Không biên soạn sách giáo khoa, 16 triệu USD sẽ được sử dụng thế nào?

08:48 03/12/2019
Cùng với việc thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) mới, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến thông tin trong khoản 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có hơn 16 triệu USD để Bộ GD&ĐT biên soạn SGK.


Tuy nhiên, trong 5 bộ SGK lớp 1 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, không có bộ nào của Bộ GD&ĐT. Vậy số tiền 16 triệu USD đó đi đâu và sẽ được sử dụng vào những việc gì là câu hỏi đang được dư luận được đặt ra.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT cho biết: Kinh phí đầu tư cho dự án đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD, tương đương khoảng 1.800 tỷ đồng. Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ WB và 3 triệu USD vốn đối ứng. Dự án được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ năm 2016 và kết thúc vào năm 2020. Trong số này, khoảng 16 triệu USD dành để biên soạn bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện, dù Nghị quyết 88/2014/QH13 nói rõ chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK. 

Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ sử dụng một phần kinh phí từ việc biên soạn SGK để hỗ trợ sách cho học sinh vùng khó. (Ảnh minh họa)

Trong quá trình triển khai, dù Bộ GD&ĐT đã thông báo để tuyển các chủ biên, tác giả, biên tập viên nhằm thực hiện biên soạn một bộ SGK nhưng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Trong khi đó, các nhà xuất bản đã chuẩn bị, hình thành được một số bộ SGK lớp 1 và các lớp sau. Do đó, Bộ GD&ĐT đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ không sử dụng ngân sách Nhà nước biên soạn một bộ SGK, tức Bộ GD&ĐT không biên soạn bộ sách nữa.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, 16 triệu USD ban đầu được thiết kế dành cho việc tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ GD&ĐT, đồng thời để biên soạn SGK song ngữ tiếng dân tộc thiểu số; dịch một số SGK sang chữ nổi Braille phục vụ cho học sinh khiếm thị... Khi không sử dụng ngân sách Nhà nước để biên soạn một bộ SGK của bộ thì tiết kiệm phần lớn trong khoản này. 

“Để đổi mới chương trình phổ thông, ngoài kinh phí dành cho biên soạn SGK còn một loạt công việc khác liên quan như biên soạn tài liệu; tập huấn gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; hỗ trợ các vùng khó khăn. Hiện trong thiết kế của dự án đã có kinh phí nhưng không đủ. Do vậy, Bộ GD&ĐT cần đàm phán để tăng cường thêm kinh phí sử dụng, nhất là hỗ trợ cho các vùng khó khăn” - ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, hiện Bộ GD&ĐT đang “tái cấu trúc” kinh phí 16 triệu USD này. Bởi nếu trả lại số tiền này thì tới đây vẫn phải dùng ngân sách để chi cho một loạt hoạt động nói trên... Trước đây, việc mua sách cho vùng khó khăn được chi với khoản 4,5 triệu USD. Số tiền này chỉ mua sách lớp 1 đã chiếm phần lớn và chỉ còn lại một phần nhỏ để mua sách lớp 2. Nhưng nếu thiết kế lại khoản vay 16 triệu USD, dự án có thể đề nghị trang bị thêm SGK cho thư viện vùng khó khăn từ lớp 1, 2 và lớp 6.   

Việc Bộ GD&ĐT dự kiến “tái cấu trúc” kinh phí 16 triệu USD từ việc biên soạn SGK đang tạo ra những luồng ý kiến trái chiều từ dư luận. Có ý kiến nghi ngại rằng, liệu nguồn kinh phí này có “đến đúng địa chỉ” hay lại có nguy cơ thất thoát, gây lãng phí? 

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế-tài chính cấp cao, Học viện Tài chính cho rằng: Về nguyên tắc, không thể có chuyện đơn vị được cấp vốn sử dụng các khoản vay ODA, đặc biệt là của WB để sử dụng một cách tự do theo ý thích của mình. 

Lý do là họ không cấp nguyên cả một cục tiền cho chúng ta dùng mà yêu cầu dùng như thế nào, dùng việc gì, tiến độ ra sao mới cấp tiếp kinh phí giải ngân cho các giai đoạn tiếp theo. 

Trong trường hợp, số vốn vay sử dụng không hết khi triển khai dự án, muốn chuyển đổi mục đích sử dụng, đơn vị sử dụng vốn phải có giải trình đề nghị Chính phủ và WB cho phép thay đổi mục đích sử dụng và chỉ có thể được tiến hành khi Chính phủ và WB đồng ý. 

“Việc Bộ GD&ĐT dự định tái cấu trúc nguồn vốn vay ODA của WB chuyển từ việc biên soạn SGK sang phục vụ các mục đích khác như tập huấn giáo viên, hỗ trợ SGK cho học sinh vùng khó có thể thực hiện được nếu Chính phủ và WB đồng ý” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Trước lo ngại của dư luận về việc nguồn vốn ODA cho các dự án nói chung, dự án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói riêng liệu có bị thất thoát, gây lãng phí hay không? Có cần thêm sự giám sát để đảm bảo khách quan, minh bạch? 

Về vấn đề này, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Riêng với nguồn vốn ODA của WB, việc xét duyệt cũng như sử dụng đã phải tuân thủ các yêu cầu về công khai, minh bạch rất chặt chẽ. Thực tế cho thấy, trong các dự án sử dụng nguồn vốn ODA nói chung, nguồn vốn của WB nói riêng, kinh phí tài trợ cũng như quy trình thực hiện được quy định tương đối chặt chẽ trong hiệp định. 

Kinh phí được dùng vào mục đích gì, giải ngân thế nào, phương án trả nợ ra sao đều được Chính phủ Việt Nam và WB thống nhất trước khi dự án được thông qua. Sau đó, đơn vị thực hiện phải bàn bạc với nhà tài trợ về các cấu phần, chi tiêu khoản gì, bao nhiêu và tất cả những điều khoản cụ thể này đều được công khai trong hướng dẫn thực hiện dự án. 

Quá trình thực hiện sẽ giải ngân từng hạng mục cụ thể. Việc rút vốn được thực hiện theo quy trình, quy định của pháp luật với sự phê duyệt của Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới.

Đồng quan điểm trên, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Việc Bộ GD&ĐT đưa ra kế hoạch sử dụng16 triệu USD như vậy cũng là bình thường. Lý do là khi mục tiêu và các hoạt động của dự án thay đổi thì buộc phải điều chỉnh lại hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế với sự đồng ý của các nhà tài trợ. 

Tuy vậy, ông Vinh cũng cho rằng, để tránh dư luận không tốt, Bộ GD&ĐT cần công khai, minh bạch thông tin, cũng như rút kinh nghiệm khi thiết kế dự án. 

Theo ông Vinh, các NXB nói chung nên tự bỏ tiền thuê chuyên gia biên soạn SGK bằng chính vốn của mình. Đây là hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường, không nhất thiết dự án phải chi trả hỗ trợ. Thay vào đó, dành nguồn lực để tập huấn cho giáo viên, đặc biệt là hỗ trợ SGK và thư viện cho học sinh vùng khó sẽ thiết thực và hợp lý hơn.

Huyền Thanh

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文