Đặt quyền lợi học sinh lên hàng đầu khi chọn sách giáo khoa

06:57 01/12/2019
Ngữ liệu trong SGK chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo lệnh của thầy cô. Thay vào đó, lõi của việc thực hiện “một chương trình, nhiều SGK” là phải bám sát vào chương trình, lấy chương trình làm chuẩn khi kiểm tra, đánh giá...


Câu chuyện sách giáo khoa (SGK) vẫn tiếp tục là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Mặc dù chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” mà chúng ta đang triển khai là xu hướng được nhiều quốc gia lựa chọn nhưng khi áp dụng vào thực tế cũng không hoàn toàn thuận chiều, đơn giản. Trong đó, việc thẩm định SGK mới và sắp tới đây là lựa chọn SGK lớp 1 để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai từ năm học 2020-2021 vẫn còn những băn khoăn.

PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa Giáo sư Phạm Tất Dong, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tạm thời, việc chọn SGK lớp 1 mới sẽ giao cho các cơ sở giáo dục thực hiện dựa trên ý kiến giáo viên và cha mẹ học sinh theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, quyền lựa chọn SGK sẽ giao cho UBND các tỉnh, ông cảm thấy thế nào khi đón nhận thông tin này?

Giáo sư Phạm Tất Dong: Bản thân tôi cũng có phần cảm thấy ngạc nhiên. Điều này cho thấy, Bộ GD&ĐT chưa có sự chuẩn bị thực sự kỹ lưỡng khi triển khai một chủ trương lớn và quan trọng như thế này.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương.

PV: Theo ông, việc giao cho các cơ sở giáo dục tự lựa chọn SGK dựa trên ý kiến giáo viên và phụ huynh sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?

Giáo sư Phạm Tất Dong: Nếu để mỗi trường tự lựa chọn bộ SGK cho mình dựa trên ý kiến của giáo viên và phụ huynh học sinh là rất dân chủ vì giáo viên là người trực tiếp đứng lớp, trực tiếp giảng dạy hàng ngày nên họ hiểu rõ nhất về thế mạnh, ưu nhược điểm của SGK.

Tuy nhiên, thực hiện một chủ trương mới, bên cạnh mặt được cũng sẽ có một vài rắc rối có thể xảy ra trong quá trình thực hiện mà tại thời điểm này chắc chắn chúng ta chưa thể hình dung ra hết được. Chẳng hạn như đặt tình huống SGK được chọn học một thời gian, phụ huynh học sinh kêu không phù hợp, yêu cầu nhà trường chọn lại sẽ thế nào? Đó là chưa kể, mỗi giáo viên sẽ có một ý kiến khác nhau, rất khó để thống nhất.

Đặc biệt, việc mỗi trường học một loại SGK khác nhau cũng sẽ có những khó khăn nhất định trong quá trình kiểm tra, đánh giá. Do vậy, để không bị rối rắm, thậm chí là rối loạn, Bộ GD&ĐT cần phải cầm cương được chương trình, khi có đồng thời nhiều SGK được sử dụng, phải căn cứ vào chương trình để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá.

PV: Hiện có ý kiến lo ngại rằng, việc giao quyền lựa chọn SGK cho UBND các tỉnh sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, ông nghĩ sao về vấn đề này?

GS Phạm Tất Dong: Khi thực hiện chủ trương để địa phương lựa chọn SGK cũng sẽ có khả năng các nhà xuất bản “lót tay” nhằm bán sách vì để biên soạn SGK, các đơn vị cũng phải bỏ ra một khoản tiền và công sức không nhỏ, họ sẽ phải tìm mọi cách để bán được sách. Nhưng suy cho cùng, dù địa phương hay nhà trường chọn SGK cũng đều có những phức tạp nảy sinh. Vì khi có nhiều SGK, bản thân các hiệu trưởng cũng sẽ dễ được các NXB mời chào, tiếp thị để dành ưu thế trong việc chọn sách.

Thế nên, để hạn chế tiêu cực, đạt được mục tiêu, vấn đề đặt ra, dù giao việc chọn SGK cho nhà trường hay UBND các tỉnh thì đều phải có một Hội đồng chuyên môn đứng ra chịu trách nhiệm. Trong thành phần Hội đồng, phải có tỷ lệ lớn giáo viên giỏi có kinh nghiệm đang trực tiếp giảng dạy.

