Hơn 1.000 phụ huynh kiến nghị mức học phí tăng tại trường quốc tế Á châu

20:33 29/05/2021
Chia sẻ với PV báo CAND, một nam phụ huynh học sinh của trường quốc tế Á châu TP Hồ Chí Minh trình: “Mùa COVID-19 khiến chúng tôi kiếm một ngày không ra 1 đồng, chỉ xin nhà trường giảm vài phần trăm tiền học phí để chia sẻ với khó khăn chung. Thế nhưng câu trả lời lạnh lùng mà chúng tôi nhận được, đó là, “600.000 đồng/ngày học phí là nhà trường đã lấy giá rẻ nhất trong các trường quốc tế trên địa bàn rồi! Không thể giảm hơn!? ”. 


Bức “tâm thư” của Phụ huynh với hơn 1.000 chữ ký kiến nghị

Trong mấy ngày qua, địa bàn TP Hồ Chí Minh lại “nóng” chuyện học phí trường quốc tế tăng đúng mùa dịch COVID-19. Anh Nguyễn Lê Hiếu, PHHS Trường quốc tế Á Châu cho biết anh khá bất ngờ khi nhận được thông báo của nhà trường về việc tăng học phí. Bất ngờ vì mức tăng quá cao so với các năm học trước. 

Hơn 1.000 PHHS trường đã ký đơn tập thể kiến nghị để được xem xét mức học phí mới với mong muốn nhà trường chia sẻ về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, sau hai lần gặp gỡ với đại diện nhà trường, vấn đề mong muốn của phụ huynh không được giải quyết, khiến nhiều người đã xin chuyển trường cho con.

Nhóm phụ huynh đại diện cho hơn 1000 PHHS quốc tế Á Châu tới cơ sở nhà trường tại đường Nguyễn Văn Hưởng, Q.2 xin đối thoại.

Chị Huỳnh Thị Nga, PHHS có 2 con đang theo học tại đây nói trong nước mắt: “Các phụ huynh đều mong muốn nhà trường chia sẻ với phụ huynh trong lúc khó khăn này để giảm chút học phí, nhưng nhà trường vẫn không có thiện chí. Tôi đã rút hồ sơ của 2 con để chuyển trường. Bản thân tôi và các phụ huynh rất thất vọng về Ban giám hiệu nhà trường”.

Đơn kiến nghị với 1150 chữ ký của PHHS gửi nhà trường xin chia sẻ giảm mức học phí

Chị Nga nói: “Tôi khóc vì không ngăn được nỗi lo lắng, con mình sẽ phải tới một môi trường học mới, lại làm quen, bỡ ngỡ. Cháu sẽ bị ảnh hưởng tâm lý không hề nhỏ. Hai con tôi theo học tại trường này đã lâu, nay phải đi học nơi khác, làm cha mẹ không bao giờ muốn thế nhưng việc nhà trường không muốn chia sẻ vài phần trăm học phí đã vô tình làm “đứt” đi sợi dây gắn kết của các con tôi với các bạn nó, giữa gia đình tôi với nhà trường bao lâu nay.”.

Nhà trường “bất nhất” trong điều khoản cam kết với phụ huynh?

Chị Vũ Thị Nhàn, môt phụ huynh cho biết: “Tôi chỉ mong muốn nhà trường giảm học phí, ví dụ đang là tăng 15%, có thể giảm xuống 10% hoặc 12%, thì phụ huynh vẫn cố gắng. Chỉ mong nhà trường chia sẻ chút gánh nặng khó khăn trong quá trình nhiều năm nay gắn bó với trường khi mà gia đình tôi có tới 3 con theo học.”. 

Anh Nguyễn Lê Hiếu cho biết, sau khi một số nhóm đại diện PHHS lên kiến nghị vừa qua, vẫn nhận được câu trả lời vô cảm của đại diện nhà trường là: “Chúng tôi đã có lộ trình phát triển và tăng học phí, không vì dịch bệnh mà chúng tôi thay đổi lộ trình”. Do đó, các PHHS đã tiếp tục gửi đơn cứu xét đến Bộ GD-ĐT, UBND TP Hồ Chí Minh và Sở GD-ĐT thành phố.

Trước đó, theo thông báo của Trường quốc tế Á Châu, học phí năm học 2021 - 2022 từ lớp 1 - 5 tăng 15%, lớp 6 - 7 tăng 14%, lớp 8 tăng 13%, lớp 9 tăng 12%, lớp 10 - 12 tăng 11%. 

Ghi nhận từ một số trường có yếu tố nước ngoài khác tại TP Hồ Chí Minh, nhiều trường cũng thông báo tăng học phí từ 3,7% – 11%. Như Trường quốc tế Mỹ (TAS) tăng 3,7% cho học phí của khối cao nhất, từ 632 triệu đồng lên 656. Ngoài học phí, phụ huynh phải đóng phí tuyển sinh, phí nhập học và không được hoàn lại vì bất kỳ lý do gì.

