Thẩm định sách giáo khoa: Đề nghị kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có sai phạm

10:05 04/03/2021
Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra, rà soát công tác thẩm định SGK và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi… đã chuyển đến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) một số nội dung phản ánh về những bất cập liên quan đến sách giáo khoa (SGK) lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới như nội dung một số SGK chưa phù hợp, còn nhiều lỗi, tính giáo dục chưa cao. 

Giá SGK tăng cao so với năm học trước, thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng SGK trong các nhà trường. Cử tri cũng đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra, rà soát công tác thẩm định SGK và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm.

Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến chất lượng SGK lớp 1, Bộ GD&ĐT cho biết: Mặc dù việc chỉnh sửa/hiệu đính SGK vẫn thường xuyên được thực hiện như đối với các SGK trước đây, nhưng việc để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về một số điểm chưa phù hợp trong SGK trong thời gian vừa qua có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định, các NXB và các tác giả. 

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK lớp 1 theo quy định tại Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định SGK từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT mới theo lộ trình quy định; hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn SGK phổ thông để nâng cao chất lượng SGK. 

Đối với việc một số ngữ liệu trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 chưa phù hợp, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 4090/BGDĐT-TH yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK (Hội đồng thẩm định) và các nhà xuất bản (NXB) có SGK môn Tiếng Việt lớp 1 thực hiện rà soát, kiểm tra các nội dung dư luận phản ánh và báo cáo về Bộ GD&ĐT. 

Hiện nay, các Hội đồng thẩm định, tác giả và các NXB đã và đang tiếp tục triển khai các bước thực hiện, gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT những nội dung theo quy định để thực hiện điều chỉnh, bổ sung trong các lần tái bản.

Về việc rà soát số lượng sách tham khảo ở bậc tiểu học, Bộ GD&ĐT cho rằng, theo quy định, SGK được sử dụng chính thức để tổ chức dạy và học trong nhà trường. Ngoài ra, các NXB còn xuất bản, phát hành các sách tham khảo để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng (không bắt buộc). 

Để quản lý, sử dụng sách tham khảo đúng mục tiêu giáo dục, bảo đảm hiệu quả, không gây áp lực, quá tải đối với học sinh, Bộ GD&ĐT đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình; không được "ép" học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Tiết kiệm chi phí trong xuất bản, phát hành sẽ góp phần giảm giá SGK. Ảnh minh họa.

Đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá

Liên quan đến vấn đề giá SGK mới, Bộ GD&ĐT cho rằng, theo quy định của Luật giá, SGK thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Theo đó doanh nghiệp được quyết định mức giá và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính. 

Để quản lý chặt chẽ giá SGK, trong quá trình các NXB thực hiện kê khai giá SGK lớp 1 năm học 2020-2021 với Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT đã phối hợp rà soát và có 3 công văn đề nghị các NXB nghiêm túc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí để hạ giá thành, giảm tối đa giá SGK nhằm mục tiêu bình ổn giá, hỗ trợ người tiêu dùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau 5-6 lần thực hiện rà soát, phương án kê khai giá SGK của các NXB đã giảm so với lần đầu từ 5-18% theo giá bìa từng cuốn.

Bên cạnh đó, do xác định SGK là mặt hàng đặc biệt, có ảnh hưởng đến nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước đối với SGK. 

Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu trình Quốc hội quyết định việc đưa SGK vào danh mục hàng hóa bình ổn giá hoặc do Nhà nước định giá. 

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các NXB biên soạn SGK thực hiện các nội dung như tinh giản nội dung phù hợp để giảm số trang SGK, tiết kiệm chi phí trong các khâu xuất bản, phân phối SGK (lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo) để giảm giá thành SGK; quán triệt nghiêm việc biên soạn SGK sử dụng được nhiều lần (hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào SGK); khuyến khích học sinh giữ gìn SGK, đóng góp vào các thư viện trường học để học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn, sử dụng miễn phí; tiếp tục có chính sách hỗ trợ SGK cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Hùng Quân

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文