thương tích vào tiêu chuẩn, điều kiện thành lập nhóm, lớp độc lập tư thục và chỉ công nhận, ra quyết định thành lập đối với nhóm, lớp độc lập tư thục đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng kiến nghị, cần có chính sách hỗ trợ trẻ học tại các cơ sở mầm non tư thục như ở cơ sở mầm non công lập để đảm bảo quyền bình đẳng học tập của trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Nhà nước cần dành kinh phí xây dựng trường mầm non công lập đảm bảo yêu cầu giáo dục sớm cho trẻ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần ban hành văn bản mang tính pháp chế giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền trong việc dành quỹ đất sạch cho giáo dục mầm non khi quy hoạch các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất dành nguồn kinh phí nhất định xây dựng các trường mầm non, đảm bảo đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của con em công nhân lao động, giảm hiện tượng các nhóm lớp mầm non xuất hiện tự phát không đảm bảo điều kiện hoạt động.

Giáo viên mầm non cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - giải pháp cơ bản

Trong nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho sự mất an toàn của trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, các chuyên gia cho rằng, có nguyên nhân đến từ đội ngũ giáo viên, trong đó, có vấn đề đào tạo đội ngũ này từ trong các trường sư phạm.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Tổ Tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo đã phân tích những nguyên nhân chủ quan đến từ các cơ sở giáo dục mầm non, chưa đặt vấn đề tự bồi dưỡng. Thêm vào đó, năng lực sư phạm của cán bộ quản lý chưa đủ để bồi dưỡng giáo viên. 

Các cấp quản lý chưa có sự kiểm soát, chưa có văn hóa quản lý trường học. Do đó, chương trình đào tạo cần được điều chỉnh, cân đối giữa lý thuyết và thực hành, từ đó có chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non sát thực tế hơn.

Ông Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non là giải pháp đầu nguồn, giải pháp cơ bản để có được một đội ngũ giáo viên mầm non có tay nghề, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Lâm, Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khuyến nghị: Các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non cần rà soát và quản lý chất lượng đầu vào của các trường. 

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác định hướng, tư vấn tuyển sinh ngành giáo dục mầm non, giúp học sinh phổ thông hiểu một cách cơ bản về nghề, chọn ngành học để làm nghề sau này chứ không phải chỉ là chọn nơi để học. Sàng lọc này giúp các trường chọn được những học viên có tình cảm nghề nghiệp ban đầu và tiếp tục bồi dưỡng trong quá trình đào tạo.

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị Lâm, trong quá trình công tác, giáo viên mầm non cũng cần thường xuyên được đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là nâng cao chất lượng của các hoạt động giáo dục đạo đức nghề nghiệp, giáo dục tình yêu nghề, yêu trẻ. 

Tạo môi trường làm việc thân thiện, giảm bớt áp lực căng thẳng cho giáo viên, người chăm sóc trẻ; hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn cách giao tiếp với trẻ, xử lý các tình huống trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hành kỹ năng quản lý cảm xúc.

Việt Hà

Chiều 16/10, tại thành phố Cần Thơ, đồng chí Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đã trao quyết định bổ nhiệm nhà báo Võ Ngọc Văn Quân, Phó giám đốc phụ trách giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Tây Nam bộ. 

Trong suốt chặng đường 25 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, CLB Nữ Công an hưu trí Bộ Công an đã trở thành "ngôi nhà chung" của các thế hệ các nữ Công an hưu trí với nhiều hoạt động ý nghĩa, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ CAND nói riêng.

Ngày 16/10, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên cùng 3 bị can về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và mua bán trái phép hóa đơn.

Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký quyết định điều động Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận và quyết định điều động Đại tá Hoà Quang Tưng, Phó giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ.

Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 16/10 tuyên bố thiết lập một cơ chế chung mới với các nước đối tác để giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với CHDCND Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang liên tục tăng nhiệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文