Giáo viên mong muốn được dạy thử trước khi chọn sách

07:12 18/12/2019
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), công việc chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 cho năm học 2020-2021 sẽ phải hoàn tất trong tháng 3-2020 để còn kịp thời gian cho các khâu chuẩn bị. Tuy vậy, hiện nay, Thông tư hướng dẫn chọn sách vẫn đang lấy ý kiến dư luận đến hết ngày 30-1-2020. 


Như vậy, sớm nhất cũng phải đến đầu tháng 2-2020, mới có hướng dẫn lựa chọn sách, từ đó cơ sở mới bắt tay vào triển khai. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chọn SGK chỉ giới hạn trong vòng 1 tháng sẽ là quá gấp gáp bởi mong muốn của hầu hết giáo viên hiện nay là được dạy thử trước khi chọn sách.

Trên một số diễn đàn dành cho giáo viên tiểu học, nhiều giáo viên hiện đang giảng dạy ở cấp học này đã bày tỏ băn khoăn khi cho rằng, việc cơ sở giáo dục “thẩm định” các bộ SGK lớp 1 chỉ diễn ra trong thời gian 1 tháng là quá gấp gáp. 

“Chưa kịp tìm hiểu kỹ đã phải chọn rồi. Chọn rồi thì không được chọn lại, có vẻ căng như dây đàn” - một giáo viên chia sẻ. Tại Hà Nội, nhiều giáo viên cũng bày tỏ mong muốn sớm được tổ chức tập huấn về công tác lựa chọn SGK.

Bản mẫu SGK lớp 1 sẽ được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường bắt đầu từ năm học 2020-2021. Ảnh minh họa.

Cô Nguyễn Thúy Hà, giáo viên Trường Tiểu học Bình Minh cho biết: Đến thời điểm này, giáo viên vẫn chưa có sách trong tay, trong khi vài tháng tới đã chốt SGK. Nếu không được nghiên cứu, lựa chọn kỹ nhằm tìm được bộ sách phù hợp, thì giáo viên và học sinh sẽ cùng vất vả, việc dạy học không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Cô Nguyễn Phương Thảo, giáo viên một trường tiểu học tại quận Hoàng Mai cũng bày tỏ băn khoăn: “Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK đến ngày 30-1-2020 mới lấy ý kiến xong nhưng lại yêu cầu các trường phải chọn xong SGK lớp 1 trước tháng 3-2020. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ có khoảng 1 tháng cho việc chọn lựa 5 bộ sách với 32 cuốn sách. Không biết các trường sẽ bố trí thời gian để các thành viên trong Hội đồng chọn sách làm việc thế nào khi bậc tiểu học phần lớn dạy 10 buổi/tuần? Đi dạy cả tuần, thời gian nào cho các thầy cô giáo đọc sách?”.

Cũng theo cô Thảo, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, chỉ đọc sách thôi chưa đủ, để xác định được bộ sách này phù hợp với học sinh của mình hơn bộ sách kia, giáo viên cũng  cần có thêm những trải nghiệm thực tế.

“Nếu thời điểm này đã có sách ở trường học thì mỗi tuần sinh hoạt chuyên môn thay vì thao giảng dự giờ, góp ý như lâu nay sẽ đổi bằng cách dạy thực nghiệm một số tiết học cụ thể trong chương trình mới thông qua các bộ sách mới. Trên cơ sở dạy thực nghiệm, giáo viên sẽ chọn được bộ sách phù hợp với mình và phù hợp với học sinh”-cô Thảo nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: Việc quyết định lựa chọn bộ sách nào để sử dụng là trách nhiệm rất nặng nề đối với mỗi nhà trường, vì vậy, công đoạn này cần phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và minh bạch.

Để lựa chọn được bộ sách phù hợp, cán bộ, giáo viên phải được tiếp cận sớm với nội dung cụ thể của từng bản mẫu sách; thậm chí, giáo viên, học sinh phải được dạy thử, học thử, thảo luận về tính ưu việt của từng cuốn sách.

“Đến thời điểm này giáo viên vẫn chưa được tiếp cận các bộ sách nên vẫn chưa thể nói được điều gì. Do vậy, chúng tôi mong muốn các NXB cung cấp kịp thời các bản mẫu SGK mới để các trường có thời gian đọc kỹ tất, tiến hành dạy thử hoặc mời chuyên gia đến dạy thử. Từ đó, giáo viên mới có thể chắt lọc, tham khảo giá trị của từng cuốn sách, tạo thành bài giảng của riêng mình để đưa ra quyết định lựa chọn chính xác”- ông Khang đề xuất.

Để thuận lợi hơn cho giáo viên và các nhà trường trong việc chọn SGK mới, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết: Bộ GD&ĐT nên công khai ý kiến đánh giá của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK về từng cuốn sách. Phụ huynh, giáo viên khi đọc ý kiến thẩm định sẽ biết hội đồng thẩm định khen gì, chê gì, số phiếu cho từng cuốn sách ra sao.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, thực tế cho thấy, có những cuốn sách chỉ được 3/4 số phiếu đánh giá “Đạt, không cần sửa chữa” nhưng cũng có những cuốn sách được 100% số phiếu. Như vậy, mức độ “đạt” của từng cuốn sách là khác nhau.

Bên cạnh đó, để tiết kiệm cho các nhà trường trong việc mua sách mẫu, các NXB cũng có thể đưa các chế bản SGK lên mạng để người dân tham khảo như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Nếu làm được như vậy sẽ vừa đảm bảo công khai, dân chủ lại vừa giảm được chi phí vì hầu hết mọi người đều có điện thoại, máy tính có thể vào mạng. Còn về những lo ngại như sợ làm sách lậu, ăn cắp bản quyền, thì đều có thể giải quyết được bằng công nghệ và pháp luật.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cũng cần có những quy định để Thông tư hướng dẫn việc chọn SGK mang tính dài hạn hơn. “Được biết thông tư này chỉ phục vụ cho việc chọn SGK lớp 1 trong năm tới theo Nghị quyết 88. Bộ GD&ĐT nên xin ý kiến Quốc hội để hướng dẫn việc lựa chọn SGK vừa phù hợp với Nghị quyết 88, vừa phù hợp với Luật Giáo dục. Luật Giáo dục quy định UBND cấp tỉnh quyết định  “việc chọn SGK”, chứ không nói UBND cấp tỉnh “quyết định chọn SGK”.

Vậy thì UBND cấp tỉnh vẫn có thể giao cho các trường chọn theo Nghị quyết 88, nếu thế có thể soạn được thông tư dài hơi cho nhiều lớp và trong nhiều năm khác nhau. Thông tư ấy cũng phải quy định trách nhiệm, quyền của các NXB, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương.

Cụ thể là UBND cấp tỉnh, Sở GD&ĐT và các Phòng GD&ĐT được làm gì và không được làm gì nhằm đảm bảo khách quan, công bằng trong chọn sách” - GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Huyền Thanh

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文