Hạ nhiệt tuyển sinh đầu cấp và vấn nạn “chạy trường”

09:00 05/07/2020
Hàng năm, cứ vào mùa tuyển sinh đầu cấp, chuyện thi tuyển, chọn trường lại trở lên nóng bóng hơn bao giờ hết, nhất là tại các thành phố lớn. “Độ nóng” của cuộc chạy đua này cũng đã và đang có sự phân cấp theo các phân khúc, mức độ khác nhau. Trong đó, đua tranh khốc liệt nhất chủ yếu tập trung vào các trường chuyên, trường chất lượng cao, trường điểm, lớp chọn…

Cùng với đó, trước mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp cũng lại nóng chuyện “chạy” lớp, “chạy” trường, hay gần đây nhất là những tranh luận về việc giữ hay bỏ mô hình trường chuyên. PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, xung quanh vấn đề này.                                                                                          

PV:  Năm học 2020-2021, Hà Nội vẫn tiếp tục tuyển sinh vào các lớp đầu cấp bằng hình thức xét tuyển theo tuyến. Tuy nhiên, tại một số trường THCS chất lượng cao, trường THPT chuyên được tuyển sinh trên toàn thành phố, số lượng hồ sơ đăng ký luôn vượt gấp nhiều lần số chỉ tiêu khiến cho cuộc đua giành suất vào các trường này luôn căng thẳng. Cá biệt có khối chuyên ở bậc THPT cứ 29 học sinh dự thi mới có 1 học sinh trúng tuyển đã khiến cuộc đua tranh càng trở nên khốc liệt. Ông bình luận gì về câu chuyện này?

PGS Đặng Quốc Bảo: Cá nhân tôi cho rằng đây là hiện tượng bình thường, phản ánh khá trung thực và rõ nét việc cung không đáp ứng đủ cầu trong giáo dục, đặc biệt là ở phân khúc chất lượng cao. Thực tế cho thấy, mong muốn cho con được học tập trong những ngôi trường có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, môi trường học tập có tính cạnh tranh cao là nguyện vọng chính đáng của phụ huynh, học sinh nhưng tại thời điểm này, năng lực của Nhà nước chưa đáp ứng được. Điều này đã khiến cho cuộc đua vào các trường chuyên, trường chất lượng cao luôn nóng, tạo áp lực căng thẳng cho cả phụ huynh và học sinh.

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan mà nói, không phải chỉ trường chuyên, trường chất lượng cao mới có sản phẩm đầu ra tốt. Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương, nhiều học sinh dù không học trường chuyên, trường chất lượng cao nhưng ra đời lại rất thành công, đạt được nhiều thành tựu. Do vậy, phụ huynh không cần thiết phải cho con vào trường chuyên, lớp chọn bằng mọi giá.

PV: Cứ vào trước mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, ngành Giáo dục lại chấn chỉnh việc “chạy” trường. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn âm thầm tiếp diễn tại các thành phố lớn. Điều gì đã dẫn đến thực trạng này, thưa ông?

PGS Đặng Quốc Bảo: Nguyên nhân đầu tiên chính là do sự “phân biệt đối xử” của ngành Giáo dục đối với hệ thống các trường công lập hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội. Trong đó có chủ trương tổ chức các lớp chọn, trường điểm, trường chất lượng cao tại các quận, huyện tạo ra tâm lý “sùng bái” quá mức các loại trường này trong một bộ phận phụ huynh. Đồng thời, việc đầu tư giữa các trường công không đồng bộ làm cho độ chênh lệch giữa các trường quá lớn.

PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.

Không nói đâu xa, ngay tại Hà Nội hiện nay, tại một số quận vẫn mọc lên những ngôi trường “siêu to” có kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Ngay cả trong một quận, hai trường công gần nhau nhưng có cơ sở vật chất hoàn toàn khác nhau. Chính điều này đã gây ra sự bất bình đẳng giữa các trường công bởi để được hưởng những lợi thế về điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo, các phụ huynh đều có tâm lý muốn vào các trường “siêu to” này, khiến nạn chạy trường ngày càng trở nên nhức nhối.

