Gập ghềnh đại học ngoài công lập (bài 2)

09:25 08/04/2017
Việt Nam hiện có hơn 80 trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% quy mô sinh viên của cả nước. Ước tính các trường này gánh đỡ cho ngân sách nhà nước khoảng 50-60 nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, phần lớn các trường ĐH NCL hiện nay đều rơi vào tình trạng “sống dở, chết dở” vì không có nguồn tuyển và mâu thuẫn trong nội bộ kéo dài.

Các trường NCL cho rằng, ngoài những hạn chế mang tính chủ quan trong nội tại các trường, còn có nguyên nhân khách quan khác. Đó là hành lang pháp lý, chế độ chính sách của nhà nước đối với mô hình giáo dục này còn nhiều bất cập và xã hội vẫn còn định kiến nhất định với loại hình này. 

Bài 2: Khi nào đầu tư bình đẳng?


Nhiều chính sách đang cản trở trường NCL

GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Hải Phòng chia sẻ: Định kiến xã hội đối với các trường NCL vẫn còn khá nặng nề đã khiến các trường NCL dù nhiều năm bền bỉ phấn đấu xây dựng thương hiệu vẫn trở nên thất thế trong cuộc cạnh tranh với các trường công lập. Thêm vào đó, một số quyết định đình chỉ tuyển sinh và cảnh báo các trường với một số lý do như diện tích đất, chưa xây dựng cơ sở học tập, tỷ lệ giảng viên chưa đạt chuẩn, chủ yếu tập trung vào các trường NCL.

Nếu việc thanh kiểm tra này diễn ra trên cơ sở đánh giá tổng thể, bao gồm tất cả các trường ĐH trong cả nước thì xã hội sẽ không có cái nhìn thiên lệch về các trường NCL, bởi lẽ nhiều trường công lập, kể cả các trường đã phát triển lâu đời cũng rơi vào tình trạng diện tích đất hay tỷ lệ giảng viên/sinh viên chưa đạt theo quy định.

Các trường ngoài công lập tư vấn tuyển sinh tận tình với nhiều chính sách ưu tiên, nhưng vẫn không đủ nguồn tuyển.

Những hiện tượng trên đã góp phần tạo một cảm giác bất an cho người học khi đến với các trường NCL. Rồi trong tiêu chí tuyển dụng của một số ngân hàng, công ty, kể cả các cơ quan hành chính địa phương chỉ nhận sinh viên tốt nghiệp ĐH công lập chính quy cũng vô tình loại bỏ thẳng thừng sinh viên các trường NCL, cho dù có những sinh viên rất giỏi. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tuyển sinh của các trường NCL ngày càng thấp.

Bên cạnh những định kiến từ phía xã hội, chính các quy chế của nhà nước cũng đang gây cản trở nhiều cho việc phát triển mô hình này. Theo GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, Nghị quyết số 05 của Chính phủ khẳng định, Nhà nước chấp nhận cả 2 loại hình trường tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trong đó khuyến khích trường không vì lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong 10 năm qua, Nhà nước chỉ ban hành quy chế cho loại trường lợi nhuận, điều này đã dẫn đến hệ quả là đến nay, Việt Nam vẫn chưa hề có một trường tư thục không vì lợi nhuận nào mà ĐH Hoa Sen là một ví dụ.

Mặc dù muốn chuyển sang mô hình phi lợi nhuận để phát triển nhưng nhiều năm qua, ĐH Hoa Sen vẫn loay hoay dẫn đến nhiều nguồn lực của nhà trường bị suy giảm, chỉ vì vướng hành lang pháp lý. Bên cạnh đó, chỉ trong vòng 8 năm, từ năm 2005 đến năm 2013, vốn điều lệ các trường NCL đã tăng từ 15 tỷ, 50 tỷ rồi 250 tỷ khiến các nhà đầu tư choáng váng vì yêu cầu quá ngặt nghèo, rất không thực tế và vượt quá xa so với yêu cầu của các trường công lập.

Bên cạnh đó, các trường NCL còn rất lo ngại về chính sách “mở trên khép dưới”, dẫn đến kết cục là chỉ cần một câu trong văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là đã vô hiệu hóa toàn quyền tự chủ của các trường đã được định chế ở các văn bản cấp cao hơn. Ngoài ra, các quy định hiện nay đều chưa đảm bảo bình đẳng giữa 2 loại hình đào tạo về chính sách thuế, chế độ học bổng đối với sinh viên, kinh phí nghiên cứu khoa học. Kinh phí của Bộ hiện chỉ cấp cho các trường công lập rồi quy định chính quyền địa phương phải có chân trong HĐQT cũng đã tạo thêm rào cản cho chính các trường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận: Chủ trương của nhà nước về xã hội hóa giáo dục, khuyến khích phát triển các trường tư thục là chủ trương đúng, nhưng thực tế từ môi trường chính sách, cơ chế, năng lực vận hành cho đến bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, trường NCL đều gặp nhiều khó khăn.

“Trong khi chủ trương của Đảng, nhà nước rất khuyến khích xã hội hóa giáo dục nhưng thực tế, khu vực này đang có rất nhiều vấn đề, trong đó có nguyên nhân chủ yếu từ môi trường pháp lý, định hướng thế nào về trường tư, tư thục, lợi nhuận, phi lợi nhuận, khi có tranh chấp thì xử lý thế nào đến nay vẫn chưa có những quy định, hướng dẫn thật rõ ràng. Do đó, một số trường NCL dù khởi đầu không kém nhưng trong quá trình làm, kết cục lại rất buồn, môi trường sư phạm mà tranh chấp như doanh nghiệp, hoặc gặp nhiều khó khăn vướng mắc nhưng không có phương án giải quyết cụ thể vì chưa có đủ hành lang pháp lý”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Thu hẹp trường công để cạnh tranh công bằng

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các trường NCL, GS Trần Phương, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đề xuất nhà nước cần “cởi trói” một số chính sách không phù hợp, gây cản trở sự phát triển của các trường NCL.

