Điểm sàn không quyết định hoàn toàn chất lượng giáo dục đại học

07:46 08/01/2017
Bỏ hay không bỏ điểm sàn đại học (ĐH), cho đến giờ phút này vẫn chưa thể ngã ngũ bởi có quá nhiều ý kiến trái chiều. Bỏ điểm sàn có làm giảm chất lượng giáo dục ĐH? Có khiến các trường Cao đẳng (CĐ) và Trung cấp rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” vì không còn nguồn tuyển? Làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, vốn được xem là một trong những “vùng trũng” của giáo dục Việt Nam...

PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT xung quanh vấn đề này.

PV: Việc Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ bỏ điểm sàn ĐH trong mùa tuyển sinh năm 2017 đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của GS về vấn đề này?

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp: Bỏ điểm sàn chung là chủ trương đúng bởi vì điểm sàn ĐH lâu nay quy định là sàn thứ hai, sàn thứ nhất là tốt nghiệp THPT. Luật giáo dục ĐH quy định các trường được tự chủ tuyển sinh, sàn thứ hai là để các trường quyết định tùy theo nhiệm vụ, chức năng đào tạo của từng trường. Do vậy, việc đặt ra một mức điểm sàn chung cho tất cả các trường là không còn phù hợp. Tất nhiên, điều kiện đi kèm là các trường phải đặt ra mức điểm sàn của riêng mình và công khai tiêu chuẩn tuyển sinh để cho xã hội biết.

Nói cách khác, khi tuyển sinh, các trường phải công bố minh bạch điều kiện xét tuyển, theo tiêu chuẩn nào, điểm bao nhiêu, không được tù mù. Khi họ công bố điều kiện xét tuyển thì xã hội sẽ biết trường này có chất lượng thế nào. Bên cạnh đó, điểm sàn quy định đầu vào, là một trong những tiêu chí quan trọng nhưng không phải quyết định hoàn toàn chất lượng giáo dục ĐH.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp.

Thực tế có những nơi lấy đầu vào không cao nhưng quá trình đào tạo tốt, cho kết quả tốt. Đơn cử như ĐH Quốc gia Hà Nội, Khoa Địa lý tuyển sinh đầu vào rất thấp nhưng họ có cách đào tạo rất tốt. Ngay từ năm thứ nhất, nhà trường đã gửi sinh viên sang Đại học Ngoại ngữ nhờ đơn vị này đào tạo, học Ngoại ngữ liên tục một năm. Những năm sau đó trở về trường, các sinh viên này tiếp thu rất tốt, ra trường kết quả cũng rất cao.

Điều này cho thấy, chất lượng giáo dục là cả một quá trình, nó phụ thuộc nhiều vào phương pháp đào tạo của các trường và cách thức học tập của sinh viên. Không phải thí sinh có điểm “đầu vào” tốt thì “đầu ra” mới tốt.

PV: GS nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, việc bỏ điểm sàn ĐH có thể được ví như là “rút ống thở”, khiến các trường CĐ rơi vào trạng thái “chết lâm sàng” vì không có nguồn tuyển?

GS.TSTK Lâm Quang Thiệp: Việc bỏ điểm sàn ĐH chắc chắn sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường CĐ. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến mức khiến các trường CĐ rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” là quá phóng đại. Thực tế cho thấy, mục tiêu đào tạo của các trường CĐ là tạo ra những nghề nghiệp thích ứng với nhu cầu xã hội và gắn với thị trường lao động nên các trường CĐ cũng thường có đối tượng, luồng tuyển sinh riêng.

Không nói đâu xa, ngay trong mùa tuyển sinh năm 2016, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, có hơn 100.000 thí sinh trên điểm sàn nhưng không đăng ký vào học ĐH. Nhiều trường “mời” thí sinh vào học ĐH nhưng nhiều thí sinh lại chọn học CĐ hoặc đi học nghề. Do vậy, vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với các trường CĐ và trung cấp nghề hiện nay là để thu hút người học, phải nâng cao chất lượng đào tạo gắn với thực hành, dạy theo đúng nghề nghiệp phục vụ nhu cầu xã hội và tăng cường liên thông giữa các trình độ để tạo thuận lợi cho người học khi có nhu cầu học ở các trình độ cao hơn.

PV: Theo GS, để công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH đạt hiệu quả và đáng tin cậy, cần phải lưu ý những yếu tố nào?

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp: Tôi đã đọc qua Dự thảo Thông tư về kiểm định chất lượng giáo dục mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng và cảm thấy có vài điều băn khoăn. Thứ nhất, Dự thảo nêu ra quá nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí, trong đó có những cái quá trùng lặp nên sẽ rất khó khả thi. Thứ hai, Dự thảo thông tư nói rất nhiều chế tài đối với các trường nhưng không nói gì về chế tài đối với các cơ quan kiểm định. Theo tôi, điều này là không hợp lý vì cơ quan kiểm định cũng giống như cơ quan kiểm toán, có thể kết luận trường này đạt chất lượng, trường kia không đạt chất lượng...

Do đó, cũng cần có quy định về chế tài đối với các cơ quan kiểm định để tăng trách nhiệm của các cơ quan này. Thứ ba, Dự thảo thông tư quy định, các trường muốn kiểm định sẽ phải ký hợp đồng với các cơ quan kiểm định theo hợp đồng kinh tế, tức là thuận mua vừa bán. Tôi cho rằng điều này cũng không hợp lý vì chả nhẽ anh trả tôi nhiều tiền thì tôi sẽ đánh giá anh tốt...