Tại Trường quốc tế TP Hồ Chí Minh (ISHCMC) học phí năm học 2021-2022 cao nhất là 821 triệu đồng, cao hơn 45 triệu đồng so với năm ngoái, ở cùng khối lớp, tăng gần 6%.

Còn Trường quốc tế Việt Úc (VAS), học phí năm học 2021-2022 từ lớp 1 - 12 từ gần 186 triệu đồng đến hơn 462 triệu đồng/năm. Đối với chương trình Cambridge quốc tế toàn phần mức học phí cao nhất là ở khối 12 là gần 497 triệu đồng/năm, tăng 52 triệu đồng so với năm ngoái, tương đương hơn 11%.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy, phụ huynh học sinh Trường quốc tế Á Châu phân trần: “Chúng tôi dù biết cho con theo học trường Quốc tế Á châu là một trường không phải trường Quốc tế thực sự. Trong danh sách trường Quốc tế mà Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết có giấy phép và được Sở này công bố trên trang Website của ngành cũng không có tên trường Quốc tế Á Châu. Có nghĩa chúng tôi biết, con mình đang theo học tại một trường chỉ có danh xưng “Quốc tế”. Nhưng chúng tôi chấp nhận vì chỉ với mong mỏi con mình được giỏi tiếng Anh, có được một môi trường học năng động, có thêm kiến thức kỹ năng sống, …tuy nhiên, sự “vô cảm” của nhà trường khiến chúng tôi thất vọng, cay đắng”.

Cũng theo chị Vũ Thị Nhàn, sở dĩ phụ huynh bức xúc vì cho rằng, nhà trường đã tăng với mức quá cao so với qui định của nhà nước. Ngoài ra, nhà trường đã “bất nhất” trong chính bản cam kết, thoả thuận với phụ huynhvề nguyên tắc tăng học phí. Theo đó, trong Bản “Qui định nhập học” năm học 2021-2022, điều 09 ghi rõ: “học phí có thể tăng hàng năm, mức tăng cụ thể tuỳ vào sự biến động kinh tế, lạm phát hoặc chính sách của Nhà nước...”. 

Chị Nhàn phân tích, theo điều khoản cam kết trên, rõ ràng dù ảnh hưởng của dịch COVID, nhưng nền kinh tế trong nước không xảy ra lạm phát, cớ sao nhà trường tăng học phí lên cao!. Mức học phí nhà trường đưa ra cho năm học 2021-2022 đã tăng gần 20% so với năm 2020-2021. Chưa kể việc tăng học phí thông báo đột ngột, làm toàn thể PH không kịp chuẩn bị khi nhận được thông báo vào ngày 7/5/2021 là thời điểm cuối năm học, phụ huynh cũng không kịp có phương án thay đổi trường cho con.

Được biết, theo văn bản số 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16/4/2021 của Bộ GD-ĐT gửi UBND tỉnh, TP và các cơ sở GD- ĐT, trong đó có trường Quốc tế Á châu về việc đề nghị chỉ đạo và quán triệt thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2021-2022 ổn định, không tăng so với năm học 2020-2021 được qui định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Đây không phải lần đầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra “xung đột” giữa phụ huynh với trường quốc tế, mà vào tháng 5/2020, khoảng 200 phụ huynh học sinh Trường quốc tế Việt Úc (VAS) cũng tập trung trước cổng trường căng băng rôn để phản đối việc trường này thu học phí học trực tuyến năm học 2019 -2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh.

H.Nga-N.Cảnh

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Cao (SN 1962), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng 767 (địa chỉ tại số 670 đường Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh) và 2 nhân viên công ty này về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 4 bị can là nhóm thiếu niên trú tại tỉnh Thái Nguyên có hành vi dùng kiếm chặt biển số xe máy, cướp tài sản trên địa bàn.

Chiến thắng của ông Donald Trump trên đường đua trở lại Nhà Trắng những ngày qua được giới chuyên gia nhận định là vô cùng ngoạn mục. Vẫn với khẩu hiệu "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông Donald Trump giành được sự ủng hộ lớn từ người dân xứ cờ hoa. Tuy nhiên, khi tiếp tục những chính sách gắn với khẩu hiệu này thì các “điểm nóng” khác của thế giới có sự can thiệp của Washington sẽ tăng hay hạ nhiệt?

Trong quá trình điều tra, truy tố và trước khi đưa vụ án ra xét xử, các cơ quan tố tụng đã nhiều lần thông báo cho các bị hại đến cung cấp thông tin về vụ việc và số tiền bị thiệt hại. Đồng thời thông tin công khai về số tài sản kê biên, phong tỏa để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của Trương Mỹ Lan và đồng phạm ngay từ khi kết thúc điều tra.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文