PV: Thử đặt tình huống giả định thế này, với kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh, các NXB lớn sẽ mạnh tay tiếp thị, giới thiệu, thậm chí là chi mạnh cho việc chiết khấu để chiếm ưu thế hơn so với các đối tác khác. Kết quả là NXB lớn chiếm thị phần lớn, các NXB nhỏ, mới không cạnh tranh được nên thua lỗ, bị loại khỏi cuộc chơi. Theo ông, giả định này liệu có cơ sở?

GS Phạm Tất Dong: Tôi cũng có nghe về tình huống giả định này. Thậm chí, ngay trong quá trình biên soạn SGK lớp 1, NXB có tiềm lực, có ưu thế còn huy động cả đội ngũ 600-700 trăm tác giả viết SGK trong khi đó các NXB mới tham gia chỉ huy động được số tác giả chỉ bằng 1 nửa.

Dự báo trong việc biên soạn SGK các lớp tiếp theo, tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra. Tôi cho rằng, với cơ chế các NXB vừa biên soạn vừa in ấn, phát hành SGK như hiện nay, việc lợi thế nghiêng về các NXB lớn sẽ là câu chuyện rất khó thay đổi trong thời gian tới.

PV: Theo ông, việc xây dựng các tiêu chí hướng dẫn chọn SGK như thế nào để đạt được tinh thần đa dạng tài liệu dạy học, khích lệ được việc xã hội hóa xuất bản SGK và có lợi nhất cho người học?

GS Phạm Tất Dong: Các tiêu chí mà Bộ GD&ĐT đưa ra trong Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK cần phải rõ ràng, cụ thể, khoa học với mục tiêu phải đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu. Đặc biệt, Hội đồng chuyên môn do các cơ sở giáo dục hay UBND các tỉnh thành lập để chọn sách phải quy đủ thành phần là các chuyên gia đầu ngành, các nhà sư phạm và thầy cô giáo có kinh nghiệm. Chẳng hạn như đối với SGK môn Toán hoặc Tiếng Việt, phải có ít nhất 2 người là các chuyên gia, GS đầu ngành trong lĩnh vực này; có các nhà sư phạm và các thầy cô giáo giỏi có kinh nghiệm.

PV: Theo ông, có cần thiết công khai tất cả các SGK lớp 1 đã được phê duyệt để các nhà trường, đặc biệt là giáo viên được tiếp cận, xem xét trước khi đưa ra quyết định lựa chọn sách không?

GS Phạm Tất Dong: Tôi nghĩ rằng, trước khi đưa về các nhà trường và các địa phương, các nhóm tác giả, NXB phải công khai toàn bộ sách để các Hội đồng chuyên môn do các địa phương thành lập và đông đảo giáo viên, học sinh có điều kiện tham khảo, tìm hiểu kỹ. Khi được tiếp cận với tất cả các cuốn sách, giáo viên mới có thể so sánh, đưa ra các đánh giá để từ đó tham mưu được cho hiệu trưởng, cho các Hội đồng chuyên môn nên chọn sách nào phù hợp cho chương trình lớp 1 năm 2020 -2021. Việc công khai tất cả các SGK đã được phê duyệt cũng là một cách để thể hiện sự minh bạch, tạo sự yên tâm hơn cho toàn xã hội.

PV: Theo ông, để chọn được SGK phù hợp, nhà trường và các địa phương cần lưu ý đến các yếu tố nào?

GS Phạm Tất Dong: Dù 32 SGK lớp 1 mà Bộ GD&ĐT phê duyệt đều đảm bảo chất lượng, giá trị để các cơ sở giáo dục lựa chọn giảng dạy trong nhà trường song mỗi loại SGK đều có những thế mạnh riêng. Trong quá trình lựa chọn, có thể lưu ý đến các yếu tố như độ phù hợp về hình ảnh, tranh vẽ, ngôn từ, câu chữ, văn phong phù hợp với học sinh từng vùng miền. Và dù lựa chọn loại SGK nào thì người đứng đầu (hiệu trưởng hoặc UBND các tỉnh) cũng phải cân nhắc, tôn trọng ý kiến của tập thể giáo viên và các thành viên của Hội đồng chuyên môn.

PV: Thưa ông, cùng với việc chọn SGK, điều khiến dư luận còn băn khoăn, lo lắng là khi sử dụng nhiều SGK khác nhau, việc kiểm tra đánh giá học sinh sẽ thế nào?

