Đổi mới giáo dục cần bước đi bài bản, căn cơ!
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tổ chức một hội thảo lớn về chất lượng giáo dục phổ thông vào ngày 22-9. Trước thềm hội thảo, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
- Đổi mới giáo dục nhìn từ góc độ “người trong cuộc”
- Đổi mới giáo dục-đào tạo để phát triển nguồn nhân lực
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tổ chức một hội thảo lớn về chất lượng giáo dục phổ thông vào ngày 22-9. Hội thảo này sẽ nhìn nhận, đánh giá toàn diện về giáo dục phổ thông, trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông – đội ngũ sẽ quyết định sự thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới. Những ưu điểm, hạn chế và cả những thách thức, trở ngại về đội ngũ giáo viên sẽ được các chuyên gia nhìn nhận một cách khách quan và công bằng, từ đó sẽ có nhiều hiến kế nhằm xây dựng những giải pháp đột phá cho đội ngũ.
Trước thềm hội thảo, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
PV: Nhắc đến chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay, theo bà cần đặt ra vấn đề gì cấp thiết để ưu tiên giải quyết?
Bà Ngô Thị Minh: Các yếu tố làm nên chất lượng GDPT gồm có chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông, được cập nhật các kiến thức mới, phù hợp nền kinh tế xã hội của Việt Nam, hội nhập với chương trình của khu vực và thế giới. Đây là nội dung trọng tâm trong chương trình hội thảo đặt ra.
Bên cạnh đó là đội ngũ giáo viên, môi trường làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và quản lý giáo dục phổ thông là những yếu tố quan trọng. Trong đó, đội ngũ giáo viên đóng vai trò then chốt. Làm thế nào để chúng ta có đội ngũ giáo viên phổ thông giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề, có tấm lòng yêu trẻ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đây thực sự là điều mà Ủy ban rất mong muốn được đồng hành cùng Chính phủ và Bộ GD&ĐT để cùng bám sát mục tiêu này. Song song với việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên chất lượng, thì vấn đề tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, tạo dựng môi trường làm việc tốt cho đội ngũ giáo viên và học sinh cũng cần được đặt ra. Muốn vậy, chúng ta phải quy hoạch lại mạng lưới trường lớp gắn với quy hoạch đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong đó có việc quy hoạch các trường sư phạm.
Đặc biệt, trong bối cảnh thừa thiếu giáo viên cục bộ ở từng vùng miền, cấp học và cơ sở giáo dục đang diễn ra khá phổ biến hiện nay, đây là vấn đề mà Ủy ban chúng tôi rất trăn trở. Để có thể nâng cao chất lượng GDPT như mong muốn, chúng tôi không kỳ vọng đưa ra quá nhiều vấn đề mà chỉ thực sự quan tâm đến những vấn đề mấu chốt, làm sao để chương trình GDPT mới đặt ra đảm bảo tính khả thi và triển khai có hiệu quả vào cuộc sống.
PV: Đội ngũ giáo viên hiện nay đã bắt kịp với yêu cầu đổi mới giáo dục hay chưa, thưa bà?
Bà Ngô Thị Minh: Qua giám sát, đối thoại và làm việc với nhà trường, với một số giáo viên, chúng tôi nhận thấy tâm thế giáo viên vẫn chưa sẵn sàng. Giáo viên hiện đào tạo đơn môn nhưng sắp tới, theo chương trình mới lại phải dạy liên môn, lồng ghép, rồi công tác bồi dưỡng giáo viên sẽ diễn ra thế nào? Vấn đề này đã được các nhà trường lo lắng đặt ra và đề nghị với Đoàn công tác.
Mặt khác, việc giáo viên có bắt kịp hay không, tôi cho rằng chưa có đủ điều kiện để đánh giá. Chúng ta phải có lộ trình, quy chuẩn, xây dựng tiêu chí đánh giá giáo viên sao cho phù hợp và hiệu quả hơn. Hiện nay, khi xem xét về cách thức tổ chức dạy và học, chúng ta đang đi theo quy trình ngược của thế giới. Các nước, giáo viên được dạy cố định tại các phòng bộ môn, học sinh phải di chuyển, số lượng môn học tự chọn nhiều. Trong khi đó, tại Việt Nam, sỹ số học sinh đông, cơ sở vật chất còn hạn chế, học sinh học cố định ở các phòng truyền thống.
Với điều kiện hiện nay, khi tiêu chí đánh giá chưa phù hợp, môi trường làm việc chưa được cải thiện, sỹ số lớp học đông, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được, giáo viên phải dạy chay nhiều thì những ý tưởng đổi mới liệu có thể thực hiện được ngay chưa không? Ngoài ra, hiện có một bộ phận đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới do không có khả năng và không thể sử dụng công nghệ thông tin vận dụng vào bài giảng… chúng ta cần có hướng quan tâm đến đội ngũ này thế nào…
PV: Thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn đang là vấn đề nhức nhối của GDPT hiện nay. Với vai trò cơ quan giám sát, Ủy ban đã có cuộc khảo sát hay giám sát nào về vấn đề này chưa, thưa bà?
Bà Ngô Thị Minh: Ủy ban đã thực hiện giám sát một chuyên đề sâu về thực hiện chính sách pháp luật đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2016. Chúng tôi đã giám sát xong tại 6 tỉnh, thành phố. Chúng tôi đã nhận được 44 báo cáo của Hội đồng nhân dân các tỉnh thành phố cùng phối hợp giám sát gửi về.