PV: Một số chuyên gia cho rằng, việc bỏ điểm sàn ĐH là xu hướng phù hợp. Tuy nhiên, do hệ thống giáo dục ĐH của chúng ta hiện phát triển chưa đồng đều nên bỏ điểm sàn cần có lộ trình. Trước mắt, chỉ nên bỏ điểm sàn với những trường đã được kiểm định chất lượng và tiếp tục duy trì điểm sàn đối với các trường chưa kiểm định?

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp: Thay vì đặt ra mức điểm sàn đối với các trường chưa được kiểm định như đề xuất của một số người, cá nhân tôi lại nghĩ rằng nên có quy định cụ thể về điểm sàn đối với các trường ĐH trọng điểm Quốc gia. Hiện có 16 trường ĐH trọng điểm quốc gia... những trường này nhà nước đầu tư nhiều và yêu cầu đào tạo chất lượng cao. Đáng lẽ ra phải quy định điểm sàn cao, đầu vào cao đối với các trường này để hạn chế tình trạng các trường hạ điểm chuẩn, đặt ra sàn thấp để vơ vét thí sinh, lấn sân các trường khác, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. Cách đây 5 năm, chúng tôi có làm một cuộc khảo sát nhỏ và nhận thấy, có một số trường ĐH trọng điểm Quốc gia nhưng lại tuyển sinh cả hệ mở...

Tôi không rõ, đến thời điểm hiện tại có còn hiện tượng này không nhưng như thế là không ổn, là lấn sân tầng dưới, không làm tốt nhiệm vụ, phận sự của mình. Điều này đòi hỏi cần phải nhanh chóng phân tầng và xếp hạng các trường ĐH. Một kinh nghiệm phân tầng ĐH hiện được nhiều nước xem là chuẩn mực đó là Bang California (Hoa Kỳ), tại đây hệ thống các trường ĐH được phân thành 3 tầng, tầng trên, tầng giữa và tầng dưới. Trong đó, tương ứng với nhiệm vụ và sứ mệnh, mỗi tầng được tuyển sinh một số đối tượng, số lượng thí sinh riêng.

Cụ thể, tầng 1 có 10 trường, chỉ được tuyển sinh khoảng 12% số học sinh có năng lực cao nhất của Bang; tầng giữa có 21 trường được tuyển sinh 30% số học sinh; tầng dưới có khoảng 30 trường, được tuyển sinh tất cả số học sinh còn lại.

PV: Nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH vốn được xem là một trong những “vùng trũng” của giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm định chất lượng đối với các trường ĐH. Tuy vậy, không phải trường nào cũng mặn mà... Theo GS, phải làm sao cho các trường hiểu đúng về kiểm định để không còn ngần ngại?

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp: Mục tiêu của quản lý ĐH trong điều kiện kinh tế thị trường là tuân theo 2 cặp khái niệm sóng đôi: Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình. Anh đã tự chủ thì phải có trách nhiệm giải trình về trách nhiệm của anh trước các bên liên quan từ sinh viên, giảng viên, phụ huynh cho đến người sử dụng lao động. Nói cách khác, tự chủ ở đây không phải tự chủ trong phòng kín, thích múa may gì cũng được mà phải ở trong phòng kính, để mọi người còn giám sát được anh làm thế nào.

Trong bối cảnh đó, kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường ĐH một cách công khai, nghiêm túc là quan trọng cũng giống như cơ sở kinh doanh được kiểm toán. Kiểm định là đưa gương cho các trường tự soi mình, xem xấu đẹp chỗ nào để điều chỉnh và nâng cao chất lượng chứ không phải đến để soi mói, bới móc và trừng phạt. Và mục tiêu cuối cùng của việc kiểm định là giúp người học, người tuyển dụng lao động thấy rõ, sản phẩm đào tạo của nhà trường có được xã hội tín nhiệm hay không...

PV: Theo GS, ngoài việc kiểm định chất lượng, để nâng chất lượng đầu ra, ngành giáo dục nói chung, các trường ĐH nói riêng cũng cần có chính sách sàng lọc sinh viên nhằm hạn chế tình trạng vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu như hiện nay hay không?

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp: Để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH cần thực hiện đồng loạt các giải pháp chứ không thể chỉ trông chờ vào một vài giải pháp độc lập, riêng lẻ. Theo tôi, một số nhiệm vụ mà giáo dục ĐH phải thực hiện trong thời gian tới là phân tầng và xếp hạng các trường ĐH theo 3 nhóm gồm trường ĐH theo định hướng nghiên cứu, trường ĐH theo định hướng ứng dụng và các trường cao đẳng thực hành nghề nghiệp theo đúng tinh thần của Luật giáo dục ĐH.

Đồng thời, tăng cường kiểm định chất lượng đào tạo bao gồm kiểm định chất lượng chương trình và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH; củng cố hệ thống quản trị trong các trường ĐH; Đổi mới cơ chế tài chính, đầu tư tập trung, đồng bộ và hiệu quả. Nhân rộng mô hình tự chủ tài chính của các trường ĐH công lập để có thêm nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo. Khuyến khích các trường công lập có đủ điều kiện đăng ký thực hiện tự chủ tài chính, tự chủ thu học phí...

Ngoài ra, các trường cũng cần có chính sách sàng lọc sinh viên trong quá trình đào tạo để tạo động lực thực sự cho người học, tránh tình trạng như hiện nay là sinh viên vào bao nhiêu ra bấy nhiêu.

Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文