Theo GS Trần Phương, Việt Nam là nước nghèo, ngân sách nhà nước đã dành tới 20% cho giáo dục, chắc hẳn không có khả năng tăng thêm. Muốn phát triển giáo dục, kể cả giáo dục ĐH, xã hội hóa là điều tất yếu. Do vậy, đối với trường “lợi nhuận”, trước khi chia lợi nhuận, phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 10% lợi nhuận thay vì 25% như hiện nay để các trường NCL có thể duy trì sự ổn định và phát triển.

Đối với trường “phi lợi nhuận”, cần được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Về chính sách đất đai, đối với tất cả các cơ sở giáo dục ĐH tư thục, nhà nước cũng nên tạo điều kiện giao đất để xây trường, không thu tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất. Về chính sách tuyển sinh, GS Trần Phương cho rằng: Nên áp dụng như tất cả các nước, học sinh có bằng THPT thì có quyền đăng ký học ĐH. Bỏ “điểm sàn” vì điểm sàn bất lợi cho thanh niên các dân tộc thiểu số và thanh niên các vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, làm “hẹp cửa” vào ĐH của nhóm đối tượng này.

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT cũng cho rằng: Nếu giáo dục Việt Nam vẫn có ý định phát triển trường ĐH tư, thì theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, giải pháp quan trọng nhất là thu hẹp hệ thống trường công, có thể thực hiện theo cách giảm chỉ tiêu các trường công mỗi năm 5% trong 7 năm để tạo thị trường cho các trường tư. Đồng thời, nhà nước cũng phải xem giáo dục công lập và giáo dục NCL như hai chiếc cánh của hệ thống giáo dục quốc dân, cả 2 cánh đều phải khỏe và cân đối thì giáo dục Việt Nam mới có thể bay cao, bay xa. Thực tế hiện nay cho thấy, các trường NCL của Việt Nam vẫn đang tồn tại giống như “vật trang trí” với tỷ lệ 14%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 31,3% của thế giới.

GS Trần Hồng Quân đề xuất: Để tạo lập môi trường bình đẳng, cạnh tranh công bằng, bên cạnh việc các trường NCL phải không ngừng tự nâng cao năng lực đào tạo, Bộ GD&ĐT cũng cần đẩy mạnh giám sát chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập dựa trên năng lực đào tạo, kết quả điều tra tình trạng sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, cũng như dựa trên sứ mạng của trường do nhà nước giao. Riêng đối với các trường công lập trọng điểm, chỉ tiêu tuyển sinh trình độ ĐH phải được giảm thiểu đáng kể để tập trung năng lực đào tạo sau ĐH và tập trung cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, các trường này cũng cần được quy định về chất lượng nguồn tuyển như nhiều quốc gia khác đã làm để duy trì ổn định thương hiệu. Bộ GD&ĐT phải kiên định mục tiêu bỏ điểm sàn ĐH, trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường để phù hợp với Luật Giáo dục ĐH, vừa phù hợp với xu thế của thế giới.

Ngoài ra, nhà nước cũng cần ban hành các chính sách phù hợp để từng bước xóa dần sự bất bình đẳng giữa các trường công lập và NCL, giữa sinh viên công lập và NCL. Thí dụ như học bổng sẽ không cấp cho trường, mà chỉ cho các đối tượng chính sách, không phân biệt đối tượng đó học ở trường công hay tư. Nhà nước cũng nên nghiêm cấm “tệ phân biệt công tư” trong tuyển dụng lao động.

Huyền Thanh

Liên quan sự cố hàng chục học sinh ở huyện miền núi Khánh Sơn nhập viện sau khi ăn sáng từ hàng rong như Báo CAND đã thông tin, chiều 26/4 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP) tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã có báo cáo kết thúc điều tra vụ việc này.

Ngày 25/4, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Giám đốc Công an tỉnh Nam Định về thành tích triệt phá nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc chiếm đoạt tài khoản, dữ liệu người dùng trên mạng xã hội.

Ngày 26/4, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết, vào cuối buổi chiều nay, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 3 trong vụ lật đò xảy ra trên sông Chanh.

Đó là một trong những nội dung trọng tâm được Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh tại buổi tiếp Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam Miyazaki Katsura, diễn ra chiều 26/4, tại Hà Nội.

Sau những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài, chiều 26/4, nhiều khu vực ở TP Cần Thơ xuất hiện trận mưa "vàng” giải nhiệt. Trận mưa lớn khiến người đi đường bất ngờ, phải tấp xe vào lề đường trú tạm.

Chiều 26/4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Biên (Tây Ninh) đã phối hợp cùng Công an TP Tây Ninh và Công an huyện Tân Châu bắt giữ Nguyễn Văn Hoàng Tuấn (SN 2002) và Trần Văn Thơm (SN 2001, cùng ngụ huyện Tân Châu) để điều tra, làm rõ về hành vi cướp giật tài sản.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), sự bột phát của những tháp mây xuất hiện vào giai đoạn giao mùa gây ra giông lốc mạnh hoặc mưa đá thời gian vừa qua. Đầu tháng 5 tới đây, hiện tượng giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh được dự báo sẽ tái diễn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文