Ngoài ra còn phải kể đến một số nguyên nhân khác nữa như do thiếu thông tin, không có sự hướng dẫn cho phụ huynh về vấn đề chọn trường nào cho hợp lý bởi hiện nay ngành Giáo dục vẫn chưa có qui trình để kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo của các trường. Mức độ xã hội hoá giáo dục vẫn đang còn yếu, còn ít các trường dân lập và tư thục chất lượng cao cũng là một nguyên nhân dẫn đến “chạy” trường. Cách thức tổ chức quản lý việc tuyển sinh, đào tạo còn thiếu chặt chẽ, công tác thanh tra, quản lý ngành còn nhiều yếu kém nên các vụ chạy trường không bị ngăn chặn ngay từ đầu mà còn diễn ra trong khoảng thời gian dài khiến cho vấn nạn này ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí không ít người còn xem đó là chuyện bình thường...

PV: Theo ông, cần phải làm gì để giảm bớt độ “nóng” của cuộc đua vào các lớp đầu cấp, đặc biệt là hạn chế vấn nạn “chạy” trường?

PGS Đặng Quốc Bảo: Vấn nạn “chạy” trường là một bài toán phức tạp mà để giải quyết nó cần phải có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, chứ không thể làm trong ngày một, ngày hai. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý giáo dục địa phương cần quy hoạch lại hệ thống các trường công lập hiện nay theo cả hai hướng phát triển mũi nhọn và đại trà. Trong đó, đối với giáo dục mũi nhọn nên chọn lọc và đầu tư bài bản hơn cho hệ thống các trường chuyên vì đây là nơi đào tạo tinh hoa. Còn đối với giáo dục đại trà, nhiệm vụ chính là phổ cập giáo dục nên không cần thiết phải có những trường “điểm” hay chất lượng cao. Thay vào đó, tất cả các trường cần được đầu tư cơ sở vật chất, được quan tâm như nhau vì người dân đều phải đóng thuế giống nhau nên quyền tiếp cận với giáo dục của họ cũng phải được bình đẳng, ngang bằng nhau.

Về phía phụ huynh học sinh,  không nên quá kỳ vọng hay áp đặt con mình phải được học tập ở trường tốt nhất mà quên mất rằng, điều quan trọng nhất không phải là con mình vào được trường tốt mà là môi trường đó có phù hợp năng lực của trẻ hay không. Thực tế cho thấy ở nông thôn, miền núi tuy không có việc “chạy” trường nhưng vẫn có nhiều học sinh giỏi, thậm chí trong các kỳ thi gần đây, số lượng thủ khoa trong các kỳ thi là học sinh nông thôn luôn áp đảo.

PV: Trong khi cuộc chạy đua giành suất vào các trường chuyên đang rất nóng và quyết liệt thì mới đây lại có ý kiến cho rằng nên xóa bỏ mô hình trường chuyên hiện nay. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

PGS Đặng Quốc Bảo: Trong bối cảnh hội nhập và đua tranh quốc tế, các quốc gia vẫn hết sức chú trọng đến giáo dục mũi nhọn. Do vậy, Việt Nam không thể lạc điệu trong ASEAN và cạnh tranh quốc tế. Hiện nay, cả 3 cường quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nga và hầu hết các quốc gia trong ASEAN đều duy trì hệ thống trường chuyên với mục tiêu đào tạo tầng lớp tinh hoa, dẫn dắt toàn hệ thống. Thực tiễn tại Việt Nam những năm qua cũng cho thấy, dù hệ thống trường chuyên chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong hệ thống giáo dục phổ thông nhưng học sinh trường chuyên đã bước đầu có những đóng góp vào tiến bộ của đất nước, nhân loại. Thay vì xóa bỏ, chúng ta cần tiếp tục có chiến lược phát triển hệ thống trường chuyên phù hợp với bối cảnh hiện nay.

PV: Theo ông, trường chuyên cần điều chỉnh, thay đổi như thế nào để đáp ứng tốt hơn nữa kỳ vọng của phụ huynh và xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay?

PGS Đặng Quốc Bảo: Thực tiễn những năm qua cho thấy, sự tồn tại của hệ thống trường chuyên là cần thiết và những đóng góp của trường chuyên là không thể phủ nhận. Tuy vậy, không phải xã hội đã hoàn toàn hài lòng về hệ thống trường chuyên. Một trong những sứ mệnh của trường chuyên là khuyến khích, đào tạo những học sinh tinh hoa nhất, có năng lực xuất sắc để phát huy hết khả năng. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những mục tiêu chứ không phải là duy nhất. Trường chuyên không chỉ là nơi đào tạo “gà chọi” đi thi giải quốc gia, quốc tế.