Chúng tôi cũng đã làm việc với các Bộ, ngành liên quan, đã tổ chức trao đổi sâu với các chuyên gia, nghe các chuyên gia nhìn nhận đánh giá và đã hoàn thiện báo cáo này. Ngày 25-9 tới, Uỷ ban sẽ họp và xem xét thông qua báo cáo. Báo cáo này dự kiến sẽ được gửi cho Đại biểu quốc hội trong kỳ họp sắp tới.
PV: Với những vấn đề còn khúc mắc mà chúng ta vừa đặt ra, đặc biệt là về đội ngũ, liệu việc áp dụng chương trình GDPT mới trong năm học 2018-2019 có khả thi không, thưa bà?
Bà Ngô Thị Minh: Cá nhân tôi cho rằng không thể triển khai kịp chương trình GDPT ngay trong năm học 2018-2019. Vì từ đội ngũ, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học cùng nhiều bất cập hiện nay chưa được giải quyết như sắp xếp quy hoạch mạng lưới trường lớp sao cho phù hợp để triển khai chương trình GDPT mới. Nhiều khả năng, trong năm học tới, chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ khó có thể thực hiện theo tiến độ mà Nghị quyết 88 của Quốc hội đặt ra. Như vậy, Bộ GD&ĐT sẽ phải tham mưu cho Chính phủ để báo cáo việc này trước Quốc hội.
Bà Ngô Thị Minh. |
Lộ trình thực hiện chương trình GDPT mới sẽ phải lùi từ 1 đến 2 năm. Ngân sách để tiến hành những bước chuẩn bị thực hiện chương trình mới cần được Chính phủ và các địa phương tính toán thấu đáo, khả thi, từ việc bố trí, tinh giản, đào tạo đội ngũ, kể cả sự chuẩn bị cho các trường ĐH sư phạm đào tạo giáo viên mới. Rồi việc chuẩn bị cơ sở vật chất, lộ trình giảm sĩ số học sinh trong mỗi lớp học ở những nơi quá đông hiện nay...
Tóm lại, chúng ta phải chuẩn bị các bước đi thật bài bản, căn cơ và chắc chắn đạt hiệu quả, hạn chế sự lãng phí, nóng vội như đã chỉ đạo mô hình VNEN thời gian qua.
PV: Bà nghĩ sao nếu như Bộ GD&ĐT vẫn quyết tâm thực hiện chương trình GDPT mới theo lộ trình đưa ra?
Bà Ngô Thị Minh: Nếu Bộ GD&ĐT và Chính phủ vẫn quyết định bám theo tiến độ đặt ra theo tiến độ của Nghị quyết 88 thì Ủy ban chúng tôi sẽ tiếp tục lấy ý kiến của chuyên gia, tiếp tục giám sát phản biện để chỉ ra những bất cập tham mưu cho Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chúng tôi chỉ ủng hộ những gì đúng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình.
Tôi tin rằng Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất với Quốc hội việc lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Đổi mới giáo dục phổ thông cần lộ trình bài bản, thận trọng. |
PV: Theo bà, hiện các trường sư phạm đã tham gia vào quá trình đổi mới này hay chưa?
Bà Ngô Thị Minh: Hiện nay, các trường sư phạm đã cập nhật sự đổi mới này. Ví dụ Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội đã có nhiều cách làm, hướng đi, có những thí điểm như chỉ đạo trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành thực hiện đổi mới. Các trường ĐH sư phạm khác, các khoa sư phạm trong các trường ĐH cũng đang trăn trở tìm hướng đi. Bộ GD&ĐT hiện đang có hướng chỉ đạo, đưa ra chuẩn đội ngũ trong giai đoạn mới và Cục Nhà giáo nêu ra 7 vấn đề phải quan tâm.
Tôi nghĩ việc đó cần nhưng chưa đủ. Bộ cần phải có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn với các trường sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên thích ứng với giai đoạn mới, tạo hướng đi khác biệt, sắc nét hơn, đáp ứng được tiêu chí đưa ra của chương trình GDPT mới.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến đổi mới giáo dục của chúng ta gần đây không như kỳ vọng là chưa có tiếng nói chung giữa nhà quản lý và giáo viên. Nhà quản lý thường áp đặt còn giáo viên thì bức xúc? Quan điểm của bà về vấn đề này?
Bà Ngô Thị Minh: Trong quá trình đi giám sát tôi cũng cảm nhận rõ điều này. Tôi thường tìm cách trao đổi riêng với giáo viên và lúc đó họ nói rất thật lòng. Họ có quá nhiều áp lực, không nói thì bức xúc còn, nói ra họ lo lắng không biết có còn được làm việc nữa không? Theo tôi, để giảm khoảng cách giữa giáo viên và các nhà quản lý, có mấy việc đang đặt ra.
Thứ nhất là xem lại chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, đánh giá đội ngũ giáo viên đã thực sự phù hợp chưa? Thứ hai là vấn đề dân chủ trong nhà trường. Cần phải phát huy dân chủ tốt hơn. Tại sao có những nơi đề nghị không cần Hội đồng trường vì đã có tổ chức Đảng. Trên thực tế, sự chỉ đạo của Đảng phải được pháp điển hóa thông qua hội động trường để phát huy dân chủ thực chất.
Chính vì vậy, trong Luật giáo dục khi nói đến hội đồng trường cần phải xem xét thấu đáo vấn đề này, đặc biệt, người đứng đầu hội đồng trường là ai. Tức là cần phải phát huy dân chủ thế nào trong trường học để giáo viên được nói, được thể hiện chính kiến của mình một cách dân chủ nhất trong môi trường giáo dục hiện nay. Có như thế mới kéo được khoảng cách giữa nhà quản lý với giáo viên.
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!