Giảm áp lực kỳ thi vào lớp 10 bằng cách nào?
- Đảm bảo TTANTG kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019
- Hướng dẫn giải đề thi môn Toán tuyển sinh lớp 10 Hà Nội
- Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Đề thi an toàn, không “đánh đố” học sinh
Làm thế nào để giảm tải áp lực cho học sinh và phụ huynh trong cuộc đua vào lớp 10 công lập đã và đang là vấn đề được dư luận xã hội đặt ra.
Vì sao chỉ có khoảng 60-77% học sinh được vào trường công lập?
Từ nhiều năm nay, tỷ lệ học sinh được vào lớp 10 THPT công lập tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường dao động trong khoảng từ 60-77%. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến cho cuộc đua vào lớp 10 công lập tại 2 thành phố này luôn căng thẳng và quyết liệt vì có khoảng 27-40% học sinh sẽ không có suất vào trường công. Một câu hỏi được nhiều người, đặc biệt là các phụ huynh có con trong độ tuổi này đặt ra là tại sao lại có tỷ lệ này, sao thành phố không xây thêm trường lớp để tất cả học sinh đều được vào công lập?
Học sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2019-2020. Ảnh minh họa: CTV |
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc “siết” chỉ tiêu vào lớp 10 công lập hiện nay, đặc biệt là các thành phố lớn chịu tác động từ nhiều chính sách liên quan đến phân luồng học trung học phổ thông, đặc biệt là bậc THCS.
Đáng chú ý là Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục TH và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xoá mù chữ cho người lớn đưa ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp và các hình thức đào tạo khác.
Vào thời điểm khi nghị quyết ban hành, Hà Nội đã giảm tỉ lệ vào lớp 10 công lập xuống 60% nhưng thời điểm đó học sinh còn ít nên không gây căng thẳng. Sau này, số học sinh mỗi năm một tăng do áp lực dân số, nhất là ở các trường nội đô, nơi đô thị hóa diễn ra nhanh cũng là lý do khiến kỳ thi ở địa phương này căng thẳng gay gắt. Do đó, trong các năm học gần đây, để giảm tải áp lực, tỷ lệ này được dao động trong khoảng 60-62% tùy vào số lượng học sinh thi tuyển hàng năm.
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, chủ trương của thành phố là mỗi năm sẽ giảm 3% chỉ tiêu công lập để phân luồng. Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, sẽ có khoảng 70% học sinh vào công lập và 30% vào các khối trường khác, trong đó có trường nghề.
Để đạt mục tiêu này, TP.Hồ Chí Minh đang xây dựng lộ trình và yêu cầu các trường tăng cường đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh để các em có lựa chọn phù hợp với sức học cũng như điều kiện kinh tế gia đình. Ngoài ra, thành phố còn có chế độ khuyến khích học sinh tham gia phân luồng được miễn 100% học phí khi học trung cấp nghề.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Phân luồng sau bậc THCS là chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước nhằm tăng cơ hội cho người học tìm kiếm các cơ hội học tập phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình cũng như cơ cấu lao động của địa phương. Tuy nhiên, công tác này trên thực tế chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng do việc tuyên truyền, tư vấn về hướng nghiệp trong nhà trường chưa thực sự đến được với phụ huynh và học sinh. Cùng với đó, chất lượng hệ thống các trường trung cấp nghề hiện nay vẫn còn chậm đổi mới, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi thực tế nên chưa tạo dựng được niềm tin, sự yên tâm đối với người học.
Học sinh trượt công lập sẽ học ở đâu?
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 của Hà Nội có khoảng 100.000 thí sinh dự xét tốt nghiệp THCS, trong đó, có khoảng hơn 85.000 em đăng ký thi tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập. Với chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 62.000, như vậy, sẽ có khoảng gần 23.000 học sinh trượt suất học trường công. Số học sinh này sẽ được học tập tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường THPT ngoài công lập và trung cấp nghề.
