Hà Nội có nên cho học sinh nghỉ học?

18:00 30/01/2021
Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là học sinh Hà Nội sẽ chính thức nghỉ Tết. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ngày 30/1, Hà Nội phát hiện thêm ca dương tính với lịch trình di chuyển phức tạp, do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo an toàn, Hà Nội nên cho học sinh nghỉ học và chuyển sang dạy học trực tuyến ở những nơi có đủ điều kiện…


Học sinh phải an toàn thì mới đi học

Chị Thanh Phương, phụ huynh có con học tiểu học trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) bày tỏ: “Đến sáng ngày 30/1, Hà Nội đã xuất hiện thêm ca dương tính thứ 3 khiến chúng tôi vô cùng lo lắng. Tôi có 2 con đang theo học tiểu học. Ở trường, do các con hiếu động và còn quá nhỏ để tuân thủ nguyên tắc “đeo khẩu trang” nên học sinh hầu như không đeo khẩu trang. Lớp học thì vẫn quá tải, hơn 60 cháu/lớp thì việc đảm bảo giãn cách với khoảng cách an toàn là không khả thi. Do đó, tôi đề nghị các cơ quan chức năng nên cho học sinh nghỉ học, vì thời gian đi học từ nay đến ngày nghỉ Tết không còn nhiều. Học sinh hoàn toàn có thể học trực tuyến tại nhà mà cha mẹ dễ kiểm soát, bảo vệ con em mình trước dịch bệnh phức tạp”. Đề xuất của chị Phương cũng là quan điểm chung của nhiều phụ huynh hiện nay khi mà diễn biến dịch trên địa bàn Hà Nội diễn biến khó lường. 

Giáo viên đo thân nhiệt cho HS trước khi vào lớp

Chị Thu Hà, trú tại quận Đống Đa cho hay, “Các con đến trường mà tôi đứng ngồi không yên. Nếu nguyên tắc “5K” là không tụ tập và đảm bảo khoảng cách thì việc này ở trường học không đảm bảo. Do đó, tôi mong Hà Nội cho học sinh nghỉ học. Sau này có thể học bù đuổi kịp chương trình cũng không vấn đề gì”. Hiện một số trường mầm non, trung học phổ thông tại Hà Nội có liên quan đến các F1, F2 cũng đã cho học sinh nghỉ học. Nhiều trường ĐH trên địa bàn Hà Nội cũng đã quyết định cho sinh viên nghỉ Tết trước 1 tuần để đảm bảo an toàn.

Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND về việc Hà Nội có nên cho học sinh nghỉ học hay không, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay:“Quan điểm của cá nhân tôi là học sinh phải an toàn thì mới đi học, trong trường hợp nếu thấy có sự không an toàn cho học sinh thì Sở GD & ĐT phải chủ động nắm bắt dự đoán tình hình, tham mưu cho UBND tỉnh quyết định cho học sinh tạm nghỉ hay vẫn tiếp tục đến trường. Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì đến trường là phải an toàn”. 

Vậy để đánh giá mức độ “an toàn” cho học sinh sẽ dựa trên tiêu chí nào? Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, trước đây trong văn bản hướng dẫn của Bộ GD & ĐT về đảm bảo môi trường an toàn thì không chỉ an toàn trong trường, mà phải đảm bảo an toàn cả từ nhà đến trường. Sự an toàn này đòi hỏi sự theo dõi diễn biến dịch rất sát sao của địa phương. Trong quá trình học sinh từ nhà đến trường, các em sẽ đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, nếu đi bằng xe của gia đình, thì tạm yên tâm, nhưng với học sinh lớn hơn tự di chuyển hay đi xe của nhà trường thì đảm bảo an toàn cho các em như thế nào cũng phải tính. 

“Khi đến trường, phải an toàn ngay từ khâu “gác cửa” ở cổng trường, học sinh vào phải đo thân nhiệt, đảm bảo nước sát khuẩn cho các em. Học sinh trong lớp học thì không tập trung đông, chào cờ trong lớp học, trước đây Bộ đã hướng dẫn cụ thể rồi”- ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Việc cho học sinh nghỉ học từ thời điểm này có xáo trộn kế hoạch năm học hay không, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, công văn mới nhất của Bộ GD & ĐT gửi các Sở GD & ĐT đã yêu cầu các địa phương chuẩn bị các phương án điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường và chủ động triển khai tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tiễn để thực hiện chương trình, phòng chống và ứng phó kịp thời khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nghĩa là các trường phải sẵn sàng ứng phó với tình huống phức tạp; sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch dạy và học; sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến để nếu HS phải nghỉ học, vẫn đảm bảo chương trình.“Theo quyết định 2084 Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021, Bộ GD & ĐT đã quy định cả thời gian dự phòng cho các địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch cho địa phương khi có biến động về kế hoạch năm học”- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học khẳng định.

