Đến lớp 10 mới hướng nghiệp là quá muộn

08:23 21/05/2017
Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam vừa chính thức có văn bản đóng góp ý kiến cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể. Trong số 12 vấn đề kiến nghị, Hiệp hội nhấn mạnh quá trình hướng nghiệp cho học sinh cần được định hướng sớm hơn bởi đến lớp 10 mới hướng nghiệp như trong dự thảo chương trình sẽ là quá muộn.


Theo Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam, với việc chuyển sang xây dựng chương trình theo tiếp cận năng lực thì mục tiêu của chương trình GDPT mới phải được thể hiện bằng cách chỉ ra những chuẩn đầu ra (learning outcomes) mà chương trình hướng tới. Nghĩa là phải chỉ ra những cái mà người học biết, hiểu và có thể thực hiện khi kết thúc chương trình GDPT. 

Ví dụ, chương trình của Singapore đặt ra kết quả mong muốn/chuẩn đầu ra của giáo dục đối với mỗi học sinh Singapore bao gồm 4 tiêu chí: Là người tự tin; là người học tự định hướng; là một công dân có trách nhiệm và là một người đóng góp tích cực. Trong khi đó, các yêu cầu cụ thể của “chuẩn đầu ra” này chưa được thể hiện rõ trong dự thảo chương trình GDPT mới mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng. 

Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung “Cơ chế giám sát và đánh giá theo kết quả đầu ra” trong điều kiện thực hiện chương trình GDPT tổng thể bởi lẽ hiện nay, chúng ta đang thiếu một cơ chế như vậy. Điều này một mặt không ngăn chặn được bệnh thành tích, mặt khác không có bằng chứng tin cậy để đánh giá việc thực hiện chương trình, làm cơ sở cho việc không ngừng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình GDPT phù hợp với quan điểm hiện đại chương trình mở và phát triển hiện nay trên thế giới.

Theo Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người, việc hướng nghiệp cho học sinh cần được định hướng ngay từ bậc THCS. Ảnh mang tính minh họa

Một vấn đề khác mà hiệp hội  nhấn mạnh trong văn bản kiến nghị, đó là quá trình hướng nghiệp cho học sinh cần được tiến hành sớm hơn và cân nhắc lại vị trí của lớp 10 bởi lẽ theo dự thảo hiện nay, lớp 10 là lớp định hướng nghề nghiệp. 

Theo hiệp hội, việc định hướng này là một quá trình đã được tiến hành suốt các bậc học từ tiểu học đến THCS và cuối cùng là bậc THPT. Đến lớp 10 mới hướng nghiệp sẽ là muộn. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế hiện nay, chương trình giáo dục cơ bản cần 10 năm. 

Vì vậy, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đề nghị, nếu có thể nên bố trí lại khung giáo dục Phổ thông là 5+5+2 (Tiểu học là 5 năm, THCS 5 năm, THPT là 2 năm) thay cho khung 5+4+3 hiện nay. Như vậy, bậc THCS có thêm thời gian để hoàn thành kiến thức phổ thông cơ bản cho người học. Bậc THPT sẽ thực hiện nhiệm vụ phân luồng cho người học triệt để hơn.

Ngoài ra, hiệp hội cũng cho rằng, dự thảo chương trình GDPT mới cũng cần bổ sung lộ trình thực hiện vào dự thảo bởi hiện dự thảo chương trình GDPT tổng thể không đưa ra lộ trình thực hiện, gây nhiều băn khoăn cho phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo, các cấp quản lý giáo dục và cộng đồng. Đồng thời, nên bổ sung thời lượng dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho người dân tộc thiểu số và ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc. 

“Thời lượng dự kiến dành cho nội dung giáo dục của địa phương cùng với môn tiếng dân tộc thiểu số chỉ khoảng 5% tổng thời lượng chương trình như trong dự thảo là quá ít. Ngoài tiếng dân tộc, dự thảo chưa đề cập đến ngôn ngữ đặc thù của các đối tượng người khuyết tật như ngôn ngữ ký hiệu của người điếc, chữ Braille của người mù, để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận chương trình giáo dục một cách bình đẳng. Riêng với người điếc cần được học theo phương pháp song ngữ (ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Việt). Cần phải công nhận ngôn ngữ ký hiệu là tiếng mẹ đẻ của người điếc. Vì vậy, thời lượng học ngôn ngữ ký hiệu cần phải đảm bảo trang bị đủ khái niệm, kiến thức cơ bản để học sinh điếc theo kịp chương trình chung với các học sinh khác”- Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam đề xuất.

Theo Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người, việc hướng nghiệp cho học sinh cần được định hướng ngay từ bậc THCS. Ảnh mang tính minh họa
Huyền Thanh

Chiều 30/4, đoàn công tác do Trung tá Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên Thiếu tá Hoàng Văn Huấn, cán bộ Phòng CSGT đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do bị thương khi làm nhiệm vụ.

Sau 57 năm thất lạc, ông Chu Nghiêm (SN 1941, trú tại phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) và con gái Chu Thị Tuyết Mai , SN 1967, trú tại tỉnh Bắc Giang, đã tìm được nhau nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sự giúp đỡ tận tình của CBCS Công an phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Sau khi thất lạc, chị Mai đã được một gia đình nhận nuôi và đặt tên là Nguyễn Thị Thủy.

Vượt hơn ngàn cây số, những cựu chiến binh từ các tỉnh phía Bắc mang theo trái tim nồng thắm đến TP Hồ Chí Minh trong dịp Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2025.

Trong khí thế hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử, những người bạn quốc tế, cũng là những chuyên gia nghiên cứu lịch sử chính trị, đã dành nhiều lời ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam - gọi đây là biểu tượng của chính nghĩa và tình đoàn kết quốc tế.

Đó là những tâm trạng vui, buồn lẫn lộn của nhiều phạm nhân đang thi hành án tại Trại giam Quyết Tiến (Bộ Công an) có thành tích cải tạo tốt đang được đề nghị đặc xá và đủ điều kiện đang được đề nghị Tha tù trước thời hạn đã được phóng viên Báo CAND ghi lại trong những ngày gần đây.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.