Đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập

07:17 21/09/2019
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách để phát triển đất nước. Lao động có tay nghề là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hội nhập hiện nay, do đó vai trò của GDNN là rất quan trọng.


Trình độ lao động Việt Nam hiện nay chưa có khả năng cạnh tranh cao, hơn 50% lao động trẻ mới chỉ có trình độ trung học, đó là thách thức lớn đối với nguồn nhân lực của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần chuẩn hóa hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đào tạo nghề phải theo yêu cầu của nhà tuyển dụng; cơ sở đào tạo nghề phải bảo đảm chuẩn đầu ra cho người học, để bảo đảm họ ra trường là có thể làm việc…

Đây là nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế tại Hội thảo giáo dục 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 20-9.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo.

Giảm số lượng để ưu tiên chất lượng   

Theo con số của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến tháng 6-2019, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN, trong đó 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp, 1.025 trung tâm GDNN. So với năm 2018, cả nước đã giảm 37 cơ sở GDNN.

Đến cuối năm 2019, sẽ tiếp tục giảm khoảng 13 cơ sở GDNN nữa. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đến năm 2030 theo hướng phân tầng: Tầng cơ sở GDNN chất lượng cao thì được Nhà nước đầu tư trọng điểm; tầng cơ sở GDNN tự chủ thì gắn với đặt hàng của Nhà nước và doanh nghiệp; tầng cơ sở GDNN đặc thù được Nhà nước đầu tư, giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo Đề án phát triển và nâng cao chất lượng đã được phê duyệt.

Để nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, bà Hà cho biết, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã trình Chính phủ lựa chọn 86 trường để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ trở thành trường chất lượng cao. Hiện bộ này đang triển khai thí điểm đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao cấp độ quốc tế từ Úc và Đức cho khoảng 2.000 sinh viên, để khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên sẽ được cấp 2 bằng (bằng cao đẳng của Việt Nam và bằng của Úc hoặc của Đức).

Người học ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu để tham gia thị trường lao động trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế, hoặc có thể học liên thông lên trình độ đại học tại hệ thống các trường đại học của Úc, Đức.

“Trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt gần 100%”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách để phát triển đất nước. Lao động có tay nghề là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hội nhập hiện nay, do đó vai trò của GDNN là rất quan trọng.

Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp và từ năm 2017, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý lĩnh vực này và đã sắp xếp lại hệ thống văn bản, bộ máy… Tuy nhiên để làm tốt hơn thời gian tới thì GDNN cần phải được định vị đúng và cần có chiến lược quốc gia về phát triển GDNN.

Đổi mới là yêu cầu cấp thiết

TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận, bên cạnh những mặt tích cực thì những năm qua GDNN vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém như việc một số địa phương vẫn chưa nhận thức được đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ GDNN.

Không chỉ có thế, xã hội vẫn còn tâm lý coi trọng bằng cấp dẫn đến chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực. Việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT không đạt mục tiêu đề ra.

Ở góc độ khác, các chuyên gia tại hội thảo đã chỉ ra những hạn chế của GDNN thời gian qua là cơ cấu trình độ đào tạo còn chưa hợp lý, chủ yếu vẫn là đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, ngắn hạn (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25% trên tổng số tuyển sinh. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội...

Bà Wendy Cunningham, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, hiện nay nhiều nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào Việt Nam, dịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam, do đó lao động Việt Nam càng cần phải được đào tạo nghề, bao gồm cả những kỹ năng.

Tuy vậy, bà Wendy Cunningham đánh giá, hiện nhiều lao động Việt Nam chưa sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng lao động toàn cầu. Hơn 50% lao động trẻ mới chỉ có trình độ trung học, đây là thách thức lớn đối với nguồn nhân lực của Việt Nam, đòi hỏi phải có chính sách phù hợp để thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực.

“Việt Nam đã có hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đạt chuẩn, còn thua kém các quốc gia khác, rất cần phải cải thiện. Theo đó, đào tạo nghề phải theo yêu cầu của nhà tuyển dụng; phải bảo đảm tính công bằng trong phân bổ ngân sách Nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm dịch vụ GDNN công; cơ sở đào tạo nghề phải bảo đảm chuẩn đầu ra cho người học, để bảo đảm họ ra trường là có thể làm việc”, bà Wendy Cunningham đánh giá

Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN; sớm đề xuất chính sách, đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, phù hợp với đặc thù của từng vùng miền...

Phan Hoạt

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức cấp bách như biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tài nguyên suy giảm nhanh chóng và áp lực lớn từ yêu cầu tăng trưởng xanh, giảm phát thải. Xung quanh những tồn tại, điểm nghẽn cần tháo gỡ cũng như những thuận lợi mà Nghị quyết 57 “mở đường” để ngành Nông nghiệp có thể “đột phá và phát triển”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến.

Hoà trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), tối 17/5, tại Nhà hát Hồ Gươm đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.  Chương trình do Bộ Công an, Cục Công tác chính trị chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm phối hợp cùng các đơn vị tổ chức.

Theo dự báo, hôm nay khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An sẽ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, cục bộ có nơi trên 100mm (tập trung vào chiều tối và đêm). 

Để phục vụ yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án “Đưa hối lộ"; "Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn (Công ty Thanh Tuấn), Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị (Ban hạ tầng) cùng một số đơn vị liên quan, ngày 12/2 vừa qua Cục CSĐT tội phạm và tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục CSKT) Bộ Công an tiếp tục đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh và các sở, ngành liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu của dự án…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.