Giải pháp cho bài toán “thiếu gần 7,6 vạn giáo viên”

17:05 13/10/2018
Tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, một trong những vấn đề giáo dục được cử tri đặc biệt quan tâm là câu chuyện “thừa, thiếu” giáo viên sẽ được giải quyết như thế nào?

Theo báo cáo của các Sở GD&ĐT, tính đến thời điểm 15-8-2018, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người (gần 7,6 vạn). Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không thể điều tiết được.

*Nơi sử dụng giáo viên lại không phải đầu mối tuyển dụng

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) cho biết, tính đến thời điểm ngày 15-8-2018, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông như sau: Toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 1.089.837, ngoài công lập 71.306).

Trong tổng số thiếu 75.989 giáo viên, cấp mầm non thiếu 43.732 người; tiểu học thiếu 18.953 người; THCS thiếu 10.143 người; THPT thiếu 3.161 người. Do đó, dẫn đến việc một số địa phương đã ký hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành như: Krông Pắk (Đắk Lắk), Cà Mau, Thanh Oai (Hà Nội), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số địa phương khác.

Bất cập này do một số nguyên nhân, đó là trước năm 2015, thực hiện Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, các địa phương chủ động phê duyệt biên chế. Do công tác quy hoạch, dự báo của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả, nên nhiều địa phương tuyển dụng không đúng số lượng, cơ cấu đội ngũ, dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ.

Đặc biệt, từ sau năm 2011, việc chuyển đổi mô hình trường lớp bán công (không còn mô hình trường bán công) đã dẫn đến việc tuyển dụng giáo viên ở các trường lớp bán công vào các trường công lập tăng lên, nhiều nơi tuyển dụng vào các trường công lập nhiều hơn chỉ tiêu biên chế được giao.

Dân số cơ học tăng nhanh tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới tăng trường lớp, tăng số lượng giáo viên. Đối với các vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, do đặc điểm đặc thù có nhiều điểm trường lẻ, sĩ số học sinh trong một lớp ít trong khi các lớp học này vẫn cần đảm bảo đủ giáo viên theo quy định.

Ngoài ra, đối với giáo viên mầm non, việc thực hiện phổ cập, đặc biệt phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi khiến nhu cầu bổ sung nhiều giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu gia tăng số lượng trẻ mầm non đến trường.

Việc thừa thiếu giáo viên diễn ra ở cả trong một cấp học và ở các cấp học khác nhau. Tuy nhiên, giáo viên dạy môn này không thể điều chuyển sang dạy môn khác; giáo viên cấp này không chuyển sang dạy cấp khác khi không đảm bảo trình độ chuẩn đào tạo. Việc điều chuyển giáo viên giữa các địa phương cũng khó khăn vì các địa phương được tổ chức tuyển dụng riêng.

Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu; một số nơi đã vi phạm quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên và xã hội...

Sắp tới, giáo viên các cấp sẽ được “nâng chuẩn”, làm căn cứ quan trọng để đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng giáo viên

* Đào tạo sư phạm phải sát nhu cầu sử dụng

Để giải quyết bài toán trên, Bộ GD & ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về danh mục khung vị trí việc làm, định mức giáo viên, nhân viên, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, các chương trình bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp... theo đúng quy định của Luật Viên chức hiện hành.

Tuy nhiên, công tác dự báo, hướng dẫn đôn đốc phối hợp thực hiện chưa sát sao; việc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, nhân viên của các cấp quản lý còn hạn chế.

Hiện Bộ GD&ĐT đang đôn đốc các địa phương rà soát quy hoạch mạng lưới trường/lớp; nghiên cứu, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên; giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm sát với nhu cầu sử dụng; rà soát, quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên; ban hành quy định về trình độ đào tạo bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học, trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên để làm cơ sở đào tạo văn bằng 2 giáo viên dôi dư cấp THPT, THCS điều chuyển dạy mầm non, tiểu học; xây dựng phần mềm quản lý và thống kê đội ngũ để kịp thời phát hiện và xử lý khi có bất cập xảy ra.

Bộ chỉ đạo các Sở GD&ĐT triển khai thực hiện tốt “chuẩn hiệu trưởng”, “chuẩn nghề nghiệp” giáo viên các cấp để làm căn cứ rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục hiện có; từ đó xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn để nâng cao chất lượng đội ngũ.

Chỉ đạo các địa phương rà soát, từng bước thực hiện việc dồn dịch các điểm trường lẻ về trung tâm, giảm dần sự phân tán, manh mún các điểm trường lẻ. Qua đó giảm dần số nhân viên hỗ trợ, phục vụ trên tinh thần tăng cường thực hiện làm kiêm nhiệm; hợp đồng với các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện công tác y tế trường học những nơi đủ điều kiện, thực hiện tinh giản biên chế trong ngành.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì (Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và các địa phương phối hợp) khẩn trương rà soát và đề xuất các giải pháp cụ thể để xử lý việc thiếu biên chế giáo viên, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và các địa phương có tăng dân số cơ học trên tinh thần bảo đảm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương về tinh giản biên chế. 

Thời gian tới, các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp lại các điểm trường, biên chế giáo viên phù hợp, điều chuyển từ nơi thừa biên chế sang nơi thiếu, thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập để có điều kiện bổ sung cho nơi còn thiếu biên chế giáo viên, không để việc thiếu giáo viên ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. 

Thu Phương – Huyền Thanh

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文