Trường học sẵn sàng cho việc dạy trực tuyến

Cô Nguyễn Lan Anh, giáo viên trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội) cho biết: Trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đang lên phương án có thể tổ chức dạy học trực tuyến nếu nhận được lệnh học sinh được nghỉ học vào đầu tuần tới. Theo cô Lan Anh, do đã có thời gian tập dượt, làm quen với việc dạy học trực tuyến từ năm 2019 nên các giáo viên đều có tâm thế sẵn sàng, không bỡ ngỡ. Nhiều trường THPT tại Hà Nội cũng đang lên kế hoạch cho học sinh học trực tuyến vào đầu tuần tới nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp, học sinh buộc phải nghỉ học.

Nhiều trường học chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng dạy học trực tuyến

Ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết: Ngoài việc yêu cầu giáo viên, học sinh tuân thủ nghiêm túc “thông điệp 5K” về phòng, chống dịch COVID-19, nhà trường cũng đã có phương án tổ chức dạy học trực tuyến để chủ động ứng phó nếu dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp hơn. 

Còn theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, trường luôn sẵn sàng các điều kiện về nền tảng công nghệ thông tin, đội ngũ giáo viên để dạy trực tuyến khi học sinh phải tạm ngừng việc đến trường. Đại diện một số Phòng GD&ĐT cũng cho rằng, điểm thuận lợi hiện nay là học sinh đã kết thúc học kỳ I, các trường sẵn sàng nền tảng từ công nghệ tới đội ngũ để dạy trực tuyến, không bị động như trước đây. Sau đợt dịch COVID-19 lần trước, tất cả giáo viên đều được tập huấn sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến, các trường được cung cấp phần mềm bảo mật.

Ngay trong ngày 30/1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, ứng phó với dịch COVID-19.

Để đáp ứng mục tiêu kép, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên phòng chống dịch và hoàn thành kế hoạch năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc các Sở thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, chuẩn bị các phương án điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường và chủ động triển khai tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường để thực hiện chương trình, phòng chống và ứng phó kịp thời khi dịch COVID -19 diễn biến phức tạp. 

Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai kịp thời hiệu quả việc dạy học trực tuyến theo Công văn số 1061/BGD&ĐT-GDTrH ngày 25/3/2020 của Bộ GD&ĐT và các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện của địa phương trong trường hợp phải cho học sinh nghỉ học ở trường.

Thu Phương-Huyền Thanh

Ngày 6/11, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang khám nghiệm hiện trường điều tra nguyên nhân vụ cháy nhà xảy ra tại căn nhà trong hẻm 136 đường Bạch Đằng, phường 5, TP Vũng Tàu, làm 2 cháu nhỏ tử vong.

Thảm họa về ma túy quá khủng khiếp và nguy cơ hiện hữu về vấn nạn này luôn chực chờ cả bên trong và bên ngoài khu vực lãnh thổ Việt Nam. Dù đã có nhiều kết quả song công tác quản lý, giảm nguồn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn phần lớn do vướng cơ chế. Chính vì vậy, yêu cầu phải đổi mới, nâng cao hơn nữa các cấp độ phòng, chống ma túy trong giai đoạn mới đặt ra hết sức cấp thiết.

Sau thời gian nỗ lực giải cứu, lực lượng cứu nạn đã đưa được anh Phùng Đình Dự (SN 1988; trú tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội) là chủ phương tiện bị tai nạn ra khỏi cabin; phối hợp với Trung tâm y tế và Công an xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) tiến hành sơ cấp cứu và di chuyển nạn nhân đến Bệnh viện đa khoa Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Các điểm bầu cử nhỏ ở một số hạt thuộc bang Indiana và Kentucky là những nơi đầu tiên kết thúc bỏ phiếu trên toàn quốc vào 18h ngày 5/11 (giờ địa phương). Những kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ sớm xuất hiện.

Những dòng người nối dài không dứt trên đường làng Lại Đà từ sớm tới đêm khuya đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; những giọt nước mắt tiếc thương, câu nói nghẹn ngào,... Đó là những hình ảnh không thể quên với nhóm phóng viên chúng tôi khi tác nghiệp tại Lễ quốc tang đồng chí Tổng Bí thư, người con ưu tú của quê hương Lại Đà. Khi thực hiện nhiệm vụ của những phóng viên tại Lại Đà, chúng tôi cảm nhận được tình người ấm áp, tình nước, tình dân...

Đằng sau thành công rực rỡ, các hoạt động của nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Temu đang khiến giới chức châu Âu, Mỹ lo ngại. Và cuộc điều tra chính thức đã được mở ra ở châu Âu trong bối cảnh có nhiều báo cáo về việc trang web mua sắm của Trung Quốc vi phạm Đạo luật dịch vụ số.

Không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu khắp các tỉnh thành ở miền Bắc khiến nền nhiệt hạ nhanh cùng với đó là mưa dông diễn ra ở nhiều nơi, trời lạnh.

Hàng triệu cử tri Mỹ ngày 5/11 (giờ địa phương) đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ sở cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn ra vị tân Tổng thống để dẫn dắt đất nước trong 4 năm tới. Tâm điểm của mùa bầu cử năm nay, được đánh giá đầy kịch tính và khó đoán định khi cuộc chạy đua giữa Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa ngày càng nóng.

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文