Hệ thống trường chuyên giờ đây phải là “đầu tàu”, là một hình mẫu để lan tỏa những chính sách mới của giáo dục và thực thi những thay đổi giáo dục cơ bản, toàn diện. Để làm được điều này, trường chuyên cũng phải thay đổi cách thức đào tạo, mục tiêu đào tạo phù hợp với kỷ nguyên của cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, học sinh trường chuyên ngoài học giỏi các môn văn hóa còn phải có năng lực tư duy tốt, phải biết kết hợp học với hành, đặc biệt là phải biết học qua thử thách, được trang bị tốt các kỹ năng mềm để có thể chủ động tạo ra tri thức, giá trị mới cho xã hội và thời đại.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)

Ngày 14/11, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà ở tặng người có công với cách mạng; trao kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; trao thiết bị, máy tính tặng Trung tâm y tế, ngành giáo dục và đào tạo huyện.

Sáng 15/11, Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn trả lời đơn khiếu nại của Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Quảng Nam đối với Kết luận thanh tra số 102/KL-TTT ngày 7/10/2024 của Chánh Thanh tra tỉnh về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài chính tại bệnh viện này (Báo CAND đã thông tin).

Mặc dù biết rõ hành vi chở người nước ngoài nhập cảnh không có giấy tờ, không có hộ chiếu, không làm thủ tục khai báo nhập cảnh là trái pháp luật, nhưng vì lợi nhuận cao, Thắng rủ thêm 3 người khác chạy 2 xe ô tô để chở 6 người Trung Quốc vào Việt Nam rồi xuất cảnh chui sang Campuchia...

5.000 năm trước, ở Bắc Phi, một vị vua đầy tham vọng, ngày nay được gọi là Narmer, đã thống nhất hai vùng đất Thượng Ai Cập ở phía Nam và Hạ Ai Cập ở phía Bắc thành lãnh thổ vĩ đại đầu tiên trên thế giới - Ai Cập. Nhưng cho đến nay, nguồn gốc của nền văn minh Ai Cập vẫn còn khá mơ hồ. Những gì còn sót lại về vị Pharaoh đầu tiên của Ai Cập chỉ là cái tên.

Hiện nay, một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, phường trong công tác này. Tuy nhiên, hoạt động thực tế gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người CHXAPT có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về phí bảo trì, diện tích sở hữu chung, chậm bàn giao sổ hồng… tại các khu nhà chung cư là vấn đề không mới và đã kéo dài nhiều năm. Tại nhiều nhà chung cư, tưởng như việc tổ chức được hội nghị bầu ra Ban Quản trị, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho cư dân sẽ hóa giải được những xung đột, thế nhưng mâu thuẫn vẫn chưa dừng lại. Các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư đã có, vậy nhưng tranh chấp ở các khu nhà chung cư chưa bao giờ hết “nóng” và dường như chưa có thuốc “đặc trị”.

Khi bụi lắng xuống sau các trận oanh tạc vào Dải Gaza, thi thể hàng ngàn người Palestine bị vùi lấp lẫn với gạch đá, rất khó phân biệt ai đến từ Hamas, ai là dân thường cố gắng vật lộn tìm đường sống. Ngay cả khi không chết vì bom đạn, cuộc sống ngột ngạt trong cảnh vây hãm tại dải đất hẹp bên Địa Trung Hải đang từng ngày chôn vùi những giấc mơ sống bình dị nhất…

Trong cuộc đời của mỗi người luôn có nhiều khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ. Một trong những khoảnh khắc đó đã mang đến sự may mắn cho họ như định mệnh và nên duyên vợ chồng hạnh phúc viên mãn cả cuộc đời. Riêng tình yêu của tôi với nhà giáo, Thiếu tướng Phạm Văn Dần, sau là Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, cũng xuất phát từ khoảnh khắc đẹp như vậy.

Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva ngày 14/11 (giờ địa phương) tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khởi xướng, nhưng cuộc đàm phán nào cũng cần dựa trên thực tế về các bước tiến của Nga.

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文