GS Phạm Tất Dong: Về lý thuyết, khi sử dụng nhiều SGK, việc kiểm tra đánh giá sẽ không theo kiến thức, nội dung và ngữ liệu cụ thể trong SGK nào mà dựa vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Nói cách khác, ngữ liệu trong SGK chỉ là công cụ, phương tiện để các em thực hiện các hoạt động theo lệnh của thầy cô. Thay vào đó, lõi của việc thực hiện “một chương trình, nhiều SGK” là phải bám sát vào chương trình, lấy chương trình làm chuẩn khi kiểm tra, đánh giá.

PV: Như vậy, khi thực hiện “một chương trình, nhiều SGK”, chương trình là “pháp lệnh” còn SGK chỉ là tài liệu?

GS Phạm Tất Dong: Xét về mặt lý thuyết, khi sử dụng nhiều SGK thì chương trình sẽ là pháp lệnh nếu không sẽ xảy ra rối loạn trong kiểm tra, đánh giá. Do các trường khác nhau sẽ chọn những loại SGK khác nhau nên khi kiểm tra, đề phải ra theo chương trình, đánh giá chất lượng cũng phải bám theo chương trình. Đó là về lý thuyết, còn trên thực tế, việc triển khai như thế nào, có như kỳ vọng hay không còn phụ thuộc vào cách làm cụ thể của Bộ GD&ĐT. Theo thông tin mà tôi biết, ở một số nước có nhiều bộ sách, SGK đối với họ không phải là pháp lệnh mà chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo. Từ các nguồn SGK khác nhau và các tài liệu trên mạng Internet, giáo viên sẽ tự biên soạn chương trình giảng dạy của riêng mình.

PV:  Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)

Báo CAND số 7184, phát hành ngày 29/3/2025 vừa qua có đăng bài viết “Cần hỗ trợ người dân vạn đò sông Hương an cư” phản ánh sự việc: 16 năm trước, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) đã thực hiện di dời gần 1.000 hộ dân vạn đò trên sông Hương lên bờ tái định cư...

Bình yên, no đủ, người dân được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo là những điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất với ông Siu Dok – một mục sư gốc Việt trong chuyến về thăm quê hương tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.

Phái đoàn Hamas hôm 14/4 rời Thủ đô Cairo (Ai Cập) sau các cuộc đàm phán với những nhà trung gian từ Ai Cập và Qatar - hai nước đã hợp tác cùng Mỹ thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza hồi tháng 1. Trước đó, thành viên cấp cao của lực lượng này đã nêu lên điều kiện thả toàn bộ con tin Israel. 

Giữa những miền đất đầy bất ổn, người lính CAND Việt Nam mang theo lý tưởng nhân đạo và trách nhiệm quốc tế. Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, khi được hoàn thiện, sẽ là biểu tượng thể chế của một Việt Nam đang chủ động góp phần gieo những mầm xanh hòa bình giữa thế giới đầy biến động.

Liên quan đến đường dây sản xuất sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá với quy mô lớn với doanh thu gần 500 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương không cấp phép và quản lý trực tiếp mặt hàng của các công ty vi phạm, đồng thời nêu rõ nguyên nhân và các giải pháp xử lý.

Để đảm bảo an ninh ở mức cao nhất chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Công an TP Hà Nội đã triển khai cắm chốt làm nhiệm vụ từ sớm, nắm chắc phương án bảo vệ, phân luồng giao thông; tuyên truyền nhắc nhở nhân dân nơi đoàn di chuyển qua tuân thủ quy định, nguyên tắc bảo vệ an ninh cũng như xử lý các tình huống phát sinh...

Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư với chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 14-17/4/2025. Sự kiện có sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu quốc tế. Công tác đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho Hội nghị có ý nghĩa to lớn, góp phần tổ chức thành công sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước.

Ngày 14/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Chè, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 38 tỷ đồng.

Gia đình cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vừa khắc phục thêm 100 tỷ đồng cho bị cáo, nâng tổng số tiền đã khắc phục hậu quả vụ án lên 1.072 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền mà bị cáo Quyết phải khắc phục là khoảng 2.400 tỷ đồng. Như vậy, còn gần 1.400 tỷ đồng bao gồm tất cả các khoản tiền mà bị cáo Quyết phải bồi thường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文