Bộ GD&ĐT: Đề thi mở, đáp án cũng sẽ rất mở

19:54 27/06/2018
Chiều 27-6, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo về công tác thi THPT quốc gia năm 2018 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. 


Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tiếp tục đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm đổi mới thi, tuyển sinh của Bộ GDĐT và sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước. 

Tuy vậy, vẫn còn nhiều băn khoăn được các cơ quan báo chí thẳng thắn đặt ra tại buổi họp. Tham gia trả lời câu hỏi có ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng và ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT.

Các đại biểu dự buổi họp báo

PV: Trong hội nghị thi và tuyển sinh trực tuyến trước kỳ thi, kỳ thi THPT quốc gia được xác định là kỳ thi để xét tốt nghiệp. Nhưng thực tế, đề thi một số môn ra quá khó, vượt quá khả năng của thí sinh. Điều này có phù hợp với tiêu chí để phân loại thí sinh hay không? Những thí sinh ở các tỉnh đang lũ lụt không dự thi được, sẽ được ưu tiên như thế nào?

Ông Mai Văn Trinh: Kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới hình thức thi, đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa địa phương và các trường đại học trong kỳ thi năm nay rất tốt, đặc biệt là công tác dự phòng. 

Đơn cử là tại Hà Giang, Lai Châu, khi mưa lớn, lũ quét đến bất ngờ, địa phương đã huy động lực lượng quân đội, công an nỗ lực vượt qua mọi điều kiện khó khăn để đưa thí sinh đến các điểm thi. Đối với các thí sinh không đến được điểm thi, quy chế thi cũng có quy định dự phòng, đó là sẽ xét đặc cách tốt nghiệp cho học sinh trong những tình huống bất ngờ. 

Sở GD&ĐT địa phương sẽ thành lập hội đồng xét và báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, theo báo cáo ban đầu, chỉ có 13 học sinh tại Lai Châu, Hà Giang không đến được điểm thi và ở vùng sâu, vùng xa nên các em đều chỉ xét tốt nghiệp, không có em nào xét tuyển đại học.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng

PV: Đề thi năm nay, đặc biệt là môn Toán được dư luận đánh giá là quá khó, độ khó của đề thi được thẩm định như thế nào? Phải chăng Bộ muốn hạn chế hiện tượng mưa điểm 10 xảy ra vào kỳ thi 2017?

Ông Sái Công Hồng:  Độ khó của đề thi, căn cứ vào nội dung, Hội đồng ra đề thi tuân thủ đúng theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi THPT, nội dung chủ yếu nằm trong SGK, lớp 12 chiếm 80%, lớp 11 tối đa 20%, nằm trong chương trình phổ thông, không vượt quá chương trình các em học. 

Cấu trúc đề thi giữ nguyên, không thay đổi so với năm 2017, vẫn là 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao. Đối với các bài thi, dù tự luận như môn văn cũng theo 4 cấp độ từ dễ đến khó (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao). 

Riêng đối với đề thi trắc nghiệm vẫn giống như năm trước, giúp các em làm tuần tự từ dễ đến khó. Theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi năm 2018, đề thi cần được tăng cường độ phân hóa nên sẽ có một số câu hỏi được tăng độ khó lên, các câu hỏi này chủ yếu dành cho học sinh khá, giỏi. 

Bên cạnh đó, nếu so với 2017, độ khó tăng lên cũng dễ hiểu vì nội dung mở ra (thêm phần kiến thức lớp 11) và phần kiến thức này cũng đã được thông báo sớm từ đầu năm học.

Ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng

PV: Đề thi Ngữ văn có nhiều ý kiến trái chiều, vậy khi thí sinh nêu quan điểm trái chiều, liệu có được tính điểm hay không?

 Ông Mai Văn Trinh: Với môn Văn, đề mở nên đáp án cũng sẽ mở. Tất nhiên, mở một cách có kiểm soát, những bài thi nêu quan điểm khác nhưng có nội dung tư tưởng, không trái với thuần phong mỹ tục và không vi phạm pháp luật thì vẫn được tính điểm.

PV: Trong buổi thi bài Khoa học tự nhiên, trên mạng xã hội đã xuất hiện đề Vật lý. Đây có phải là hiện tượng bị “lọt” đề? Bộ đã xác minh thông tin này như thế nào? Theo quy chế thì thí sinh được mang thiết bị thu, nhưng không có chức năng phát, điều này đến nay còn phù hợp không?

Ông Mai Văn Trinh: Đề thi được đưa lên mạng khi bài thi đã kết thúc, do đó điều này không ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh. Vì sao đề ra ngoài? Điều này có thể là do thí sinh được mang theo thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng không có chức năng phát, có thể đề thi được các thí sinh tự do phát ra ngoài bằng cách này. 

Việc cho phép thí sinh sử dụng các thiết bị thu để giám sát kỳ thi đã có hiệu quả tốt trong nhiều năm qua. Tuy vậy, biện pháp này có nên được sử dụng trong những năm tiếp theo hay không cần tiếp tục bàn bạc, nghiên cứu. Đến thời điểm này chưa có trường hợp nào sử dụng thiết bị công nghệ cao bị phát hiện, không có cán bộ thi nào bị kỷ luật.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp nên giao về cho các Sở GD & ĐT, thi tuyển sinh giao các trường đại học. Vậy quan điểm của Bộ như thế nào?

 Ông Mai Văn Trinh: Theo Điều 32 Luật Giáo dục quy định phải tổ chức một kỳ thi để xét tốt nghiệp, Điều 34 của Luật Giáo dục đại học, các trường đại học được tổ chức tuyển sinh bằng ba hình thức. Thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi, xét tuyển. 

Hiện nay, việc tổ chức thi vẫn trong khuôn khổ hai luật này. Nghị quyết 29 nêu rõ, đổi mới thi kiểm tra đánh giá theo hướng kết hợp sử dụng đánh giá trong quá trình và cuối năm học, do đó, việc sử dụng kết quả học tập trong quá trình với kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp là căn cứ theo Nghị quyết 29. 

Từ 2015 chúng ta thi theo hình thức này, thì chưa có một bất thường nào. Hiện đang sửa đổi bổ sung hai Luật theo hướng, tăng cường công tác quản lý và tăng cường tự chủ của các cơ sở đào tạo. Sắp tới sẽ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, dựa vào hai Luật sắp ban hành và chương trình giáo dục phổ thông mới thì mới có đánh giá chính xác về thi cử.

Thu Phương-Huyền Thanh

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文