Giảm tải áp lực cho học sinh trong cuộc đua vào lớp 10 công lập đã và đang là vấn đề được dư luận xã hội đặt ra. |
Tương tự, tại TP.Hồ Chí Minh, ngoài chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập, mỗi năm các trung tâm Giáo dục Thường xuyên trên địa bàn sẽ tuyển khoảng 12.000 chỉ tiêu, các trường THPT ngoài công lập tuyển khoảng 21.000 chỉ tiêu và các trường Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp tuyển khoảng 40.000 chỉ tiêu.
Đặc biệt, những học sinh tốt nghiệp THCS có hộ khẩu ở TP.Hồ Chí Minh khi đăng ký học Trung cấp chuyên nghiệp đều được miễn 100% học phí. Các em tiết kiệm được thời gian học tập, có việc làm sớm, được liên thông thuận lợi.
Điều này cho thấy, xét về mặt lý thuyết, chỗ học cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS mà thi không đỗ vào lớp 10 công lập là không thiếu, 100% học sinh được thiết kế học tập trong các mô hình, môi trường học tập khác nhau phù hợp với năng lực, điều kiện của từng em.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, trong khi cuộc đua vào lớp 10 công lập luôn căng thẳng, gây áp lực cho học sinh và phụ huynh thì hệ thống trường trung cấp, học nghề lại tương đối vắng vẻ. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý hướng con em đi theo con đường đã được lập trình sẵn như vào trường THPT công lập, rồi vào đại học. Đây chính là một trong những rào cản khiến cho việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS gặp khó khăn.
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên chủ nhiệm khối 9 tại Hà Nội, có những thí sinh sau khi phân tích năng lực thực tế, nhà trường định hướng đưa các em vào diện phân luồng học nghề do học lực yếu nhưng cả học sinh và gia đình đều bày tỏ nguyện vọng xin được làm hồ sơ thi vào THPT bằng mọi giá.
Trong khi đó, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đều có những trường nghề uy tín, vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho học sinh. Thậm chí, có trường còn đảm bảo việc làm cho các em, hoặc học sinh có thể học lên cao đẳng, đại học, rút ngắn thời gian hơn so với việc học THPT rồi vào đại học, cao đẳng.
Còn với hệ thống các trường dân lập, nhiều phụ huynh e ngại vì trường tốt thì học phí cao, nhiều gia đình không đủ điều kiện. Những trường học phí vừa phải hoặc thấp thì không phải trường nào cũng có chất lượng tốt.
Riêng đối với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, dù học phí thấp, số lượng môn học được giảm tải phù hợp với những học sinh có học lực yếu, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nhưng nhiều bậc phụ huynh lại e ngại môi trường học tập không tốt.
Giảm áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là một đòi hỏi chính đáng. Song áp lực trong nhiều tình huống cụ thể lại đến từ chính các bậc phụ huynh. Nên chăng thay vì phải cố gắng để vào công lập, các bậc phụ huynh hãy định hướng cho con em mình hướng đi phù hợp với năng lực, sở thích và nguyện vọng học sinh đó.
Không đặt kỳ vọng quá sức so với khả năng thực tế của con em mình và phải mạnh dạn thay đổi với suy nghĩ, vào THPT công lập không phải là con đường duy nhất. Tất nhiên, cũng phải đặt vấn đề ngược lại là để các em học sinh và gia đình vui vẻ, yên tâm với lựa chọn này cũng là một thách thức đặt ra với không chỉ ngành giáo dục mà là cả hệ thống xã hội.
Bởi để thay đổi nhận thức về việc học nghề, lập nghiệp trong bối cảnh xã hội vẫn coi trọng làm thầy hơn làm thợ là không đơn giản. Đó là chưa kể đến việc chất lượng đào tạo của hệ thống trường nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên-giáo dục nghề nghiệp hiện chưa đồng đều khiến cho người dân chưa thực sự tin tưởng gửi gắm con em mình vào các cơ sở này.